Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/6/2015

  • |
T5g.org.vn - Lập phòng khám riêng cho những người về từ vùng có dịch MERS-CoV; Đức: Một trường hợp tử vong do MERS-CoV; Hàn Quốc tiến hành điều trị huyết tương trên bệnh nhân MERS; Lãnh đạo Bộ Y tế chúc mừng Báo GĐ&XH nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam…

Lập phòng khám riêng cho những người về từ vùng có dịch MERS-CoV

Thông tin trên được Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê đưa ra tại cuộc họp bàn về các giải pháp phòng, chống dịch MERS-CoV trong bệnh viện (BV) tổ chức ngày 16-6 tại Bộ Y tế. 
Theo ông Lương Ngọc Khuê, các BV cần lập phòng khám riêng các trường hợp có tiền sử đi từ vùng có dịch với các triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt…), tránh để người bệnh đi lại nhiều nơi trong BV. 
Tại buồng khám riêng biệt, nhân viên y tế phải khai thác các yếu tố dịch tễ của người bệnh đã từng sinh sống hoặc đến từ các nước vùng Trung Đông như: Ả rập Xê út, Qata, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Oman, Yemen, Kuwait, Lebenon, Jordan, Iran, Bahrain... và Hàn Quốc. Nếu phát hiện ca nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp tính do MERS-CoV cần cách ly tạm thời, thông báo khẩn cho y tế dự phòng lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương hoặc Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh để chẩn đoán kịp thời. 
Để kịp thời cách ly điều trị bệnh nhân nghi ngờ mắc MERS-CoV trong BV, Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh phối hợp với Cục Y tế dự phòng tổ chức 5 lớp tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm MERS-CoV trong cơ sở khám chữa bệnh. 
Bên cạnh đó, Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ chỉ đạo BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV trung ương Huế, BV Nhiệt đới trung ương, BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh tổ chức một số lớp đào tạo chuyên sâu về hồi sức cấp cứu như: lọc máu, chạy thận nhân tạo... cho các cán bộ y tế. 
Dự kiến lớp đầu tiên sẽ được tổ chức vào ngày 17-6 tại Thái Nguyên với 200 học viên. Cục Quản lý khám chữa bệnh tiếp nhận phản ánh về dịch bệnh này thông qua số điện thoại đường dây nóng: 0984371919 và qua website www.kcb.vn. (Thanh niên, Lao động, Công an Nhân dân, Nhân dân, Hà Nội mới trang 1)

Đức: Một trường hợp tử vong do MERS-CoV

Hãng tin AFP ngày 16-6 dẫn lời Bộ Y tế bang Hạ Saxony của Đức xác nhận, một người đàn ông 65 tuổi ở nước này đã tử vong hôm 6-6 do bị biến chứng sau khi mắc Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV) trong chuyến đi tới Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) hồi tháng 2 năm nay. Người đàn ông nằm điều trị tại Bệnh viện Ostercappeln phía tây nước Đức là ca nhiễm MERS-CoV đầu tiên tại Đức trong năm nay.

Ngày 16-6, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã tới thăm một trường tiểu học ở phía nam thủ đô Seoul vừa được mở trở lại sau khi phải đóng cửa một tuần do lo ngại sự lây lan của MERS-CoV. Ngôi trường này nằm gần Trung tâm Y tế Samsung, một trong những nguồn lây nhiễm chính của dịch MERS-CoV tại Hàn Quốc. Đây là động thái mới nhất trong nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc nhằm làm dịu mối lo của người dân về MERS-CoV, đã làm 19 người thiệt mạng, 154 người lây nhiễm và 5.586 người phải cách ly do nghi lây nhiễm ở nước này. 
Cũng trong ngày 16-6, nội các Hàn Quốc đã cho phép sử dụng các quỹ dự phòng cho hoạt động khắc phục hậu quả của MERS-CoV. Bộ Tài chính Hàn Quốc thông báo 50,5 tỷ won (45,2 triệu USD) đã được thông qua để chính phủ mua các trang thiết bị cần thiết và hỗ trợ cho các nhân viên y tế tham gia chống dịch. (Hà Nội mới trang 8)

Dân phố Hàn 'không biết gì' về dịch MERS - CoV

Tại TPHCM, từ nhiều năm nay, người Hàn Quốc thường chọn khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất, Q.Tân Bình, làm ăn sinh sống. Trước tình hình dịch MERS-CoV vẫn đang lây lan tại Hàn Quốc và nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, phóng viên Tiền Phong đã có khảo sát nhỏ tại những khu vực tập trung khá dày người Hàn Quốc tại P.2 và P.4, Q.Tân Bình vào chiều 16/6.

Tại một cửa hàng bán quần áo bảng hiệu tiếng Hàn trên đường Nguyễn Trọng Lội, khi được hỏi về bệnh MERS-CoV, nhân viên bán hàng đều tỏ ra ngơ ngác, thậm chí hỏi lại “chữ gì mà lạ tai thế”. Một chủ quán cà phê cạnh đó cũng cho biết chả thấy phường, khu phố thông tin gì liên quan đến MERS-CoV.

Rất e dè khi biết chúng tôi là phóng viên, sau nhiều lần từ chối trả lời, ông Hong Jin Seong - chủ cửa hàng cung cấp thực phẩm Hàn Quốc Mi-re trên đường Hậu Giang - cho biết: “Cái này (MERS-CoV) chỉ có ở Hàn Quốc, ở đây không có đâu”. Các nhân viên người Việt của ông cũng không biết gì về dịch bệnh này dù mỗi ngày có thể tiếp xúc đến vài chục khách Hàn Quốc. Cũng trên con phố này, chúng tôi vào quan sát bên trong tiệm cắt gội Quê Hương, thấy có đến 5-6 người đàn ông Hàn Quốc được vây quanh bởi hàng chục tiếp viên massage, gội đầu… Cô quản lý lắc đầu nguầy nguậy “không có biết gì đâu”. Tình trạng “ngơ ngác” trước dịch bệnh như thế cũng xảy ra tương tự tại khu vực đường Thăng Long, nơi cũng có nhiều cửa tiệm Hàn Quốc.

Văn bản luôn “đi trước”

Ông Trần Ngọc Nam - Trưởng phòng y tế Q.Tân Bình - cho biết, UBND quận đã có công văn chỉ đạo tăng cường phòng chống dịch MERS-CoV trên địa bàn. Đặc biệt, lưu ý các phường 1, 2, 3, 4, khu vực quanh sân bay - nơi có nhiều khách sạn, cơ sở làm ăn, khu vực có nhiều người Hàn Quốc sinh sống… cần tăng cường truyền thông, phổ biến cho người dân các biện pháp phòng chống, thông tin liên quan đến MERS-CoV. Về tình hình phòng chống dịch tại các địa điểm nóng trên phố Hàn, ông Nam đề nghị chúng tôi trao đổi thêm với ngành y tế dự phòng.

Khi chúng tôi nêu thực trạng người dân còn mơ hồ về thông tin đến MERS - CoV tại phố Hàn, bác sĩ Trần Quang Minh - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Q.Tân Bình cho rằng, người dân thường quá lo làm ăn, không chịu để ý, chỉ khi có ca bệnh rồi mới quan tâm. “Tuần tới, chúng tôi sẽ phải tăng cường xe phát thanh lưu động, tờ rơi, băng rôn, banner để tạo sự quan tâm của người dân hơn ở các khu vực này”, ông Minh nói.

Về công tác giám sát, theo ông Minh do số người Hàn Quốc sinh sống, làm ăn luôn biến động, thường xuyên di chuyển do việc kinh doanh, nên không thể nắm được số lượng người Hàn Quốc đang lưu trú tại đây. Vừa qua, chỉ có vụ 4 người Việt Nam làm chung một công ty đóng trên địa bàn quận đi từ vùng dịch về. Công ty này lại tổ chức vệ sinh khử khuẩn khiến nhiều nhân viên khác hoang mang phản ánh đến báo chí. Tuy nhiên, cả 4 người này đều không có dấu hiệu sốt, sức khỏe tốt.

Ông Minh cũng cho rằng, có thể những người buôn bán tại các cửa tiệm, cơ sở kinh doanh mà chúng tôi ghi nhận không gắn liền với địa phương nên không biết khu phố, trạm y tế phổ biến gì về MERS-CoV.

Từ đầu tháng 6 đến nay, UBND TPHCM đã liên tục có 2 văn bản chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với sở ngành, quận huyện thực hiện đúng theo nội dung các công điện chỉ đạo tăng cường phòng chống MERS-CoV của Bộ Y tế rồi Thủ tướng Chính phủ.

Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết đã tổ chức lớp tập huấn về MERS-CoV cho các thành viên thuộc đội cơ động chống dịch. Qua tập huấn các nhân viên y tế được trang bị kiến thức và kỹ năng kiểm soát MERS-CoV xâm nhập, cũng như cách phát hiện và cách ly sớm ca bệnh đầu tiên, giám sát dịch tễ những người tiếp xúc… (Tiền phong trang 15)

Hàn Quốc tiến hành điều trị huyết tương trên bệnh nhân MERS

Sức khỏe của 2 bệnh nhân MERS đã hồi phục sau khi được truyền huyết tương từ 2 bệnh nhân khác bị nhiễm MERS đã khỏi bệnh.

Hàn Quốc - nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á tiếp tục vật lộn với Hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (MERS) bằng cách sử dụng một thủ thuật không còn mới lạ để điều trị căn bệnh mới này: đó là phương pháp điều trị huyết tương.

Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc cho biết sức khỏe của 2 bệnh nhân MERS đã hồi phục sau khi được truyền huyết tương từ 2 bệnh nhân khác bị nhiễm MERS đã khỏi bệnh.

Hàn Quốc đã chứng kiến tỷ lệ nhiễm diễn ra từ từ trong các bệnh nhân tại bệnh viện bị nhiễm MERS nhưng số ca mắc tiếp tục tăng lên 154. Theo hãng tin YTN của Hàn Quốc, 19 người đã tử vong.

Liệu pháp sử dụng huyết tương của người đang hồi phục liên quan đến việc truyền máu. Liệu pháp thay thế này đã được sử dụng rộng rãi cho đến tận đầu thế kỷ 20, trước khi vắc-xin và kháng sinh trở nên phổ biến.

Kwon Jun-wook, người đứng đầu cơ quan y tế công cộng tại Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết thử nghiệm đang được tiến hành dù với bằng chứng lâm sàng chưa đầy đủ. Liệu pháp này đã giúp giảm tỷ lệ tử vong khoảng 23% cho bệnh nhân SARS trong quá khứ, mang lại tia hy vọng cho cộng đồng đang lo sợ MERS ở Hàn Quốc.

Theo BBC, liệu pháp này cũng chứng tỏ có hiệu nghiệm với bệnh nhân Ebola, và cơ quan y tế Hàn Quốc cũng đang thử nghiệm phương pháp này cho căn bệnh hiện không có cách chữa hay vắc-xin phòng bệnh.

Hiện tại, ở Hàn Quốc, người dân đang lan truyền đủ cách phòng ngừa MERS kiểu "lang băm". Chẳng hạn như các thầy cô giáo rắc muối trên sân trường nhằm bảo vệ trường học khỏi MERS nhưng phương pháp này không hề có tác dụng đối với virus MERS đang lây lan.

Hôm 16.6, truyền thông Đức đưa tin một người đàn ông 65 tuổi người Đức đã chết vì MERS ở thành phố Osnabruck, thuộc tây bắc nước Đức.

Tại Hàn Quốc, MERS bắt đầu lây lan nhanh sau khi một người đàn ông 68 tuổi trở về nhà từ Trung Đông vào tháng 5. BBC đưa tin khoảng 36% số người mắc bệnh MERS đã chết. (Sức khỏe & Đời sống, Tiền phong trang 12)

Lãnh đạo Bộ Y tế chúc mừng Báo GĐ&XH nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

 Nhân kỷ niệm 89 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, sáng 19/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cùng lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Bộ đã tới chúc mừng tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên Báo GĐ&XH.

Chia sẻ cùng lãnh đạo, cán bộ, phóng viên báo GĐ&XH, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn trân trọng cảm ơn Báo GĐ&XH trong thời gian qua đã sát cánh cùng ngành Y tế, có những đóng góp quan trọng trong việc chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Bộ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng đánh giá cao định hướng phát triển của Báo trong thời gian qua, hoan nghênh nỗ lực cải tiến về nội dung cũng như hình thức trình bày trên cả hai tờ báo GĐ&XH (báo in) và báo điện tử Giadinh.net.vn.

"Là tờ báo của Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế, nhưng Báo GĐ&XH đã không chỉ kịp thời chuyển đến bạn đọc những thông tin của ngành Dân số, Y tế một cách chính xác nhất, mà còn có rất nhiều nội dung khác rất phù hợp với đối tượng độc giả mà Báo hướng đến, xứng đáng là "Tờ báo của mọi gia đình" - Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn chia sẻ.

Thứ trưởng chúc Báo GĐ&XH sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, cải tiến nội dung, đồng hành cùng ngành Y tế trong các sự kiện, hoạt động để truyền tải tới độc giả những thông tin thời sự, chính xác, hữu ích nhất, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trân trọng cảm ơn sự đánh giá cao và những lời chúc tốt đẹp của lãnh đạo Bộ Y tế, TS Lê Cảnh Nhạc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, Tổng biên tập Báo GĐ&XH cho biết: Hiện nay, với nhân lực 85 cán bộ, phóng viên, công nhân viên, Báo GĐ&XH có 7 ấn phẩm, hoạt động theo phương thức tự chủ. Báo cũng đã và đang nỗ lực hết mình  chuyển đổi dần sang hướng tòa soạn hội tụ để phù hợp với xu hướng báo chí hiện đại, phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin của đông đảo bạn đọc.

TS Lê Cảnh Nhạc cũng chia sẻ: Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế, Báo GĐ&XH đã phát động chương trình "Cùng ngư dân bám biển" và đã tiếp nhận được hơn 260 triệu đồng. Chương trình tiếp tục triển khai và kêu gọi các  cá nhân, đơn vị, tổ chức hảo tâm trong và ngoài nước tiếp tục đóng góp cho chương trình, nhằm trang bị tủ thuốc cho các tàu cá của ngư dân ngoài biển xa. (Gia đình & Xã hội trang 12)

Tiếp tục nỗ lực xứng đáng là Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015), ngày 16/6, PGS.TS. Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cùng các đồng chí lãnh đạo một số vụ, cục, đơn vị Bộ Y tế đến chúc mừng tập thể phóng viên, biên tập viên báo Sức khỏe&Đời sống.

Thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đã chúc mừng TTƯT.BS. Trần Sĩ Tuấn - Tổng biên tập và tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống. Thứ trưởng đánh giá cao sự phát triển của tờ báo thời gian qua đã đồng hành cùng Bộ Y tế trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách cũng như mang lại nhiều thông tin thiết thực cho bạn đọc trong các lĩnh vực y tế, xã hội.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng mong muốn báo tiếp tục phát huy truyền thống, xây dựng tờ báo ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các hoạt động của ngành, các vấn đề liên quan đến ngành đang được xã hội quan tâm như đẩy mạnh công tác tuyên truyền về y tế biển đảo; về Luật BHYT sửa đổi, bổ sung trong đó nhấn mạnh vào những điểm mới như: Quy định bắt buộc tham gia BHYT, khuyến khích người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình; thí điểm đổi mới cơ chế tài chính; tăng cường y tế cơ sở, giảm quá tải bền vững lồng ghép với mô hình bác sĩ gia đình... với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thay mặt tập thể báo Sức khỏe&Đời sống, Tổng biên tập Trần Sĩ Tuấn trân trọng cảm ơn đồng chí Thứ trưởng và lãnh đạo các vụ, cục đã đến chia vui với báo nhân dịp Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Tổng biên tập cũng cho biết, mặc dù nằm trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước cũng như khó khăn riêng của báo chí, nhưng báo Sức khỏe&Đời sống vẫn nỗ lực đoàn kết để vượt qua khó khăn vừa xây dựng, phát triển các ấn phẩm của báo, vừa làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền để nhân dân, bạn đọc hiểu rõ hơn về ngành. Tổng biên tập Trần Sĩ Tuấn hứa với lãnh đạo Bộ, đồng chí Thứ trưởng sẽ cùng tập thể báo xây dựng tờ báo ngày càng phát triển hơn nữa, xứng đáng với vai trò là Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế - Diễn đàn vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe toàn dân. (Sức khỏe & Đời sống trang 2)

20.000 tỷ đồng cho giảm tải, phát triển các bệnh viện tuyến TW, tuyến cuối

 Đây là số kinh phí mà BIDV sẽ dành để giảm tải và phát triển các bệnh viện trung ương và địa phương thông qua chương trình hỗ trợ tín dụng. Bên cạnh đó, BIDV cũng sẽ dành nguồn vốn tín dụng với quy mô 200 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để cho vay các y bác sĩ tham gia các chương trình đào tạo ch

Chiều ngày 15/6, tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã diễn ra lễ công bố chương trình hỗ trợ tín dụng giảm tải và phát triển các bệnh viện trung ương và địa phương; ký kết thoản thuận hợp tác triển khai chương trình tín dụng dành cho y tế giữa BIDV và Bộ Y tế

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đinh Văn Cương, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước, ông Trần Bắc Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng BIDV cùng các đồng chí lãnh đạo vụ/cục trực thuộc Bộ Y tế; lãnh đạo một số UBND tỉnh, lãnh đạo các BV tuyến TW và địa phương; lãnh đạo ngân hàng BIDV tham dự lễ ký kết.

Theo ông Trần Bắc Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng BIDV, xuất phát từ nhu cầu cấp bách nhằm giải quyết bài toán giảm tải cho hệ thống bệnh viện của Bộ Y tế và chủ trương đột phá ba mũi chiến lược của ngành y tế, BIDV đã chủ động phối hợp với Bộ Y tế đề xuất, xây dựng Chương trình tín dụng dành cho Y tế, thực hiện chủ trương xã hội hóa cho việc đầu tư nâng cấp, đổi mới cơ sở vật chất cũng như nâng cấp trang thiết bị cho ngành y tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. “Tôi đã từng có lúc mang bệnh nặng, sức khỏe suy sụp, nhưng nhờ các thầy thuốc của chúng ta có chuyên môn cao, tay nghề giỏi đã giúp tôi vượt qua bạo bệnh. Có được sức khỏe như bây giờ, tôi càng thấy giá trị của ngành y và thấy mình cần chung tay với ngành y tế trong việc thực hiện giảm tải bệnh viện”- ông Trần Bắc Hà chia sẻ.

Được biết, số kinh phí trên sẽ được dành để ưu tiên: Đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu các máy móc/thiết bị y tế tiên tiến phục vụ khám chữa bệnh chuyên khoa/cao cấp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Đầu tư mới, cải tạo mở rộng và hiện đại hóa cơ sở khám chữa bệnh của các bệnh viện. Giảm tải cho các bệnh viện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao (>120%) thuộc tuyến trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh xuống dưới 100%.

Chương trình tín dụng này được áp dụng theo nguyên tắc tín dụng thương mại có hoàn trả nhằm hỗ trợ nguồn lực tài chính để đẩy nhanh tiến độ triển khai các mục tiêu của Nghị quyết số 93 (Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế) với lãi suất cho vay ưu đãi hợp lý, thời gian vay dài tối đa lên tới 20 năm.

“Thời gian triển khai Chương trình diễn ra từ 15/6/2015 đến hết ngày 31/05/2022. Với quy mô chương trình lên đến 20.000 tỷ đồng nhưng theo nguyên tắc quay vòng vốn, do đó sẽ có nhiều dự án được sử dụng vốn từ chương trình và thời gian thực tế triển khai lên tới gần 30 năm”- ông Hà thông tin.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, giảm tải bệnh viện để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám và điều trị của người dân là mục tiêu quan trọng đã được Bộ Y tế đặt ra trong nhiều năm qua. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bộ Y tế đã và đang tập trung kết hợp nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách tài chính y tế. Trong điều kiện nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hạn chế, giải pháp huy động các nguồn lực từ xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hợp tác về quản lý, nâng cao chất lượng của hệ thống y tế đang được kỳ vọng sẽ mang lại những tín hiệu khả quan…

Bộ trưởng cũng cho biết, thực hiện Nghị quyết 93/NQ-CP cũng như các chỉ đạo của Thủ tướng liên quan đến Đề án giảm quá tải bệnh viện, Bộ Y tế đã chủ động làm việc với các tổ chức quốc tế và các ngân hàng trong nước để trao đổi, tìm kiếm giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư cho y tế…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, chương trình tín dụng đầu tư dành cho ngành y tế của ngân hàng BIDV là sự khởi đầu mới, thúc đẩy hoạt động đầu tư phát triển đa dạng các loại hình cung cấp dịch vụ cho ngành y tế nhằm thực hiện chủ trương tăng cường xã hội hóa, đẩy mạnh hợp tác công tư của Chính phủ.

Mục tiêu của chương trình này là các bệnh viện vay vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hai, xây dựng những bệnh viện hiện đại đạt tiêu chuẩn; các bệnh viện vệ tinh mua trang thiết bị để thực hiện các kỹ thuật đã được các bệnh viện hạt nhân chuyển giao, đưa dịch vụ về gần dân để người dân được thụ hưởng, giảm tải tuyến trên, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

“Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Tài chính ban hành giá dịch vụ tính đủ chi phí, bao gồm cả khấu hao để các bệnh viện vay vốn có nguồn trả nợ, các bệnh viện có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói. (Công an Nhân dân, Gia đình & Xã hội, Sức khỏe & Đời sống trang 2)

Trẻ tử vong tại Bến Tre: Không liên quan đến tiêm chủng

Chiều 16/6, Cục Y tế dự phòng cho biết, ngày 14/6, ghi nhận một trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B ở bé trai gần 2 ngày tuổi tại xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bến Tre, trẻ được tiêm vắc xin viêm gan B lúc 10 giờ ngày 13/6/2015 tại Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu. Cán bộ tiêm chủng tại bệnh viện đã thực hiện đúng các quy định về tổ chức tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế. Trẻ được tiêm theo đúng quy trình tiêm chủng, được theo dõi 30 phút sau tiêm, được tư vấn chăm sóc trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng.

Theo thông tin từ gia đình trẻ, sau tiêm trẻ có biểu hiện bình thường, khoảng 2 giờ sau thấy có biểu hiện quấy khóc, bú ít, gia đình trẻ không thông báo cho cán bộ t tế. Tới 19 giờ 40 cùng ngày, trẻ có dấu hiệu tím tái nhẹ, khó thở và được chuyển tới phòng hồi sức cấp cứu khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu. Tại đây, trẻ được khám và xác định trong tình trạng sốc nhiễm trùng, theo dõinhiễm trùng huyết. Mặc dù được các bác sĩ cấp cứu hồi sức tích cực tuy nhiên bệnh nhi vẫn diễn tiến nặng và tử vong lúc 0h30 ngày 14/6/2015.

Cùng ngày tiêm chủng vắc xin viêm gan B tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, có 16 trẻ được tiêm cùng lô vắc xin viêm gan B, ngoài trẻ tử vong nêu trên các trẻ còn lại đều bình thường.

Ngay sau khi xảy ra trường hợp tai biến nêu trên, Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế tỉnh Bến Tre đã tiến hành điều tra và tổ chức họp ngày 16/6/2015 với sự tham gia của các thành viên trong Hội đồng, chuyên gia Viện Pasteur TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng 1 để đánh giá toàn bộ quy trình tiêm chủng, nguyên nhân tử vong của trẻ.

Sau khi tổng hợp, phân tích, đánh giá, Hội đồng đã thống nhất kết luận: trẻ tử vong do sốc nhiễm trùng - nhiễm trùng huyết giai đoạn chu sinh, không liên quan tới tiêm chủng. (Nhân dân, Lao động, Gia đình & Xã hội, Sức khỏe & Đời sống trang 2)

Cứu sống bé 3 tuổi bị dao đâm vào đầu

Sáng 16/6, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM cho biết nơi đây vừa phẫu thuật cứu bệnh nhi 3 tuổi (ngụ tỉnh Bình Phước) bị dao xuyên thấu vào đầu. Trước đó, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đau đớn, trên đầu có con dao cắm dính chặt.

Các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã xử trí cấp cứu, thận trọng đưa em vào phòng mổ, nhẹ nhàng lấy dao ra và cầm máu, xử lý các tổn thương trong não.

Rất may, mũi dao xuyên thấu não vùng thái dương khoảng 1 cm, không cắt đứt các mạch máu lớn. Hiện sức khỏe bé đã hồi phục, ngồi dậy, ăn uống bình thường.

Trước đó, lúc cha mẹ đi làm, bé lớn 6 tuổi ở nhà trông em 3 tuổi. Khi đi làm về, hai vợ chồng hốt hoảng khi thấy tai nạn xảy ra với con.

Các bác sĩ khuyến cáo vào dịp hè, tai nạn rất dễ xảy ra với trẻ nhỏ. Với các vết thương do vật nhọn đâm xuyên vào cơ thể, người lớn đừng bao giờ vội vàng rút hung khí ra. Điều này chỉ có thể thực hiện ngay trong phòng mổ, khi các điều kiện cấp cứu đã sẵn sàng. (Gia đình & Xã hội trang 4)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang