Dịch bệnh do vi-rút Zika lan rộng
Theo Roi-tơ và TTXVN, số liệu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tại cuộc họp lần thứ 5 Ủy ban đặc biệt về vi-rút Zika ngày 18-11 cho thấy, có thêm 28 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới được ghi nhận xuất hiện các ca dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, được cho là liên quan vi-rút Zika. Hai nước mới nhất được nêu trong danh sách này là Ác-hen-ti-na và Oa-đơ-lúp, nâng tổng số các khu vực phát hiện vi-rút này lên 75 nước và vùng lãnh thổ. Căn cứ tốc độ lây lan của vi-rút Zika, Ủy ban khẩn cấp WHO sẽ xem xét khả năng gia hạn tình trạng khẩn cấp toàn cầu mà tổ chức này ban hành từ ngày 1-2 vừa qua, cũng như đưa ra những khuyến cáo mới.
* Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) công bố báo cáo khoa học về một mô hình thử nghiệm mới trên chuột giúp phòng và điều trị vi-rút Zika. Theo đó, thông qua quá trình nghiên cứu chủng chuột C57BL/6 dễ bị lây nhiễm vi-rút, các nhà khoa học có thể thử nghiệm hiệu quả của các loại vắc-xin, mở ra hy vọng sớm có phương pháp điều trị sự lây lan của dịch Zika trên người. (Nhân dân, trang 8).
Thêm tám người ở TP Hồ Chí Minh nhiễm vi-rút Zika
Đến thời điểm này, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 8 ca bệnh nhiễm vi rút Zika, nâng tổng số trường hợp ghi nhận lên 46. Theo dự đoán, số người nhiễm vi rút Zika trong cộng đồng ở TP Hồ Chí Minh tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh vừa ghi nhận thêm 8 ca bệnh Zika, nâng số người nhiễm vi rút Zika lên 46. Bình quân trước đây, mỗi tuần TP Hồ Chí Minh ghi nhận 5 ca nhiễm mới vi rút Zika, nhưng chỉ trong 3 ngày trở lại đây đã ghi nhận thêm 8 trường hợp. Đến thời điểm này, có 13 trong số 24 quận huyện của TP Hồ Chí Minh phát hiện có người nhiễm vi rút Zika, trong đó quận Bình Thạnh và quận 9 đang chiếm số người nhiễm cao nhất, hiện mỗi quận phát hiện 9 trường hợp dương tính với vi rút Zika.
Trung tâm Y tế dự phòng cho biết thêm, hiện chưa có khuyến cáo hạn chế đi đến những nơi có ca bệnh. Mọi người dân và đặc biệt các thai phụ cần chủ động phòng tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường sống và nơi làm việc. Do vi rút Zika lây qua đường muỗi vằn đốt, qua sinh hoạt tình dục và truyền máu. Để chủ động phòng chống lây lan, ngoài diệt muỗi, phòng tránh muỗi đốt, người dân trong vùng dịch cũng nên lưu ý áp dụng biện pháp ngăn ngừa lây lan qua đường tình dục bằng cách sử dụng bao cao su.
Người xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh Zika như sốt, nổi ban đỏ, viêm kết mạc, đau cơ có thể đến 30 bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh và các cơ sở y tế trên cả nước để lấy máu xét nghiệm tìm virus Zika miễn phí. (Hà Nội mới; Nhân dân; trang 5; Tiền phong, trang 10)
Hỗ trợ 150 triệu đồng cho bác sĩ làm việc ở vùng sâu
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hòa Hiệp vừa thống nhất với đề xuất của Sở Y tế tỉnh này về việc chi 100-150 triệu đồng/người để thu hút bác sĩ về công tác tại các xã vùng sâu của tỉnh này.
Bên cạnh đó các bác sĩ được hỗ trợ tiền thuê nhà bằng 0,7 lần mức lương tối thiểu; nữ được hỗ trợ thêm 0,7 lần mức lương tối thiểu. Đối tượng thu hút là bác sĩ chính quy, tốt nghiệp các trường đại học y dược. Bác sĩ làm việc tại tuyến xã lên 2,0 lần mức lương tối thiểu; nhân viên y tế khu phố, ấp lên 0,3 lần mức lương tối thiểu; mức hỗ trợ 1,5 lần mức lương tối thiểu đối với bác sĩ làm việc tại các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, bệnh viện đa khoa khu vực. (Pháp luật TPHCM, trang 13; Báo Sài Gòn giải phóng, taong 3)
50% kháng sinh được kê toa bất hợp lý
Ngày 17-11, tại buổi sinh hoạt khoa học chuyên đề “Mối nguy hiểm của kháng thuốc”, TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy TP.HCM, cho rằng tại các bệnh viện hiện nay có đến 50% kháng sinh (KS) được kê toa bất hợp lý.
Bất hợp lý bao gồm cả việc chọn sai KS cho người bệnh, cho uống KS liều cao quá mức. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc ngày càng phức tạp tại Việt Nam.
Cũng theo TS-BS Thảo, việc bán KS dễ dàng tại các cơ sở y tế, không kiểm soát được KS sử dụng trong chăn nuôi… là vấn đề lớn cho các tiến bộ y tế, gánh nặng cho xã hội. Do đó, cần áp dụng chặt việc sử dụng KS theo hướng dẫn từ ủy ban phòng, chống kháng thuốc. (Pháp luật TPHCM, trang 13).
BHYT bắt đầu thanh toán cho phòng khám bác sĩ gia đình
Ngày 18/11, Sở Y tế TPHCM tổ chức hội nghị quốc tế về bác sĩ gia đình lần 1. Theo báo cáo của sở, sau 2 năm triển khai, tại TPHCM đã có 224 phòng khám bác sĩ gia đình tại 20/23 bệnh viện quận huyện. Tại tuyến cơ sở, hiện có 191 trạm y tế phường, xã đã thành lập phòng khám bác sĩ gia đình. Ngoài ra, còn có 13 phòng khám bác sĩ gia đình thuộc khối tư nhân.
Ông Ngô Minh Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch - cho biết, dù mới thành lập 5 năm dưới sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia đến từ Bỉ, bộ môn Y học gia đình đã đạt được nhiều kết quả đáng kể trong đào tạo nhân lực, cũng như triển khai phòng khám bác sĩ gia đình cho các bệnh viện trong thành phố. Theo ông Xuân, y học gia đình là chìa khóa để cùng lúc giải quyết 2 vấn đề giảm chi phí y tế và giảm quá tải bệnh viện.
Đánh giá cao hiệu quả từ mô hình này, Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu cho rằng, muốn giảm quá tải bệnh viện thì cần phải giảm cung cấp dịch vụ y tế ở bệnh viện, tăng cung cấp dịch vụ y tế ở cộng đồng. “Đó là vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mạng lưới bác sĩ gia đình. Xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình là biện pháp căn cơ nhất để giải quyết tình trạng này”, bà Thu nói.
Theo Bộ Y tế, y học gia đình là chuyên khoa lâm sàng có định hướng dự phòng thông qua vấn đề khám tầm soát theo dõi các vấn đề sức khỏe cho các thành viên trong gia đình từ khi còn nhỏ cho đến cuối đời. Mô hình này đã được triển khai từ lâu ở các nước phát triển trên thế giới ngay từ những năm 1960. Từ năm 2000, Bộ Y tế đã cho phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa y học gia đình. Tính đến tháng 6/2016, cả nước đã có 336 phòng khám bác sĩ gia đình tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đáng chú ý, bảo hiểm y tế cũng đã bắt đầu thanh toán cho các phòng khám bác sĩ gia đình (Tiền phong, trang 10).
Hôn mê sâu vì ăn tiết canh nhiễm khuẩn
Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết vừa cứu sống một bệnh nhân bị hôn mê, suy đa tạng do nhiễm khuẩn máu nặng.
Bệnh nhân là Đinh Văn K. (41 tuổi, trú tại xã Dân Chủ, Hoành Bồ, Quảng Ninh) nhập viện ngày 26/10. Gia đình bệnh nhân cho biết, sau khi ăn tiết canh lợn anh K. bắt đầu thấy cơ thể có dấu hiệu khác lạ, sốt cao, tụt huyết áp, cứng cổ, không thể nói, không tự chủ hành vi và hôn mê...
Bác sĩ Lê Kỳ Trường, Trưởng khoa Hồi sức chống độc tích cực cho biết, đây là ca nhiễm khuẩn liên cầu lợn do ăn tiết canh. Bệnh nhân được cho thở máy, lọc máu liên tục, dùng kháng sinh loại mạnh, tích cực phục hồi chức năng các cơ quan trong cơ thể.
Trong quá trình điều trị, bác sĩ phải thay 10 lít huyết tương, làm mới máu, hồi sức cho gan, giảm yếu tố hôn mê cho não. Kết quả, sau 11 ngày điều trị liên tục bằng phác đồ hợp lý, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, có thể tự thở. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, có thể nói, đi lại... (Tiền phong, trang 10).
Việt Nam có trách nhiệm trong đảm bảo an ninh y tế
Việt Nam là nước thứ hai ở Tây Thái Bình Dương đã được WHO lựa chọn tổ chức đánh giá độc lập chung (JEE) việc thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) sau 9 năm Điều lệ có hiệu lực.
Kết quả chung về 19 lĩnh vực kỹ thuật thuộc bộ công cụ đánh giá thực hiện IHR của Đoàn công tác cho thấy Việt Nam đã thực hiện cam kết triển khai đầy đủ và duy trì, củng cố kết quả thực hiện IHR trong việc Phát hiện - Đáp ứng - Dự phòng các sự kiện y tế công cộng.
Đoàn công tác cũng đánh giá cao sự cam kết chính trị của Việt Nam trong triển khai chương trình an ninh y tế thông qua việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, triển khai các hoạt động cụ thể, phối hợp giữa Bộ Y tế với các bộ, ngành. Đoàn công tác khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành liên quan, tăng cường đầu tư tài chính, con người phục vụ công tác an ninh y tế để đảm bảo tính bền vững trong bối cảnh các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài có thể sẽ bị cắt giảm.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, kết quả đánh giá của Đoàn công tác toàn diện, phản ánh được thực trạng triển khai IHR của Việt Nam. Khi có báo cáo kết quả chi tiết, Bộ Y tế sẽ chia sẻ tới các bộ, ngành liên quan để khẳng định sự cam kết có trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện IHR đảm bảo an ninh y tế toàn cầu. (Công an Nhân dân, trang 1).
Bác sĩ lạm dụng kháng sinh - tử thần lơ lửng trên đầu người bệnh
Kê toa thuốc không hợp lý, không làm kháng sinh đồ khi hướng dẫn sử dụng thuốc cho người bệnh là tình trạng đang phổ biến đối với bác sĩ điều trị. Chưa hết, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, thậm chí bị các hãng dược “cầm tay” kê thuốc kháng sinh vô tội vạ đang đẩy bệnh nhân tiến gần đến cửa… tử thần! Đó là hồi chuông báo động mà các chuyên gia y tế gióng lên tại buổi hội thảo “Mối nguy hiểm của kháng thuốc” vừa diễn ra tại TPHCM.
Bệnh gì cũng… kháng sinh
Qua thực tế điều trị và tổ chức bình xét toa thuốc hàng tuần, TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TPHCM, cho biết hiện trong BV có khoảng 50% kháng sinh được bác sĩ kê toa bất hợp lý.
Nguyên nhân thì có nhiều nhưng theo TS Ngọc Thảo thì chủ yếu bác sĩ thiếu kiến thức hoặc xác định nhầm bệnh; điều trị kháng sinh đã bị đề kháng; điều trị kháng sinh không đủ liều; điều trị kháng sinh quá mức...
Nghiên cứu thực trạng kê toa, bà băn khoăn vì trong số các trường hợp sử dụng kháng sinh không hợp lý có 2 trường hợp chiếm tỷ lệ cao là bệnh nhân không nhiễm khuẩn hoặc không do vi khuẩn nhưng bác sĩ cũng chỉ định sử dụng kháng sinh, chiếm 32%.
Cao nhất trong việc sử dụng kháng sinh không hợp lý là trường hợp bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh kéo dài không cần thiết, chiếm 33%.
Khi đã kháng kháng sinh, cần có một kháng sinh khác thay thế nhưng theo TS Ngọc Thảo, tình trạng sản xuất kháng sinh mới trong những năm gần đây rất khan hiếm. Từ năm 2008 - 2011 chỉ sản xuất được 2 loại kháng sinh mới.
Theo TS Huỳnh Hiền Trung, Trưởng khoa Dược BV Nhân dân 115, hiện nay tình trạng bệnh nhân bị nhiễm khuẩn nặng đang có tốc độ gia tăng rất cao. Đây là một bệnh rất cần thiết phải sử dụng kháng sinh, nhưng bác sĩ thường chỉ định không hợp lý, gây ra nhiều hệ lụy như: tăng tỷ lệ tử vong, tăng kháng thuốc, tăng chi phí điều trị...
Đối với bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng, nếu chậm trễ trong 1 giờ sử dụng kháng sinh sẽ làm tăng nguy cơ tử vong lên đến 70. Theo TS Huỳnh Hiền Trung, những sai lầm tai hại của bác sĩ trong việc chỉ định sử dụng kháng sinh đối với bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng là không thực hiện phân tầng bệnh nhân; khởi đầu điều trị kháng sinh trễ; dùng kháng sinh không đủ liều và không dựa vào dược lực/dược động của thuốc; chưa đánh giá lại người bệnh mỗi ngày để xem xét khả năng xuống thang kháng sinh hoặc ngưng kháng sinh đúng lúc...
Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh - BV Nhi đồng 1, cho rằng nhiều bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm nhưng lại không cập nhật và ít hiểu biết về tình trạng kháng thuốc. “Cứ hễ thấy bệnh nhân ho, sốt, tiêu chảy... là chỉ định sử dụng kháng sinh. Điều này là một thói quen rất tai hại, dễ gây nên tình trạng kháng kháng sinh khiến cho việc điều trị khó khăn, không hiệu quả”, bác sĩ Hoàng nói.
Đưa bệnh nhân đến gần cửa “tử thần”
Thực tế hiện nay, đề kháng kháng sinh đang diễn ra một cách nhanh chóng và đe dọa đến khả năng không còn thuốc chữa cho những bệnh nhân bị nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm khuẩn nặng.
Thống kê của Bộ Y tế cho biết 50% toa thuốc được kê lạm dụng kháng sinh. Tình trạng kháng kháng sinh đã xảy ra ở nhiều nhóm bệnh.
Một khảo sát của BV Nhân dân Gia Định cho thấy, hơn 93% mẫu đàm của bệnh nhân nằm viện khi phân lập được đều có vi khuẩn đa kháng thuốc, kháng với kháng sinh điều trị.
Tại hội nghị về nhiễm khuẩn BV mới đây, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cảnh báo đề kháng kháng sinh làm kéo dài thời gian nằm viện trung bình từ 9,4 đến 24,3 ngày; tăng chi phí điều trị trung bình từ 2 - 32,3 triệu đồng/bệnh nhân, tăng tỷ lệ tử vong.
“Các bác sĩ không chỉ dùng một mà một lúc nhiều loại kháng sinh nên tỷ lệ kháng thuốc ngày càng tăng lên, như vi khuẩn gram âm đã kháng với Cephalosporin thế hệ 3 và 4. Nhiều nước vẫn đang dùng kháng sinh thế hệ thứ 1, nước Mỹ mới phát hiện 2 bệnh nhân kháng kháng sinh mà đã lo sốt vó, còn ở Việt Nam đã dùng kháng sinh thế hệ thứ 4”, PGS-TS Lương Ngọc Khuê lo ngại.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam được xếp vào một trong những nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất. Không chỉ lao, sốt rét, viêm phổi mà các thuốc dự phòng HIV/AIDS, các loại thuốc kháng sinh thế hệ mới cũng đang bị kháng.
Không chỉ bác sĩ lạm dụng, mà ngay người dân cũng tự ý sử dụng kháng sinh bừa bãi dẫn đến kháng kháng sinh. Các chuyên gia y tế nhìn nhận người dân vẫn có thói quen mua thuốc không cần kê toa, theo kiểu “truyền miệng”, trong khi nhà thuốc một phần vì nhận thức chưa đúng đắn, một phần vì lợi nhuận nên cứ vô tư bán!
Với thực trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng trầm trọng khiến hiệu quả điều trị thấp, kéo dài ngày nằm viện, tăng chi phí điều trị, tăng tỷ lệ tử vong, các chuyên gia y tế đặt vấn đề tìm kiếm những giải pháp ngăn chặn cấp thiết.
Các chuyên gia y tế đồng thuận rằng đã đến lúc cần đưa những quy định bắt buộc khắt khe trong sử dụng kháng sinh cũng như có những quy định chế tài răn đe. Đồng thời tăng cường truyền thông, hướng dẫn mạnh mẽ để người dân, cộng đồng không lạm dụng kháng sinh.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê đề nghị lãnh đạo các BV phải tuân thủ làm kháng sinh đồ, thường xuyên bình đơn thuốc để xử lý những bác sĩ sử dụng kháng sinh bừa bãi. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Bệnh viện tuyến huyện thay khớp gối thành công
Ngày 18-11, Bệnh viện (BV) huyện Củ Chi cho biết vừa phẫu thuật thay khớp gối thành công cho nữ bệnh nhân Lê Thị H. (63 tuổi, ngụ tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi).
Bà H. vào viện trong tình trạng đau đớn, đi lại rất khó khăn. Khai thác bệnh sử, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân bị đau khớp gối kéo dài đã nhiều năm, việc điều trị nội khoa không mang lại kết quả, tình trạng bệnh mỗi ngày một nặng thêm khiến chân bị biến dạng cả hai khớp gối.
Qua thăm khám và thực hiện chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối, biến dạng chi mức độ nặng, chỉ định phẫu thuật thay khớp gối trái.
Bác sĩ Trần Chánh Xuân, Phó Giám đốc BV huyện Củ Chi, cho biết sau 3 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã hết đau, tình trạng biến dạng chân đã được khắc phục hoàn toàn, người bệnh đã bắt đầu tập đi.
Dự kiến, sau 2 tuần người bệnh có thể tự đi mà không cần đến dụng cụ hỗ trợ. Đây là trường hợp phẫu thuật thay khớp gối lần đầu tiên BV huyện Củ Chi thực hiện thành công, là một kỹ thuật được đánh giá khó và chuyên sâu. Thành công này giúp người bệnh không phải chuyển lên tuyến trên, giảm chi phí cho người bệnh và giảm quá tải chuyên khoa chấn thương chỉnh hình cho các BV tuyến trên. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Phòng khám không phép 'nổ' chữa bệnh khó trên Facebook
Hai phòng khám đông y lên Facebook quảng bá chữa được nhiều loại bệnh khó như thiếu máu tán huyết (thalassemia), làm cho người liệt do thoát vị đĩa đệm đi lại được... thu hút hàng ngàn lượt chia sẻ. Nhưng khi cơ quan y tế kiểm tra thì cả hai đều hành nghề không phép cùng rất nhiều vi phạm.
Hai phòng khám (PK) nói trên là Tâm y đường (ở số 2432 Phạm Thế Hiển, P.6, Q.8) và PK của ông Trần Văn Cường (địa chỉ 127/32 Nguyễn Tư Giản, P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM). Trong hai ngày 17 và 18.11, Thanh tra Sở Y tế TP đã kiểm tra đột xuất 2 PK này.
Toa thuốc toàn... thực phẩm chức năng
Khi thấy Thanh tra Sở Y tế xuất hiện ngày 17.11, lương y Phạm Anh Duy ở PK Tâm y đường vội... cởi áo blouse. Tại thời điểm kiểm tra, PK có 6 bệnh nhân, ông Duy đang khám bệnh và bán... thực phẩm chức năng (TPCN), nhưng không xuất trình được giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh tại đây (ngoài ông Duy còn có bác sĩ tên Khánh).
Thanh tra lập biên bản, yêu cầu ông Duy ngưng ngay việc khám chữa bệnh không phép, ngưng quảng bá trên Facebook và đến Sở Y tế làm việc, cung cấp hồ sơ, nguồn gốc của 8 loại TPCN mà ông đang bán.
Theo Chánh thanh tra Sở Y tế Bùi Minh Trạng, với hành vi khám chữa bệnh không phép, cơ sở Tâm y đường của ông Duy có thể bị phạt khoảng 60 triệu đồng; xem xét không cấp phép hoạt động một thời gian nếu có xin cấp phép. Thanh tra cũng đang làm rõ nguồn gốc các loại TPCN mà ông Duy bán cho bệnh nhân...
Ông N.T (65 tuổi) đang chờ khám bệnh tại Tâm y đường, cho biết: “Tôi ở Quảng Nam, con gái tôi đang ở Sài Gòn, nói có ông thầy chữa thoái hóa cột sống cổ, huyết áp thấp hay lắm nên gọi tôi vào. Con tôi làm công nhân ở Q.Thủ Đức nhưng chở tôi qua đây. Tháng trước tôi khám và mua thuốc hơn 2 triệu đồng”.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, đa phần bệnh nhân đến khám và đăng ký tại đây là người lớn tuổi, đến khám bệnh đái tháo đường, thoát vị đĩa đệm... nhưng đơn “thuốc” mà ông Duy kê cho bệnh nhân thật ra toàn là TPCN. Chẳng hạn như bệnh nhân V.T.A.Đ (quê Long An) được ông Duy chẩn đoán thiếu máu não, chóng mặt, mất ngủ và kê 4 lọ Cao Ban Long và 4 lọ Cao An Miên, lấy hơn 1,8 triệu đồng.
Ông Duy lên Facebook quảng bá khám chữa nhiều loại bệnh thành công, trong đó có cả bệnh thiếu máu tán huyết (thalassemia) là bệnh mà tây y chỉ điều trị được triệu chứng. Ông này còn đưa nhiều nhân vật lên Facebook, nói rằng sau khi chữa trị tại Tâm y đường thì máu đã trở về chỉ số bình thường! Bệnh nhân đến khám đều được ông Duy kê bán TPCN, nhưng mọi người đều gọi là thuốc. Khi thanh tra y tế hỏi: “Có thật là chữa được bệnh thiếu máu tán huyết không?” thì ông Duy thú thật là “chỉ hỗ trợ”.
Điều đáng ngạc nhiên là khi thanh tra đến làm việc đã đề nghị Phòng Y tế Q.8 đến giám sát, nhưng tới khi đoàn thanh tra ra về vẫn không có ai đến!?
“Bệnh người này... lì nên phải ráng”
PK của ông Trần Văn Cường cũng quảng bá trên Facebook chữa trị thoát vị đĩa đệm thành công cho hàng ngàn ca bằng bài thuốc gia truyền, đắp thuốc chữa bệnh, thậm chí chữa cả tình trạng người bệnh bị... liệt.
Sáng 18.11, Thanh tra Sở Y tế kiểm tra PK này khi ông Lê Văn Ngư đang bó thuốc cho bệnh nhân; ông Cường cũng có mặt tại đây. Đoàn thanh tra ghi nhận PK không có giấy phép hoạt động, có nhiều loại sản phẩm bột được đóng gói không nhãn mác, không có tên sản phẩm, thuốc rượu... Ông Cường, ông Ngư không có bằng cấp chuyên môn, không có chứng chỉ hành nghề; bài thuốc gia truyền chữa bệnh cũng không hề đăng ký.
Thanh tra y tế yêu cầu ông Cường dừng ngay việc khám, chữa bệnh; đến Sở làm việc để xác định rõ chất lượng, công dụng... bài thuốc dùng chữa bệnh tại PK.
Trước đó, trong vai người bệnh, PV Thanh Niên đến PK của ông Cường. Lúc này, chỉ có ông Ngư đang “khám chữa bệnh”. Ông Ngư giới thiệu có bài thuốc gia truyền và khẳng định sau khi đắp thuốc 2 tháng rưỡi sẽ chữa khỏi bệnh thoát vị đĩa đệm, đau lưng. “Mỗi tháng đắp thuốc 6 lần với giá 1,2 triệu đồng, cộng uống thuốc 15 ngày nữa”, ông Ngư nói và khẳng định đã chữa khỏi cả trường hợp bị liệt!
Trong khi chúng tôi đang khám, có bệnh nhân nữ khoảng 40 tuổi tới than đã đắp thuốc 5 lần mà bệnh thoát vị đĩa đệm vẫn chưa giảm chút nào, đau nhức còn nguyên, thì ông Ngư phán “bệnh người này... lì nên phải ráng”.
Một nam bệnh nhân 32 tuổi đến bó thuốc, mua rượu xoa bóp trị thoát vị đĩa đệm cũng phản ánh đã bó thuốc ở PK này rồi và vẫn còn đau. Đáng lưu ý, có nữ bệnh nhân tên H.T.T.D (30 tuổi) đến trả thuốc uống và đòi lại 300.000 đồng. Chị D. cho biết uống các gói thuốc thì cảm giác người bị phù... (Thanh niên, trang 3).
Bác sĩ gia đình "gỡ" quá tải
Bác sĩ gia đình (BSGĐ) được ngành y tế xem là giải pháp triệt để chữa trị “bệnh quá tải bệnh viện” ngày càng trầm trọng ở VN, tuy nhiên vẫn còn nhiều trăn trở, thách thức...
Tại hội nghị khoa học quốc tế “Bác sĩ gia đình trong kinh tế y tế và giải quyết quá tải bệnh viện” do Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Sở Y tế TP.HCM và Hội Khoa học kinh tế y tế VN phối hợp tổ chức ngày 18-11, ý kiến của các chuyên gia y học gia đình quốc tế, các nhà quản lý y tế... cho thấy để nhân rộng mô hình này vẫn còn nhiều việc phải bàn, phải làm.
Hơn 3 năm và 332 phòng khám
Theo TS Trần Quý Tường - cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, tháng 3-2013 Bộ Y tế đã xây dựng đề án “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ tại VN giai đoạn 2013-2020”. Đến tháng 6-2016, cả nước đã thành lập được 332 phòng khám BSGĐ tại 8 tỉnh, thành phố.
Các phòng khám này đã thực hiện khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám sàng lọc và bước đầu quản lý sức khỏe cho các cá nhân và gia đình, cộng đồng.
Theo ông Tường, mô hình BSGĐ tiếp tục được nhân rộng và phát triển để đảm bảo đến 2020 có khoảng 80% các tỉnh, thành phố có phòng khám BSGĐ.
Ở TP.HCM, theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP, hiện các phòng khám BSGĐ mới chú trọng khám, chữa bệnh các bệnh nội khoa mãn tính, còn các hoạt động chuyên môn khác như sơ cứu, cấp cứu, khám chữa bệnh cấp tính chưa phát huy rõ rệt.
Kỹ năng của BSGĐ chưa đồng đều nên chưa thu hút được người bệnh tin tưởng. Khối lượng công việc của bác sĩ tại trạm y tế rất nhiều nên chưa dành nhiều thời gian cho công tác khám chữa bệnh...
Sắp tới TP sẽ triển khai 11 nội dung, giải pháp để phát triển mạng lưới BSGĐ.
Nhiều thách thức
Bác sĩ Lâm Thị Ngọc Bích - trưởng trạm y tế P.10, Q.10, TP.HCM - chia sẻ dù người dân đến khám bệnh có hài lòng, chất lượng điều trị có tăng lên, số lượt người bệnh đến khám có tăng nhưng chưa nhiều.
Hiện vẫn còn nhiều người dân chưa biết trạm y tế có khám bệnh, còn tâm lý thích bệnh viện tuyến trên, tuyến chuyên sâu.
Đặc biệt, dù bệnh viện tuyến trên quá tải, người bệnh đã ổn định, cần điều trị duy trì nhưng vẫn phải tái khám ở bệnh viện tuyến trên do danh mục thuốc tuyến phường... không đủ.
Sự liên thông hai chiều giữa BSGĐ tuyến cơ sở với bệnh viện thành phố đến nay vẫn chưa hình thành dẫn đến hạn chế vai trò của BSGĐ.
Bệnh án điện tử cũng chưa triển khai, chưa kết nối đồng bộ cả hệ thống, chưa thực hiện được chăm sóc liên tục theo nguyên lý y học gia đình.
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Lê An - trưởng Trung tâm đào tạo BSGĐ, Đại học Y dược TP.HCM - cho rằng để triển khai mô hình BSGĐ phải dựa vào y tế cơ sở nhưng y tế cơ sở tại VN còn nhiều tồn tại như năng lực bác sĩ đa khoa hạn chế, mất cân đối nguồn nhân lực có trình độ cao giữa thành thị và nông thôn, năng lực tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng hết nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu... khiến cho tuyến cơ sở trống vắng còn tuyến trên quá tải...
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn chia sẻ rằng hệ thống y tế VN còn gặp nhiều khó khăn. VN đang phải chịu gánh nặng mô hình bệnh tật kép với các bệnh lây nhiễm lưu hành và diễn biến phức tạp, các bệnh không lây nhiễm tăng nhanh, tình trạng già hóa dân số trong khi năng lực y tế các tuyến, nhất là tuyến y tế cơ sở còn hạn chế, quá tải bệnh viện do người dân không tin tưởng dịch vụ y tế cơ sở, làm tăng chi phí cho chăm sóc sức khỏe...
Nên triển khai tốt mạng lưới này
“Mạng lưới BSGĐ là “phương thuốc đặc trị” bệnh quá tải bệnh viện. Triển khai tốt mạng lưới này không chỉ khắc phục triệt để quá tải bệnh viện mà còn góp phần cải tổ hệ thống y tế” - PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp, phó hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khẳng định.
Theo PGS Hiệp, điều kiện để phát triển mô hình BSGĐ tại trạm y tế là nhân lực chuyên trách phòng khám BSGĐ phải được đào tạo, có lịch khám cố định, trạm y tế cần được tăng cường nhân sự để đảm bảo hoạt động khác của trạm y tế. Cơ quan bảo hiểm xã hội cần ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trực tiếp với trạm y tế; giá dịch vụ phù hợp...
Theo bác sĩ Nguyễn Thế Dũng - phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế y tế VN, nhiều nước trên thế giới đã tổ chức thành công mạng lưới bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế tức thì, hiệu quả, với chi phí kinh tế nhất. Bệnh viện cần phải được trả về đúng vị trí, nhiệm vụ, không phải là nơi điều trị “sổ mũi nhức đầu”. (Tuổi trẻ, trang 14).