Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 21/5/2021

  • |
T5g.org.vn - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không để đứt gãy chuỗi sản xuất vì COVID-19, thí điểm tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại nhà; Tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K trong các kỳ thi; Ngăn chặn khai báo y tế gian dối khi mua thuốc…

 

Tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong khu chế xuất, khu công nghiệp

Các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) tại TP Hồ Chí Minh hiện có số lượng công nhân lao động tập trung được xem là đông nhất cả nước.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các cấp công đoàn TP Hồ Chí Minh cùng cơ quan quản lý đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, biện pháp lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 ngẫu nhiên trong các nhà máy đang được Ban Quản lý các KCX và KCN TP Hồ Chí Minh (Hepza) gấp rút triển khai.

Liên tục từ ngày 13-5 đến nay, Hepza phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), trung tâm y tế các quận, huyện, TP Thủ Ðức tổ chức xét nghiệm sàng lọc Covid-19 ngẫu nhiên cho gần 17 nghìn công nhân lao động đang làm việc tại các KCX, KCN trên địa bàn thành phố. Trong ngày 13-5, 400 công nhân của Công ty TNHH Kim may Organ Việt Nam và Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Việt Nam cùng đóng tại KCX Tân Thuận đã được Trung tâm Y tế quận 7 lấy mẫu xét nghiệm.

Chị Lưu Thị Kiều Thanh, công nhân lựa kim may thuộc Công ty TNHH Kim may Organ Việt Nam cho biết, chị nhận kết quả xét nghiệm âm tính nên rất yên tâm làm việc và nhận thấy việc chủ động tổ chức lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên tại công ty là hết sức cần thiết vì công nhân có sự tương tác cao trong quá trình làm việc, sinh hoạt và cả ở nơi cư trú.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Kim may Organ Việt Nam Nguyễn Thị Mỹ Hòa chia sẻ: Dù công ty đã áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế và quy định về vệ sinh an toàn lao động tại đơn vị nhưng việc lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên do thành phố tổ chức là một biện pháp kiểm tra chéo cần thiết, nhất là đối với các công ty có tới hàng nghìn công nhân lao động.

Việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 ngẫu nhiên cho công nhân cũng đã được tiến hành tại Công ty TNHH Việt Nam Paiho (KCN Tân Tạo), Công ty cổ phần Shang One (KCN Lê Minh Xuân). Cuối tuần qua, Hepza cùng Trung tâm Y tế quận 7 và Trung tâm Y tế TP Thủ Ðức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 ngẫu nhiên cho gần 800 công nhân đang sinh sống tại Khu lưu trú công nhân Linh Trung 2 (TP Thủ Ðức) là công nhân đang làm việc tại Công ty Sài Gòn Precision, Công ty Freetrend A, Công ty Greytones… và Khu lưu trú công nhân KCX Tân Thuận (quận 7).

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Hepza cho biết, thành phố hiện có 17 KCX, KCN và khu công nghệ cao với 1.500 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, có khoảng 280 nghìn công nhân, ba nghìn chuyên gia nước ngoài. Do đó, biện pháp lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên được thực hiện đối với những trường hợp thường xuyên làm việc với nhiều bộ phận, được đánh giá có nguy cơ cao, giúp thành phố bao vây, tầm soát diện rộng, phát hiện nhanh Covid-19 để kịp thời khoanh vùng chống dịch. Tuy nhiên, từng DN và mỗi công nhân cũng không thể chủ quan, lơ là, mà phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định tại đơn vị mình. "Hepza còn xây dựng các phương án, kịch bản khi có một công nhân bị nhiễm Covid-19 thì DN, người lao động phải cách ly, giãn cách ra sao để không lây lan, ảnh hưởng đến DN khác và cộng đồng chung quanh", ông Hứa Quốc Hưng cho biết thêm…

Trước đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và HCDC đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại bốn cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc KCN Tân Bình và KCN Vĩnh Lộc về việc thực hiện bộ tiêu chí an toàn tại các DN. Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản gửi LÐLÐ TP Thủ Ðức, LÐLÐ các quận, huyện; công đoàn ngành, sở, khối, tổng công ty và cấp trên tương đương đề nghị các cấp công đoàn, các đơn vị trực thuộc tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch. Công đoàn phối hợp ban giám đốc công ty xây dựng ban chỉ đạo phòng, chống dịch của từng DN. Các DN phải triển khai nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; xây dựng phương án xử lý tình huống nếu có ca dương tính với SARS-CoV-2 tại DN, thực hiện sáng tạo, hiệu quả theo nguyên tắc 5K và phương châm bốn tại chỗ. Khi các điều kiện đã bảo đảm an toàn, không để một bộ phận người lao động lấy cớ có dịch để ngừng việc, ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và thu nhập của người lao động.

Đối với những đơn vị, DN có chuyên gia nước ngoài, Công đoàn phối hợp người sử dụng lao động kiến nghị, yêu cầu chuyên gia thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, nhất là quy định về thời gian cách ly tập trung tại địa điểm cách ly tập trung cũng như cách ly tại nhà. Vận động đoàn viên, công nhân viên chức lao động không quá lo lắng, hoang mang, đồng thời thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch khi tiếp xúc… (Nhân dân, trang TP Hồ Chí Minh)

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 4: “Chặn dịch xâm nhập vào nhà máy, công xưởng”; Lao động, trang 1: “Tổ an toàn Covid-19 – tấm lá chắn bảo vệ công nhân, đảm bảo sản xuất”; Hà Nội mới, trang 7: “Kích hoạt mức phòng, chống dịch cao nhất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”

 

Tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K trong các kỳ thi

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các kế hoạch, giải pháp đồng bộ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các kỳ thi. Trong đó, yêu cầu tất cả các lực lượng tham gia kỳ thi và thí sinh phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, nhất là quy định về khai báo y tế, giãn cách…

Những ngày này, các trường trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) ở thành phố vẫn tổ chức cho học sinh (HS) lớp 9, lớp 12 ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập TP Hồ Chí Minh và kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021. Nhìn chung, các trường tổ chức ôn tập đều xây dựng phương án dạy và học linh hoạt, bảo đảm yêu cầu của bộ tiêu chí phòng, chống dịch Covid-19 của ngành giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) thành phố và các quy định của Trung ương.

Năm học 2020 - 2021 là năm thứ hai dịch Covid-19 ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của ngành giáo dục thành phố nên các trường đã có kinh nghiệm ứng phó đại dịch. Trường THPT Marie Curie, quận 3, chia nhỏ các lớp ở khối 12 để ôn tập cho các em chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie Nguyễn Ðăng Khoa, trường sắp xếp giờ ôn tập lệch ca giữa các nhóm để bảo đảm quy định về khoảng cách. Trường cũng mở ba hướng cổng khác nhau cho HS ra vào để giãn cách lượng học sinh tập trung đông; thường xuyên cập nhật khai báo y tế để sớm phát hiện trường hợp đi đến các vùng có dịch. Tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh, trường sẽ có các hình thức học tập khác nhau, hoặc là ôn tập trực tiếp tại trường, hoặc là học qua in-tơ-nét. Các tổ chuyên môn, giáo viên cũng chuẩn bị chu đáo kế hoạch dạy qua in-tơ-nét nếu dịch có chiều hướng phức tạp.

Ðể bảo đảm an toàn cho HS, Sở GD và ÐT TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi các cơ sở giáo dục hướng dẫn dạy và học cho HS khối 9 và khối 12. Theo đó, HS khối 9 và khối 12 được tiếp tục đến trường học tập, ôn tập để bảo đảm chất lượng cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi THPT quốc gia năm 2021 theo phương án do trường xây dựng. Việc dạy học phải bảo đảm nguyên tắc 5K; các trường, các tổ chuyên môn phối hợp linh hoạt giữa dạy học trực tiếp và dạy học qua in-tơ-nét để giảm thời gian HS tập trung đông tại trường. Nhà trường phải kết hợp giữ khoảng cách giữa các HS trong từng lớp với việc giãn cách giữa các phòng học, chia tách khu vực sân chơi khi HS học tập tại trường. Trong trường hợp số lượng HS đông, trường cần phân chia hoặc phân hóa HS theo năng lực thành từng nhóm, sắp xếp phù hợp cho các nhóm HS, bố trí luân phiên đến trường học tập trực tiếp và học qua in-tơ-nét.

Phó Giám đốc Sở GD và ÐT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết thêm, Sở đã chỉ đạo các trường phải xây dựng kế hoạch tổ chức ôn tập trực tiếp và trực tuyến cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh từng đơn vị để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các trường tổ chức ôn tập cho HS lớp 9 và lớp 12 phải linh hoạt trong phương án tổ chức, không tổ chức ôn tập đông HS và tuân thủ quy định về giãn cách. Hiện, các khối khác đang nghỉ nên phòng học rộng rãi, rất thuận lợi khi phân chia nhóm HS lớp 9 và lớp 12 để dạy học…

MỚI đây, Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh có thông báo kết luận chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Ðức tại cuộc họp Ban Chỉ đạo các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp và Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT thành phố năm 2021. Theo đó, với tính chất đặc biệt quan trọng của các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp và tốt nghiệp THPT, các cơ quan, đơn vị là thành viên của Ban Chỉ đạo thành phố cũng như cán bộ, nhân viên tham gia công tác thi cử cần nâng cao tinh thần trách nhiệm để các kỳ thi diễn ra an toàn tuyệt đối, bảo mật, nghiêm túc, đúng quy chế, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

UBND thành phố Hồ Chí Minh giao Sở GD và ÐT thành phố thông báo công khai, đầy đủ, rõ ràng các quy định về kỳ thi và các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho cán bộ, giáo viên và HS biết để thực hiện nghiêm. Sở GD và ÐT thành phố phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành làm tốt công tác chuẩn bị các kỳ thi, rà soát kỹ cán bộ, giáo viên, nhân viên không để lọt các trường hợp F0, F1, F2. Cùng với đó, trang bị dung dịch sát khuẩn và khẩu trang dự phòng cho tất cả các điểm thi, điểm sao in đề thi, điểm chấm thi... Trường hợp thí sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 thuộc diện bắt buộc phải cách ly phòng, chống dịch Covid-19 được xét vào lớp 10 công lập.

UBND thành phố giao Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với ngành GD và ÐT sàng lọc, cung cấp và cập nhật danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác thi và thí sinh thuộc các diện F0, F1, F2. Xét nghiệm sàng lọc Covid-19 đối với cán bộ, giáo viên làm công tác thi, xét nghiệm cho tất cả cán bộ, nhân viên được cách ly làm nhiệm vụ thi. Chỉ đạo lực lượng y tế địa phương phối hợp, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại các điểm thi, điểm in sao đề thi, điểm chấm thi, bố trí tại mỗi điểm thi một cán bộ y tế trực trong suốt thời gian thi. Sở Y tế chủ động phối hợp Sở GD và ÐT thành phố rà soát các phương án, kịch bản, biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả… (Nhân dân, trang TP Hồ Chí Minh)

 

Việt Nam ủng hộ các nước phòng, chống Covid-19

Ngày 20-5, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao diễn ra lễ trao vật tư, thiết bị y tế của Chính phủ và nhân dân Việt Nam hỗ trợ Chính phủ và nhân dân Cam-pu-chia ứng phó dịch Covid-19, với sự tham dự của các đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Ban Ðối ngoại T.Ư và các bộ: Ngoại giao, Y tế, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, cùng Ðại sứ Cam-pu-chia tại Việt Nam.

Số vật tư, thiết bị y tế gồm 800 máy thở, hai triệu khẩu trang y tế và 300.000 khẩu trang N95, được trao tặng trong khuôn khổ đợt hỗ trợ chính thức thứ ba của Việt Nam giúp Cam-pu-chia ứng phó dịch Covid-19.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, Chính phủ và nhân dân Việt Nam chia sẻ và cảm thông sâu sắc với Chính phủ và nhân dân Cam-pu-chia về những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại nước bạn; mong muốn góp phần thiết thực và hiệu quả vào nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Cam-pu-chia ứng phó dịch bệnh.

Ðại sứ Cam-pu-chia tại Việt Nam Chay Na-vút bày tỏ cảm ơn sâu sắc về sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu cả về vật chất và tinh thần, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Cam-pu-chia; khẳng định sự hỗ trợ của Việt Nam là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết và láng giềng tốt đẹp giữa hai nước, đóng góp thiết thực cho công tác phòng, chống Covid-19 tại Cam-pu-chia.

* Ngày 19-5, tại Niu Oóc (Mỹ), Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc tổ chức trao tượng trưng vật tư y tế của Việt Nam hỗ trợ Nam Xu-đăng phòng, chống dịch Covid-19. Ðại sứ Ðặng Ðình Quý nhấn mạnh, thông qua sự hỗ trợ này, Chính phủ Việt Nam mong muốn chia sẻ khó khăn với Chính phủ và người dân Nam Xu-đăng. Số hàng trao tặng gồm 1.000 bộ quần áo bảo hộ và 100.000 khẩu trang kháng khuẩn do doanh nghiệp quốc phòng Việt Nam sản xuất. (Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 4: “Tặng Campuchia 800 máy thở, 2,3 triệu khẩu trang”; Công an Nhân dân, trang 3: “Việt Nam hỗ trợ vật tư, thiết bị y tế giúp Campuchia ứng phó dịch COVID-19”; Hà Nội mới, trang 8: “Việt Nam trao tặng vật tư, thiết bị y tế giúp Campuchia”

 

Ngăn chặn khai báo y tế gian dối khi mua thuốc

Để phòng ngừa trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19, Sở Y tế TPHCM vừa yêu cầu các nhà thuốc phải đảm bảo thực hiện khai báo y tế cho bệnh nhân, người dân khi đến mua thuốc liên quan đến hô hấp hoặc sốt, ho, đau họng, khó thở. Tuy nhiên, ghi nhận cho thấy, nhiều nhà thuốc nghiêm túc chấp hành, nhưng một số nhà thuốc chưa quan tâm thực hiện để phòng chống dịch.

Khai báo… chiếu lệ

Tại nhà thuốc Pharmacity (đường Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình), các mẫu tờ khai y tế, nước rửa tay sát khuẩn được bày sẵn trên quầy thuốc, nhân viên tại quầy thuốc này cũng được trang bị khẩu trang và nón chống giọt bắn. Một nhân viên tại đây cho biết, nhà thuốc bắt đầu áp dụng khai báo y tế cho người mua thuốc có triệu chứng đau họng, ho, sốt từ chiều 17-5, khi có “chỉ thị” của Sở Y tế TPHCM, và đa phần người dân tới mua thuốc đều nghiêm túc chấp hành.

Tại nhà thuốc Long Châu (đường Hai Bà Trưng, quận 3), người dân khi đến mua thuốc đều được nhân viên hướng dẫn quét mã QR khai báo y tế online và được yêu cầu ngồi giãn cách, đảm bảo khoảng cách phòng chống dịch. Một nhân viên tại đây cho biết, nhà thuốc bắt đầu áp dụng hình thức khai báo y tế online từ khi có dịch bệnh, nhiều người dân đồng tình làm theo hướng dẫn của nhân viên, một số khác thì cảm thấy rắc rối, phiền hà nên đã rời đi, đến các quầy thuốc khác. Tiệm thuốc tây Ngọc Hiền trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp cũng bắt đầu thực hiện khai báo y tế cho người dân khi đến mua thuốc cho các bệnh về hô hấp. Chị Ngọc Hiền, chủ tiệm thuốc tây cho biết: “Từ khi có dịch, tiệm thuốc của tôi đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn tiền bằng cồn thông qua máy xông hơi mini. Từ chiều 17-5, nhà thuốc của tôi đã bắt đầu áp dụng khai báo y tế cho người mua thuốc liên quan đến các bệnh hô hấp”…

Trong vai người bệnh, chúng tôi đến mua thuốc ho, sốt, đau họng tại nhiều nhà thuốc xung quanh các bệnh viện ở quận Bình Thạnh, quận 5, ghi nhận phần lớn nhà thuốc đều điều tra kỹ các triệu chứng và yêu cầu khai báo y tế sau đó mới tiến hành bán thuốc. Nhiều nhà thuốc còn dán thông báo của Sở Y tế TPHCM ngay phía cổng ra vào để người dân dễ dàng nhìn thấy. Tuy thực hiện khai báo y tế cho người dân khi mua thuốc ho, cảm sốt nhưng theo quan sát của chúng tôi, việc này vẫn mang tính “chiếu lệ” vì hầu hết các nhà thuốc không xác thực thông tin người dân khai báo như tên tuổi, địa chỉ, người dân muốn khai gì thì khai!

Cần quyết liệt xử lý

Bên cạnh nhiều nhà thuốc chấp hành yêu cầu của Sở Y tế TPHCM, thì một số nhà thuốc vẫn chưa mấy quan tâm.

Ghé vào nhà thuốc có tên A.T (đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận), chúng tôi hỏi mua thuốc hạ sốt và được nhân viên nhà thuốc hỏi sơ qua triệu chứng, tình trạng bệnh rồi bán thuốc mà không yêu cầu khai báo y tế. Đến một nhà thuốc khác trên đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận), khi hỏi mua thuốc hạ sốt, thuốc ho, chúng tôi cũng được người bán chất vấn qua loa về các triệu chứng rồi bán thuốc ngay, không yêu cầu khai báo y tế. Chúng tôi thắc mắc là Sở Y tế TPHCM yêu cầu phải khai báo y tế phòng chống Covid-19 cho bệnh nhân mua thuốc trị ho, sốt nhưng nhà thuốc không thực hiện, thì chủ quầy thuốc cho biết: “Tôi vẫn chưa nhận được văn bản chỉ đạo từ các ngành chức năng nên vẫn bán cho khách như bình thường”. Tại một số quầy thuốc gần chợ sỉ thuốc tây ở hẻm 134/1 đường Tô Hiến Thành (quận 10), cũng chưa thực hiện yêu cầu người bệnh khai báo y tế khi mua các loại thuốc ho, đau họng, sốt.

Ngày 17-5, Sở Y tế TPHCM có văn bản khẩn gửi Phòng Y tế TP Thủ Đức, Phòng Y tế các quận, huyện khẩn trương triển khai hướng dẫn các cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các biện pháp phòng dịch. Theo đó, yêu cầu các nhà thuốc thực hiện khai báo y tế đối với người mua thuốc điều trị triệu chứng bệnh liên quan đường hô hấp hoặc sốt, ho, đau họng.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, đây là biện pháp bắt buộc đối với các nhà thuốc, khi phát hiện các trường hợp nghi mắc Covid-19, các nhà thuốc phải khẩn trương báo cáo cơ quan chức năng trên địa bàn hoặc qua đường dây nóng tiếp nhận thông tin về dịch Covid-19 để tiến hành theo dõi, giám sát kịp thời. Mặt khác, nếu các cơ sở bán lẻ thuốc không thực hiện đầy đủ và để lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. “Các nhà thuốc cần nghiêm túc chấp hành chỉ thị của Sở Y tế TPHCM. Đồng thời, phòng y tế các quận huyện phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát thường xuyên để nhắc nhở, đề xuất xử phạt nghiêm các nhà thuốc không chấp hành tốt công tác phòng chống dịch”, ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

 

Các khu cách ly tại TPHCM sẵn sàng bầu cử an toàn

Ngày hội toàn dân đi bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (ngày 23-5) đã cận kề. Những ngày này, chính quyền các địa phương của TPHCM đang nỗ lực phối hợp với ngành y tế thực hiện tốt công tác chuẩn bị bầu cử cho cử tri đang cách ly tập trung và cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Tổ chức bỏ phiếu riêng, an toàn, hiệu quả

Sau khi tiếp nhận nhu yếu phẩm người thân gửi vào, lên lịch học và giải trí cho tụi nhỏ, cử tri Vũ Thúy Vân (chung cư Sunview Town, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức - nơi đang bị phong tỏa do có ca dương tính với virus SARS-CoV-2) tra cứu thông tin liên quan đến các ứng cử viên ĐBQH, ĐB HĐND TPHCM sẽ ứng cử trên địa bàn. “Hôm qua tới nay, tôi đọc kỹ chương trình hành động, tìm trên báo chí về công tác của họ trong thời gian qua nên cũng có vài sự thay đổi trong lựa chọn người sẽ đại diện cho mình”, bà Vân chia sẻ.

Theo UBND phường Hiệp Bình Phước, sau khi ghi nhận 1 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại bolck A1 chung cư Sunview Town, sáng 18-5, lực lượng chức năng đã phong tỏa block trên với hơn 500 hộ dân. Bị cách ly bất ngờ, một số hộ dân có chút lo lắng nhưng trải qua nhiều đợt dịch bùng phát, địa phương đã tuyên truyền kỹ về công tác phòng chống dịch nên mọi người sớm ổn định tâm lý, sắp xếp sinh hoạt và tuân thủ các quy định phòng chống dịch.

Tuy nhiên, đợt cách ly này trùng với thời điểm diễn ra bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND TPHCM các cấp nên ngoài tuyên truyền phòng chống dịch, địa phương còn tập trung tuyên truyền, tập huấn công tác bầu cử, nhằm đảm bảo cử tri trong khu vực phong tỏa thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ một cách an toàn nhất.

Chủ tịch HĐND TP Thủ Đức Nguyễn Phước Hưng cho biết, hiện Ủy ban Bầu cử TP Thủ Đức, chính quyền địa phương và lực lượng y tế đã có phương án tổ chức bầu cử cho cử tri tại chung cư trên. Theo đó, TP Thủ Đức sẽ tăng cường lực lượng, cùng với phường tổ chức thành điểm bỏ phiếu riêng, đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Về phương án cụ thể, lãnh đạo phường Hiệp Bình Phước cho biết thêm, phường thành lập tổ bầu cử gồm 12 người để triển khai cho cử tri bỏ phiếu. Tổ bầu cử sẽ phát loa mời các cử tri sinh sống trên từng lầu lần lượt xuống bỏ phiếu để đảm bảo giãn cách. Riêng lầu 18 (nơi bệnh nhân mắc Covid-19 sinh sống), tổ bầu cử sẽ mang thùng phiếu đến tận nơi thu phiếu bầu của cử tri, dưới sự giám sát của lực lượng chức năng và được trang bị đồ bảo hộ.

Tại quận 7, một chung cư trên đường số 3, phường Tân Kiểng và một số hộ dân trong khu vực liên quan đến ca mắc Covid-19 trên địa bàn cũng bị phong tỏa. Theo bà Nguyễn Thị Bé Ngoan, Phó Chủ tịch UBND quận 7, hiện các mẫu xét nghiệm của hộ dân sinh sống trong chung cư mini đã có kết quả âm tính. Nếu một số mẫu của các hộ dân xung quanh cũng cho kết quả âm tính thì khu vực này được dỡ phong tỏa, cử tri sẽ đi bỏ phiếu bình thường. Tuy nhiên, để an toàn, địa phương vận động các cử tri này đi bỏ phiếu vào cuối ngày, thời điểm thưa người.

Đảm bảo quyền lợi của cử tri

Theo thống kê, đến 7 giờ ngày 20-5, TPHCM có hơn 3.800 người thuộc diện cách ly tập trung và 362 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Để đảm bảo quyền bầu cử cho cử tri là người đang cách ly, chính quyền địa phương và ngành y tế đã tổ chức phương án thiết lập các khu vực bỏ phiếu tại khu cách ly.

Tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi - nơi đang điều trị cho 19 ca mắc Covid-19 và 328 người đang cách ly tập trung - những ngày này, công tác chuẩn bị bầu cử đang dần hoàn tất. Thượng tá Trương Đăng Khoa, Phó Chính ủy Trường Quân sự Bộ Tư lệnh TPHCM cho biết, đơn vị đã phối hợp với khu B và khu C của Bệnh viện dã chiến Củ Chi để lập, niêm yết danh sách cử tri với những người thuộc diện cách ly, người đang mắc Covid-19 và cả nhân viên y tế trực vào ngày 23-5. Danh sách các ứng cử viên ĐBQH, ĐB HĐND TPHCM và chương trình hành động cũng được niêm yết để cử tri nắm bắt. “Chúng tôi phối hợp với các cơ quan, ban ngành để tổ chức bầu cử theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm tất cả người đang cách ly và đang điều trị được bầu cử đầy đủ”, Thượng tá Trương Đăng Khoa thông tin.

Tại quận Gò Vấp, Trung tâm Y tế (TTYT) quận cũng phối hợp với UBND phường 15 lập tổ bầu cử lưu động ngay tại khu cách ly tập trung của quận. Hiện nay, một khu vực dành riêng cho bầu cử tại khu cách ly đã được chuẩn bị. Theo kế hoạch, từng cử tri sẽ được mời xuống khu vực này để bỏ phiếu, tránh tiếp xúc gần với nhau. Tất cả các đồ dùng như bút, giấy sẽ được áp dụng nguyên tắc dùng một lần. Việc khử khuẩn ghế ngồi, lối đi cũng được thực hiện theo đúng quy định. Dự kiến, có 16 cử tri sẽ tiến hành bầu cử tại đây ngày 23-5.

TS-BS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc TTYT quận Gò Vấp cho biết, toàn bộ thông tin về cuộc bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp đã được cung cấp cho cử tri nghiên cứu trước. Cùng với niêm yết công khai, danh sách, tóm tắt tiểu sử và chương trình hành động của ứng viên cũng được đăng tải lên nhóm zalo của cử tri, để mọi người có thể tìm hiểu, từ đó có cơ sở để đưa ra lựa chọn sáng suốt nhất.

Quận 7 yêu cầu mỗi phường thành lập tổ bầu cử dự phòng gồm 18 người để tác chiến ngay khi phát sinh các sự cố liên quan đến dịch Covid-19. Ngày 20-5, quận 7 tổ chức diễn tập bầu cử, trong đó có diễn tập tổ chức bầu cử trong khu cách ly tập trung và cách ly tại nhà.

Trường hợp khu vực có ca mắc Covid-19 ở quận vẫn tiếp tục phong tỏa trong ngày bầu cử, Bí thư Quận ủy quận 7 Võ Khắc Thái khẳng định, quận có phương án tổ chức bầu cử riêng cho khu vực này. Cụ thể, phường Tân Kiểng thành lập tổ bầu cử gồm 3 người (trong đó có nhân viên y tế) mang thùng phiếu đến khu vực phong tỏa để tiếp nhận phiếu bầu. Trước khi bỏ phiếu vào thùng, cử tri sẽ khử khuẩn phiếu; khi hoàn thành tiếp nhận phiếu trong khu vực phong tỏa, tổ bầu cử sẽ niêm phong và khử khuẩn thùng phiếu. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “TP.HCM: Nếu có ca nghi mắc COVID-19 ở điểm bầu cử, phải dừng bỏ phiếu”

 

Thí điểm cho F1 cách ly tại nhà với quy mô nhỏ

Chiều 20-5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đã họp trực tuyến với UBND các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh để triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, căn cứ tình hình thực tế, Bắc Giang chuẩn bị các khu cách ly có sự giám sát bằng camera, các công cụ công nghệ do Bộ TT-TT hỗ trợ, để trong trường hợp có quá nhiều người mắc thì thu dung những trường hợp khỏe mạnh, chưa có triệu chứng để theo dõi, luôn sẵn sàng chuyển đến các khu điều trị nếu xuất hiện triệu chứng nặng.

Bắc Ninh phải tính đến tình huống có nhiều người mắc, có nhiều F1 mà các khu cách ly tập trung không đáp ứng đủ thì nghiên cứu, khảo sát, trước hết ở những gia đình có điều kiện về nhà cửa, có khoảng cách với những nhà xung quanh… để thí điểm cho F1 cách ly tại nhà với quy mô nhỏ, có kết hợp giám sát bằng công cụ công nghệ, đồng thời kêu gọi sự giám sát, giúp đỡ của hàng xóm lân cận. Về khai báo y tế, Phó Thủ tướng gợi mở, hiện Bắc Ninh đã có 8/8 huyện thị, thành phố có ca mắc, những nơi thực hiện giãn cách xã hội cần thực hiện khai báo y tế bắt buộc, nếu có thể thì thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh. Tương tự, Bắc Giang cần yêu cầu người dân tại các huyện, thành phố và những nơi có liên quan đến khu công nghiệp (KCN) thực hiện khai báo y tế, nếu có thể thì thực hiện khai báo trên phạm vi toàn tỉnh.

Cùng ngày, bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phụ trách đã có cuộc làm việc với tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị 2 địa phương tiếp tục chủ động phòng chống dịch trong các KCN để vừa đảm bảo an toàn, vừa duy trì sản xuất.

Ngày 20-5, với việc ghi nhận ca mắc Covid-19 là công nhân Công ty TNHH May Tinh Lợi (ở KCN Lai Vu, Kim Thành, Hải Dương), UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu TP Hải Dương siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, áp dụng Chỉ thị 15 đối với toàn bộ thành phố, có nơi cần thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Lực lượng chức năng đã khẩn trương lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cho toàn bộ 18.000 công nhân Công ty TNHH May Tinh Lợi,  phun khử khuẩn toàn bộ KCN Lai Vu và khẩn trương sửa chữa, nâng cấp để đưa Bệnh viện dã chiến số 2 vào hoạt động. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 2: “Xem xét thí điểm quy mô nhỏ cho F1 cách ly tại nhà”; Tiền phong, trang 1: “Nghiên cứu cách ly F1 tại nhà”

 

Lãnh đạo TPHCM thăm, động viên lực lượng làm việc tại các chốt phòng chống dịch

Chiều tối 20-5, đoàn lãnh đạo TPHCM do đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM làm trưởng đoàn, đã đến thăm, tặng quà động viên lực lượng làm việc tại các chốt, trạm kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Thủ Đức.

Tại các chốt cầu Vĩnh Bình (Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước), chốt cầu vượt Sóng Thần (Quốc lộ 1A, phường Bình Chiểu) và chốt Quốc lộ 1K (phường Linh Xuân), Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã thăm hỏi, động viên và biểu dương nỗ lực của các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế làm nhiệm vụ.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá cao nhiệm vụ của các chốt, trạm kiểm soát là rất quan trọng trong việc kiểm soát lượng người dân từ các tỉnh, thành phố khác về TPHCM để có những biện pháp kịp thời.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, hiện dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, số ca lây nhiễm trong cộng đồng càng ngày càng tăng, thời gian ủ bệnh lâu nên TPHCM quyết định triển khai 12 chốt cấp thành phố cùng 57 chốt cấp quận huyện để tăng cường kiểm soát.

 “Sự đóng góp của các đồng chí trong việc thực hiện nhiệm vụ này góp phần vào công tác ngăn chặn dịch bệnh vào TPHCM”, đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định và tin tưởng các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế sẽ vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.

Dịp này, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã trao tặng mỗi chốt, trạm kiểm soát phần quà của Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM, cùng số tiền 50 triệu đồng.

Cũng trong chiều tối 20-5, đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP đã đến thăm hỏi, động viên và trao tặng quà cho lực lượng làm việc tại chốt Tàu cánh ngầm bến Bạch Đằng (quận 1). (Sài Gòn giải phóng, trang 7)

Cùng chủ đề trên báo Tiền phong, trang 5: “Hải Dương: Kích hoạt các tổ phòng chống dịch COVID-19”; Công an Nhân dân, trang 4: “Tiếp tục phát huy hiệu quả của “Tổ COVID-19 cộng đồng”

 

F1 dễ trở thành F0 hơn

Cẩn thận tối đa với các khu cách ly tập trung, bởi sự lây lan dễ dàng và nhanh chóng của chủng vi rút lần này.

Tuy tại đợt dịch thứ 4 này chưa có con số chính thức nào được công bố về hệ số lây nhiễm, nhưng bằng kinh nghiệm, các chuyên gia luôn nhắc nhở phải cảnh giác với lây nhiễm chéo ở khu cách ly tập trung.

Cảnh giác ở các khu cách ly

Tại nhiều cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh luôn nhắc nhở các địa phương quản lý khu cách ly tập trung phải kiểm soát chặt, hạn chế tối đa giao lưu, tụ tập tại các khu này. Lý do: số lượng khu cách ly tập trung nhiều, số lượng F1 nhiều, chủng vi rút dễ lây lan hơn (với biến chủng Anh, hệ số lây lan cao gấp 1,7 lần - theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long) và chu kỳ dịch ngắn hơn hẳn (2 - 3 ngày).

Đơn cử liên quan đến vợ chồng bệnh nhân (BN) 3634, chỉ trong 9 ngày (từ 12 - 20.5), đã có thêm 18 F1 của họ mắc Covid-19, chưa kể đến nhánh của BN 3777 (bay cùng chuyến bay với vợ chồng BN 3634) cũng đã có 6 ca dương tính, tổng số lên đến 24. Đáng chú ý, có những người chỉ tiếp xúc thoáng qua 1 lần và đa số các F1 phải xét nghiệm ít nhất 2 lần mới phát hiện dương tính. Nếu so sánh, với BN 17 của đợt dịch đầu tiên, có 18 người trong tổng số 242 người được xác định là tiếp xúc với BN mắc Covid-19; BN 243 ở Hạ Lôi (H.Mê Linh, Hà Nội) chỉ có 4/67 F1 dương tính. Tần suất phát hiện F1 dương tính của đợt dịch này đã cao hơn.

Trong 100 ngày đầu tiên của đợt dịch thứ nhất (từ 23.1 - 16.4.2020) VN chỉ ghi nhận 2 trường hợp BN là F3 (trở thành F0) từ các ổ dịch tại Bệnh vện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) và bar Buddha (TP.HCM). Trong khi đó, cho tới nay, theo các chuyên gia, trong 2 tuần đầu tiên, các chuỗi lây nhiễm của đợt dịch thứ 4 đã bước sang chu kỳ thứ 5, nghĩa là đã có các F5 trở thành F0.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, biến chủng của vi rút lần này lây lan rất nhanh, tốc độ lây nhiễm cao mà tốc độ “đuổi theo”, khoanh vùng của chúng ta đang yếu, nên nếu cả khu cách ly - nơi được khoanh vùng - để xảy ra lây nhiễm chéo, sẽ là gánh nặng lớn lên hệ thống y tế vốn đã phải căng sức ở nhiều nơi. Mối lo lớn tập trung vào địa phương có số ca bệnh tăng nhanh, như Bắc Giang, kéo theo số F1 phải cách ly tập trung cũng tăng chóng mặt.

Bắc Giang: Khu cách ly tập trung quá tải

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bắc Giang, tỉnh hiện có 3 ổ dịch với hơn 600 ca F0 và hơn 8.800 ca F1. Toàn tỉnh đang bố trí 5 khu cách ly với công suất trên 5.000 người, các huyện, thành phố có khu cách ly công suất khoảng gần 25.000 người. Tuy nhiên, một số khu cách ly tập trung đã bắt đầu quá tải. Bên cạnh đó, các khu cách ly tại trường học, thôn, xã việc kiểm soát chưa được chặt chẽ. Đơn cử trường hợp Q.H (20 tuổi, ở xã Tân Dĩnh) là F1 cùng khu trọ với F0 L.T.H (công nhân KCN Vân Trung), đang cách ly tập trung tại Trường tiểu học Tân Dĩnh, TP.Bắc Giang. Tuy nhiên, khi lực lượng quản lý khu cách ly điểm danh thì phát hiện H. đã bỏ trốn, đến khi người dân phát hiện báo cơ quan chức năng mới đưa được H. trở lại khu cách ly.

Ô nhiễm môi trường trong khu cách ly cũng là một vấn đề tại Bắc Giang khi nhiều khu cách ly được lập khẩn cấp nhưng việc xử lý rác thải, vệ sinh môi trường chưa được triển khai kịp thời khiến ngày 20.5, UBND tỉnh Bắc Giang phải có công văn yêu cầu chấn chỉnh.

Ngày 20.5, trên mạng xã hội và một số diễn đàn xuất hiện thông tin cho rằng, do số ca mắc quá nhanh, quá nhiều, Bắc Giang không đủ xe cứu thương, giường bệnh; rất nhiều người nhiễm Covid-19 phải nằm vạ vật trong các KCN đang bị cách ly. Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết những thông tin này không chính xác. Có những trường hợp nhắn tin kêu cứu là hết tiền, không có đồ dùng, thực phẩm… nhưng kiểm tra số điện thoại, người sử dụng thuê bao là người khác, không phải công nhân, tự mạo nhận kêu cứu.

Qua kiểm tra tại các địa phương và mới nhất là tại Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị các tỉnh phải xét nghiệm nhanh kháng nguyên hằng ngày tại khu cách ly tập trung. Và nếu phát hiện ra trường hợp dương tính, phải đưa đi điều trị ngay, không chờ kết quả xét nghiệm khẳng định RT-PCR, đề phòng lây lan trong khu cách ly.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã yêu cầu Sở Y tế các địa phương chỉ đạo các trung tâm kiểm soát bệnh tật giám sát, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về cách ly tập trung, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly; việc bàn giao, theo dõi người thực hiện xong cách ly cần thực hiện triệt để trong 7 ngày tiếp theo.

“Có nhiều diễn biến nhanh không lường được”

Còn ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đề nghị tỉnh Bắc Giang thực hiện giải pháp cấp bách. Theo đó, khẩn trương tăng quy mô giường bệnh dã chiến 2.500 lên 3.000 giường bệnh, chủ động ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra. Theo UBND tỉnh Bắc Giang, điều trị BN mắc

Covid-19 đang trong tầm kiểm soát. Tuy vậy, nếu tình hình dịch bệnh tại địa phương không sớm được ngăn chặn thì các đơn vị sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Điểm hạn chế chung của các cơ sở điều trị tại Bắc Giang là vấn đề về kiểm soát nhiễm khuẩn vì hầu hết đều chưa có kinh nghiệm điều trị bệnh truyền nhiễm, trong khi trang thiết bị y tế còn rất nhiều thiếu thốn.

Lưu ý chung về chống nhiễm chéo trong khu vực điều trị, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh các BV, phòng khám cần chủ động phòng ca mắc Covid-19 xâm nhập và phòng nhiễm chéo, phải phân luồng cách ly và làm xét nghiệm sàng lọc theo hướng dẫn của Bộ Y tế, vì có thể ca bệnh không triệu chứng, triệu chứng không rõ ràng xâm nhập và âm thầm lây lan.

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), từng có những thời điểm, 80 - 90% BN Covid-19 không có triệu chứng tại thời điểm được xét nghiệm phát hiện bệnh. Hiện trong số 1.767 BN Covid-19 đang điều trị tại 62 cơ sở y tế, có 74,1% các BN có triệu chứng và 17,7% có biểu hiện nhẹ. (Thanh niên, trang 1)

 

Gia hạn cách ly y tế BV Bệnh nhiệt đới T.Ư

Ngày 20.5, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2485/QĐ-BYT về việc gia hạn thời gian cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Kim Chung (tại H.Đông Anh, TP.Hà Nội). Theo đó, thời gian áp cách ly y tế tại BV này sẽ tiếp tục đến 8 giờ ngày 26.5. Trong thời gian cách ly y tế, BV chỉ tiếp nhận điều trị ca bệnh mới dương tính với SARS-CoV-2. Trước đó, ngày 5.5, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư đã quyết định phong tỏa y tế BV này do phát hiện ca mắc Covid-19 là bác sĩ của BV. (Thanh niên, trang 3)

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 7: “Bệnh viện Nhiệt đới TƯ cơ sở 2 kéo dài thời gian cách ly y tế đến ngày 26-5”

 

Thêm 114 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước

Ngày 20.5, Bộ Y tế thông báo 119 ca mắc Covid-19 mới, trong đó 114 ca lây nhiễm trong nước và 5 ca nhập cảnh, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam lên 4.809.

Các ca mới do lây nhiễm trong nước ghi nhận tại Bắc Giang 63 ca; Bắc Ninh 24 ca; Hải Dương 5 ca; Điện Biên 4 ca; Bệnh viện (BV) K (tại TP.Hà Nội) 4 ca; TP.HCM 3 ca; Lạng Sơn, Ninh Bình và Hà Nội mỗi địa phương 2 ca; Thái Nguyên, Đà Nẵng, Hải Dương, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa, mỗi tỉnh 1 ca.

5 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Bà Rịa-Vũng Tàu 1 ca và Sóc Trăng 4 ca. Trong đó, ca nhập cảnh tại Bà Rịa - Vũng Tàu là bệnh nhân (BN) 4766 (nam, 37 tuổi) địa chỉ tại Q.Lê Chân, TP.Hải Phòng từ Malaysia nhập cảnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày 13.5 trên tàu PVT Neptune, được phát hiện dương tính sau 5 lần xét nghiệm.

Hai ca mắc Covid-19 tử vong

Trong ngày 20.5, Bộ Y tế thông báo 2 ca mắc Covid-19 tử vong là BN 3197 và 3554; là các ca mắc thứ 38 và 39 tử vong liên quan Covid-19, tại Việt Nam. Trong đó, BN 3197 (nữ, 64 tuổi) có tiền sử viêm gan B, ung thư gan. BN 3197 được đưa đến điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 ngày 4.5 với chẩn đoán: nhiễm trùng huyết/ung thư gan. Quá trình điều trị, BN được điều trị hồi sức tích cực, thở máy, kháng sinh phổ rộng kết hợp thuốc kháng nấm, truyền máu... Do bệnh lý nền quá nặng, không đáp ứng điều trị, BN 3197 tử vong ngày 19.5, với chẩn đoán tử vong: sốc nhiễm khuẩn trên BN ung thư gan, nhiễm SARS-CoV-2.

Còn BN 3554 (81 tuổi, nam) có tiền sử xơ gan, đái tháo đường, tăng huyết áp, gút. Ngày 3.5, BN nhập BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 với chẩn đoán: nhiễm khuẩn huyết trên BN xơ gan, gút. Ngày 11.5, BN có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Quá trình điều trị, BN được hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu liên tục, kháng sinh… nhưng vẫn diễn biến nặng. BN tử vong tối 19.5 với chẩn đoán tử vong: sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn viêm mủ khớp gối 2 bên trên BN xơ gan, đái tháo đường, nhiễm Covid-19.

Liên quan đến các ca bệnh vừa được Bộ Y tế công bố tối 20.5 (gồm: BN 4780, 4781, 4782), cùng ngày, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết đây là 3 BN trong cùng một gia đình bán quán ăn tại hẻm 278 Nguyễn Đình Chiểu, P.5, Q.3 nhiễm Covid-19 gồm mẹ và 2 người con.

Theo HCDC, người mẹ là BN Đ.T.T (58 tuổi, BN 4780) làm nghề bán quán ăn. Ngày 19.5, BN T. có triệu chứng bệnh đường hô hấp, đến khám tại Trung tâm y khoa Medic (đường Hòa Hảo, Q.10). Kết quả xét nghiệm X-quang phổi và CT scanner phổi cho thấy có tổn thương phổi. BN T. được hướng dẫn đến khám tại BV Phạm Ngọc Thạch chiều cùng ngày. Tại BV Phạm Ngọc Thạch, BN thực hiện khai báo y tế và được đưa vào phòng khám sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, kết quả nghi nhiễm Covid-19 nên chuyển vào khu cách ly. Ngay sau đó, có kết quả BN nhiễm Covid-19.

Điều tra ban đầu, HCDC đã truy vết 15 trường hợp tiếp xúc gần tại nơi ở BN và chuyển cách ly lấy mẫu xét nghiệm khẩn. Trưa 20.5, 2 người con BN T. (ở cùng nhà) có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 (BN 4781, BN 4782). Một người con khác của bà T. (ngụ Q.Bình Tân) đi cùng BN đến BV Phạm Ngọc Thạch khám bệnh, cũng được xét nghiệm và có kết quả âm tính lần 1.

Cùng ngày, HCDC thông báo khẩn tìm người đến quán bánh canh cá lóc O Thanh chi nhánh: 287/5 Nguyễn Đình Chiểu, P.5, Q.3 và 289 Nguyễn Đình Chiểu, P.5, Q.3 thời gian từ ngày 12.5 đến sáng 20.5 (nơi 3 BN trú ngụ, buôn bán); tìm những người đến khám tại Trung tâm y khoa Medic (254 Hòa Hảo, P.4, Q.10, khung giờ từ 8 - 14 giờ ngày 19.5; nơi BN 4780 đến khám bệnh). Những trường hợp đến 3 địa điểm và khung giờ này, thực hiện khai báo tại y tế địa phương để được hướng dẫn giám sát, xét nghiệm, cách ly y tế theo quy định. Hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) cũng đã được các cơ quan chức năng phong tỏa và lấy khoảng 2.000 mẫu tại khu vực này để xét nghiệm giám sát.

Trong khi đó, ngày 20.5, liên quan đến BN 4780, có 39 nhân viên Trung tâm y khoa Medic đã được đưa đi cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm. 780 nhân viên y tế còn lại của trung tâm này cắm chốt tại chỗ để lấy mẫu xét nghiệm.

Cũng trong ngày hôm qua (20.5), nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết UBND Q.Gò Vấp (TP.HCM) đã quyết định tạm ngưng hoạt động Phòng khám y khoa Quang Trung (P.14, Q.Gò Vấp) do có liên quan đến 1 ca nghi nhiễm Covid-19 (người nghi nhiễm ngụ trong hẻm 954 Quang Trung, P.8, Q.Gò Vấp) từng đến đây khám bệnh. Trước đó, ngày 18.5, nam BN khoảng 60 tuổi (ngụ hẻm 954 Quang Trung, P.8, Q.Gò Vấp) đến Phòng khám y khoa Quang Trung chụp X-quang vì có triệu chứng hô hấp, ho… Sau đó, BN đến khám bệnh ở BV Phạm Ngọc Thạch, được cách ly, lấy mẫu và nghi ngờ nhiễm Covid-19.

3 nhân viên y tế ở Điện Biên mắc Covid-19 “do sơ suất”

Ngày 20.5, ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết về 3 ca là nhân viên y tế tại BV dã chiến Điện Biên Phủ nhiễm Covid-19 là do sơ suất ở khâu đưa đón BN. Sau vụ việc này, địa phương đã lập tức rà soát, siết lại quy trình phòng chống dịch bệnh. Những người làm việc trực tiếp tại BV dã chiến Điện Biên Phủ trước đây được bố trí một khu sinh hoạt riêng, nay đã thực hiện phong tỏa, nội bất xuất, ngoại bất nhập. (Thanh niên, trang 3)

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 7: “Thêm 114 ca mắc mới COVID-19 trong nước tại 12 tỉnh, thành phố”

 

Người trẻ không bệnh nền, vẫn trở nặng

Tại Việt Nam, đến nay đã trải qua 3 đợt dịch và đang ở đợt dịch thứ 4. Khác với những đợt trước, ở làn sóng dịch mới nhất này, trong số các ca bệnh trở nặng nhanh, rồi diễn tiến nặng dần trở thành nguy kịch, có không ít bệnh nhân là người trẻ tuổi.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đang điều trị cho 416 bệnh nhân (khoảng 25% tổng bệnh nhân cả nước). Trong đó có 41 ca tiến triển nặng lên, 28 ca tiên lượng rất nặng. Về tình trạng lâm sàng, 24 ca nặng phải thở oxy; 6 ca thở máy không xâm nhập; 18 ca thở máy, điều trị tích cực; 2 ca ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo).

Điều đáng nói, trong số các ca bệnh trở nặng nhanh, rồi diễn tiến nặng dần trở thành nguy kịch, có không ít bệnh nhân là người trẻ tuổi. Hiện Bệnh viện này có 4 bệnh nhân dưới 50 tuổi diễn biến nặng, phải thở oxy lưu lượng cao; 6 bệnh nhân thở máy, 1 bệnh nhân ECMO. Đặc biệt, trong số những ca nặng này không ai có bệnh lý nền.

Đơn cử, thai phụ 35 tuổi ở Hà Nội, phát hiện dương tính hôm 9/5, sau hơn 1 tuần vào viện phải thở máy qua ống nội khí quản, vẫn còn sốt cao, được điều trị an thần, giãn cơ. Trường hợp trở nặng cấp tính này được các chuyên gia hàng đầu khuyến nghị cần hội chẩn với sản khoa liên tục, xem xét sớm chỉ định đặt ECMO.

Ngoài ra, một số nhân viên y tế trẻ tuổi cũng diễn biến nặng lên. Mới nhất có trường hợp người đàn ông mới 37 tuổi, tiền sử khoẻ mạnh, phát hiện dương tính SARS-CoV-2 hôm 8/5, chỉ 10 ngày sau vào viện phải chuyển từ Bắc Ninh lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư phải đặt ECMO ngay.

Hai bệnh nhân COVID-19 đã tử vong trong đợt dịch này (ca thứ 36 và 37), một người cao tuổi và một người mới 37 tuổi, có nhiều bệnh lý nền đi kèm. Cho rằng đặc điểm diễn biến bệnh do chủng virus mới này còn đang cần nghiên cứu tiếp, nhưng bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư nhấn mạnh: “Để hạn chế tỷ lệ tử vong, chúng ta không chỉ lưu tâm đến nhóm bệnh nhân có tuổi, có bệnh nền mà còn phải đảm bảo việc điều trị tốt cho cả nhóm người trẻ khỏe. Điều đó đòi hỏi phải nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị ở tất cả các tuyến, ưu tiên nguồn lực, đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc, vật tư hóa chất và trang thiết bị phục vụ công tác khám và điều trị”.

“Hơn hết, mỗi người đều phải thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế, tuân thủ các chỉ định cách ly giãn cách khi được yêu cầu để hạn chế số người mắc không vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống điều trị”, bác sĩ Cấp nói.

Thêm 2 ca COVID-19 tử vong

Ngày 20/5, Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo về 2 ca COVID-19 tử vong. Cụ thể, bệnh nhân BN3197, nữ 64 tuổi, có tiền sử viêm gan B mạn cách đây 10 năm, ung thư gan phát hiện cách đây 4 tháng. Bệnh nhân được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 4/5 với chẩn đoán: Nhiễm trùng huyết/ung thư gan, viêm gan B mạn, hội chứng thực bào máu. Do bệnh lý nền quá nặng không đáp ứng điều trị, bệnh nhân đã tử vong ngày 19/5. Chẩn đoán tử vong do sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân ung thư gan, viêm gan B mạn, hội chứng thực bào máu, kiệt bạch cầu, nhiễm SARS-COV-2. Đây là ca tử vong của bệnh nhân thứ 38.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân BN3554, 81 tuổi, nam, có tiền sử đau khớp gối nhiều năm, xơ gan, đái tháo đường, tăng huyết áp, gút. Ngày 19/5 bệnh nhân có diễn biến nặng, mặc dù đã được bệnh viện cấp cứu hồi sức tích cực nhưng đã tử vong tối cùng ngày. Chẩn đoán tử vong do sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết đường vào viêm mủ khớp gối 2 bên trên bệnh nhân xơ gan, đái tháo đường, tăng huyết áp, nhiễm SARS-COV-2. Đây là ca tử vong của bệnh nhân thứ 39 có liên quan tới COVID-19 tại Việt Nam.

Chiều 20/5 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký ban hành văn bản gia hạn thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Kim Chung đến 08h00 ngày 26/5/2021. (Tiền phong, trang 4)

 

Ứng phó đại dịch Covid-19: Xa con thơ, giúp nhiều gia đình đoàn tụ

“Những nữ sinh trong tổ lấy mẫu còn phải mặc thêm bỉm cả ngày vì đồ bảo hộ chỉ cần cởi ra sẽ phải vứt đi. Bộ đồ đó rất đắt, đáng giá 1 triệu nên mỗi người chỉ được dùng một bộ một ngày” -Một cán bộ của Học viện Quân y chia sẻ

Nhận lệnh lên đường lúc 10h đêm, nữ bác sĩ của Học viện Quân y nhìn đứa con đầu lòng mới 18 tháng tuổi còn chưa cai sữa, rồi khóc. Trằn trọc cả đêm. Đến sáng, chị lấy lại tinh thần, quyết tâm lên đường vì nghĩ tạm xa con cũng là để giúp nhiều gia đình khác sớm đoàn tụ.

Gánh nặng trên vai người lính

Trong Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 2 ở Tân Yên (Bắc Giang), trung úy Phùng Thị Hạnh gọi điện về cho con gái đầu lòng. Cháu nghe giọng mẹ qua điện thoại lại khóc, quấy đòi theo. Người mẹ vội tắt máy, lau dòng nước từ đôi mắt đã đỏ ngầu vì nhớ con. Trung úy Hạnh công tác tại Học viện Quân y đã 6 năm, mới được tăng cường về bệnh viện dã chiến sáng 19/5. Cô quê Phú Thọ, lấy chồng rồi sinh sống gần đơn vị ở Hà Nội. “Em nhận lệnh lên đường về tâm dịch Bắc Giang lúc 10h đêm, yêu cầu sáng hôm sau tập trung sớm để xuất phát. Nghe lệnh xong, em cứ nhìn con rồi khóc. Cháu mới 18 tháng tuổi, còn chưa cai sữa đã phải xa mẹ để bà nội chăm sóc”, chị Hạnh nói.

“Nghĩ đến con, thương con nên cả đêm đó em không ngủ được. Trằn trọc không biết làm sao nhưng lại nghĩ mình là bộ đội, tổ quốc gọi là lên đường. Em xốc lại tinh thần, quyết tâm lên đường và hứa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi mình rời con đi làm nhiệm vụ sẽ giúp người khác sớm được gặp con cái, bố mẹ họ bởi lúc “cuộc chiến” này kết thúc, hàng nghìn gia đình sẽ không phải cách ly vì phong tỏa, được đoàn tụ”, chị tâm sự.

Lúc nói chuyện, trung úy quân y thi thoảng lại cầm tay trái. Chị cho hay, con không bú nên đang tắc sữa dẫn tới đau cả 2 vai, khó cử động một cánh tay. Việc đầu tiên của chị Hạnh sau khi nhận lệnh lên đường là ra hiệu thuốc, mua một đơn tiêu sữa về uống nhưng chưa có hiệu quả ngay. Đoàn của chị Hạnh có 7 phụ nữ, đa phần có con nhỏ. Tuy vậy, “tất cả cùng xác định ở lại Bắc Giang, “chiến đấu” đến cùng, hết dịch mới về”, chị Hạnh cho biết.

Bệnh viện dã chiến nằm trong doanh trại của Trung đoàn 831, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Tuy vậy, nữ trung úy và những đồng đội của mình cố gắng khắc phục từng chút, chỉ mong điều trị bệnh nhân thật tốt để nhanh hết dịch. Theo chị Hạnh,nhiều sĩ quan khác có vợ, chồng cùng công tác trong các đơn vị trực thuộc Học viện Quân y. Họ cũng đang lên phương án gửi con để cùng nhau đi chống dịch. Những người còn ở Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng quân tư trang, từ chăn chiếu, gói xà phòng… để sẵn sàng lên đường khi nhận lệnh.

“Đóng bỉm cả ngày để lấy mẫu cho dân”

Đoàn của Học viện Quân y về tăng cường cho Bắc Ninh, Bắc Giang có 380 người, được chia thành các tổ đi lấy mẫu, các đơn vị xét nghiệm hoặc xây dựng bệnh viện dã chiến điều trị người mắc COVID-19. Khoảng 17h ngày 18/5, tổ xét nghiệm nhận lệnh lên đường và 2 tiếng sau họ xuất phát. Những container xét nghiệm di động cũng được chuyển đi, hoàn thành lắp đặt lúc 3h sáng để có thể triển khai nhiệm vụ. Với bệnh viện dã chiến, những người lính quân y nhận lệnh lúc 22h và tất cả chuẩn bị trang bị, máy móc xuyên đêm để sáng sớm hôm sau xuất phát về tâm dịch.

Những sinh viên tuổi đôi mươi của học viện tạm “xếp lại bút nghiên” để khoác lên mình bộ đồ bảo hộ bằng ni lông. Họ mặc bộ đồ đó cả ngày, dưới cái nắng nóng của mùa hè. Đầu, tai đau nhức dưới sức ép từ dây khẩu trang, dây kính chắn giọt bắn… “Những nữ sinh trong tổ lấy mẫu còn phải mặc thêm bỉm cả ngày vì đồ bảo hộ chỉ cần cởi ra sẽ phải vứt đi. Bộ đồ đó rất đắt, đáng giá 1 triệu nên mỗi người chỉ được dùng một bộ một ngày” - một cán bộ trong của học viện chia sẻ.

“Chúng tôi đã cố gắng khắc phục khó khăn. Con người có thể làm nhiệm vụ ngay nhưng máy móc, trang bị phải phụ thuộc nhiều yếu tố. Tất cả phải khắc phục để có thể tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm công suất lớn cho khoảng 7.000 mẫu mỗi ngày. Ngoài ra, bệnh viện dã chiến do chúng tôi phụ trách cũng đã sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân từ ngày 20/5 và tại đây, mọi cán bộ được xét nghiệm Sars-CoV-2 trước để đảm bảo không lây nhiễm” - Thiếu tướng, GS.TS Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc Học viện Quân y cho biết.

Theo Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Học viện Quân y đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, vừa chia lửa với Bắc Giang, Bắc Ninh và cũng để phòng tránh dịch lây lan diện rộng ra cả nước. Do đó, lãnh đạo học viện đã yêu cầu các lực lượng tham gia có ý thức trách nhiệm cao nhất, tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, khoa học, an toàn; tuân thủ nghiêm quy định của công tác phòng chống dịch COVID-19 và làm tốt công tác dân vận trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. (Tiền phong, trang 5)

 

Chống dịch COVID-19 ở địa bàn phía Nam Thủ đô

17h, mây đen từ đâu bất ngờ kéo đến, vần vũ che kín bầu trời…, chiếc lều bạt được chằng, buộc cẩn thận “toạ lạc” trước sân toà Park 10, Khu đô thị Times City, phường Mai Động, quận Hoàng Mai (Hà Nội) rung lên bần bật.

Cái nóng hầm hập sau một ngày oi nồng, bức bối của những ngày hè được xua đi. Rồi mưa bắt đầu nặng hạt và chỉ trong phút chốc nước đã tràn khắp chiếc lều… Trong chiếc lều bạt được dựng làm chốt phòng, chống dịch COVID-19, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an phường Mai Động cần mẫn làm nhiệm vụ.

1. Những ngày này, lịch làm việc của CBCS Công an phường Mai Động dày đặc với các kế hoạch và phương án. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại khu cách ly Pháp Vân - Tứ Hiệp, thời điểm này, CBCS Công an phường còn thay phiên nhau thực hiện nhiệm vụ tại khu Park 10, mỗi ca gồm có một cán bộ Công an phường, một bảo vệ dân phố và một bảo vệ toà nhà, 24/24h căng mình làm nhiệm vụ…

Sáng 4/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông báo ca nhiễm COVID-19 tại Khu đô thị Times City, phường Mai Động; bệnh nhân số 2986, tên là V.V (SN 1984, quốc tịch Ấn Độ), chuyên gia làm việc cho Công ty Vinfast, ở tại căn hộ 12B, tầng 24, tòa Park 10. Bệnh nhân nhập cảnh ngày 17/4, được CDC Hải Phòng lấy mẫu xét nghiệm hai lần, lần thứ nhất vào ngày 19/4, lần thứ hai vào ngày 30/4, kết quả đều âm tính.

Ngày 1/5, bệnh nhân hết cách ly, đi taxi về Hà Nội ở tại địa chỉ trên cùng vợ và con, tự khai chưa đi đâu xa. Ngày 3/5, bệnh nhân đến Bệnh viện Vinmec làm xét nghiệm dịch vụ, cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Mẫu bệnh phẩm sau đó được được chuyển đến CDC Hà Nội xét nghiệm, kết quả dương tính vào 5h sáng 4/5.

Ngay khi có thông tin về bệnh nhân người nước ngoài dương tính với COVID-19,  thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ huy Công an quận Hoàng Mai, lãnh đạo UBND phường, Công an phường Mai Động đã phong tỏa tòa nhà Park 10, gồm 34 tầng, với khoảng 1.500 cư dân và khẩn trương tiến hành công tác rà soát, truy vết các F1, F0...

Thiếu tá Vũ Văn Trọng, Trưởng Công an phường Mai Động cho biết: Theo phương án phòng, chống dịch COVID-19 trước đó đã được Công an xây dựng, vào thời điểm đó tất cả các cư dân đang sinh sống tại toà nhà đều phải “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Để tránh trường hợp người dân hoang mang, lo sợ tìm cách rời khỏi toà nhà, Công an phường Mai Động còn phối hợp với Ban quản lý toà nhà chỉ cho một thang máy hoạt động… Cùng với việc khẩn trương xác minh, truy vết và phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành khoanh vùng, tổ chức cách ly và đảm bảo ANTT…

Trong quá trình này, ngoài sự bất đồng về ngôn ngữ, Thiếu tá Vũ Văn Trọng và các CBCS Công an phường Mai Động còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác. Do người nước ngoài này vừa đến Việt Nam và chuyển đến khu chung cư sinh sống không lâu nên CBCS Công an phường Mai Động phải rà soát các trường hợp là F1, F2  qua hệ thống camera giám sát an ninh của toà nhà.

Trắng đêm hôm đó, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an quận Hoàng Mai, UBND phường Mai Động, công tác rà soát, truy vết với sự phối hợp của các nhân viên y tế mới hoàn tất.

Quá trình truy vết đã xác định có sáu trường hợp F1 gồm vợ, hai con và ba người Ấn Độ ở cùng tòa nhà. Vợ và hai con của bệnh nhân tạm thời cách ly tại nhà do con còn nhỏ (một cháu 3 tuổi, một cháu 1 tuổi), ba người còn lại được chuyển cách ly tập trung. Từ  kết quả trên, toàn bộ tầng 24 của toà nhà đã bị cách ly y tế và giám sát 24/24h để thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.

2. Một ngày như mọi ngày, cán bộ Công an phường Thịnh Liệt lại có mặt ở Ga Giáp Bát, địa bàn công cộng, có đến trên 70% số người hoạt động trong ga là người của các đơn vị khách hàng; các đơn vị trong khối lao động khu ga, đơn vị thi công công trình trong ga…

Với đặc thù của địa bàn, theo quy định thì người đứng đầu các đơn vị này phải chịu trách nhiệm cao nhất trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với người lao động của mình trên địa bàn nhưng để đảm bảo an toàn, Công an phường Thịnh Liệt vẫn thường xuyên đôn đốc các đơn vị khách hàng, các đơn vị thi công công trình trong ga tăng cường cảnh giác với nguy cơ bùng phát dịch COVID-19; tránh tư tưởng chủ quan, buông lỏng công tác phòng, chống dịch.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Đình Chiến, Trưởng Công an quận Hoàng Mai cho biết: Hoàng Mai là địa bàn có đông dân cư, với nhiều khu vực công cộng như nhà xe, nhà ga…, nên từ khi dịch COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam, Công an quận Hoàng Mai đã đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát vào thời điểm CBCS Công an quận Hoàng Mai đang căng mình thực hiện chiến dịch cấp CCCD gắn chíp, trên địa bàn quận Hoàng Mai đồng thời có hai trường hợp được xác định dương tính với SarCOV2 nên các phương án phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã ngay lập tức được kích hoạt.

Trong khi các tổ Cảnh sát trật tự thay phiên nhau tuần tra, kiểm soát đảm bảo ANTT trên địa bàn quận; chủ động phát hiện, kiểm tra, xử lý các vi phạm không để ùn tắc giao thông và phát sinh các điểm phức tạp về TTATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng…, thì lực lượng CSKV Công an quận Hoàng Mai cũng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.

Với địa bàn có dân số hơn 60 vạn người, hơn 2.000 nhà trọ cho thuê với tổng số người trọ là hơn 27.570 người, Công an quận đã chỉ đạo các phường thường xuyên rà soát các địa điểm nhà trọ để kiểm tra, nhắc nhở mọi người luôn có ý thức phòng, chống dịch COVID-19.

Từ 0h00 ngày 30/4, khi thành phố tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, game và tạm dừng tổ chức các lễ hội, các tuyến phố đi bộ trên địa bàn thành phố; tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết, cán bộ Đội Cảnh sát quản lý QLHC về TTXH và Công an các phường cũng tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh có điều kiện hoạt động “chui” bất chấp lệnh cấm của thành phố; tham mưu rút giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh “tái diễn” vi phạm. (Công an Nhân dân, trang 5)

 

Bộ Tài chính trình Chính phủ thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới, đồng thời thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về chủ trương mua vaccine phòng Covid-19 cho nhân dân từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) và các nguồn tài chính hợp pháp khác, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19.

Trong đó, Chính phủ quy định nguồn kinh phí thực hiện bao gồm: Nguồn NSNN đảm bảo theo phân cấp NSNN; nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác; nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vắc xin tự nguyện chi trả.

Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến mua 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng.

Trong đó: kinh phí mua vaccine khoảng 21 nghìn tỷ đồng; kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng.

Về nguồn kinh phí để mua vaccine, ngân sách trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16 nghìn tỷ đồng, đảm bảo cho các đối tượng do trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương khó khăn. Ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9,2 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt khi dịch kéo dài thì nhu cầu vaccine hàng năm tăng cao, kinh phí sẽ mua vaccine lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn NSNN thì sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân.

Bộ Tài chính cho rằng, trong bối cảnh cân đối NSNN khó khăn, để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác mua vaccine phòng Covid-19, việc thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vaccine để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho nhân dân.

Quỹ vaccine phòng Covid-19 có chức năng quản lý, điều phối các nguồn lực tài chính của Quỹ cho hoạt động tài trợ, hỗ trợ mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19.

Quỹ này hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả. Quỹ sẽ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán Nhà nước.

Quỹ được vận động quyên góp, tài trợ cho Quỹ; tiếp nhận, quản lý sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ, tài trợ cho các hoạt động mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19 theo quy định.

Quỹ vaccine phòng Covid-19 sẽ thực hiện chế độ báo cáo kế toán, quyết toán, công khai tài chính theo quy định của Luật Kế toán và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Quỹ có trách nhiệm thực hiện báo cáo tình hình thu, chi, quyết toán tài chính quỹ để tổng hợp chung nguồn lực báo cáo Chính phủ, Quốc hội trong các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội và NSNN; thực hiện công khai số tiền huy động, danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp, nội dung và số tiền đã chi, số dư quỹ còn lại (nếu có). (An ninh Thủ đô, trang 7)

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Trình Chính phủ lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19”

 

Hà Nội: Không được để khu vực bỏ phiếu thành điểm lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng

Trực tiếp kiểm tra một số khu vực bầu cử trên địa bàn huyện Thanh Trì, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu nâng cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu vực bỏ phiếu; không để bất cứ khu vực bỏ phiếu nào thành điểm lây nhiễm trong cộng đồng.

Sáng 20/5, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo bầu cử thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Thanh Trì.

Trước khi làm việc với lãnh đạo huyện Thanh Trì, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đã trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử, phòng chống dịch Covid-19 tại khu vực bỏ phiếu số 11, xã Tả Thanh Oai (CT10, khu đô thị Đại Thanh) và tặng quà, hỗ trợ phòng chống dịch cho khu vực cách ly tại tầng 14, CT10C khu đô thị Đại Thanh.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo 3 đơn vị: Bệnh viện K2 Tam Hiệp, Bệnh viện K3 Tân Triều và Khu cách ly tập trung Thành An đã báo cáo sơ bộ công tác cách ly, phòng chống dịch Covid-19 và công tác chuẩn bị bầu cử tại đơn vị.

Theo đó, huyện Thanh Trì và các xã liên quan đã phối hợp chặt chẽ với 3 đơn vị; đến nay đã hoàn thành tập huấn cho thành viên các tổ bầu cử; lập danh sách cử tri; chuẩn bị cơ sở vật chất; xây dựng các phương án, kịch bản chi tiết cho các khu vực bỏ phiếu tại 3 đơn vị.

Báo cáo về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Thanh Trì, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Lê Tiến Nhật cho biết, đến nay mọi công việc chuẩn bị cho ngày bầu cử đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo yêu cầu về thời gian và đúng quy định pháp luật.

Toàn huyện có 131 khu vực bỏ phiếu với 178.492 cử tri. Ngoài 3 khu vực cách ly tập trung nêu trên, huyện Thanh Trì còn 5 khu vực cách ly y tế tại các xã.

Huyện Thanh Trì đã chỉ đạo thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình biến động của cử tri để cập nhật kịp thời; xây dựng các phương án và kịch bản chi tiết trong ngày bầu cử, phù hợp với tình hình thực tế của từng khu vực bỏ phiếu, đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch để tổ chức bầu cử thành công.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững; không phát sinh những điểm bầu cử cần lưu ý; sẵn sàng các phương án đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy tại các khu vực bỏ phiếu...

Ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị bầu cử và phòng chống dịch Covid-19 của huyện Thanh Trì, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến lưu ý, chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày bầu cử (23/5), để ngày bầu cử diễn ra an toàn, thực sự là ngày hội của toàn dân, huyện Thanh Trì và các xã, thị trấn cần tiếp tục rà soát lại danh sách cử tri để chú ý kiểm tra dịch tễ, nhất là cử tri từ các vùng dịch mới trở về địa phương.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý, huyện Thanh Trì cần tiếp tục tập huấn về quy trình bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu, nếu cần thiết có thể tiến hành diễn tập để công tác bầu cử diễn ra an toàn và đúng quy định.

Các địa phương cũng cần có phương án dự phòng về nhân sự các tổ bầu cử; rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, nhất là con dấu, hòm phiếu, phiếu bầu, khẩu trang, kính chống giọt bắn cho thành viên các tổ bầu cử; có phương án đảm bảo an ninh trật tự chi tiết cho toàn bộ 131 khu vực bỏ phiếu, nhất là tại các điểm cách ly, đồng thời có phương án về tiếp công dân trong ngày bầu cử.

Kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách địa bàn dành thời gian tối đa xuống cơ sở để duyệt kịch bản và kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu vực bỏ phiếu. “Yêu cầu cao nhất là không để bất cứ khu vực bỏ phiếu nào thành điểm lây nhiễm dịch trong cộng đồng”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh. (An ninh Thủ đô, trang 2)

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không để đứt gãy chuỗi sản xuất vì COVID-19, thí điểm tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại nhà

Xác định Bắc Giang và Bắc Ninh đang là điểm nóng của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, là hai địa phương có khu công nghiệp tập trung đông công nhân, vì thế cần thí điểm triển khai thực hiện tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh có giám sát.

Chiều 20/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã họp trực tuyến với UBND các tỉh Bắc Giang, Bắc Ninh để triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bắc Giang: Quản lý toàn bộ công nhân, tập trung chống dịch trong cộng đồng

Báo cáo Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, sau khi đóng cửa 4 khu công nghiệp (KCN), giãn cách xã hội 4 huyện và TP Bắc Giang, tỉnh đã quản lý được toàn bộ công nhân liên quan đến ổ dịch (cả số cách ly tập trung và cách ly tại nhà), đồng thời, tập trung cao cho phòng, chống dịch lây nhiễm trong cộng đồng.  Hiện tại 2 nguồn lây trong cộng đồng là từ khu công nghiệp và liên quan đến ổ dịch ở Thuận Thành (Bắc Ninh).

Năng lực xét nghiệm của Bắc Giang đã đạt trên 24.000 mẫu đơn/ ngày và 100.000 mẫu gộp/ngày, đáp ứng được yêu cầu chống dịch hiện tại. Bắt đầu từ ngày 21/5 sẽ không còn mẫu tồn và xét nghiệm sẽ trả kết quả trong ngày. Vấn đề thiếu sinh phẩm xét nghiệm cũng đã được giải quyết.

Hiện Bắc Giang đã đưa vào vận hành 8 bệnh viện để thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, với tổng số 1.280 giường. Ngày 21/5, tỉnh sẽ đưa thêm 1 bệnh viện dã chiến 300 giường vào hoạt động do quân đội hỗ trợ; tỉnh cũng chuẩn bị 1 bệnh viện 624 giường để thu dung, điều trị các bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng, dự kiến 2 ngày nữa sẽ đưa vào hoạt động.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế, Bộ Công an chỉ đạo, phân công lực lượng y tế tối thiểu và các lực lượng đảm bảo an ninh về phụ trách bệnh viện 600 giường, rút kinh nghiệm để triển khai khẩn cấp nếu có tình huống tương tự ở các khu công nghiệp khác.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, các khu cách ly tập trung của Bắc Giang hiện chưa sử dụng hết công suất, nhưng vừa qua, do chuẩn bị gấp nên 1 số khu chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Tỉnh đã chỉ đạo triển khai khắc phục, để bảo đảm kiểm soát chặt các khu cách ly tập trung theo đúng quy định.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết giai đoạn này “thắng hay bại là ý thức của người dân”, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Tổ COVID cộng đồng; thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội; tiến hành xét nghiệm tầm soát COVID-19 ở những khu vực nguy cơ…

Đến nay, khoảng 900.000 người dân trong vùng cách ly, giãn cách xã hội của Bắc Giang đã thực hiện khai báo y tế. Đội ngũ tình nguyện viên đã chủ động gọi điện cho người dân để rà soát, thẩm định lại nội dung, thậm chí hỗ trợ người dân khai báo y tế chính xác để phục vụ công tác phòng, chống dịch… Tỉnh Bắc Giang nhận định, số F0 trong một số ngày tới sẽ tiếp tục tăng, nhưng tất cả đều trong khu cách ly, không lây lan rộng ra cộng đồng.

Bắc Ninh: Sớm khôi phục sản xuất của doanh nghiệp

Tại Bắc Ninh, báo cáo của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang trình bày cho biết, đến ngày 20/5, trên địa bàn tỉnh đã có 371 ca mắc COVID-19 ở tại tất cả 8 huyện, thị xã và thành phố. Ngoài cộng đồng vẫn còn nguồn lây; đáng chú ý đã xuất hiện 6 ca dương tính trong khu công nghiệp (trong đó 5 ca của Samsung và Canon) …

Từ 15h00 ngày 20/5, tỉnh Bắc Ninh áp dụng biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đối với toàn bộ huyện Quế Võ đến khi có thông báo mới.

Về xét nghiệm, Bắc Ninh đã tăng cường các loại xét nghiệm, triển khai xét nghiệm mẫu gộp 20 đơn, tuy nhiên, trên địa bàn có gần 500.000 công nhân trong khu công nghiệp, nếu xét nghiệm sàng lọc theo hướng dẫn hiện nay thì chưa đáp ứng được yêu cầu. Bắc Ninh cũng chuẩn bị 2 bệnh viện dã chiến, triển khai thêm các giường bệnh điều trị bệnh nhân nặng, tập trung xét nghiệm cho các nhóm có nguy cơ cao. Sau khi khoanh gọn các ổ dịch ngoài cộng đồng, tỉnh Bắc Ninh quyết tâm giữ các khu công nghiệp không phải ngừng hoạt động.

Bắc Ninh đang phối hợp với Bắc Giang để có phương án đảm bảo hoạt động, tránh chuỗi đứt gãy sản xuất của các tập đoàn lớn, đa quốc gia như Samsung (Bắc Giang có 13 cơ sở sản xuất linh kiện cho của Samsung)… đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Đối với tỉnh Bắc Giang, Phó Thủ tướng cho rằng điều quan trọng hàng đầu là tỉnh phải rà soát từng doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, những doanh nghiệp bảo đảm đủ điều kiện an toàn dịch bệnh thì được phép quay lại sản xuất, nhất là những doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn lớn, đa quốc gia, từ đó không gây ảnh hưởng rất xấu đến kinh tế địa phương và cả nước.

Thí điểm công nhân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh

Nhấn mạnh thực tế chưa địa phương nào có kinh nghiệm chống dịch liên quan đến các khu công nghiệp lớn, hàng trăm nghìn công nhân, Phó Thủ tướng nêu rõ: “Đây là lúc phát huy tinh thần sáng tạo, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương, của ngành y tế, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan”.

Căn cứ tình hình thực tiễn, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Bắc Giang chuẩn bị các khu cách ly có sự giám sát của camera, các công cụ công nghệ thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ, để trong trường hợp có quá nhiều ca mắc thì thu dung những trường hợp khoẻ mạnh, chưa có triệu chứng, để theo dõi. Đồng thời, luôn sẵn sàng chuyển đến các khu điều trị nếu xuất hiện triệu chứng nặng.

“Chúng ta phải phát huy sáng tạo. Thủ tướng khen thưởng TP. Đà Nẵng do đã sáng tạo, dũng cảm thực hiện xét nghiệm mẫu gộp 5 mẫu đơn, sau đó là gộp 10 mẫu đơn, 20 mẫu đơn. Tôi rất mong Bắc Ninh, Bắc Giang cùng phát huy tinh thần này”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu Bắc Ninh, bên cạnh việc tăng cường xét nghiệm mẫu gộp, cần xem xét thí điểm việc hướng dẫn công nhân tự lấy mẫu, có sự giám sát của cán bộ y tế, để thực hiện xét nghiệm nhanh.

Về khai báo y tế, Phó Thủ tướng cho biết, những ngày qua, Bộ TT&TT, Bộ Y tế, Tổ phân tích dữ liệu của Ban Chỉ đạo đã rất tích cực triển khai hệ thống hỗ trợ khai báo y tế, theo dõi sức khoẻ của các đối tượng tiếp xúc gần với các ca nhiễm.

Phó Thủ tướng gợi mở: Hiện Bắc Ninh đã có 8/8 huyện thị, thành phố có ca nhiễm, những nơi thực hiện giãn cách xã hội cần thực hiện khai báo y tế bắt buộc, nếu có thể thì thực hiện  trên địa bàn toàn tỉnh.

Tương tự, Bắc Giang cần yêu cầu người dân tại các huyện, thành phố và những nơi có liên quan đến khu công nghiệp thực hiện khai báo y tế, nếu có thể thì thực hiện khai báo trên phạm vi toàn tỉnh. Các tổng đài hỗ trợ của những doanh nghiệp viễn thông lớn như VNPT, Viettel, đội ngũ tình nguyện viên của Ban Chỉ đạo sẽ thường xuyên chủ động liên hệ với người dân để giúp khai báo y tế, thăm hỏi tình hình sức khoẻ, cũng như hỗ trợ công tác phòng bệnh, truy vết khi cần thiết. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 7: “Không để đứt gãy chuổi sản xuất và nghiên cứu thí điểm F1 cách ly tại nhà”.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang