Tránh tình trạng cán bộ y tế bỏ sót các quy trình trong phòng, chống dịch, bệnh MERS – CoV
Sáng 20-6, Sở Y tế Hà Nội phối hợp UBND huyện Đông Anh tổ chức Diễn tập phòng, chống dịch, bệnh MERS-CoV trên địa bàn TP Hà Nội. Tham dự, có các cục, vụ, viện trực thuộc Bộ Y tế; các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện của TP Hà Nội. Mục đích, nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, xử trí của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh để sẵn sàng đáp ứng với tình huống xảy ra dịch. Nâng cao việc tổ chức thực hiện điều hành, phối hợp và tổ chức thực hiện của các đơn vị để triển khai các biện pháp giám sát, bao vây, xử lý ca bệnh nghi ngờ khi nhập cảnh qua sân bay, tại cộng đồng và vận chuyển cấp cứu; khả năng tiếp nhận xử trí, điều trị người bệnh tại bệnh viện khi có dịch...( Nhân dân trang 5, Hà Nội mới trang 7)
90 công nhân may ở Yên Bái bị ngộ độc thực phẩm
Đến trưa 20-6, một số công nhân của Công ty may Deaseung Global đóng trên địa bàn xã Thịnh Hưng, huyện Hưng Bình (Yên Bái) bị ngộ độc thực phẩm nhập viện vào tối hôm trước đã dần bình phục và có thể đi lại.
Trước đó, vào tối 19-6, hàng chục công nhân nêu trên bị ngộ độc thực phẩm, được đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm y tế huyện Yên Bình cấp cứu. Sáng 20-6, thêm năm công nhân nữa phải nhập viện, nâng tổng số người bệnh lên 90 người. Theo lời kể của các người bệnh, khoảng 18 giờ ngày 19-6, hơn 450 công nhân của Công ty may Deaseung Global ăn tối tại bếp ăn tập thể của công ty. Khoảng 30 phút sau, hàng chục công nhân có biểu hiện buồn nôn, đau bụng và đau đầu, nhiều trường hợp nặng bị khó thở, ngất và nôn tại chỗ. Ngay sau khi phát hiện sự việc, công ty đã sắp xếp phương tiện đưa các nạn nhân đi cấp cứu, những trường hợp nhẹ được nghỉ ngơi tại chỗ.( Nhân dân trang 5)
Hỗ trợ 20 trẻ em phẫu thuật tim
chiều 19-6, tại Bệnh viện Trẻ em thành phố, đồng chí Nguyễn Đình Then, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban vận động “Ngày vì người nghèo” thành phố cùng lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trao 100 triệu đồng hỗ trợ 20 trẻ em phẫu thuật tim tại bệnh viện (mỗi em 5 triệu đồng). Đây là số kinh phí được trích từ quỹ “Vì người nghèo” của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố.
Từ năm 2012 đến nay, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng được Bộ Y tế cho phép triển khai kỹ thuật phẫu thuật tim cho trẻ em. Đến nay, bệnh viện phẫu thuật thành công cho 92 trẻ em mắc các bệnh lý về tim, đem lại niềm vui, giảm chi phí phẫu thuật cho nhiều gia đình. Ba năm qua, kể từ khi Bệnh viện Trẻ em triển khai phẫu thuật tim cho trẻ em, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố trích quỹ “ Vì người nghèo” 400 triệu đồng, hỗ trợ những gia đình hoàn cảnh khó khăn.( Nhân dân trang 5)
Nâng cao sức khỏe sinh sản, giảm tử vong mẹ
Cải thiện sức khỏe sinh sản, giảm tử vong mẹ là một trong những cam kết mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Mặc dù sức khỏe bà mẹ đã được cải thiện một cách đáng kể, tuy nhiên tại các vùng miền núi, vùng dân tộc, tỷ lệ tử vong mẹ vẫn cao gấp ba đến bốn lần so với các vùng khác.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, tỷ lệ tử vong đối với bà mẹ đã giảm một cách đáng kể trong vòng hai thập kỷ qua, từ 233 ca tử vong/100 nghìn ca (năm 1990) xuống còn 69 ca tử vong/100 nghìn ca (năm 2009), giảm hai phần ba số ca tử vong mẹ liên quan đến thai sản. Mặc dù đã có sự cải thiện rõ rệt về tình trạng sức khỏe bà mẹ, trẻ em nhưng ước tính mỗi năm ở nước ta vẫn còn khoảng từ 580 đến 600 trường hợp tử vong mẹ và có sự khác biệt khá lớn giữa các vùng miền núi và khu dân cư. Tại các tỉnh miền núi, chỉ số này gấp ba lần so với vùng đồng bằng. Theo báo cáo của Chương trình "Giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh" được triển khai tại 14 tỉnh miền núi, trong đó có 10 tỉnh vùng núi phía bắc cho thấy, cứ 521 phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ (từ 15 đến 49 tuổi) thì sẽ có một trường hợp tử vong mẹ. Nguy cơ tử vong mẹ cao nhất ở Điện Biên, cứ 148 phụ nữ ở tuổi sinh đẻ thì có một tử vong mẹ. Theo thống kê cho thấy, tỷ lệ tử vong mẹ ở các vùng Tây Bắc là 13,4%, các tỉnh vùng Tây Nguyên là 5,3% và thấp nhất là các tỉnh vùng Đông Bắc là 3,3%. Tỷ lệ chênh lệch này cũng phản ánh sự thiếu hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản đã gây tăng tử vong mẹ. Số trường hợp tử vong cao nhất thường gặp ở những bà mẹ mù chữ, không nghề nghiệp và sống trong tình trạng thu nhập thấp, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số có nguy cơ tử vong cao hơn rất nhiều so với phụ nữ dân tộc Kinh.
Theo bà Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), nguyên nhân của tình trạng nói trên là do việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh còn nhiều hạn chế; tình trạng sinh con không có cán bộ y tế đỡ còn khá phổ biến ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị cho khoa sản, khoa nhi ở nhiều trung tâm y tế huyện, xã còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc điều trị cấp cứu sản phụ và trẻ em. Bên cạnh đó, do hạn chế kinh phí, cán bộ làm công tác sản khoa, sơ sinh không được đào tạo, cập nhật kiến thức thường xuyên, dẫn đến có những hạn chế về kỹ năng, nhất là những kỹ năng cứu sống bà mẹ và trẻ sơ sinh. Trong khi đó, tại những vùng này, phong tục tập quán còn lạc hậu, có những nơi duy trì tập quán sinh con tại nhà hay khoảng cách và thời gian vận chuyển sản phụ đi cấp cứu quá xa cũng là một lý do khiến tỷ lệ tử vong mẹ tại các vùng dân tộc miền núi tăng cao. Năng lực chuyên môn của cán bộ y tế, nhất là y tế cơ sở còn nhiều hạn chế trong việc phân loại, phát hiện nguy cơ, theo dõi, tiên lượng xử trí cấp cứu và hồi sức sản khoa, sơ sinh. Bên cạnh đó, nhiều trung tâm y tế huyện, xã còn có biểu hiện chủ quan, chưa thực hiện nghiêm quy chế bệnh viện, quy định chuyên môn trong chẩn đoán, tiên lượng và xử trí cấp cứu khi có tai biến xảy ra.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, trong Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản của Bộ Y tế, mục tiêu cơ bản là "Cải thiện tình hình sức khỏe phụ nữ và các bà mẹ, giảm tử vong và bệnh tật của mẹ, giảm tỷ lệ chết và tỷ lệ mắc bệnh của các bà mẹ, giảm tỷ lệ chết trẻ em ở các vùng và các nhóm dân cư khác nhau, đặc biệt chú ý tới các vùng sâu, vùng xa và vùng hưởng phúc lợi từ các chính sách của Chính phủ". Đến nay, về cơ bản mục tiêu này đã đạt được. Tuy nhiên, đối với một số tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa đạt được. Do đó, trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, trong đó quan tâm đầu tư hơn nữa cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản từ trung ương đến tuyến huyện, xã, nhất là đối với vùng miền núi, dân tộc. Đầu tư, đào tạo kỹ năng năng lực chuyên môn cho đội ngũ y tế tuyến huyện, xã, bố trí đủ cán bộ cho các khoa sản, khoa nhi và bảo đảm trang thiết bị cần thiết cho cấp cứu hồi sức sản khoa. Phấn đấu đến cuối năm 2015, có 80% số cán bộ y tế làm công tác sản khoa ở tuyến tỉnh, 70% tuyến huyện, xã đạt tiêu chuẩn của y tế thôn bản. Bên cạnh đó, sẽ bảo đảm chế độ chính sách thu hút cán bộ chuyên môn, cán bộ giỏi về công tác lâu dài ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ban hành quy định về nghĩa vụ xã hội đối với bác sĩ về công tác ở vùng sâu, vùng xa thực hiện chính sách hỗ trợ đặc thù đối với đội ngũ y tế thôn bản người dân tộc thiểu số.( Nhân dân trang 5)
Kiểm nghiệm mẫu hộp xốp, ống hút nghi làm từ chất thải y tế
Trước thông tin các cơ sở sản xuất sử dụng chất thải y tế để tái chế đồ đựng thực phẩm, ống hút uống nước, ngày 20-6, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế chỉ đạo Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia kiểm nghiệm 61 mẫu hộp xốp, ống hút được lấy ngẫu nhiên trên thị trường.
Được biết, cuối buổi chiều cùng ngày, kết quả xét nghiệm với 52 mẫu không phát hiện có chất độc hại; các mẫu còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm.
Theo Cục ATTP, việc lấy mẫu kiểm nghiệm các đồ đựng thực phẩm vẫn được tiến hành thường xuyên và đến nay chưa phát hiện có chất độc hại.
Tuy nhiên, gần đây có thông tin cho rằng, các loại rác thải y tế như ống tiêm, chai truyền dịch đã qua sử dụng, còn dịch máu... được một số cơ sở sản xuất thu mua về cho vào máy nghiền rồi tái chế thành cốc, ống hút, hộp sữa chua… bán ra thị trường và người tiêu dùng vẫn sử dụng mỗi ngày.
Việc làm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm như lan truyền bệnh tật cho công nhân và người sử dụng.( Hà Nội mới trang 7)
Rút số đăng ký lưu hành thuốc omeparazole capsules
Cục Quản lý Dược vừa mới có Quyết định về việc dừng xem xét, tiếp nhận hồ sơ nhập khẩu, hồ sơ đăng ký thuốc, rút số đăng ký lưu hành thuốc ra khỏi danh mục các thuốc được cấp số đăng ký tại Việt Nam đối với thuốc omeprazole capsules (omeprazole 20mg); là thuốc thường được dùng trong điều trị chứng trào ngược dịch dạ dày - thực quản, loét dạ dày - tá tràng, hội chứng Zollinger - Ellison; số đăng ký VN-11336-10 do Công ty Syncom Formulations (India) Ltd đứng tên đăng ký do thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định về quản lý chất lượng thuốc của Bộ Y tế.
Cục Quản lý Dược yêu cầu đình chỉ lưu hành trên toàn quốc và thu hồi toàn bộ thuốc nêu trên. Các cơ sở nhập khẩu, ủy thác nhập khẩu thuốc này thực hiện thông báo thu hồi, thu hồi và báo cáo kết quả thu hồi thuốc theo quy định của Bộ Y tế. Ngừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký lần đầu, hồ sơ đăng ký lại và không cấp số đăng ký lưu hành thuốc đối với các hồ sơ đã nộp, ngừng tiếp nhận, xem xét hồ sơ nhập khẩu thuốc đối với các thuốc do Công ty Syncom Formulations (India) Ltd đăng ký hoặc sản xuất trong thời hạn 24 tháng.(Sức khỏe & đời sống trang 12)