Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 22/10/2017

  • |
T5g.org.vn - Trẻ em trầm cảm vì bố mẹ hay quát mắng, dọa nạt; Biện pháp hạn chế nổi mề đay khi thời tiết trở lạnh.

 

Trẻ em trầm cảm vì bố mẹ hay quát mắng, dọa nạt

Bạo hành trẻ em không chỉ là đánh đập, tra tấn về thân thể mà đôi khi quát mắng, dọa nạt cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý trẻ...

Trẻ từ 5-10 tuổi: Dễ bị tổn thương tâm lý nhất 

Đáng lo ngại là người lớn thường hay quan tâm trẻ có vết thương về thân thể hay không mà ít chú ý đến dấu hiệu của bạo hành tinh thần. Tuy vô hình nhưng kiểu bạo hành này có hậu quả khó lường, bởi nó để lại sự tổn thương tinh thần sâu sắc.

Nhiều gia đình khi dọa nạt con bằng lời nói hay hình ảnh như: ông ba bị, ngáo ộp, ma quỷ hay chê bai con kém cỏi đã không nghĩ rằng điều đó làm cho đứa trẻ bị tổn thương nặng nề, lâu dần sinh ra tự ti, chán ghét mọi người, và nhất là chán ghét chính người anh/em/chị mà nó bị đem ra so sánh. Đã có những đứa trẻ bị bố mẹ trói trước nhà, bắt bò giữa đường, lột đồ giữa đông người... Những cách hành hạ đau hơn bất kỳ vết thương nào về thân xác.

Ở trường học, một học sinh học kém có thể bị cô giáo thường xuyên chê bai, nhận xét thiếu tế nhị trước mặt bạn bè sẽ trở nên khó gần, ngỗ nghịch, đánh lại bạn bè hoặc chống đối lại thầy cô, thậm chí tự tử.

Thói bạo lực gia đình, như người cha thường xuyên đánh đập người mẹ, không những gây nên nỗi khiếp sợ mà tai hại hơn là để lại trong đầu óc con trẻ những di chứng tinh thần nghiêm trọng. Chính điều này khiến trẻ nảy sinh tư tưởng tự tử, học kém, dễ có hành động bạo lực, hoặc tâm tính thụ động, mắc bệnh đau đầu, đau dạ dày...

Các nhà xã hội học tiến hành một cuộc nghiên cứu trên 1.000 trẻ em từ 10-15 tuổi, ở cả nông thôn và thành thị về tâm lý cho thấy 67% trong các em có biểu hiện tâm lý bình thường, 33% còn lại có nhiều biểu hiện không ổn định về tâm lý, tinh thần

Nhiều trường hợp trẻ gặp những vấn đề tâm lý như tự kỷ, hung hãn, phụ thuộc, bi quan... không phải do thiếu sự giáo dục mà là do cách giáo dục không đúng của người lớn. Giáo dục nghiêm nhưng lưu ý không làm tổn thương thể chất hay tinh thần của trẻ.

Nghiên cứu cũng cho thấy trong số 33% các em có biểu hiện bất thường về tâm lý thì 25% nguyên nhân là do gia đình cha mẹ không hạnh phúc, luôn gây nên những xáo trộn tâm lý các con. Không khí căng thẳng trong gia đình sẽ khiến tâm lý trẻ không ổn định, có thể gây lệch lạc về nhận thức cũng như sự phát triển thể chất của trẻ.

Bạo lực tinh thần khó phát hiện và xử lý, lại có chiều hướng gia tăng khi kinh tế - xã hội phát triển. Theo các nhà nghiên cứu, trẻ từ 5 -10 tuổi dễ bị tổn thương tinh thần nhất.

Trẻ hay bị quát mắng: Thiện tính ít dần

Theo Th.s Nguyễn Thị Mai Hương, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhiều trường hợp trẻ gặp những vấn đề tâm lý như tự kỷ, hung hãn, phụ thuộc, bi quan... không phải do thiếu sự giáo dục mà là do cách giáo dục không đúng của người lớn. Giáo dục nghiêm nhưng lưu ý không làm tổn thương thể chất hay tinh thần của trẻ.

Ranh giới giữa một trẻ bình thường và không bình thường là rất mong manh. Sẽ có hai khả năng xảy ra: trẻ có hệ thần kinh yếu thì dễ mắc chứng tự ti, trầm cảm; còn trẻ có hệ thần kinh mạnh thì dễ trở nên hung tính hoặc mắc chứng nổi loạn, tính thiện dần mất đi, nhân cách cũng dần bị thoái hóa.

Các chuyên gia tâm lý cho biết, một trẻ em đã từng bị bạo hành thường sẽ có những biểu hiện tâm lý đặc trưng, dễ dàng đoán biết như: hay tỏ ra giận dữ, gắt gỏng, buồn chán, ăn ngủ bất thường hoặc hay bị ám ảnh là sẽ bị bỏ rơi, hay mơ ác mộng... Theo một số nghiên cứu ở Mỹ, những em bị bắt nạt thường bị cô lập nên không muốn đến trường. Các em rất dễ bị trầm cảm và luôn có cảm giác thấp kém, những điều sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của các em ngay cả lúc đã trưởng thành.

Những trẻ em bị bỏ rơi và đã từng bị bạo hành tinh thần là những đối tượng có những vấn đề tâm lý tồi tệ hơn cả những trẻ bị bạo hành tình dục hoặc thể xác. Những trẻ em là nạn nhân của nạn bạo hành tinh thần ít khi được điều trị, và những nỗi đau của chúng thường ít được nhận ra.

Sốt, mê sảng, đái dầm: Biểu hiện bất ổn tâm lý

Hầu hết các bậc cha mẹ đều không hiểu rằng những gì mình đang làm chính là bạo hành, gây ra những hậu quả nặng nề trong việc phát triển tâm sinh lý và hình thành nhân cách trẻ. Để tránh và nhận biết trẻ bị bạo hành, bố mẹ phải chú ý đến đời sống tinh thần, tâm lý của trẻ. Cần quan sát thường xuyên những biến đổi về sinh lý của trẻ bị bạo hành tinh thần như bị sốt, mê sảng, đái dầm.

Trẻ có thể khép mình nhưng cũng có thể trở nên hung dữ, hay đánh trả thể hiện phản ứng những dồn nén mà mình đang chịu đựng. Đồng thời, bố mẹ cần tăng cường giao tiếp đối với trẻ. Và hơn ai hết, chính bố mẹ không được bạo hành tinh thần con thì mới có thể khuyến khích trẻ chia sẻ với mình. (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Biện pháp hạn chế nổi mề đay khi thời tiết trở lạnh

 Khi gặp thời tiết lạnh, một số người mẫn cảm có thể nổi mề đay ở vùng da tiếp xúc với không khí lạnh hoặc khắp thân mình. Khi xuất hiện triệu chứng dù nặng hay nhẹ, hãy đi gặp bác sỹ để có thể tránh các phản ứng toàn thân nguy hiểm (gây khó thở, sốc phản vệ, thậm chí tử vong nếu tiếp xúc với nước lạnh hoặc gió lạnh).

Biểu hiện: Mề đay do lạnh được định nghĩa là phản ứng của da sau khi tiếp xúc với yếu tố lạnh, trên da sẽ xuất hiện ban đỏ, sẩn phù nổi gồ lên mặt da, kèm theo ngứa tại vị trí tiếp xúc với lạnh. Bệnh nhân có thể bị sưng lưỡi, phù nề thanh quản gây khó thở nếu sử dụng nước đá lạnh. Nếu toàn bộ cơ thể tiếp xúc với thời tiết có nhiệt độ thấp thì phản ứng có thể rất nghiêm trọng, ngoài ban đỏ toàn thân kèm theo ngứa, bệnh nhân có thể xuất hiện các phản ứng nguy hiểm khác như khó thở, suy hô hấp, sốc phản vệ và tử vong.

Bệnh thường gặp ở nhóm tuổi trẻ em hoặc thanh thiếu niên (chiếm 80%); bệnh nhân đang bị nhiễm trùng như viêm họng cấp, viêm phổi; bệnh nhân đang mắc chứng bệnh mạn tính như viêm gan B, ung thư... Đôi khi bệnh mang tính gia đình hay do gene quy định.

Nguyên nhân thực sự của hiện tượng này chưa được biết rõ, tuy nhiên, các nghiên cứu đều cho thấy những bệnh nhân bị chứng bệnh này đều mắc các chứng nhiễm khuẩn, nhiễm virus trong thời điểm khởi phát bệnh và có các tế bào trên da rất nhạy cảm với nhiệt độ, chúng dễ dàng bị phá vỡ và giải phóng ra các chất trung gian hóa học vào máu như histamin gây ban đỏ, ngứa và đôi khi là sốc phản vệ. 

Chẩn đoán và điều trị: Sau khi khai thác tiền sử và thăm khám lâm sàng, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định làm test kích thích với yếu tố lạnh, đây là loại test đơn giản, rẻ tiền, cho độ chính xác cao. Ngoài ra, bệnh nhân có tiền sử nghi ngờ kèm theo test kích thích với yếu tố lạnh cho kết quả dương tính có thể trải qua các xét nghiệm về tình trạng nhiễm khuẩn, bệnh lý ác tính như ung thư, nhằm tìm nguyên nhân gây bệnh. 

Mề đay mạn do lạnh có nguyên nhân cần điều trị theo nguyên nhân. Bệnh nhân cần lưu ý tránh tiếp xúc với yếu tố lạnh trực tiếp, cần có các dụng cụ bảo hộ và giữ ấm. Tránh không để da tiếp xúc với sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ môi trường. Tránh uống nước đá và thức ăn lạnh như kem có thể gây khó thở và tử vong do phù nề thanh quản. 

Hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi  mề đay mạn do lạnh không rõ nguyên nhân, tuy nhiên có thể điều trị triệu chứng. Một số thuốc điều trị triệu chứng như: antihistamine, cyproheptadine, doxepin, xolair... (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang