Công bố 10 sự kiện tiêu biểu ngành Y tế năm 2016
Chiều 22-12, Bộ Y tế đã công bố 10 sự kiện tiêu biểu nhất của ngành trong năm 2016. Theo đó, trong năm 2016, ngành Y tế đã triển khai nhiều kỹ thuật cao, đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh hướng tới mục tiêu làm hài lòng người bệnh. Cụ thể:
1. Em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp mang thai hộ tại Việt Nam: Vào 7h20 ngày 22-1-2016, em bé đầu tiên được sinh từ mang thai hộ đã chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bằng kỹ thuật mổ sinh, đánh dấu thành công kỹ thuật mang thai hộ và thực hiện theo đúng Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2015. Đến nay, cả nước đã có gần 200 hồ sơ mang thai hộ được duyệt, trong đó hơn 30 trường hợp đã sinh con. Hiện tại, cả nước có 3 đơn vị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ là BV Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Trung ương Huế.
2. Triển khai đồng bộ các giải pháp hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Cụ thể là đổi mới phong cách thái độ phục vụ của nhân viên y tế; Xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp; Tăng cường quản lý dịch vụ từ bên ngoài vào bệnh viện. Sau hơn một năm thực hiện, đến nay, tại các cơ sở khám chữa bệnh đã có sự chuyển đổi rõ rệt trong tư duy quản lý theo phương pháp tiếp cận từ “phục vụ” sang “cung cấp dịch vụ”. Đa số cán bộ y tế đã nhận thức được tầm quan trọng của phong cách, thái độ phục vụ, kỹ năng giao tiếp với người bệnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp: Môi trường bệnh viện xanh - sạch - đẹp vốn là những phần không thể thiếu trong tiêu chí quản lý chất lượng, trong đó có thể kể đến những điều bắt buộc phải có như nhà vệ sinh sạch, hệ thống xử lý nước thải, rác thải y tế. Khi các yếu tố chất lượng khám, chữa bệnh; tinh thần thái độ phục vụ ngày càng được nâng cao thì các bệnh viện phải quan tâm giải quyết đến vấn đề vệ sinh bệnh viện. Tăng cường quản lý dịch vụ từ bên ngoài vào bệnh viện nhằm nâng cao hiệu quả và chuyên nghiệp hoá cung cấp dịch vụ, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo sự hài lòng cho người bệnh…
3. Việt Nam sản xuất thành công vắc xin phối hợp sởi – rubella: Ngày 8-11-2016, Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc xin và Sinh phẩm Y tế (Bộ Y tế) cho biết đã thử nghiệm lâm sàng thành công vaccine phối hợp sởi-rubella. Đây là vắc xin sởi-rubella đầu tiên được chuyển giao công nghệ sản xuất thành công tại Việt Nam. Dự kiến, loại vắc xin này sẽ được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 2017.
4. Lần đầu tiên tại Việt Nam, thực hiện phẫu thuật nội soi bằng Robot cho người lớn. Ngày 10-12-2016, Bệnh viện Bình Dân (TP Hồ Chí Minh) thực hiện thành công phẫu thuật nội soi bằng robot và khánh thành khu phẫu thuật bằng robot. Đây là hệ thống robot phẫu thuật thứ hai được Bộ Y tế cấp phép điều trị tại Việt Nam. Trước đó, năm 2013 Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện kỹ thuật này cho trẻ em. Robot phẫu thuật tại Bệnh viện Bình Dân là hệ thống robot daVinci do Mỹ sản xuất.
Đây là hệ thống Robot phẫu thuật hiện đại nhất hiện nay, cho phép các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nhiều bộ phận với sự xâm lấn tối thiểu và độ chính xác, hiệu quả an toàn vượt trội, giúp bệnh nhân ít mất máu, ít đau, giảm nguy cơ tai biến và mau hồi phục. Phẫu thuật nội soi Robot được thực hiện trong điều trị cho nhiều loại bệnh lý ngoại khoa phức tạp như: mổ các khối u tiền liệt tuyến, cắt dạ dày, cắt gan, cắt phổi, cắt u trung thất, cắt tử cung, phẫu thuật lồng ngực, tim mạch. Đặc biệt, hệ thống Robot phẫu thuật rất hiệu quả đối với điều trị u nang ống mật chủ, phình đại tràng bẩm sinh, thận ứ nước, teo đường mật, bắc cầu động mạch vành, chỉnh sửa van tim...
5. Năm 2016, 80,3% dân số tham gia bảo hiểm y tế, vượt chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao (năm 2016 Chính phủ giao 79%). Ngày 28-6-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế giai đoạn 2016 – 2020, theo đó năm 2016 Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu bảo hiểm y tế là 79%. Tại buổi gặp mặt thông tin báo chí ngày 13-12-2016, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, tính đến ngày 30-11-2016 có 75.160.311 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 81,3%. Như vậy, tính đến 30/11/2016, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã vượt chỉ tiêu 1,3%.
6. Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Y tế tăng 9 bậc so với năm 2015 (xếp thứ 17/19 lên 8/19 bộ, ngành do Chính phủ công bố năm 2016). Ngày 17-8-2016, Chính phủ đã công bố kết quả chỉ số cải cách hành chính của Bộ Y tế với tổng điểm là 86,58/100 đứng ở vị trí số 8/19 bộ, ngành vượt 09 bậc so với kết quả 17/19 được công bố năm 2015. Kết quả trên có đóng góp chính bởi một số chủ trương lớn mà Bộ Y tế đã thực hiện như sau: Thứ nhất, Bộ Y tế đã vận dụng một cách sáng tạo, không hình thức, luôn có sự lồng ghép phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau giữa các nội dung cải cách hành chính (CCHC) nhà nước với những nội dung ưu tiên và quan trọng của ngành: Cải cách thể chế ngành y tế, cải cách trong cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, thiết lập thực hiện đường dây nóng, giảm tải bệnh viện, đổi mới phong cách thái độ… tỷ lệ hài lòng của người dân ngày được nâng cao.
Thứ hai, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 hay 4, giảm thời gian chi phí của cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ; tăng thêm tính minh bạch và rất hiệu quả trong quản lý. Bộ Y tế là Bộ duy nhất cùng với 19 địa phương được biểu dương về kết quả kết nối liên thông với Chính phủ và phản hồi về trạng thái. Hiện nay, 10% các dịch vụ hành chính công của Bộ đều được cung cấp ở mức độ 2 trên cổng thông tin điển tử của Bộ Y tế. Có 2 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 32 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Thứ ba, sự chỉ đạo sâu sát của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, cấp ủy người đứng đầu và toàn thể đội ngũ công chức viên chức của ngành y tế cùng “chung tay” đã góp phần lớn cho sự thành công của công tác CCHC nhà nước 2015.
7. Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016). Là cơ sở để củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới y tế cơ sở bao gồm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; y tế xã, phường, thị trấn và y tế thôn bản. Cụ thể, đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn, cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị giữa các cơ sở y tế trên địa bàn và với tuyến trên, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
8. Đưa tiền lương vào giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại 32 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế cao, theo đúng lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, chuyển ngân sách nhà nước đang cấp tiền lương cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế nhằm thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, đồng thời thực hiện chủ trương giảm số người hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị khóa XI.
9. Bộ mã danh mục dùng chung trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT lần đầu được xây dựng và triển khai rộng rãi phục vụ kết nối liên thông dữ liệu giữa cơ quan quản lý, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhằm quản lý đầy đủ, chính xác thông tin người bệnh và thuận lợi trong việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
10. Việt Nam đã được bầu vào Ban Chấp hành (Executive Board) của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization, WHO) nhiệm kỳ 3 năm, từ 2016 - 2019. Tại Hội nghị Khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 66 của Tổ chức Y tế Thế giới diễn ra từ ngày 12 đến 16-10-2015 tại Guam, Hoa Kỳ, Việt Nam đã được bầu vào Ban Chấp hành (Executive Board) của Tổ chức Y tế Thế giới. Ban Chấp hành WHO là nơi đề xuất và chuẩn bị các chương trình nghị sự cho Đại hội đồng Y tế Thế giới, do đó có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định các chính sách y tế chủ chốt trên cấp độ toàn cầu. Đại diện cho khối các nước ASEAN trong khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, Việt Nam sẽ góp thêm tiếng nói từ các quốc gia đang phát triển với các hệ thống y tế đang trong quá trình chuyển đổi. Những thách thức và khó khăn trong phát triển y tế của Việt Nam và các nước sẽ được quan tâm nhiều hơn trong quá trình thế giới và khu vực xây dựng và thực thi các chính sách y tế. (Hà Nội mới, trang 7)
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng trang 1: “Công bố 10 sự kiện tiêu biểu ngành Y tế”; Báo Công an Nhân dân trang 1: “Em bé ra đời từ mang thai hộ là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Y tế”
Nhân rộng mô hình “Khoa Khám bệnh thông minh”
Lâu nay, tình trạng người bệnh (NB) phải chờ đợi, chen lấn trong quá trình khám, chữa bệnh; loa phóng thanh ở các bệnh viện (BV) hoạt động liên tục tạo nên sự ồn ào, mất trật tự… diễn ra ở hầu hết các bệnh viện, không đáp ứng được sự mong đợi của NB. “Khoa Khám bệnh thông minh” vừa triển khai thành công ở BV Nhân Dân Gia Định được xem là mô hình tích cực có thể nhân rộng…
Bệnh viện Nhân Dân Gia Định là BV đa khoa hạng 1 trực thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh với quy mô 1.500 giường bệnh và hiện có khoảng 4.000 lượt người đến khám bệnh (ngoại trú) mỗi ngày. Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng khám và điều trị, từ quý I năm 2016, BV Nhân Dân Gia Định đã thiết lập và triển khai mô hình “Khoa Khám bệnh thông minh” với mong muốn cải cách thủ tục hành chính, quản lý, sắp xếp một cách có hệ thống, công khai minh bạch thứ tự, chủ động phân bổ NB vào các khâu đăng ký, khám bệnh, làm xét nghiệm, đóng viện phí, cấp phát thuốc,… rút ngắn tối đa thời gian chờ khám, đồng thời tạo môi trường khám bệnh ngoại trú an toàn, trật tự, tiện nghi.
Tiến sĩ, bác sĩ (TS, BS) Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc BV Nhân Dân Gia Định cho biết, mô hình “Khoa Khám bệnh thông minh” do BV tự xây dựng quy trình quản lý. Mô hình có máy lấy số tổ chức, sắp xếp hàng đợi khám, chữa bệnh; bố trí màn hình hiển thị hàng đợi tại các vị trí lấy số; phòng khám, tiếp nhận, viện phí, dược, cận lâm sàng… được kết nối thành một chuỗi liên tục và nhập vào phần mềm quản lý tổng thể của BV.
Theo quan sát của chúng tôi, tại bộ phận tiếp nhận người bệnh lúc 7 giờ 30 phút, NB lấy số thứ tự từ màn hình cảm ứng tự động (theo đối tượng và chuyên khoa cần khám), sau đó được điều phối vào các phòng khám bằng phần mềm tự động. Tại đây, NB được tiếp nhận phiếu thứ tự vào các phòng khám, trên phiếu hiển thị thời gian chờ đợi đến lượt khám.
Ở một phòng khám, màn hình thông báo lượt khám hiển thị rất rõ ràng. Khi bác sĩ cấp toa thuốc hoặc chỉ định cận lâm sàng, NB được nhận số thứ tự tương ứng để thực hiện các bước tiếp theo, trên phiếu chỉ định cận lâm sàng cũng thông báo thời gian đến lượt cụ thể.
Tại bộ phận thu viện phí, NB được tiếp nhận bằng mã vạch, tên họ của NB còn hiển thị lên màn hình đợi. “Một ý nghĩa quan trọng của mô hình này là chúng tôi biết được thời gian dự kiến đến lượt thực hiện tất cả các bước của quy trình khám, chữa bệnh. Từ đó, chúng tôi vui vẻ chờ, không còn bực bội, cáu gắt vì bị “cò” quấy nhiễu, hay phải “xin-cho” như thường thấy ở các cơ sở y tế khác”, bệnh nhân Lê Thanh Tâm (63 tuổi, quận Phú Nhuận) vui vẻ nói.
Trong năm 2016, BV còn triển khai hệ thống vận chuyển mẫu bệnh phẩm tự động với năm trạm tiếp nhận và trả kết quả ở Khoa Cấp cứu, Khoa Sinh hóa huyết học, Khoa Vi sinh, Phòng tiếp nhận xét nghiệm lầu 1, Phòng tiếp nhận xét nghiệm lầu 2. Thời gian vận chuyển trung bình 40 giây/lượt, rút ngắn thời gian nhận và trả kết quả xét nghiệm nhanh gấp năm lần so với các năm trước (tần suất vận chuyển 2 phút/lượt năm 2016 so với 10 phút/lượt năm 2015).
Tại khu vực Cận lâm sàng, việc phân bổ NB vào các phòng như siêu âm, X-quang, xét nghiệm máu… được máy tính thực hiện theo trình tự hợp lý, tự động, bảo đảm rút ngắn tối đa thời gian chờ đợi (có phân loại đối tượng ưu tiên). Bà Nguyễn Thị Cau, 58 tuổi (quận Bình Thạnh) chưa biết sử dụng thành thạo cách bấm máy nhưng nhờ có người hướng dẫn cho nên sau một giờ đồng hồ đã được thăm khám xong. Theo bà Cau, ở bộ phận cấp phát thuốc, trình toa thuốc, bà được một dược sĩ nhận diện toa thuốc điện tử bằng mã vạch (nhằm chống nhầm lẫn) rồi chủ động đưa toa cho nhân viên dược soạn thuốc, cấp phát cho bà theo thứ tự hiển thị trên màn hình.
TS, BS Nguyễn Anh Dũng cho biết, trong năm 2016, BV đã có hàng loạt giải pháp tổng thể để rút ngắn thời gian chờ đợi cho NB, nhất là mô hình “Khoa Khám bệnh thông minh”. BV đánh giá thời gian trung bình một lượt khám đơn thuần cũng như một lượt khám có kết hợp xét nghiệm, lấy thuốc, giảm tối đa 57 phút so với chỉ tiêu của Bộ Y tế và giảm 34 phút so với chỉ số BV thực hiện năm 2015.
Phó Giáo sư, TS, BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, mô hình “Khoa Khám bệnh thông minh” có ý nghĩa to lớn trong việc cải tiến quy trình khám, chữa bệnh của BV Nhân Dân Gia Định, giúp bộ phận quản lý sắp xếp một cách thông minh, liên hoàn thứ tự đăng ký, khám bệnh tại các phòng khám, thực hiện cận lâm sàng, thanh toán viện phí, cấp phát thuốc; quản lý danh sách NB, dự kiến và rút ngắn tối đa thời gian chờ. Mô hình còn góp phần phòng, chống tiêu cực do chen lấn, xô đẩy trong quá trình khám, chữa bệnh, bảo đảm an ninh trật tự; công khai minh bạch thứ tự cho đối tượng thuộc nhóm ưu tiên; cải cách thủ tục hành chính cho bác sĩ, điều dưỡng; tăng sự hài lòng của NB. Ngoài ra, BV tự xây dựng phần mềm khảo sát sự hài lòng NB, lắp đặt màn hình cảm ứng hiện đại, tiện nghi với mục đích tiếp cận nhanh nhất với những mong đợi của họ, giúp cải tiến chất lượng.
Theo chỉ đạo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, năm 2017, BV Nhân Dân Gia Định sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hoàn thiện mô hình “Khoa Khám bệnh thông minh”. Đây là mô hình hoàn toàn có thể triển khai tại các BV khác của thành phố… (Nhân dân, trang TP.HCM).
Hạn chế trong quản trị và cơ sở vật chất tại các bệnh viện: Người bệnh còn vất vả!
Ngay sau buổi kiểm tra đột xuất, phát hiện không ít bất cập tại Bệnh viện (BV) K cơ sở 3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra 37 BV trực thuộc Bộ Y tế. Qua kiểm tra cho thấy, ngay cả BV hạng đặc biệt, thực hiện rất nhiều kỹ thuật cao ngang tầm khu vực, nhưng còn những hạn chế, tồn tại về công tác quản trị, điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng.
Và với những hạn chế trên, câu hỏi: Đến bao giờ, người bệnh mới thoát khỏi cảnh chen chúc, chờ đợi, chầu chực, nằm ghép… mỗi khi có bệnh vẫn chưa có lời giải đáp.
Kiểm tra là ra sai phạm
Tình trạng phân biệt đối xử giữa người bệnh biếu tiền và không biếu tiền, quát mắng người bệnh, người bệnh phải nằm ghép 2-4 người/giường… tại BV K đã diễn ra trong thời gian dài. Chỉ sau khi người đứng đầu Ngành Y tế đích thân đi kiểm tra, thì tình trạng này mới được chấn chỉnh nghiêm túc. Cụ thể, BV K đã tiến hành kỷ luật 7 nhân viên y tế có thái độ ứng xử không tốt với bệnh nhân, trong đó 6 người bị phê bình, nhắc nhở, phạt tiền thưởng; 1 người bị điều chuyển công tác.
Để giải quyết những bức xúc của người bệnh, Ban Giám đốc BV K đã họp và quyết định bố trí thêm mỗi khoa một phòng 40m2, kê 20 giường xếp đủ cho lưu lượng trên 100 người truyền dịch, truyền hóa chất/ngày, giảm tải cho các phòng điều trị nội trú. Ngoài ra, kể từ ngày 19-12, Khoa Khám bệnh của BV bắt đầu làm việc từ 7h30 sáng, sớm hơn 30 phút so với trước đây… “Trong 6 đến 12 tháng tới, BV K sẽ thay đổi theo hướng tích cực hơn. BV đã tăng cường hộp thư góp ý, thành lập ban kiểm tra nội bộ, sẵn sàng tiếp nhận, xác minh, xử lý các ý kiến mà bệnh nhân và người nhà phản ánh” - ông Trần Văn Thuấn, Giám BV K cam kết.
Còn ở BV Bạch Mai, một trong 5 BV trên cả nước được xếp hạng đặc biệt, nhưng khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thị sát, phía khuôn viên vườn hoa, ghế đá, vẫn xảy ra tình trạng người bệnh, người nhà bệnh nhân trải chiếu nằm la liệt… Tại khu vực Khoa Khám bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trực tiếp trao đổi và hỏi thăm 5 bệnh nhân và đều nhận được phản ánh là quy trình khám, chữa bệnh (KCB) rất lâu.
Người đứng đầu Ngành Y tế lo ngại, với tình hình hiện nay, không biết khi nào BV Bạch Mai đạt được 83 tiêu chí mà Bộ Y tế đưa ra, chứ chưa nói đến đạt JCI - chứng chỉ uy tín hàng đầu thế giới về thẩm định chất lượng dịch vụ y tế và là “tiêu chuẩn vàng” tại các BV. “Thời gian tới, khi cơ sở 2 của BV đi vào hoạt động, dứt khoát không thể để cơ sở 1 hoạt động như thế này. Lãnh đạo BV xem xét thí điểm thực hiện tiêu chuẩn JCI theo từng khoa, không thể để một BV hạng đặc biệt, mỗi năm thực hiện rất nhiều kỹ thuật cao, ngang tầm khu vực mà bộ mặt chưa thực sự tương xứng” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị.
Yếu, kém sẽ không ký hợp đồng BHYT
Đánh giá chất lượng BV ở Việt Nam đang ở vị trí nào so với khu vực, Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho rằng, Ngành Y tế đã thực hiện được 17.500 kỹ thuật, từ kỹ thuật thường quy, nhỏ cho đến kỹ thuật phức tạp ngang tầm với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người dân trong giai đoạn hiện nay và vẫn cần quan tâm hơn nữa. Tại ba diễn đàn quản lý chất lượng BV khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức thời gian qua, các ý kiến đều nhận định, hệ thống BV ở Việt Nam so với chất lượng mặt bằng chung còn kém về mặt quản trị, cơ sở hạ tầng, các điều kiện phục vụ người bệnh. Đặc biệt, mới có 3 BV đạt tiêu chuẩn JCI (chủ yếu là BV tư - PV) trong khi các nước cùng khu vực đã có khá nhiều BV đạt tiêu chuẩn này.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Chính, Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm bệnh, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Hữu nghị Việt - Đức), hằng năm, nước ta thất thoát một khoản tiền lớn do nhiều người dân có điều kiện ra nước ngoài KCB bởi ngoài chất lượng chuyên môn, chất lượng dịch vụ chăm sóc của các cơ sở y tế ở các nước tốt và toàn diện hơn nhiều so với dịch vụ chăm sóc y tế tại Việt Nam. Chỉ cần nhìn vào số lượng người nhà đi cùng để chăm sóc bệnh nhân đã có thể thấy rõ điều này. Ở các nước, người bệnh trông cậy hầu hết vào BV, trong khi ở Việt Nam, cứ mỗi người đi viện là thêm ít nhất một người thân đi cùng để chăm sóc bởi rất ít BV có chất lượng chăm sóc tốt và toàn diện.
Để nâng cao chất lượng KCB, không cách nào khác, Ngành Y tế phải được xem như là một ngành dịch vụ; y, bác sĩ phải chuyển từ thái độ "ban ơn" cho bệnh nhân sang phục vụ bệnh nhân như một khách hàng. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian qua, Ngành Y tế đã xử lý hơn 6.000 cán bộ chưa thực hiện đúng quy chế của ngành với rất nhiều hình thức như trừ tiền thưởng, tiền lương, điều chuyển vị trí công tác... Mặc dù vậy, người đứng đầu Ngành Y tế nhận định, vẫn còn có những cán bộ y tế chưa tốt, chưa thực hiện đúng quy định của ngành, công tác quản lý BV ở một số nơi chưa thực sự quyết liệt. Do đó, ngoài các giải pháp đã và đang triển khai, thời gian tới, Ngành Y tế sẽ áp dụng biện pháp, BV kém quá, người bệnh phàn nàn nhiều sẽ không cho ký hợp đồng KCB - BHYT...
Trình độ của các bác sĩ ở nước ta hiện nay đã tiến rất xa, không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới có nền y khoa hiện đại, song, để hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân và sự hài lòng của bệnh nhân thì vẫn còn một chặng đường dài và gian nan, đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi nhân viên y tế, sự quyết liệt của cán bộ quản lý cơ sở y tế. (Hà Nội mới, trang 1)
Tình trạng nghiện các chất ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng
Bộ Y tế vừa tổ chức hội thảo với chủ đề điều trị chứng nghiện ma túy tổng hợp để nghe ý kiến từ các chuyên gia ở trong và ngoài nước về kinh nghiệm điều trị nghiện ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (ATS).
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, nếu như trước đây chất ma túy được sử dụng chủ yếu là các dạng thuốc phiện như morphin, heroin, cocain… thì gần đây, tình trạng nghiện các chất ma túy tổng hợp, chất ATS có xu hướng gia tăng. Thống kê cho thấy, nhóm ATS có khoảng 200 loại thuốc và ngày càng có nhiều thuốc mới trong khi chúng ta chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nghiện ma túy tổng hợp là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ thảm sát và tự hủy hoại bản thân xảy ra thời gian qua.
Đại diện Bệnh viện Tâm thần trung ương cho rằng, việc điều trị chứng nghiện ATS chủ yếu là trị liệu tâm lý. Bệnh viện đang điều trị cho khoảng 100 người nghiện ATS từ 1 đến 3 năm. Sau 16 tuần tham gia trị liệu, không có người bệnh nào tái sử dụng ATS. (Hà Nội mới, trang 5)
Xét nghiệm 10 làng ung thư, hai bộ vênh nhau
Bộ Y tế cho rằng chưa có mối liên quan giữa các trường hợp mắc ung thư và chất lượng nước của người dân tại các làng này.
Ngày 21-12, Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết đã có văn bản gửi đến các Sở Y tế TP Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định và Bình Thuận để thông báo kết quả xét nghiệm tại 10 làng ung thư ở các địa phương này.
Có sai số lớn
Chiều cùng ngày, qua trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng Sức khỏe môi trường cộng đồng, Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế, cho biết Bộ ra văn bản này gửi Sở Y tế các tỉnh để thông báo tới người dân kết quả điều tra mà Bộ Y tế đã thực hiện để người dân yên tâm, không nên hoang mang, lo lắng.
Ông Cường cho biết mới đây Bộ TN&MT đã đưa ra kết quả điều tra, đánh giá về 10 làng có nguồn nước bị ô nhiễm nặng nghi ngờ nguyên nhân gây ung thư. Tuy nhiên, theo ông Cường, Bộ TN&MT không có chức năng, chuyên môn về y tế nhưng họ lấy mẫu nước, lấy số liệu về bệnh tật rồi đưa ra kết quả về bệnh tật. Do đó đã xảy ra sai số lớn, đặc biệt là sai số về tỉ lệ người mắc bệnh ung thư tại những địa phương này.
“Phương pháp điều tra của Bộ TN&MT không chính xác. Họ lấy mẫu nước mặt (nước sông) và nước ngầm để điều tra và nói rằng đó là nước sinh hoạt của người dân bị ô nhiễm nặng, gây ra tỉ lệ người mắc ung thư cao. Nhưng thực tế hiện nay người dân đâu có dùng nước sông, giờ các hộ gia đình đều dùng nước máy. Như vậy, kết quả điều tra mà Bộ TN&MT đưa ra là không có cơ sở khoa học, gây hoang mang cho người dân, cần lập hội đồng khoa học để làm sáng tỏ vấn đề” - ông Cường cho biết.
Tỉ lệ tương đương mức trung bình quốc gia
Theo Bộ Y tế, ung thư liên quan đến nhiều yếu tố, do nhiều nguyên nhân, cụ thể như chế độ ăn uống, sinh hoạt, lối sống, môi trường… Không thể nói vì nguồn nước ô nhiễm là nguyên nhân gây ung thư tại những làng này. Vì vậy, ngay khi Bộ TN&MT đưa ra kết quả khảo sát, Bộ Y tế đã chỉ đạo các viện đầu ngành tổ chức các đoàn kiểm tra đến từng hộ gia đình có người mắc ung thư lấy mẫu nước ăn uống để xét nghiệm nhiều chỉ tiêu. Kết quả xét nghiệm cho thấy các mẫu nước ăn uống, sinh hoạt đều có hàm lượng chất hữu cơ, hóa chất bảo vệ thực vật và kim loại nặng nằm trong giới hạn cho phép. Kết quả này khác hoàn toàn với kết quả của Bộ TN&MT đưa ra trước đó.
Về số liệu người mắc bệnh ung thư, ông Cường khẳng định số liệu điều tra của Bộ Y tế không khác biệt so với con số điều tra mà toàn quốc đã thực hiện.
Cụ thể, tỉ lệ mắc ung thư các làng đã điều tra dao động 73-169 trường hợp/100.000 dân, tương đương với tỉ lệ mắc ung thư chung của toàn quốc (tỉ lệ mắc mới ung thư tại Việt Nam là 135/100.000 dân đối với nữ và 181,3/100.000 dân đối với nam), thấp hơn so với tỉ lệ chung của thế giới (182/100.000 dân). Các loại ung thư chủ yếu gặp phải là ung thư gan, phổi, dạ dày, vòm, hầu họng, lưỡi, tử cung, máu, xương.
“Số liệu chúng tôi thu được từ các viện nghiên cứu đầu ngành của Bộ Y tế, theo đó tỉ lệ mắc ung thư tại những địa phương này đều nằm trong mức trung bình toàn quốc, không có gì khác biệt. Việc Bộ TN&MT dùng từ “làng ung thư” là không có cơ sở khoa học. Chúng tôi sẽ lập hội đồng khoa học để đánh giá lại vấn đề này, đồng thời sẽ mời Bộ TN&MT sang trình bày về kết quả điều tra của họ để các thành viên hội đồng khoa học đánh giá” - ông Cường nhấn mạnh. (Pháp luật TP.HCM, trang 13)
Chưa có thuốc điều trị cai nghiện ma túy tổng hợp
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nói như vậy tại hội thảo "Điều trị nghiện ma túy tổng hợp" được tổ chức sáng 21-12 tại Hà Nội.
Theo ông Long, trước đây tình trạng nghiện của Việt Nam chủ yếu là thuốc phiện, morphin, heroin, cocain và một số chất tương tự. Nhưng trong những năm gần đây các loại ma túy tổng hợp, thuốc amphetamine… có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Hiện chưa có con số thống kê chính thức nhưng có báo cáo gần đây cho thấy tỉ lệ thanh niên trẻ nghiện chất này tăng lên rất nhanh, đặc biệt là ở TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh, thành khác.
“Bắt nguồn từ ma túy tổng hợp nên đã xảy ra những vụ cắt chân, cắt tay, vụ thảm sát ở Yên Bái, Lào Cai… Đây là hậu quả về rối loạn tâm thần đối với người nghiện ma túy tổng hợp. Đây là vấn đề chúng ta cần quan tâm triển khai ngay, đặc biệt là ở các tỉnh, TP lớn” - ông Long nhấn mạnh.
Theo báo cáo của các chuyên gia quốc tế, nguồn cung của ma túy tổng hợp chủ yếu ở Myanma, Trung Quốc - đó là những nơi sản xuất ma túy tổng hợp rất nhiều, Việt Nam là nơi trung chuyển.
Theo BS Phùng Công Thủy, Trung tâm Đào tạo chỉ đạo tuyến (BV Tâm thần Trung ương 1), nếu các loại ma túy như heroin, morphin, thuốc phiện… đã có thuốc cai nghiện methadone thì ma túy tổng hợp với hơn 200 loại như hiện nay chưa có thuốc điều trị hiệu quả.
Tại BV Tâm thần Trung ương 1 có rất nhiều trường hợp tự nguyện đến bệnh viện điều trị sau thời gian nghiện ma túy tổng hợp 1-3 năm. Theo BS Thủy, khi sử dụng ma túy tổng hợp nó sẽ tác động trực tiếp lên hệ thống thần kinh trung ương, gây ra những thay đổi về suy nghĩ, hành vi, có thể gây ra ảo giác, hoang tưởng. Để cai nghiện, các bác sĩ bệnh viện tâm thần chủ yếu dựa vào việc trị liệu nhóm, điều trị nội trú bằng liệu pháp tâm lý.
Để đối phó với tình trạng này, các chuyên gia cho rằng cần làm tốt ở cộng đồng, cần sự vào cuộc của các ngành và toàn xã hội. Trong lĩnh vực y tế, cụ thể là lĩnh vực tâm thần, cần tăng cường đào tạo nhân lực để hỗ trợ các bệnh nhân nghiện ma túy tổng hợp…(Pháp luật TP.HCM, trang 13)
Nữ bác sĩ tạo sữa đặc biệt
Lần đầu tiên tại Việt Nam, một nữ bác sĩ đã nghiên cứu và tạo ra loại sữa đặc biệt, giúp người bệnh nặng kém dung nạp lactose cần nuôi ăn bằng ống thông sớm hồi phục sức khỏe. Sữa này không chỉ thay thế các loại sữa ngoại nhập đắt tiền mà còn cải thiện tim mạch, giảm mỡ máu, tăng khả năng chống viêm nhiễm…
Nữ bác sĩ ấy là PGS.TS.BS Tạ Thị Tuyết Mai, 51 tuổi, Trưởng khoa Dinh dưỡng- Bệnh viện Nhân dân Gia Định TPHCM.
Xuất phát từ một chữ “thương”
Là một BS dinh dưỡng, thường ngày tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân (BN), BS Mai đã chứng kiến rất nhiều BN bệnh nặng, nuôi dưỡng không đủ, tiến triển suy kiệt, thời gian điều trị kéo dài có khi đến 1-3 tháng. Biết bao gia đình phải bán nhà, vay tiền, cầm cố ruộng đất để nuôi người bệnh mà vẫn chẳng thể níu giữ người thân yêu ở bên mình.
Theo BS Mai, thị trường có những sản phẩm sữa cao năng lượng đa phần là các thương hiệu của nước ngoài. Những sản phẩm này chỉ phù hợp cho việc bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh nhẹ hoặc không bệnh; còn đối với việc nuôi dưỡng BN nặng thì lại không phù hợp do hàm lượng đạm cũng như một số vi chất như sinh tố, khoáng không đáp ứng đủ nhu cầu nuôi dưỡng. Khi nuôi qua ống thông bằng các sản phẩm trên, để cung cấp đủ đạm cho BN, bác sĩ điều trị phải nuôi bổ sung thêm qua đường tĩnh mạch hoặc phải nuôi với thể tích lớn hơn có thể lên đến 2.500 - 3.000ml/ngày, dẫn đến nguy cơ thừa dịch.
Mặt khác, giá thành của các sản phẩm sữa này rất cao, từ 400.000 đồng - 500.000 đồng/ngày; thậm chí những loại sữa dành cho BN ung thư, BN nặng có giá gấp 2 - 3 lần các loại cao năng lượng thông thường. Để tiết kiệm, người nhà thường thuê mướn dụng cụ làm cháo xay rồi cho qua ống xông nuôi BN. Cách làm này không đảm bảo đủ dưỡng chất và vệ sinh.
Thương bệnh nhân, chị tìm các tài liệu nước ngoài để mày mò nghiên cứu, thử nghiệm để có được một công thức sữa giá rẻ. Ban đầu, chị mua những bịch sữa bột nguyên kem có thương hiệu nhưng giá chỉ vài chục ngàn đồng/kg, pha chế với sữa đậu nành và trực khuẩn có lợi cho đường ruột… rồi cho một bệnh nhân bị tai biến, suy dinh dưỡng và phù nặng dùng thử để giải quyết tình huống khẩn cấp.
Sau hai tuần, BN khỏe hẳn, không còn suy dinh dưỡng, hết phù và được xuất viện. Từ thành công này, năm 2013 chị đã được Sở Khoa học và công nghệ TPHCM cấp kinh phí 1 tỷ đồng để nghiên cứu, sản xuất sữa chuẩn dành cho bệnh nhân nghèo.
Sẽ sản xuất đại trà
Sau khi có kinh phí, PGS.TS.BS Tạ Thị Tuyết Mai ngày đêm dồn sức vào công trình: “Hội chứng kém dung nạp lactose ở BN nặng: tỉ lệ mắc, chẩn đoán và hiệu quả nuôi dưỡng của sữa đậu nành bổ sung sữa bột nguyên kem và probiotic”.
Để đảm bảo sữa khi dùng cho người sẽ không có sự cố, chị Mai nuôi chuột và thử nghiệm trên chuột cẩn thận, công phu. Từ 7 – 14 ngày, chuột suy dinh dưỡng được nuôi bằng sữa của bác sĩ Mai sáng chế có chỉ số cải thiện dinh dưỡng tốt hơn các loại sữa chuẩn ngoại nhập, đồng thời còn khỏe hơn nhiều so với chuột không suy dinh dưỡng được nuôi bằng thức ăn dành riêng cho chuột. Và khi thử nghiệm trên người mang gen không sản xuất được đường Lactase, sau 14 ngày, chỉ số cải thiện dinh dưỡng, cải thiện lipid máu của bệnh nhân dùng sữa nghiên cứu tốt hơn nhóm bệnh nhân dùng sữa ngoại.
“Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi cũng lo lắng các loại vi khuẩn có lợi trong sữa có thể di chuyển qua thành mạch vào mạch máu gây nhiễm trùng máu cho BN. Và, cuối cùng chúng tôi đã tạo ra loại sữa giúp BN không dung nạp với lactose vẫn có thể uống được mà không gây tiêu chảy và sữa này hoàn toàn an toàn” - BS Mai bộc bạch.
Ở Việt Nam, đây là sản phẩm có độ đạm cao đầu tiên được nghiên cứu để nuôi BN nặng. Sữa có giá trị sinh học cao, thể tích, năng lượng phù hợp nuôi dưỡng BN nặng với giá thành thấp, phù hợp với người Việt Nam. Ngoài ra, sản phẩm này còn có thể dùng để nuôi ăn bổ sung cho BN chưa nặng nhưng ăn uống kém, hay người già ăn kém với thể tích bổ sung 500 - 750ml/ngày. Đặc biệt, giá thành chỉ bằng 1/4 thậm chí 1/8 (tức ở mức 50.000 đồng - 70.000 đồng/ngày) “ăn đứt” các loại sữa ngoại. Từ tháng 1/2016 đến nay loại sữa chuẩn này nuôi ăn thành công hàng trăm bệnh nhân qua ống thông ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định. (Tiền phong, trang 10)
Lãng phí tài nguyên dược liệu
Sẽ quy hoạch để trồng, thu hái, chế biến dược liệu theo tiêu chuẩn quốc tế để dược liệu (DL) Việt Nam có chất lượng cao hơn là mục tiêu ngành dược đang hướng tới.
Sản xuất thô sơ
Theo TS Trương Quốc Cường – Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) nhận định, mỗi năm nước ta sử dụng khoảng 100.000 tấn DL nhưng nguồn dược liệu trong nước mới chỉ được 25.000 tấn, còn lại phải nhập khẩu. “Đây là sự lãng phí tài nguyên lớn khi Việt Nam có tới 4.000 cây thuốc” – ông Cường nói.
Ông Phùng Minh Dũng – Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Trung ương Mediplantex nhận định, DL nhập khẩu phần lớn từ Trung Quốc, nguồn gốc không xác định nên rất khó kiểm soát về chất lượng. Theo ông Dũng, Việt Nam phải nhập khẩu 80% DL là rất phi lý. Vì nguồn DL của Việt Nam dồi dào, tiềm năng phát triển vùng trồng DL trên cả nước là rất lớn như Hà Giang đang có dự án trồng 12.600ha DL trên 6 huyện nghèo; Bắc Giang có hơn 129.000ha đất nông nghiệp, 110.000ha đất lâm nghiệp có môi trường trồng DL rất tốt nhưng hiện mới trồng 500ha DL; Quảng Ninh có hơn 600 loài DL có thể phát triển tốt…
Nhận định về tiềm năng phát triển nguồn DL trong nước, TS Cường nhận định, dù đa dạng về cây thuốc, thuận lợi về môi trường nhưng Việt Nam đang thiếu các quy trình chuẩn để trồng trọt và thu hái DL có chất lượng. Hiện trong hàng trăm loại DL đang được trồng chỉ mới có gần 20 cây đạt tiêu chuẩn chất lượng GACP-WHO - tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Phó Giáo sư-tiến sĩ Trần Văn Ơn – Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Dược DK Pharma (Bộ Y tế) cũng nhận định, công nghệ thu hái, sơ chế DL hiện nay rất thô sơ, chủ yếu là người dân tự thu hái, thái lát, phơi khô, phơi nắng, sấy bằng than đá. Không ít vùng phơi ngay trên đường đi, gần khu vực mất vệ sinh. Nguồn gốc xuất xứ cũng chỉ ghi sơ sài một chữ là “Nam”.
Theo Phó Giáo sư Ơn, không nên khuyến khích người dân trồng DL một cách ào ào, “trồng DL để giàu nhanh” mà cần có sự đầu tư, phát triển đồng bộ, giúp người dân nuôi trồng DL một cách bài bản, tuân thủ quy chuẩn từ việc trồng đến việc thu hái, bảo quản.
Cần đầu tư công nghệ chiết xuất
Cũng theo tiến sĩ Cường, Việt Nam cũng hạn chế nghiên cứu, phát triển thuốc từ DL trong nước, đặc biệt công nghệ chiết xuất hoạt chất thuốc từ DL rất kém. Có những dây chuyền khiến cho DL bị mất đi các hoạt chất, không khai thác được triệt để các loài thuốc quý. Ví dụ như cây sâm Ngọc Linh – loài sâm quý được tìm thấy ở Kon Tum, được nhiều nghiên cứu đánh giá là loài sâm tốt nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, việc ứng dụng vào sản xuất thuốc từ sâm Ngọc Linh không nhiều, chủ yếu được dân gian dùng để ngâm rượu. Cây thông đỏ Lâm Đồng – loài cây có các hoạt chất chữa được bệnh ung thư, tuy nhiên hiện nay loài cây này mới chỉ thu hái thô sơ, đa số người dân dùng lá để pha nước uống. “Do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên giá thành DL nội thường cao, doanh nghiệp sản xuất đông dược cũng “ngại” dùng. Điều đó càng khiến cho nguồn DL trong nước đang bị lãng phí” – tiến sĩ Cường cho biết.
Phó Giáo sư Ơn cho rằng, thay vì chúng ta quản lý chất lượng “hậu kiểm” thì chúng ta quản lý quá trình sản xuất DL, theo tiêu chuẩn GACP. DL đạt GACP có nghĩa là giống chuẩn, trồng chuẩn không có dư lượng hoá chất độc hại, đảm bảo được chế biến, bảo quản đúng chuẩn. Bằng đấy thứ chuẩn thì DL nghiễm nhiên chuẩn. “Như vậy chúng ta kiểm soát chất lượng ngay từ đầu ra, thay vì “đuổi theo” kiểm nghiệm không biết bao nhiêu loại, lô DL khó mà kiểm hết” – Phó Giáo sư Ơn nhấn mạnh.
Theo Phó Giáo sư Ơn, Trung Quốc đã dành 3 tỷ đồng để định lượng hoạt chất cho 1 loại DL. Nhân lên với khoảng 200-300 DL mà chúng ta đang sử dụng thường xuyên trong công nghiệp dược và đông y sẽ là số tiền khổng lồ. Do đó, thay vì đầu tư dàn trải, chúng ta nên lựa chọn những DL có vấn đề nhất, sau đó làm dần và hoàn thiện bộ “công cụ” đánh giá chất lượng./. (Nông thôn Ngày nay, trang 5)