Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/12/2016

  • |
T5g.org.vn - 30 phụ nữ mang thai hộ đã sinh con; Kỷ niệm 110 năm thành lập Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; Chất độc trong thuốc lá lậu gây dị tật thai nhi; Bệnh viện Y học cổ truyền đón nhận Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất...

30 phụ nữ mang thai hộ đã sinh con

Ngày 23/12, Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm này, cả nước đã có 30 trường hợp sinh con nhờ mang thai hộ.

Theo Bộ Y tế, lúc 7h20 ngày 22/1/2016, em bé đầu tiên được sinh từ mang thai hộ đã chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bằng kỹ thuật mổ sinh.

Bộ Y tế cho rằng, em bé này chào đời đã đánh dấu thành công kỹ thuật mang thai hộ và thực hiện theo đúng Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2015.

Đến nay, cả nước đã có gần 200 hồ sơ mang thai hộ được duyệt, trong đó hơn 30 trường hợp đã sinh con. Hiện tại, cả nước có 3 đơn vị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ là BV Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) và Bệnh viện Trung ương Huế.

TS. Lê Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, các bác sĩ ở Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được kỹ thuật mang thai hộ. Do đó, từ khi Luật cho phép, bệnh viện đã bắt tay vào thực hiện. Thực tế, có rất nhiều phụ nữ có hoàn cảnh éo le, không có tử cung đến bệnh viện nhờ thực hiện kỹ thuật này. Bệnh viện cũng giúp họ thắp sáng niềm hy vọng và có cơ hội làm mẹ.

Cũng theo TS. Lê Hoàng, tỉ lệ thành công khi thực hiện kỹ thuật mang thai hộ cao hơn kỹ thuật mang thai trong ống nghiệm. Những người mang thai hộ thường khỏe mạnh, không có bệnh lý, đã sinh con. Tuy nhiên, trước khi thực hiện, cả người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ đều được các bác sĩ tư vấn kỹ về tâm lý.

Tại Việt Nam, chi phí cho một ca mang thai hộ khoảng 30-50 triệu trong khi đó tại Singapore khoảng 400 triệu. Tại Thái Lan, chi phí cho một ca mang thai hộ trên 300 triệu, Philippines khoảng 200 triệu.

Ngoài ra, quy trình mang thai hộ rất đơn giản. Bệnh viện sẽ tư vấn những điều kiện được mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cho cả người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ. Bước tiếp theo, Hội đồng chuyên môn và Hội đồng khoa học kỹ thuật của bệnh viện sẽ kiểm tra để xác định cặp vợ chồng hiếm muộn có đúng chỉ định được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ hay không.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế sẽ có cách kiểm soát chặt chẽ người mang thai hộ. Chẳng hạn, những người mang thai hộ sẽ được thống kê trên hệ thống máy tính có kết nối dữ liệu. Khi người mang thai hộ đăng ký làm tại trung tâm này mà sang trung tâm khác đăng ký sẽ không được. (Nông thôn Ngày nay, trang 5).

 

Kỷ niệm 110 năm thành lập Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Ngày 23-12, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức kỷ niệm 110 năm thành lập (1906-2016) và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến dự và phát biểu ý kiến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh; Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính; Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai gửi lẵng hoa chúc mừng.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiền thân là nhà thương Phủ Doãn là cái nôi của ngành ngoại khoa Việt Nam. Từ một cơ sở y tế có quy mô 400 giường bệnh với các trang, thiết bị hạn chế, hiện nay, bệnh viện là một tổ hợp y tế chuyên sâu chất lượng với nhiều trang, thiết bị hiện đại và đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao. Bệnh viện luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ: khám, chữa bệnh, phát triển kỹ thuật cao, đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến, hợp tác quốc tế...

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng và biểu dương những thành tích, đóng góp to lớn mà các thế hệ thầy thuốc, nhân viên y tế, người lao động Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đạt được thời gian qua. Chủ tịch nước mong muốn đội ngũ các thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang tập trung nâng cao chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh, thấm nhuần sâu sắc và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu, người thầy thuốc phải là người mẹ hiền; nêu cao y đức, tận tình chăm sóc người bệnh với tinh thần trách nhiệm cao và thái độ thân thiện.

Chủ tịch nước đề nghị bệnh viện tập trung phát triển kỹ thuật mũi nhọn, chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao và đa dạng. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tiếp cận và ứng dụng những thành tựu về khoa học - kỹ thuật tiên tiến trong khám, chữa bệnh. Mở rộng hợp tác quốc tế trong việc trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm với các thầy thuốc, các bệnh viện danh tiếng của các nước có nền y học hiện đại, tranh thủ sự giúp đỡ và đầu tư nguồn lực của các tổ chức quốc tế, từng bước đưa bệnh viện đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Quan tâm công tác đào tạo và chỉ đạo tuyến, bệnh viện vệ tinh, góp phần nâng cao chất lượng bệnh viện và y tế cơ sở. Chú trọng công tác bồi dưỡng chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật để cán bộ y tế tuyến dưới cập nhật kiến thức, phương pháp điều trị, chăm sóc, phẫu thuật mới, qua đó góp phần giảm tỷ lệ chuyển tuyến, giúp người bệnh được thụ hưởng những dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương…

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là một bệnh viện chuyên khoa hạng đặc biệt; là trung tâm khám, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học hàng đầu của cả nước... (Nhân dân, trang 1)

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới trang 1: “Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Bệnh viện Việt-Đức tập chung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”

 

Chất độc trong thuốc lá lậu gây dị tật thai nhi

Chất coumarin vừa được phát hiện trong thuốc lá lậu đã dấy lên hồi chuông báo động vì khả năng gây ra sảy thai, lưu thai và dị tật thai nhi.

Hằng ngày chúng ta đều tiếp xúc với một lượng lớn các chất hóa học dù theo cách chủ động hay thụ động. Thực tế, nhiều loại hóa chất đã được các nhà khoa học cảnh báo bởi tác hại của chúng lên sức khỏe con người, đặc biệt là sức khỏe thai phụ và thai nhi. Trong đó, chất coumarin vừa được phát hiện trong thuốc lá lậu Jet và Hero đã dấy lên hồi chuông báo động vì khả năng gây ra sảy thai, lưu thai và dị tật thai nhi.

Câu chuyện thương tâm tại khoa sản

Khoa Sản BV Hùng Vương chiều cuối tháng 12-2016, anh P. và chị K. ngồi thất thần, nhìn xa xăm... Cưới nhau đã được hơn ba năm, gia đình hai bên đều vui mừng khi nghe tin chị K. mang thai đứa con đầu lòng. Thời gian này, anh P. còn xin tăng ca để kiếm thêm thu nhập để mua đồ bồi dưỡng cho vợ và để dành cho con. Tuy nhiên, không hiểu sao cả ba lần mang thai chị đều không giữ đứa bé được quá ba tháng. Cả ba lần bác sĩ đều tích cực tìm hiểu nguyên nhân tình trạng của chị.

Hai hàng nước mắt lăn dài, chị K. trình bày: “Bác sĩ nói tôi không có bệnh gì hết nên lần mang thai tiếp theo cần thăm khám bác sĩ thường xuyên để bác sĩ theo dõi sát sao hơn. Nếu nguyên nhân không từ bản thân hai vợ chồng thì yếu tố môi trường sống có hóa chất độc hại cũng rất đáng lưu tâm. Bác sĩ nói trong thuốc Jet có chất coumarin gì đó, hại cho người mang thai lắm. Lần trước nói mà chồng tôi không tin, giờ thì… Chồng tôi gì cũng tốt, chỉ có cái đó là không bỏ được”.

Trước việc các chất hóa học độc hại đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên sức khỏe thai phụ và thai nhi, Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ và Chăm sóc sức khỏe sinh sản thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã quyết định thực hiện chương trình “Phòng chống thuốc lá lậu - Bảo vệ sức khỏe bà mẹ mang thai”. Trong đó, hội thảo “Tác hại của các chất hóa học đối với thai phụ và thai nhi” phối hợp tổ chức với BV Hùng Vương là một trong những hoạt động mở đầu. Mục tiêu dài hơi của chương trình là giúp các bà mẹ mang thai và gia đình bổ sung các kiến thức hữu ích trong thời kỳ thai nghén để nỗ lực chấm dứt tình trạng thai kỳ bị tác động bởi các tác nhân có hại, đặc biệt là các chất hóa học.

Chất cấm coumarin trong thuốc lá lậu Jet/Hero

Coumarin thường được dùng để định hương trong thực phẩm, đã được các nhà khoa học cảnh báo về khả năng gây ra tình trạng sảy thai, thai dị tật nếu phụ nữ mang thai tiếp xúc thường xuyên và hàm lượng cao. Coumarin còn được sử dụng để bào chế một số thuốc chống phù nề, chống đông máu dùng trong y học. Một vài chất dẫn xuất từ coumarin cũng được dùng trong thuốc diệt chuột. Đây là loại hóa chất đã bị Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấm sử dụng từ rất sớm bởi nguy cơ gây các chứng bệnh nguy hiểm đến gan, hệ thần kinh và tim mạch. Đồng thời, Bộ Y tế Việt Nam cũng đã đưa chất này vào danh mục chất cấm sử dụng trong thực phẩm.

Đặc biệt, phụ nữ mang thai đang hằng ngày hít phải khói thuốc lá một cách thụ động, trong đó các loại thuốc lá lậu có chứa chất coumarin cũng là một nguy cơ cao. Việc cố ý tẩm coumarin vào thuốc lá lậu Jet/Hero để tạo mùi nhằm tăng sức quyến rũ cũng như gây nghiện nơi người hút đã gây ra tác hại không chỉ với người hút mà với cả những người xung quanh, đặc biệt thai phụ và thai nhi. (Pháp luật TP.HCM, trang 13).

 

Bệnh viện Y học cổ truyền đón nhận Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất

Ngày 23-12, tại Hà Nội, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (HCKT) Bộ Công an long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống, 20 năm Ngày thành lập Bệnh viện Y học cổ truyền CAND (24-12-1996 - 24-12-2016) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu chỉ đạo.

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gửi lẵng hoa chúc mừng cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện Y học cổ truyền.

Dự Lễ kỷ niệm còn có các đồng chí: Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Trần Huy Dụng, Phó trưởng Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương; các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, Công an các đơn vị, địa phương cùng đông đảo các nhà khoa học, y, bác sỹ trong và ngoài lực lượng CAND…

Trước khi diễn ra Lễ kỷ niệm, các đại biểu đã dâng hương, dâng hoa trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong khuôn viên Tổng cục HCKT.

Trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Trung tướng Lê Văn Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục HCKT nêu rõ: Bệnh viện Y học cổ truyền CAND tiền thân là Phòng Chẩn trị Y học dân tộc, ra đời từ năm 1986 với quy mô 20 giường bệnh điều trị nội trú, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh và đội ngũ y, bác sỹ hạn chế nhưng đã đảm nhiệm tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng CAND.

Trải qua chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện Y học cổ truyền là 1 trong 5 bệnh viện tốp đầu trong hệ thống y học cổ truyền trong toàn quốc và tích cực tham gia các hoạt động công tác xã hội, hoàn thành tốt các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất được giao.

Ghi nhận những đóng góp của Bệnh viện Y học cổ truyền, Đảng, Nhà nước và Bộ Công an đã tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý cho nhiều tập thể, cá nhân thuộc. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống và 20 năm Ngày thành lập, Bệnh viện Y học cổ truyền vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.

Tại buổi Lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng Tô Lâm đã gắn  Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất lên Lá cờ truyền thống và trao tặng Bằng Huân chương cho tập thể lãnh đạo Bệnh viện Y học cổ truyền; Thứ trưởng Bùi Văn Thành đã trao Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Thiếu tướng Đỗ Thế Lộc, nguyên Giám đốc bệnh viện Y học cổ truyền; trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Đại tá Phạm Bá Tuyến, Giám đốc bệnh viện Y học cổ truyền và Thượng tá Nguyễn Thị Liên Hoa, Trưởng khoa nội IV.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm biểu dương, chúc mừng những kết quả, thành tích của các thế hệ cán bộ, y bác sỹ, công nhân viên của Bệnh viện Y học cổ truyền đã đạt được trong thời gian qua.

Thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Bệnh viện Y học cổ truyền cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an về công tác y tế; triển khai thực hiện Chỉ thị số 24 và Kết luận số 154 của Ban Bí thư về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới; Chỉ thị của Bộ Công an về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cán bộ, chiến sỹ trong tình hình mới.

Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người thầy thuốc trong lực lượng CAND, phát động nhiều phong trào về rèn luyện, thi đua y đức trong đội ngũ cán bộ, y bác sỹ Bệnh viện.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ y bác sỹ; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khám chữa bệnh. Bệnh viện phải thể hiện quyết tâm cao và quán triệt sâu sắc tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...( Công an Nhân dân, trang 1).

 

Đưa ngư dân lâm bệnh nặng từ biển khơi về đất liền

Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam cho biết, trong lúc đang hành nghề đánh bắt hải sản trên tàu đánh cá BĐ-91247 TS do ông Nguyễn Thương (trú ở xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) làm thuyền trưởng vận hành vùng biển phía Nam, trưa 23-12, ngư dân Trần Văn Phúc, 37 tuổi, bất ngờ lên cơn đau đầu dữ dội, không ăn uống được.

Nhận được thông tin nêu trên qua tần số 6230 kHz, Đài thông tin duyên hải Vũng Tàu đã kết nối liên lạc giữa thuyền trưởng với Viện Y học biển Việt Nam để các bác sĩ tư vấn, hướng dẫn chăm sóc.

Sau đó, tàu đánh cá BĐ-91247 TS đã hướng mũi lái đưa bệnh nhân vào đất liền, theo dự kiến sẽ đến cảng Vũng Tàu trong đêm 25-12. (Công an Nhân dân, trang 1).

 

Báo động tình trạng bị rắn độc cắn sau lũ lụt

Ngày 23.12, ông Hồ Việt Mỹ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, cho biết hiện tại số người bị rắn cắn phải nhập viện đang tăng lên một cách bất thường và đáng báo động.

Từ đầu tháng 12 đến nay, đã có 22 ca nhập viện vì rắn cắn và đều là trường hợp bị rắn độc cắn, nhiều ca nặng có nguy cơ tử vong. Bác sĩ Võ Bảo Dũng, Trưởng khoa Nội tổng hợp của bệnh viện này cho biết: “Số người nhập viện do rắn cắn sau lũ lụt tăng đột xuất. Nếu trước đây cả tuần mới có 1 ca thì bây giờ có ngày tới 3 - 4 ca. Những bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng sưng, phồng rộp vết cắn, rối loạn đông máu”.

Một trong những nạn nhân nặng nhất do rắn cắn là bà N.T.T (52 tuổi, ở xã Phước Hiệp, H.Tuy Phước). Bà T. cho biết, cách đây 4 ngày, trong lúc bà đang dọn dẹp nhà cửa ngập sau lũ thì bị một con rắn đuôi đỏ đang có chửa lao từ gầm giường ra cắn. Sau khi bị cắn, bà đã tự sơ cứu bằng cách buộc chặt phần tay rồi đi viện. Tới nay, cánh tay trái của bà T. vẫn còn sưng phồng, chảy mủ vì vết cắn khá nặng.

Một trường hợp khác là anh N.H.T (41 tuổi, ở H.Phù Mỹ) bị rắn cắn khi đang ngủ trong kho hàng tại TP.Quy Nhơn. Kho hàng này cũng bị ngập nước vì lũ lụt. Do chủ quan, anh không đến cơ sở y tế mà đợi qua hôm sau, khi bị sốt cao đột ngột mới đi thăm khám. Hiện tại, vết cắn ở chân anh còn khá nặng và chảy dịch.

Bác sĩ Võ Bảo Dũng khuyến cáo, người dân vùng lũ khi dọn dẹp nhà cửa nên đi ủng, mang bao tay đề phòng rắn cắn. Trong trường hợp bị rắn cắn, phải sơ cứu đúng cách như nặn máu, làm sạch vết thương rồi đến cơ sở y tế sớm nhất có thể. Tuyệt đối không ga rô (dân gian hay dùng vải, dây thun buộc chặt) theo cách hiểu để “cách ly” phần bị rắn cắn để không cho nọc độc chạy vô người nhưng cách làm này hoàn toàn sai lầm và dễ khiến vùng tổn thương bị hoại tử. (Thanh niên, trang 8).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang