Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 25/9/2015

  • |
T5g.org.vn - Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh: 36.000 người mắc, 23 người chết; Bệnh nhân sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng vọt trên 2.100 ca; Đồng nai: 2 ca tử vong vì sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh: 36.000 người mắc, 23 người chết

Dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu bùng phát mạnh. Đến nay đã có 51 tỉnh, thành phố có bệnh nhân sốt xuất huyết với 36.000 người mắc, 23 người đã bị tử vong vì dịch bệnh này. Trong đó, các điểm nóng dịch tại Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM và Hà Nội số ca mắc bệnh sốt xuất huyết đang tăng.

Sốt xuất huyết không phải là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hoàn toàn có thể phòng tránh bằng những biện pháp đơn giản như dọn dẹp vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt cung quăng, bọ gậy, diệt muỗi, ngủ phải mắc màn… Thế nhưng, cho tới thời điểm này, đã tử vong vì sốt xuất huyết. Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, tính từ đầu năm tới nay, cả nước ghi nhận hơn 36.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 51 tỉnh, thành phố.  

Đáng chú ý, dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu bùng phát tại những khu vực, những tỉnh thành có nhiều công nhân lao động nghèo - những người do điều kiện kinh tế đang phải sống trong những khu dân cư, nhà trọ chật chội, ẩm mốc, môi trường xung quanh bị ô nhiễm… Và nhận thức của họ về các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết còn hạn chế.

Ghi nhận của nhóm PV Lao Động tại Đồng Nai cho biết số người bị sốt xuất huyết gia tăng chóng mặt. Tính đến ngày 24.9, theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã có thêm 2 ca tử vong vì sốt xuất huyết. Trong đó có 1 trường hợp là người lớn tuổi (57 tuổi) ở huyện Tân Phú, trường hợp còn lại là bé 8 tháng tuổi ở huyện Trảng Bom. Như vậy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Đồng Nai đã có 4 người bị tử vong vì sốt xuất huyết, trong đó có 2 trẻ em và 2 người lớn. 

Cũng theo thống kê của Sở Y tế Đồng Nai, từ đầu năm 2015 đến nay, Đồng Nai ghi nhận khoảng 5.000 trường hợp bị sốt xuất huyết, tăng gần 180% so với cùng kỳ năm 2014. Riêng TP.Biên Hòa có hơn 2.100 ca bệnh, tăng 320% so với cùng kỳ năm trước. Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang lưu hành cả 4 týp virus Dengue gây bệnh là D1, D2, D3, D4.

Ông Nguyễn Văn Danh - GĐ BVĐK khu vực Định Quán cho biết, năm 2014 trở về trước, 80% số người mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Định Quán là trẻ em. Năm 2015 bệnh diễn biến phức tạp, người lớn tuổi (trên 16 tuổi) mắc bệnh tăng cao. Hiện có 55 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị nội trú tại bệnh viện, trong số này có 35 ca là người lớn tuổi.

Tại tỉnh Bình Dương dịch sốt xuất huyết cũng đang gia tăng đột biến. Trong tháng 8.2015, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh lên đến 631 ca, so với cùng kỳ tháng 8 năm 2014, tăng 77%. Riêng hai tuần đầu tháng 9.2015 đã ghi nhận 499 ca bệnh mắc mới. Tính đầu tháng 8 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 trường hợp tử vong do bệnh sốt xuất huyết (có độ tuổi từ 2-12 tuổi). Trong 6 ca tử vong thì có đến 5 ca là người nhập cư từ địa phương khác đến Bình Dương.

Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ - Trưởng phòng Dịch tễ - Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương cho biết, người dân lơ là chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy. Theo bác sĩ Mỹ, qua giám sát huyết thanh xét nghiệm máu bệnh nhân đang xuất hiện chùm virus Dengue 4. Đây là chùm virus nguy hiểm có nguy cơ gây biến chứng dễ dẫn đến tử vong.

Tại TPHCM số ca bệnh SXH chưa hề có dấu hiệu giảm. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, chỉ tính trong một tuần, từ 11- 17.9, toàn TP đã có thêm 592 ca mắc mới. Đến thời điểm này, toàn TP đã có 9.357 ca sốt xuất huyết, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2014, đã có 3 người tử vong. Nhóm P.V.T.S

Hôm nay, giao lưu trực tuyến về “Phòng, chống sốt xuất huyết” trên Laodong.com.vn

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Báo Lao Động phối hợp với Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến về “Phòng, chống sốt xuất huyết” nhằm cung cấp thông tin cho bạn đọc nhận diện các biện pháp phòng, chống và điều trị hiệu quả với sốt xuất huyết.

Ba chuyên gia đầu ngành gồm: PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế; PGS-TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương; GS-TS Vũ Sinh Nam - chuyên gia cao cấp-Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương sẽ trực tiếp trao đổi, trả lời mọi câu hỏi của bạn đọc về dịch bệnh sốt xuất huyết.

Thời gian diễn ra buổi giao lưu trực tuyến là từ 14h - 15h hôm nay (25.9), trân trọng kính mời bạn đọc quan tâm tới việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết, các phương pháp điều trị sốt xuất huyết theo dõi trên Báo Lao Động điện tử (Laodong.com.vn). Bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho các khách mời theo địa chỉ email của tòa soạn: toasoan.laodong@gmail.com. (Lao động (trang 1))

Bệnh nhân sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng vọt trên 2.100 ca

Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm nửa cuối tháng 9-2015, toàn thành phố đã ghi nhận 2.118 ca mắc sốt xuất huyết, số mắc tăng cao so với cùng kỳ 2014 và tiếp tục có xu hướng tăng. 

Trong khi đó, thông tin từ khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, riêng ngày 21-9, Khoa tiếp nhận tới hơn 50 bệnh nhân đến khám vì các triệu chứng của sốt xuất huyết. Do bệnh nhân tăng mạnh nên lúc cao điểm đã xảy ra tình trạng quá tải, 2-3 bệnh nhân phải nằm chung một giường bệnh. 

Còn tại Bệnh viện Đống Đa, Thạc sỹ Bác sỹ Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, hiện mỗi ngày có khoảng 10-15 bệnh nhân tới khám sốt xuất huyết tại Khoa Truyền nhiễm, hầu hết bệnh nhân là người lớn, trong đó có không ít ca bệnh diễn tiến nặng.

Trước thực trạng này, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục ban hành kế hoạch tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết trong những tháng cuối năm với mục tiêu không để dịch bùng phát và hạn chế tối đa số ca tử vong.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội kiện toàn hệ thống giám sát dịch từ thành phố tới cấp cơ sở, củng cố và nâng cao khả năng phản ứng nhanh của các đội phòng chống dịch cơ động, sẵn sàng điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới chỉ đạo quyết liệt để phòng chống dịch bệnh này. An ninh thủ đô (trang 2)

Đồng nai: 2 ca tử vong vì sốt xuất huyết

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, từ đầu tháng 9 đến nay, tại Đồng Nai đã có thêm 2 ca tử vong vì sốt xuất huyết; trong đó có 1 trường hợp là người lớn tuổi (57 tuổi) ở huyện Tân Phú, trường hợp còn lại là bé 8 tháng tuổi ở huyện Trảng Bom. Như vậy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Đồng Nai đã có 4 người bị tử vong vì sốt xuất huyết, trong đó có 2 trẻ em và 2 người lớn… Nông thôn ngày nay (trang 2)

Bỏ 11 loại thủ tục về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Tổng cộng có 11 loại giấy tờ, thủ tục liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vừa được Bảo hiểm xã hội Việt Nam ra quyết định loại bỏ. Cụ thể gồm: Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thai sản mẫu 11A và 11B; Giấy đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; Đề nghị truy lĩnh số tiền chưa nhận; Xác nhận đang đi học của nhà trường; Đề nghị tạm ứng mai táng phí; Quyết định của cấp có thẩm quyền cử đi học và làm việc ở nước ngoài; Giấy ủy quyền nộp hồ sơ thanh toán trực tiếp chi phí khám chưa bệnh bảo hiểm y tế; Đề nghị xác nhận chữ ký; Danh sách xác nhận người hưởng chế độ bảo hiểm hàng tháng qua tài khoản ATM; Xác nhận người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hàng tháng qua tài khoản ATM. Sức khỏe đời sống (trang 2)

Thấy gì qua các sai phạm ở một phòng khám tư?

Với hàng loạt các vi phạm bị phát hiện, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính 67,4 triệu đồng đối với phòng khám, đồng thời tạm đình chỉ hành nghề 6 tháng đối với 2 bác sĩ người Trung Quốc.

Nhiều sai phạm

Mới đây, ngày 22/9, Đoàn thanh tra của Sở Y tế Hà Nội do ông Nguyễn Dương Trung, Phó Chánh thanh tra Sở làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra đột xuất Phòng khám đa khoa 168 Hà Nội (tại Km12, Quốc lộ 1, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì). Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt sai phạm tại phòng khám này. Tại thời điểm kiểm tra, phòng khám có 3 người Trung Quốc, trong đó có 2 bác sĩ và 1 quản lý tài chính đều có giấy tờ pháp lý xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, các nhân viên y tế tại đây không có biển tên và chức danh. Sổ theo dõi quản lý người bệnh ghi chép không đúng quy định. Đoàn kiểm tra cũng phát hiện nhiều sai phạm khác liên quan đến việc sử dụng thuốc, thuốc không rõ nhãn hiệu, nguồn gốc, công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn phòng khám...

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, Thanh tra Sở đang có kế hoạch tập trung tăng cường thanh, kiểm tra các phòng khám tư nhân trên địa bàn, trong đó đặc biệt chú ý đến các cơ sở khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài. Hiện tại, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra 24 cơ sở có đăng ký bác sĩ, nhân viên y tế người nước ngoài hành nghề, nhưng khác hẳn với những năm trước đó, từ đầu năm đến nay, hầu hết bác sĩ người nước ngoài ở các phòng khám tư trên địa bàn Hà Nội đã về nước. Tuy nhiên, qua kiểm tra ở những phòng khám này, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng đã phát hiện nhiều tồn tại cần chấn chỉnh, một số phòng khám vi phạm khá nghiêm trọng các quy định về hành nghề y tư nhân.

Trước đó, trong tháng 7, các đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội cũng đã phát hiện nhiều phòng khám tư nhân, đặc biệt là các phòng khám sản phụ khoa có sai phạm. Kiểm tra đột xuất các phòng khám trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đã phát hiện 4/6 phòng khám có sai phạm. Đoàn kiểm tra đã ra quyết định tạm đình chỉ 2 phòng khám gồm Phòng khám chuyên sản phụ khoa 189 Giải Phóng; Phòng khám chuyên khoa xét nghiệm, sinh hóa 161 Giải Phóng.

Cần chấn chỉnh kịp thời

Y tế tư nhân được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển, tình trạng các cơ sở y tế treo biển tên một người, nhưng người khác quản lý dường như là chuyện “thường ngày”. Thực tế quá trình thanh kiểm tra tại các cơ sở cho thấy, số cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập đang hoạt động lớn hơn nhiều con số thực tế. Bên cạnh đó, thực trạng các cơ sở hành nghề hoạt động không đúng phép, cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề, không niêm yết đầy đủ giá dịch vụ y tế, giá thuốc, hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép, biển hiệu quảng cáo không đúng với khả năng chuyên môn... là phổ biến.

Ngoài nguyên nhân chính là chủ cơ sở coi trọng lợi nhuận, sự hiểu biết quy định của pháp luật về hành nghề y, dược ngoài công lập của một bộ phận chủ cơ sở cũng như người hành nghề còn hạn chế thì phải kể đến những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực này. Lực lượng quản lý nhà nước mỏng, thiếu là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lơi lỏng trong kiểm soát hoạt động y dược ngoài công lập. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra cũng như hậu kiểm sau cấp phép chưa thường xuyên và việc xử lý vi phạm chưa đủ tính răn đe để ngăn chặn sai phạm. Thiếu sự phối hợp của chính quyền địa phương với lực lượng thanh tra chuyên ngành trong việc nắm bắt thông tin.

Mặt khác, ý thức của nhiều cơ sở về việc thực hiện các quy định rất yếu kém. Nhiều cơ sở sau thanh, kiểm tra, dường như mọi việc đâu vẫn hoàn đấy. Có một thực tế là đa số đội ngũ y, bác sĩ hiện đang công tác trong các cơ sở y tế công lập hành nghề ngoài giờ. Họ cũng là chủ đầu tư hoặc góp vốn để kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đáng ngại hơn chính là có cả những người không được đào tạo, không có chuyên môn vẫn hồn nhiên “phục vụ” người bệnh. Thiết nghĩ, bên cạnh việc chấn chỉnh kịp thời thì quản lý chặt hoạt động này ngay từ khi thẩm định cấp giấy phép, thanh kiểm tra thường xuyên, cần chế tài đủ mạnh để xử lý nhằm hạn chế tối đa những sai phạm và hạn chế những tai biến có thể xảy ra trong quá trình khám chữa bệnh...

Sức khỏe đời sống (trang 3)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang