Tỷ lệ tiêm chủng Sởi - Rubella của Việt Nam đạt trên 95%
Sau 30 năm triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã được những thành tựu to lớn, tỷ lệ tiêm chủng Sởi - Rubella đạt trên 95%. Ở nước ta, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin Sởi - Rubella miễn phí cho trẻ từ 1-14 tuổi trên toàn quốc từ cuối năm 2014 đến tháng 5/2015.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, trên quy mô huyện, 100% số huyện đều đạt tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Sởi - Rubella trên 95%.
Kết quả giám sát, kiểm tra cho thấy, các điểm tiêm chủng đều thực hiện đúng qui trình chuyên môn kỹ thuật, công tác tổ chức, bố trí điểm tiêm chủng hợp lý, không quá đông.
Trên quy mô xã/phường có 11.150 xã/ 11.173 xã đạt tỷ lệ trên 95%, chỉ còn lại 23 xã thuộc 4 tỉnh Bình Phước, Cao Bằng, Lai Châu, Đắc Lắc đạt tỷ lệ tiêm chủng chiến dịch từ 90 -95%. Hiện các tỉnh đang chỉ đạo tiếp tục tiêm vét phấn đấu đạt 100% số xã đạt tỷ lệ tiêm trên 95% Ghi nhận 15.866 trường hợp phản ứng nhẹ thông thường được báo cáo (sốt, đau tại chỗ tiêm, nhức đầu….) chiếm 0,08%, thấp hơn so với thông báo của nhà sản xuất. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).
Khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho cựu thanh niên xung phong
Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày thương binh liệt sĩ, ngày 26/7/2015 tại Bệnh viện đa khoa Tràng An, đội ngũ y bác sĩ đã tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho các cựu thanh niên xung phong.
Hai cuộc kháng chiến đã qua, hàng vạn thanh niên xung phong (TNXP) từng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và hướng tới kỷ niệm 68 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7-2015), ngày 26/7/2015 tại bệnh viện đa khoa Tràng An đội ngũ y bác sĩ đã tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho thương bệnh binh, các cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn của Hội cựu TNXP quận Đống Đa, gia đình chính sách. Đây là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng, sự tri ân của thế hệ trẻ hôm nay đối với những hy sinh củ thế hệ cha anh đã ngã xuống vì tổ quốc. Phần lớn cựu TNXP tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, đời sống khó khăn nhiều đồng chí không có thu nhập trong 1600 cựu TNXP quận Đống Đa thì có đến 200 thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Hạnh phúc thay, cứ đến dịp 27/7 các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, các cựu TNXP chúng tôi lại được các y bác sĩ bệnh viện đa khoa Tràng An chăm lo sức khỏe, động viên tinh thần, chúng tôi rất cảm động. Bác Nguyễn Thị Lâm cựu TNXP cho biết. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).
Bệnh viện công vẫn e dè vay vốn xã hội hóa
Không chỉ khó thu hút đầu tư xã hội hóa, nhiều bệnh viện công của HN còn đang gặp khó khăn trong việc cân đối thu chi, đảm bảo kinh phí thường xuyên. Cũng vì thế, dù thành phố khuyến khích các bệnh viện vay vốn ngân hàng để đầu tư XHH song đến nay hầu hết bệnh viện vẫn chưa dám tham gia. (Chi tiết xem báo). (An ninh thủ đô (trang 3).
Sẽ bồi thường nếu xảy ra tai biến nặng sau tiêm văcxin
Những trường hợp tai biến nặng sau tiêm ngừa bắt buộc do nguyên nhân sai sót trong thực hành tiêm hoặc văcxin sẽ được Nhà nước bồi thường, theo dự thảo nghị định về tiêm chủng.
Dự thảo nghị định về hoạt động tiêm chủng đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến. Dự thảo dành một chương đề xuất về việc bồi thường khi sử dụng các văcxin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (tiêm miễn phí).
Theo đó, khi sử dụng văcxin bắt buộc, nếu xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị tai biến nặng hoặc thân nhân người bị tai biến nặng. Những trường hợp này được xác định nguyên nhân do sai sót trong thực hành tiêm chủng hoặc do chất lượng văcxin.
Mức độ bồi thường gồm các thiệt hại do phải khám bệnh, chữa bệnh; thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút; để lại di chứng và thiệt hại đến tính mạng. Cụ thể, trường hợp phải nhập viện điều trị, người bị thiệt hại sẽ được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh; hỗ trợ thiệt hại vật chất cho người phải nghỉ việc không hưởng lương để chăm sóc.
Nếu để lại di chứng, người bị thiệt hại sẽ được hỗ trợ bằng mức lương cơ sở tại thời điểm giải quyết bồi thường nếu bị tổn thương cơ thể 11-15%; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 lần mức lương cơ sở nếu bị tổn thương cơ thể từ trên 15% đến 80%. Mức hỗ trợ bằng bằng 30 lần mức lương cơ sở nếu bị tổn thương cơ thể từ 81% trở lên. Đồng thời, được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi theo mức độ khuyết tật theo quy định hiện hành của pháp luật về người khuyết tật.
Trường hợp dẫn đến tử vong, ngoài chi phí khám chữa bệnh, thiệt hại vật chất cho người phải nghỉ làm không hưởng lương để chăm sóc, Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm chi phí mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở. Đồng thời, bồi thường để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại hoặc cho người trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại... Mức bồi thường này bằng 10 lần mức lương cơ sở.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định 5 hành vi bị nghiêm cấm như: thực hiện tiêm chủng tại cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, sử dụng văcxin vào mục đích khác, người khám sàng lọc tư vấn không có giấy chứng nhận tham dự tập huấn về tiêm chủng... Khi xảy ra các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, cơ sở y tế có trách nhiệm báo cáo cho Sở Y tế, cho tuyến trên trong thời gian sớm nhất nhưng không quá 24 giờ kể từ khi xảy ra tai biến. Sở Y tế thành lập Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin cấp tỉnh để xem xét tiến hành điều tra, đánh giá nguyên nhân và thông báo kết luận về nguyên nhân cho các cơ quan liên quan và Bộ Y tế.
Đây là lần đầu Bộ Y tế xây dựng một nghị định riêng về hoạt động tiêm chủng. Dự thảo nghị định này đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến và dự kiến có hiệu lực vào năm 2016. * Gia đình & Xã hội (trang 6).
Đề án 1816, BV Vệ tinh, góp phần nâng cao chất lượng KCB: 90% kỹ thuật được chuyển giao đến “vệ tinh xứ biển”.
Người dân xứ biển Khánh Hòa và Ninh Thuận gặp “trục trặc” cần đến chuyên gia chấn thương chỉnh hình, nay không còn cảnh phải “cơm đùm cơm nắm” vào tận Sài Gòn nữa, bởi các bác sỹ tại Bv địa phương đã được nâng cao tay nghề, thành thục chuyên môn hơn nhờ “hạt nhân” là BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM đã hoàn tất chuyển giao kỹ thuật đến 90% (Chi tiết xem báo). (Gia đình & Xã hội (trang 16).
Bệnh viện Nghệ An cứu sống một bệnh nhân người Lào
Ngày 22/7, Bệnh viện đa khoa Nghệ An cho biết vừa cấp cứu, cứu sống một bệnh nhân Lào bị bệnh hiểm nghèo. Bệnh viện Đa khoa Nghệ An tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân Xồng Nàng Khà (50 tuổi, tỉnh Bolikhamxay, Lào) trong tình trạng đau bụng dữ dội kèm ra máu âm đạo liên tục, da xanh, niêm mạc nhợt, thể trạng bệnh nhân rất yếu.
Qua thăm khám, hội chẩn liên khoa Sản - Ngoại và chẩn đoán cận lâm sàng, giải phẫu bệnh thì phát hiện bệnh nhân này bị bệnh lý ung thư tế bào nuôi (u nhân Chorio) âm đạo, u nhân di căn ăn sâu và di căn lan sang phổi. Khối u tế bào nuôi của bệnh nhân Xồng Nàng Khà đã tiến triển lớn, gây xuất huyết trong ổ bụng nhiều nên bệnh nhân mất máu nặng, choáng váng, nếu điều trị không kịp thời có thể khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng.
Xác định tính chất nguy hiểm của bệnh lý u nhân Chorio, khoa Sản cùng khoa Hồi sức Ngoại khoa BVĐK Nghệ An hội chẩn phương án hồi sức tích cực, truyền máu bổ sung liên tục để ưu tiên cho bệnh nhân hồi phục, ổn định sức khỏe trước khi lên kế hoạch phẫu thuật bóc nhân u.
Tuy nhiên, đến ngày 21/7, bệnh nhân bị chảy máu âm đạo không cầm.
Nhận định tình hình bệnh nhân quá nguy cấp, ngay lập tức, êkip phẫu thuật Sản khoa quyết định mổ cấp cứu giành giật sự sống cho bệnh nhân. Ca mổ cấp cứu do BSCKII Nguyễn Danh Linh – Giám đốc bệnh viện là phẫu thuật viên chính ca mổ đã nhanh chóng thắt hai động mạch hạ vị, tách nhân ung thư thành âm đạo bệnh nhân.
Sau gần 1 tiếng đồng hồ, ca phẫu thuật thành công, đặc biệt, không gây biến chứng băng huyết ồ ạt, điều mà các phẫu thuật viên lo ngại gặp phải trong các ca phẫu thuật u nhân Chorio lớn. Do mất máu kéo dài, lại trải qua ca phẫu thuật nguy hiểm, nên bệnh viện đã phải liên tục huy động gần 6 lít máu (hồng cầu, huyết tương) từ Trung tâm huyết học Truyền máu, tương đương 24 đơn vị máu truyền bù cho bệnh nhân.
Anh Gia Bá Long, con trai bệnh nhân Xồng Nàng Khà cho biết, cách đây 50 ngày, mẹ anh nhập viện Viêng Chăn (Lào) với chẩn đoán u nang buồng trứng và đã được mổ cắt tử cung toàn phần. Tuy nhiên, 25 ngày sau lại xuất hiện chảy máu âm đạo nhiều, kéo dài, sức khỏe ngày càng yếu nên gia đình quyết định vượt quãng đường 500km, chuyển mẹ từ Viêng Chăn sang Bệnh viện Đa khoa Nghệ An điều trị”.
Hiện nay, bệnh nhân Xồng Nàng Khà đã hồi tỉnh, đang được theo dõi hậu phẫu liên tục. Đồng thời, khoa Sản cùng chuyên khoa Ngoại ung bướu Y học hạt nhân phối hợp chặt chẽ, lên phương án điều trị tiếp cho bệnh nhân Khà, tránh khối u di căn lan rộng. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).