Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 05/8/2020

  • |
T5g.org.vn - Phòng, chống dịch Covid-19: Không chủ quan, lơ là; Không để xảy ra làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 ở Việt Nam; Đà Nẵng lo thiếu nguồn lực dập dịch…

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi thư khen cán bộ Ngành Y tế

Ngày 4-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Thư khen gửi các cán bộ, nhân viên ngành y tế.

Nhân Dân điện tử xin đăng tải nội dung Thư khen của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

Các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành y tế yêu quý!

Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới của dịch Covid-19 với diễn biến rất phức tạp, lây lan nhanh ra nhiều địa phương, trong đó có các đô thị lớn, đã có một số nhân viên y tế mắc bệnh. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân Việt Nam đã chung sức, đồng lòng chống lại dịch Covid-19. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, tập trung công tác chống dịch trên tinh thần thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực, sử dụng biện pháp mạnh, đồng bộ, để xử lý triệt để các ổ dịch, đặc biệt là tại Đà Nẵng, Quảng Nam.

Bộ Y tế và lực lượng quân y đã hết sức khẩn trương, chỉ đạo quyết liệt, chi viện mọi nguồn lực chống dịch, đã xuất hiện nhiều tấm gương, lòng quả cảm, sự cống hiến, nghĩa cử cao đẹp ở mọi lứa tuổi, mọi lực lượng, mọi ngành nghề và thành phần kinh tế, mà tiêu biểu là đông đảo đội ngũ thầy thuốc, y bác sỹ, nhân viên y tế, sinh viên y khoa – những người chiến sĩ áo trắng tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và nhiều bệnh viện, các viện nghiên cứu, trường Đại học của ngành y tế trên toàn quốc đã nỗ lực không mệt mỏi, tiên phong đi vào tâm dịch, không ngại gian khổ, nguy hiểm, tranh thủ từng giờ từng phút truy vết, cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm và giám sát y tế, tận tâm điều trị, cứu chữa người bệnh.

Thay mặt Chính phủ, tôi biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những cống hiến cao cả, tận tâm hết mình của những thầy thuốc yêu quý của chúng ta trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Tôi cũng cảm ơn người nhà, gia đình của những thầy thuốc và cán bộ ngành y tế đã thông cảm, đồng hành và chia sẻ những khó khăn, thách thức này, luôn là hậu phương vững chắc để các chiến sỹ áo trắng có thể yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp và khó lường, ngành y tế cần dồn toàn lực lượng để khống chế dịch bệnh lây lan, trước hết phải trang bị đầy đủ, kịp thời để bảo vệ ở mức cao nhất sự an toàn của đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế của chúng ta.

Tôi kêu gọi ngành y tế, các y bác sĩ, nhân viên y tế trên mọi miền tổ quốc tiếp tục phát huy các phẩm chất cao đẹp của người thầy thuốc luôn sẵn sàng, quyết tâm, trách nhiệm và dồn hết tâm sức, tri thức và kinh nghiệm để cùng với toàn Đảng, toàn dân chiến thắng đại dịch.

Tôi đề nghị cả hệ thống chính trị, đồng bào cả nước dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp hãy tiếp tục đoàn kết, chung sức đẩy lùi dịch bệnh. Mỗi người dân cũng là một chiến sỹ phòng, chống dịch, cùng ủng hộ, động viên, chia sẻ và bảo vệ những người chiến sỹ áo trắng yêu quý của chúng ta trong cuộc chiến đầy cam go và hiểm nguy với Covid-19.

Nhân đây tôi kêu gọi người dân ủng hộ những biện pháp phòng chống dịch Covid-19 mà chính quyền và ngành y tế đề ra.

Chúc các thầy thuốc, các cán bộ ngành y tế – những người anh hùng của nhân dân luôn mạnh khoẻ, sớm hoàn thành nhiệm vụ vinh quang dành chiến thắng trước dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho toàn thể nhân dân.

Chúc sức khỏe và thành công! (Nhân dân, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Thủ tướng gửi thư khen các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên Ngành Y tế”; Thanh niên, trang 3: “Thủ tướng gửi thư khen các “Chiến sỹ áo trắng””; Hà Nội mới, trang 1: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thư khen, động viên thầy thuốc, nhân viên Nghành Y tế”.

 

Không để xảy ra làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 ở Việt Nam

Chiều 4-8, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp ban chỉ đạo.

Theo phân tích của quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và nhiều chuyên gia dịch tễ, giám sát, phân tích dữ liệu và truy vết cho thấy dịch Covid-19 xuất hiện ở Ðà Nẵng vào khoảng đầu tháng 7, hiện phần lớn các ca bệnh đều có liên quan ổ dịch là ba bệnh viện trên địa bàn TP Ðà Nẵng; tại một số địa phương, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện ca bệnh, nhưng cũng đều có yếu tố dịch tễ liên quan Ðà Nẵng… (mới phát hiện sáu ca tại cộng đồng). Kết quả xét nghiệm các mẫu giám sát lấy ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số cơ sở y tế lớn cũng chưa phát hiện các ca mắc Covid-19... Như vậy, chưa có bằng chứng để khẳng định dịch bệnh lây nhiễm mạnh ngoài cộng đồng. Các lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương, nhất là TP Ðà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực khoanh vùng, dập dịch.

Về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên cả nước trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo và các chuyên gia cho rằng, bên cạnh tập trung khoanh vùng, dập dịch, cần thiết lập trạng thái bình thường mới với từng người dân, gia đình, các tổ chức và toàn xã hội. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, những việc làm cần thiết… vẫn diễn ra, nhưng phải trong điều kiện mới, cách làm mới để bảo đảm an toàn. Các lực lượng chức năng cần phát hiện thật nhanh, khoanh thật sớm các ổ dịch ở quy mô nhỏ nhất để xử lý kịp thời; các cơ sở y tế phải luôn sẵn sàng vì các ca bệnh chỉ dẫn ban đầu đều được phát hiện tại cơ sở y tế; người dân phải thực hiện các biện pháp phòng dịch; thực hiện nghiêm, triệt để quy định phòng dịch đối với người đến khám bệnh, trong bệnh viện, nhất là đối với người cao tuổi, người có bệnh nền.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam cho rằng, tình hình dịch Covid-19 ở Ðà Nẵng là lời cảnh báo đối với cả nước trong việc nâng cao tinh thần cảnh giác, cũng như lập lại kỷ cương trong phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, một mặt phải tập trung dập dịch nhanh nhất có thể, mặt khác phải siết chặt lại kỷ cương, "lên dây cót" cả hệ thống, trước hết trong ngành y tế. Bộ Y tế rà soát toàn bộ các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch; các địa phương phải tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát… Nếu thực hiện tốt, chúng ta hoàn toàn tin tưởng sẽ sớm dập được dịch Covid-19, giúp người dân có cuộc sống, sản xuất, kinh doanh bình thường mới…, quyết tâm không để xảy ra làn sóng dịch Covid-19 thứ hai ở nước ta.

Cũng tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã bàn về nội dung dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường, nâng cao hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn mới; công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, máy móc phục vụ phòng, chống dịch…

* Chiều 4-8, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 thông báo xác nhận 28 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 23 ca tại Ðà Nẵng, ba ca ở Quảng Nam, một ca ở Ðồng Nai và một ca trở về từ Ghi-nê Xích đạo. Tính đến 18 giờ ngày 4-8, cả nước có 670 người nhiễm Covid-19, trong đó 308 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay; số lượng ca mắc mới liên quan tới Ðà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay là 222 ca. Theo báo cáo của Tiểu ban Ðiều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19), trong ngày 4-8 có bốn người bệnh được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình (người bệnh thứ 398, 399, 400 và 401); số ca âm tính lần một với SARS-CoV-2 là 18 người và có 13 người đã âm tính lần hai trở lên với SARS-CoV-2.

* Chiều cùng ngày, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19, Tiểu ban Ðiều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) tiến hành phiên hội chẩn thứ bảy về tình hình điều trị cho người bệnh Covid-19. Các chuyên gia của Hội đồng hội chẩn đã đưa ra khuyến cáo cho từng người bệnh nặng; đề nghị Bệnh viện Ðà Nẵng bảo đảm an toàn tuyệt đối khi chuyển các bệnh nhân nặng, bệnh nhân chạy thận nhân tạo đến các bệnh viện được chỉ định; Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam thực hiện quy trình điều trị theo phác đồ mới được Bộ Y tế ban hành; Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 theo dõi, điều trị, chăm sóc, hạn chế tử vong cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch tại bệnh viện.

* Trong ngày 4-8, có thêm hai người bệnh Covid-19 chết (người bệnh 426, nữ, 62 tuổi và người bệnh 496, nam, 65 tuổi, đều ở Hòa Vang, Ðà Nẵng).

* Sáng 4-8, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Ðà Nẵng kiểm tra công tác sẵn sàng điều trị và thu dung người bệnh tại Bệnh viện Quân y 17, Cục Hậu cần, Quân khu V. Thứ trưởng Y tế đề nghị cán bộ, chiến sĩ của bệnh viện sẵn sàng ở mức cao nhất để khi có yêu cầu từ ngành y tế sẽ đưa bệnh viện vào trạng thái hoạt động tốt nhất. Bộ Y tế luôn sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện về nhân lực và trang thiết bị khi có yêu cầu. Bệnh viện Quân y 17 hiện có 200 giường bệnh, là bệnh viện tuyến một và sẵn sàng trở thành bệnh viện dã chiến số 3 khi có lệnh.

* Chiều 4-8, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long có văn bản giao ba đơn vị: Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Trường đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ ngành y tế Hà Nội xét nghiệm Covid-19. Trước mắt tập trung xét nghiệm Covid-19 cho người đi về từ Ðà Nẵng và các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

* Ngày 4-8, Sở Y tế TP Ðà Nẵng thông báo bốn cơ sở đã được cơ quan chức năng xác định, cấp phép đủ năng lực xét nghiệm khẳng định Covid-19, gồm: Bệnh viện Ðà Nẵng, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện 199 (Bộ Công an) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Ðà Nẵng.

* Ngày 4-8, Sở Y tế Hà Nội phát đi thông báo khẩn đề nghị tất cả các hành khách từ Ðà Nẵng ra Hà Nội đi trên xe ô-tô biển kiểm soát 43B-03126 (hãng xe Kim Chi) xuất phát từ Ðà Nẵng vào lúc 20 giờ ngày 27-7, đến Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) lúc 8 giờ 30 phút ngày 28-7, liên hệ ngay trạm y tế xã, phường tại nơi cư trú để được giám sát và theo dõi sức khỏe. Trước đó, ngày 2-8, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo người bệnh thứ 620 (nữ, 44 tuổi, ở Phủ Lý, Hà Nam) mắc Covid-19 có đi trên chuyến xe nêu trên.

* Cùng ngày, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận có bốn người từ Ðà Nẵng về địa phương có biểu hiện sốt, ho đã nhập viện, điều trị cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

* TP Hải Phòng quyết định cử đoàn cán bộ y tế gồm tám bác sĩ và 25 điều dưỡng viên vào tăng cường, hỗ trợ công tác chống dịch tại Ðà Nẵng ngay trong tuần này; đồng thời sẽ trao tặng TP Ðà Nẵng và tỉnh Quảng Nam mỗi địa phương 200 nghìn khẩu trang y tế và năm tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

* Ngày 4-8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng cho biết, 140 công dân Việt Nam từ Ca-na-đa về nước được cách ly tại Trường Quân sự tỉnh vào đêm 3-8, thực hiện quy định nghiêm túc, sức khỏe ổn định.

* Sở Giáo dục và Ðào tạo An Giang ban hành công văn yêu cầu trưởng phòng giáo dục và đào tạo, thủ trưởng các cơ sở giáo dục trong tỉnh tạm ngừng các hoạt động tập trung học sinh, học viên tại các cơ sở giáo dục. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp du lịch lữ hành khẩn trương rà soát và báo cáo đầy đủ danh sách các đoàn khách do đơn vị tổ chức tua tham quan du lịch từ vùng có dịch trở về An Giang; báo cáo đầy đủ danh sách các đoàn khách đến hoặc đi, trở về từ vùng có dịch đã và đang lưu trú tại cơ sở để kịp thời phối hợp khai báo y tế, theo dõi sức khỏe.

* Cùng ngày, Câu lạc bộ Hoa lan đột biến sông Hàn trao tặng Bệnh viện Ðà Nẵng năm máy thở Puritan Bennett trị giá 2,75 tỷ đồng. (Nhân dân, trang 8).

 

Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ sẵn sàng tiếp nhận 500 ca bệnh

Chiều 4-8, ghi nhận tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ (TPHCM), mọi công tác chuẩn bị nhân lực, vật lực đã được hoàn tất, sẵn sàng tiếp đón và điều trị người nhiễm bệnh.

Theo đó, Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ được chia làm 3 khu vực: khu vực điều trị cho bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm dương tính; khu vực chăm sóc và theo dõi cho người bệnh nghi ngờ nhưng có kết quả âm tính và khu vực cho bệnh nhân đang chờ kết quả.

Ở mỗi khu vực, bệnh nhân được điều trị theo phác đồ riêng. Đội ngũ y, bác sĩ thực hiện nghiêm theo quy tắc phòng chống nhiễm khuẩn. Hiện có 6 bác sĩ, 8 điều dưỡng trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân. Để bảo đảm sức khỏe, các bác sĩ vừa có thời gian làm việc vừa nghỉ ngơi, ê kíp đã chia ca kíp hỗ trợ nhau trong công tác tiếp nhận và điều trị cho người bệnh.

Trước đó ngày 1-8, Sở Y tế TPHCM chỉ đạo kích hoạt Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ, từ đó đến nay bệnh viện đã chuẩn bị nhân sự, cơ sở vật chất, thuốc men, trang thiết bị đầy đủ để sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân. Sở Y tế TPHCM cũng giao bệnh viện đảm bảo 500 giường, hiện tại bệnh viện đã tiếp nhận 31 bệnh nhân được chuyển đến từ các bệnh viện tuyến thành phố và bệnh viện tuyến quận huyện. Các bệnh nhân đều có tình trạng sức khỏe ổn định, không có triệu chứng nặng, chưa có ca dương tính với Covid-19. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Đà Nẵng lo thiếu nguồn lực dập dịch

Diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến vùng tâm dịch như TP.Đà Nẵng đối diện cùng lúc 2 khó khăn lớn: thiếu hụt cả nguồn nhân lực lẫn cơ sở vật chất để tổ chức xét nghiệm, cách ly tập trung.

Cấp tập lập cơ sở cách ly tập trung

Hôm qua 4.8, tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó tư lệnh Quân khu 5, cho biết quân khu đã tổ chức 12 điểm cách ly tập trung do các đơn vị trực thuộc đảm nhận, quy mô hơn 3.000 người. Đây là những người về từ nước ngoài và các đối tượng F1, F2. Riêng Bệnh viện (BV) Quân y 17 đang có hàng chục giường sẵn sàng điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19…

Các khu cách ly tập trung của quân đội đã giúp “chia lửa” cho vùng tâm dịch Đà Nẵng, nhưng xem ra chưa đủ. Bởi tính đến ngày 4.8, theo số liệu thống kê của Sở Y tế, TP.Đà Nẵng xác định có đến 8.402 trường hợp F1 (tiếp xúc trực tiếp BN Covid-19), 6.127 trường hợp F2 và hiện đang cách ly 4.248 F1 tại các cơ sở y tế, 4.054 F1 tại khu cách ly tập trung, 100 F1 tại nhà (chưa kể cách ly 537 trường hợp nhập cảnh). Để đáp ứng các điều kiện cách ly tập trung, Đà Nẵng triển khai hàng loạt khu cách ly lớn, như khu ký túc xá (KTX) phía tây TP (gần 1.000 trường hợp F1), các khách sạn lớn ở Q.Sơn Trà… Thêm một số KTX khác cũng được trưng dụng làm nơi cách ly tập trung F1 như tại Học viện Chính trị khu vực 3, Trường CĐ Lương thực thực phẩm và một số trường ĐH (Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng, CNTT - Truyền thông Việt - Hàn...).

Có 2 BV dã chiến đã lập nhưng chỉ có 1 BV chính thức hoạt động (Trung tâm y tế H.Hòa Vang quy mô 200 giường, đón 58 BN Covid-19). BV dã chiến thứ 2 tại Cung thể thao Tiên Sơn (quy mô ban đầu 700 giường, có thể nâng lên 1.000 giường) vẫn đang xây dựng, dự kiến hôm nay 5.8 hoàn thành. Trong tình huống BV dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn “lấp đầy”, có thêm BV dã chiến thứ 3 tại trung tâm hội chợ triển lãm được tính đến.

Chiều qua, TP.Đà Nẵng cũng chính thức yêu cầu các quận, huyện khẩn trương rà soát, chuẩn bị thiết lập các khu cách ly tập trung, ưu tiên thiết lập các khu cách ly tập trung quy mô nhỏ để thuận tiện trong tổ chức thực hiện, giám sát… Với chừng đó cơ sở vật chất, tâm dịch Đà Nẵng sẽ vất vả ứng phó nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Nhưng điều mà lãnh đạo TP.Đà Nẵng lo lắng không chỉ là câu chuyện về cơ sở vật chất. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho hay việc xây dựng một BV dã chiến sẽ rất nhanh, chỉ trong khoảng 1 tuần. “Nhưng để hoàn chỉnh, đủ điều kiện đi vào hoạt động thì đòi hỏi phải đầy đủ, đồng bộ về nhân lực với cả bộ máy hàng trăm y bác sĩ. TP không có sẵn thì phải điều từ chỗ này sang chỗ khác và kiến nghị Bộ Y tế chi viện thêm nhân lực, đề nghị các địa phương không có dịch hỗ trợ nguồn cán bộ”, ông Thơ nói. Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng, cũng tỏ ra lo lắng về nhân lực dành cho BV dã chiến thứ 2 tại Cung thể thao Tiên Sơn, như thiếu 1 phó giám đốc phụ trách chuyên môn. Bà Yến cho biết Sở Y tế đang làm việc với Bộ Y tế đề nghị điều động cán bộ về Đà Nẵng hỗ trợ.

Chỉ 4 cơ sở được cấp phép xét nghiệm

Ngay cả năng lực và điều kiện xét nghiệm của TP.Đà Nẵng cũng rất đáng được quan tâm. Theo Sở Y tế, hiện chỉ có 4 cơ sở là BV Đà Nẵng, BV Phổi, BV 199 - Bộ Công an, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng đủ điều kiện xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp Realtime-PCR.

Sở Y tế Đà Nẵng cho rằng đối với cấp độ dịch Covid-19 Đà Nẵng, việc xét nghiệm Covid-19 cho các đối tượng phải thực hiện lấy mẫu và xét nghiệm bằng phương pháp Realtime-PCR. Năng lực xét nghiệm của Đà Nẵng hiện ở mức trên dưới 10.000 mẫu/ngày. Tính từ ngày 25.7 đến nay, gần 20.000 mẫu xét nghiệm được xử lý, trong đó hơn 13.000 mẫu đã cho kết quả.

PV Thanh Niên đặt vấn đề trong điều kiện “năng lực xét nghiệm” hiện tại (chỉ với trên dưới 10.000 mẫu/ngày, với 4 cơ sở xét nghiệm), TP.Đà Nẵng sẽ phải tính đến phương án nào để tổ chức xét nghiệm tại địa bàn TP có quy mô hơn 1 triệu dân trong thời gian tới? Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết TP đã bắt đầu triển khai xét nghiệm nhóm và kỳ vọng phương pháp sàng lọc diện rộng theo nhóm. Theo ông, thời gian đến Đà Nẵng sẽ nâng năng lực xét nghiệm đạt trên 20.000 - 30.000 mẫu/ngày.

Về góc độ chuyên môn, bà Ngô Thị Kim Yến cho rằng phải hiểu đúng là Đà Nẵng sẽ làm “xét nghiệm diện rộng trên quy mô toàn dân”, chứ không phải “xét nghiệm toàn dân”. “Với kỹ thuật xử lý xét nghiệm mới, được hỗ trợ chuyên môn từ Viện Pasteur Nha Trang, thì con số xét nghiệm sàng lọc có thể được nâng lên đến gần 30.000 mẫu/ngày và tin rằng Đà Nẵng sẽ làm được”, bà Yến nói.

Sở Y tế Đà Nẵng đang khuyến khích các cơ sở y tế trên địa bàn đầu tư nguồn lực để đảm bảo xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp Realtime-PCR, đảm bảo cả năng lực và điều kiện pháp lý, để cùng TP triển khai phương án xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng.

Khẩn trương mở cửa trở lại các BV

Theo Bộ Y tế, trang bị y tế cơ bản đáp ứng nhu cầu điều trị trong dịch Covid-19 đang bùng phát tại miền Trung. Thống kê đến ngày 1.8, cả nước có 6.485 máy thở các loại, 485 máy X-quang di động, 1.486 máy siêu âm màu, 676 máy lọc máu liên tục, 17.191 bơm tiêm điện và 62 hệ thống ECMO. Trong đó, tại Đà Nẵng có 129 máy thở các loại, 30 máy siêu âm màu, 3 máy lọc máu liên tục, 320 bơm tiêm điện, 2 hệ thống ECMO. Các địa phương khác như: Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… đều có các thiết bị y tế thiết yếu điều trị BN Covid-19 như: máy thở, siêu âm màu, máy theo dõi BN, máy truyền dịch, có thể hỗ trợ Đà Nẵng…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết các trang thiết bị chống dịch đã được các sở y tế dự trù. Bộ Y tế trong giai đoạn 1 của dịch cũng đã mua dự trữ quốc gia đảm bảo đầy đủ cho nhân viên y tế. Về lâu dài, các đơn vị sản xuất trong nước được huy động sản xuất khẩu trang, trang phục y tế. Bên cạnh đó, một số đơn vị đã nhập trang phục bảo hộ y tế, cũng như một số đơn vị tăng cường sản xuất giúp cho ngành y tế có đủ thiết bị y tế phòng chống dịch.

''Bộ Y tế đã điều động các chuyên gia giỏi đến Đà Nẵng, khi cần thiết chúng tôi sẽ điều tiết thêm các chuyên gia dịch tễ, điều trị, xét nghiệm cũng như trang thiết bị, các nguồn lực, tiếp tục hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch'', Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng đề nghị cán bộ, chiến sĩ BV Quân y 17 (Quân khu 5) chuẩn bị tốt lực lượng, cơ sở vật chất, sẵn sàng ứng phó, thu dung và điều trị các BN Covid-19 trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ chuyên môn cùng BV.

Liên quan việc “làm sạch” để mở cửa trở lại 3 BV đang bị phong tỏa tại Đà Nẵng, ông Sơn cho biết đến ngày 7.8, sau khi xét nghiệm nếu đảm bảo an toàn sẽ có kế hoạch mở cửa BV C Đà Nẵng trước. Với BV Đà Nẵng, sau khi chuyển hết BN Covid-19 đến các nơi khác điều trị sẽ cho xét nghiệm lại toàn thể y bác sĩ, cán bộ, nhân viên; nếu kết quả âm tính sẽ mở cửa trở lại. Trường hợp BV thứ 3 bị phong tỏa (BV Chỉnh hình và phục hồi chức năng) cũng tương tự.

Kêu gọi Bình Định, Hải Phòng hỗ trợ

Chiều 4.8, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký công văn gửi tỉnh Bình Định và TP.Hải Phòng đề nghị hỗ trợ về nhân lực ngành y trong chống Covid-19.

Theo ông Thơ, số ca mắc Covid-19 sẽ còn tăng trong những ngày tới. Các trường hợp F1 cũng đã được truy vết, phát hiện, tập trung cách ly, xét nghiệm với số lượng ngày càng nhiều, trong đó đã phát hiện nhiều ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 đưa vào điều trị tại các cơ sở y tế. Bộ Y tế và các BV đầu ngành của cả nước (Bạch Mai, Chợ Rẫy, T.Ư Huế) đã hỗ trợ nhân lực, phương tiện cùng TP trong chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, nhân lực ngành y tế Đà Nẵng đang ở vào thời điểm rất khó khăn. Đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên y tế đang công tác tại các BV lớn và các cơ sở y tế của TP đã bị phong tỏa, đang trong tình trạng cách ly toàn bộ hoặc cách ly một phần nên không đủ nhân lực để điều phối, sử dụng.

Hưởng ứng lời kêu gọi của TP.Đà Nẵng, TP.Hải Phòng hôm qua đã quyết định cử đoàn cán bộ 33 người (gồm 8 bác sĩ và 25 điều dưỡng) đến Đà Nẵng, đồng thời hỗ trợ 5 tỉ đồng để thực hiện công tác phòng chống dịch. Dự kiến hôm nay Bình Định cũng thông qua kế hoạch hỗ trợ Đà Nẵng.

Cùng ngày, CLB Hoa Lan đột biến Sông Hàn đã trao tặng 5 chiếc máy thở được sản xuất bởi một hãng của Mỹ cho BV Đà Nẵng, trị giá 2,75 tỉ đồng. Ông Võ Anh Truyền, Chủ nhiệm CLB, cho biết sau lời kêu gọi mua máy thở, số tiền quyên góp của CLB lên đến 8,5 tỉ đồng và CLB đã đặt mua được 5 máy thở; hiện đang mua 1 bộ máy đo thân nhiệt từ xa (hơn 200 triệu đồng) để tặng BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng và đặt hàng thêm nhiều máy thở để tặng các BV khác.

Hội đồng hương H.Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) tại TP.HCM cũng trao tặng 300 giường tầng, 50.000 khẩu trang y tế và tiền mặt (tổng trị giá 620 triệu đồng) cho UBND H.Hòa Vang. Trước mắt, giường tầng và khẩu trang được trang bị cho Trung tâm y tế H.Hòa Vang (nơi có BV dã chiến). Cùng ngày, Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM và Hội Doanh nhân Quảng Nam phía nam cho biết, đã vận động được gần 1,4 tỉ đồng sau 2 ngày phát động ủng hộ các BV tại Quảng Nam - Đà Nẵng. (Thanh niên, trang 4).

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 5: “Đà Nẵng gọi, các địa phương đáp lời”; Công an Nhân dân, trang 4: “Đà Nẵng và các địa phương lân cận nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan”; Tiền phong, trang 3: “Đà Nẵng kêu gọi chi viện”.

 

Bệnh viện Chợ Rẫy dừng khu khám chuyên gia

Ngày 4.8, Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã đến làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy về việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 cho bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết hiện bệnh viện đã cho dừng phòng khám chuyên gia. Bệnh viện tổ chức phân luồng nhóm bệnh nguy cơ như bệnh tai mũi họng, hô hấp có triệu chứng gần giống Covid-19 qua khu vực phòng khám chuyên gia để khám sàng lọc, đặc biệt là thực hiện khám sàng lọc cho bệnh nhân đến từ Đà Nẵng, nơi có yếu tố nguy cơ về dịch bệnh Covid-19.

Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục nâng cao cảnh giác tại khoa cấp cứu nhằm phát hiện sớm người có nguy cơ nhiễm Covid-19.

Hiện Bệnh viện Chợ Rẫy đã hạn chế thăm nuôi, giảm bệnh nhân nằm viện và phân luồng riêng cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo.

Trước đó, 3 bệnh nhân sau khi đến Bệnh viện Chợ Rẫy trở về hoặc đi bệnh viện khác thì được phát hiện nhiễm Covid-19, gồm: bệnh nhân 449, 450, 517. Liên quan đến 3 bệnh nhân này, nhiều nhân viên y tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã phải cách ly, hàng trăm người được lấy mẫu xét nghiệm. Tất cả khu vực liên quan đến 3 bệnh nhân này đều được khử khuẩn. (Thanh niên, trang 5).

 

Đồng Nai khẳng định BV đa khoa tỉnh 'trong tầm kiểm soát'

Liên quan BN 669 là bác sĩ (BS) đang công tác tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai hôm qua, TS Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, đánh giá: "Khả năng lây nhiễm tại BV đa khoa Đồng Nai hoặc ra cộng đồng từ BN 669 là rất thấp”.

Theo TS Thượng, căn cứ vào số lượng vi rút trong cơ thể BN 669 và ngày phát bệnh, thì khả năng BN nhiễm Covid-19 từ vợ (BN 595), chứ không phải từ chị vợ (BN 510). TS Thượng giải thích: "Ngày 19.7, vợ chồng BS L.Đ.N (sau này là BN 595 và 669) từ TP.HCM đi Đà Nẵng, có tiếp xúc gần với BN 510. Ngày 20.7, ông N. quay trở lại Đồng Nai. Từ ngày 21 - 26.7, ông N. đến BV làm việc, kết quả xét nghiệm 2 lần đều âm tính nhưng đến ngày 3.8 thì dương tính. Riêng vợ BS L.Đ.N đến ngày 25.7 từ Đà Nẵng mới trở về Đồng Nai. Vì BS N. tiếp xúc với BN 510 vào ngày 19.7, đến ngày 3.8 mới phát bệnh (có kết quả dương tính - PV) thì đã quá 14 ngày. Trong khi đó, BN 595 phát bệnh ngày 1.8, nhưng từ ngày 27.7, BS N. đã tiến hành cách ly, nên khả năng lây lan cho nhân viên và BN tại BV trước đó là rất thấp. Hiện BV rất an toàn, mọi việc đang trong tầm kiểm soát”.

BS Ngô Đức Tuấn, Giám đốc BV đa khoa Đồng Nai, cho hay ngay khi phát hiện BN 595 nhiễm Covid-19, BV đã tiến hành phong tỏa khoa ung bướu, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên cũng như BN và người nhà BN, những người tiếp xúc với BS N. từ 21 - 27.7. Hiện tất cả mẫu xét nghiệm đều âm tính với vi rút SARS-CoV-2. (Thanh niên, trang 5).

 

Bịt kín mọi ngả đường phòng, chống nhập cảnh trái phép

Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19, cùng với cả hệ thống chính trị, lực lượng CSGT toàn quốc đang thực hiện tổng kiểm tra, kiểm soát đảm bảo ATGT, kịp thời phát hiện các đối tượng nhập cảnh trái phép, phòng ngừa hiệu quả của dịch bệnh Covid-19. 

Ngăn chặn nhập cảnh trái phép

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, một trong những nguy cơ, nguồn lây chính về Covid-19 là tình trạng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Trong thời gian qua, các lực lượng chức năng Quân đội, Công an ở khu vực biên giới đã phát hiện hàng chục nghìn trường hợp nhập cảnh trái phép. Tất cả những trường hợp này, khi bị phát hiện đều được đưa về những khu vực cách ly, nhằm đảm bảo an toàn cũng như ngăn ngừa, khống chế không để dịch Covid - 19 lây lan ra cộng đồng.

Mặc dù vậy, tình trạng một số nhóm nhỏ vượt biên, nhập cảnh trái phép thông qua đường mòn, lối mở hoặc trên các phương tiện vận tải hành khách vẫn tiềm ẩn nguy cơ và rất phức tạp. Mới đây, tổ công tác Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1 (Cục CSGT) làm nhiệm vụ trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, phát hiện ô tô 7 chỗ biển kiểm soát 60A - 575.10, do tài xế Nguyễn Trịnh Văn Hưng (48 tuổi, trú tại Khánh Hòa) chở theo 5 người quốc tịch Trung Quốc và 1 phụ xe.

Những người Trung Quốc này đều đến từ tỉnh Quý Châu, vượt biên gần 4 giờ bằng thuyền sang Lào Cai và nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Mục đích của số người này là xuống Hà Nội rồi bay vào TP. Hồ Chí Minh. Nếu không bị CSGT phát hiện kịp thời, không biết hậu quả để lại sẽ khủng khiếp thế nào, khi một trong số những đối tượng trên dương tính với Covid - 19.

Khi các tuyến bay quốc tế bị hoãn, hoặc dừng lại tạm thời do Covid - 19 thì con đường duy nhất của các đối tượng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam gần như chỉ có đường biển và đường bộ. Nếu như đi đường biển khó khăn, chi phí cao, dễ bị phát hiện thì đường mòn lại là sự lựa chọn cho rất nhiều đối tượng người Trung Quốc, hoặc lao động hết việc làm quay về nước.

Thực tế đã chứng minh, trong thời gian qua lực lượng Bộ đội biên phòng và Công an các địa phương đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc với hàng nghìn đối tượng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Việc Cục CSGT tăng cường chỉ đạo lực lượng CSGT trên các tuyến cao tốc, Quốc lộ cũng như CSGT cả nước siết chặt việc kiểm tra, phát hiện và xử lý nhằm góp phần hạn chế, chặn đứng những nguy cơ lây lan đại dịch chết người mang tên Covid-19...

Chủ động phòng ngừa Covid-19

Cùng với việc siết chặt kiểm tra, kiểm soát phòng chống tình trạng người nước ngoài, người Việt Nam nhập cảnh trái phép, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, Cục CSGT đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng lậu, nhất là những mặt hàng có liên quan đến y tế, phòng, chống dịch.

Mới đây, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát tại km 672, Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, tổ TTKS thuộc Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Bình phát hiện xe ô tô vận tải mang BKS: 29H-383.83 chở 947.500 khẩu trang y tế không có giấy tờ hợp lệ chứng minh rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổ tuần tra tiến hành lập biên bản và đưa toàn bộ số hàng hóa và phương tiện bàn giao cho  Đội Quản lý thị trường số 7 - Cục Quản lý thị trường Quảng Bình để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với PV, Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết: Hà Nội là một trong những điểm đến của các đối tượng nhập cảnh trái phép cũng như nơi tiêu thụ rất lớn các sản phẩm y tế nhất là liên quan đến phòng, chống dịch. Muốn đến được những nơi tập kết, bắt buộc các đối tượng phải vận chuyển trên đường.

Chính vì vậy, bên cạnh việc đảm bảo ATGT, hiện Phòng CSGT đang tập trung chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra phòng, chống gian lận thương mại, mua bán vận chuyển hàng lậu trên các phương tiện nhất là xe khách. Trong đợt cao điểm đầu cách ly xã hội phòng, chống dịch Covid-19, CSGT Hà Nội đã phát hiện nhiều vụ việc vận chuyển khẩu trang, thiết bị y tế lậu, không rõ nguồn gốc. Hiện công tác này đang được lực lượng CSGT Thủ đô tăng cường kiểm soát chặt.

Không chỉ tập trung phòng, chống dịch Covid-19, chỉ trong một thời gian rất ngắn, Cục CSGT đã liên tiếp ban hành các công điện chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc tăng cường tuần tra kiểm soát phương tiện đảm bảo TTATGT. Cụ thể, lực lượng CSGT toàn quốc tăng cường tuần tra ban đêm xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là trong bối cảnh thời gian gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Thống kê của Cục CSGT cho thấy, trong 28 vụ TNGT đường bộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra từ đầu năm 2020 đến nay, tai nạn liên quan đến xe tải, xe khách chiếm hơn 37%. Còn nếu tính riêng TNGT liên quan đến xe khách, 7 tháng đầu năm 2020 đã xảy ra 398 vụ, liên quan đến 416 xe ô tô chở khách, làm chết 273 người, bị thương 258 người. Đây là con số vô cùng lớn, gây lo ngại và bức xúc trong dư luận nhân dân, hành khách. Mới đây nhất, vụ TNGT liên quan đến hai chiếc xe Container đè bẹp dúm xe ô tô 4 chỗ tại Hà Nội vào sáng sớm ngày 4-8, đã khiến 3 người tử vong tại chỗ, 1 người bị thương rất nặng. (An ninh Thủ đô, trang 14).

Cùng chủ đề Báo Nông thôn Ngày nay, trang 1: “Gồng mình chống dịch từ đường mòn, lối mở”.

 

Thí điểm kiểm soát cách ly phòng, chống dịch Covid-19 tại nhà

Đội Công nghệ thông tin phòng, chống dịch Covid-19 (Hội Tin học thành phố Hồ Chí Minh) vừa đề xuất UBND thành phố Hồ Chí Minh cho phép triển khai thí điểm tại quận 12 việc kiểm soát cách ly người có nguy cơ nhiễm Covid-19 tại nhà trong vòng 14 ngày thông qua ứng dụng giám sát.

Theo đó, hệ thống gồm phần cứng (đồng hồ đo thân nhiệt, điện thoại) và phần mềm quản trị hoạt động trên môi trường internet. Người cách ly đeo đồng hồ và thông tin về thân nhiệt sẽ được đồng bộ với điện thoại, truyền dữ liệu về hệ thống máy chủ đặt tại Trung tâm Dữ liệu thành phố Hồ Chí Minh; khi người cách ly tự ý rời khỏi khu vực cách ly, ứng dụng sẽ gửi cảnh báo về cơ quan quản lý.

Quá trình thí điểm sẽ thực hiện dưới sự giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông, Công ty TNHH MTV Công viên phần mềm Quang Trung, Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Tường Minh và Hội Tin học thành phố Hồ Chí Minh. (Hà Nội mới, trang 6).

 

Bộ Y tế cử 3 đơn vị hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm Covid-19

Ngày 4-8, Bộ Y tế có văn bản gửi UBND TP Hà Nội, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai về việc thực hiện việc xét nghiệm Covid-19.

Theo đó, nhằm hỗ trợ ngành Y tế Hà Nội khẩn trương xét nghiệm Covid-19 cho các trường hợp đi về từ thành phố Đà Nẵng và các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, trong giai đoạn trước mắt, Bộ Y tế giao 3 đơn vị gồm Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ ngành Y tế Hà Nội thực hiện việc xét nghiệm Covid-19.

Bộ Y tế - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế để triển khai thực hiện việc xét nghiệm đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Trước đó vào chiều qua, 3-8, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chủ trì, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, hiện toàn bộ số test xét nghiệm nhanh của thành phố đã xuất hết và thực hiện hết.

“Chúng tôi khuyến cáo người dân tự theo dõi sức khỏe, có dấu hiệu bất thường nên đến cơ sở y tế tư vấn để xét nghiệm. Nếu đã từng đến các điểm có dịch mà Bộ Y tế khuyến cáo, có triệu chứng ho sốt thì đến cơ sở y tế để xét nghiệm PCR để khẳng định” - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói. (An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Quyền Bộ trưởng Y tế sẽ trả lời chất vấn

Thủ tướng Chính phủ vừa phân công các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn tại phiên họp 47 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, nội dung chất vấn: Quản lý, giám sát đầu tư công, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, nâng cao kỷ cương, trách nhiệm, khắc phục tồn tại, hạn chế và tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư công; việc ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế do tác động của dịch bệnh Covid-19;

Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển; đẩy mạnh thu hút có chọn lọc vốn đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm trả lời chính.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng,Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Lao động, Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế là ông Nguyễn Thanh Long, ông được Thủ tướng giao quyền Bộ trưởng vào ngày 7/7/2020.

Về lĩnh vực lao động, Thương binh và Xã hội: Việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; tình hình lao động, việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và các giải pháp trong thời gian tới; giải pháp hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động, đặc biệt là khu vực nông thôn trong bối cảnh dịch bệnh và biến đổi khí hậu hiện nay, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm trả lời chính.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông; Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Như vậy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ trả lời chính về hai nội dung chính của phiên chất vấn.

Hiện nay, Văn phòng Quốc hội chưa có thông cáo chính thức về thời gian diễn ra phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 47. (Nông thôn Ngày nay, trang 3).

 

Nhập cảnh trái phép, mang theo bệnh truyền nhiễm sẽ bị phạt tù đến 12 năm

Phóng viên Báo NTNN/Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) về tình trạng nhập cảnh trái phép mang nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Các đối tượng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam vi phạm quy định nào, mức xử phạt ra sao thưa ông?

- Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tư, an toàn, xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình quy định: Phạt tiền từ 15.000.000 - 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi như: Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam; giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác đi nước ngoài, ở lại nước ngoài, vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép.

Trường hợp nào người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam sẽ bị phạt tù?

- Trong hợp người nào đã bị xử phạt vi phạm hành chính về trường hợp trên mà còn vi phạm thì có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép theo Điều 347 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 - 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Với những người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam mà trong người mang mầm bệnh sẽ bị xử lý thế nào?

- Việc phòng chống bệnh truyền nhiễm không chỉ là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền mà là trách nhiệm của toàn thể nhân dân. Khi bùng phát bệnh dịch truyền nhiễm thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành công bố dịch bệnh và thực hiện các giải pháp để phòng chống dịch bệnh theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Trường hợp người nhập cảnh trái phép biết rõ mình đang nhiễm bệnh truyền nhiễm Covid-19 nhưng cố tình không chấp hành quy định về phòng chống dịch bệnh, không thực hiện các giải pháp phòng ngừa, không thực hiện cách ly y tế cố ý tiếp xúc với cộng đồng, bỏ mặc hậu quả bệnh dịch có thể lây lan xảy ra dẫn đến hậu quả bệnh dịch lây lan thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, mức phạt tù cao nhất có thể là 12 năm.

Đối với trường hợp tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép sẽ bị xử lý ra sao?

- Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép có thể bị xử lý về tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Việc tổ chức, môi giới cho người bị Covid-19 vào Việt Nam gây lây lan dịch bệnh còn có thể bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác, mức phạt tù cao nhất có thể là 12 năm tù giam.

Xin cảm ơn ông! (Nông thôn Ngày nay, trang 2).

 

“Chiến sĩ áo trắng” trên tuyến đầu chống COVID-19

Nhiều đoàn công tác đặc biệt đã được Bộ Y tế cử đến Đà Nẵng để cùng đội ngũ nhân viên y tế địa phương dập dịch COVID-19 vừa bùng phát. Đã có 9 y bác sĩ tại Đà Nẵng mắc COVID-19 trong những ngày qua. “Các cơ sở y tế phải thực hiện giãn cách tại các khu vực tập trung đông người trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...”. Đó là biện pháp được đưa ra nhằm bảo vệ cán bộ, nhân viên y tế đang trên tuyến đầu chống dịch.

Cường độ làm việc dày đặc, áp lực lớn

Trong suốt những ngày qua, các cán bộ, nhân viên Y tế thuộc CDC Đà Nẵng với sự hỗ trợ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur Nha Trang mỗi ngày thực hiện xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm để tìm ra trường hợp dương tính với COVID-19.

Phó đội trưởng Đội xét nghiệm, PGS-TS Nguyễn Lê Khánh Hằng (Phó Trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) được điều động vào Đà Nẵng có biết mẫu xét nghiệm tăng đột biến từng ngày. PGS-TS Nguyễn Lê Khánh Hằng nói: “Chưa bao giờ thực hiện nhiều mẫu xét nghiệm như thế, cường độ làm việc của các thành viên luôn quá tải bởi lượng mẫu quá nhiều”.

“Có nhiều bạn làm việc đến 12h đêm mới tạm thời kết thúc công việc trong ngày, nhưng sáng sớm hôm sau vẫn có mặt để thực hiện nhiệm vụ. Giờ nghỉ trưa hiếm hoi, các bạn tranh thủ ngồi mỗi người một góc, cầm trên tay hộp cơm tranh thủ ăn lấy sức” - PGS-TS Nguyễn Lê Khánh Hằng nghẹn ngào chia sẻ.

Trong khi đó, tại một “mặt trận” khác, một nữ nhân viên Y tế đang công tác tại Trạm Y tế phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu - TP.Đà Nẵng) bị ngất xỉu, phải thở ôxy do làm việc quá sức cả tuần trời. Đó là chị Đặng Thị Thu Hà, 48 tuổi, đã có thâm niên công tác tại Trạm Y tế Hòa Minh gần 20 năm.

Là nhân viên của Trạm Y tế, trên địa bàn lại có đến 3 bệnh nhân mắc COVID-19 nên khối lượng công việc quá nhiều, do làm việc quá sức nên chị Hà đã bị ngất xỉu. Thông tin từ Bộ Y tế cho biết hiện tại sức khỏe chị Hà đã ổn định hơn, chị xin nghỉ phép ít ngày và sau đó sẽ tiếp tục cuộc chiến đẩy lùi COVID-19.

Không chỉ làm việc mới cường độ công việc dày đặc, vô cùng vất vả, nhân viên y tế phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Đã có 8 nhân viên y tế mắc COVID-19. Nỗi lo ngại về sức khỏe, sự an toàn cho các nhân viên y tế làm nhiệm vụ phòng, chống dịch lại càng dâng lên mạnh mẽ, khi mà dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp...

Bảo vệ y bác sĩ ở mức độ cao nhất

Bộ Y tế rất lo ngại tình trạng lây nhiễm COVID-19 trong các cơ sở y tế.  GS-TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế - đã yêu cầu tăng cường quyết liệt phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt cho các đối tượng có nguy cơ cao.

Theo GS Long, trong thời gian qua, các địa phương đã tích cực phòng chống dịch COVID-19. Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng tình hình bệnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp; đã có trường hợp lây nhiễm từ người bệnh sang người bệnh, nhân viên y tế, người nhà, người chăm sóc người bệnh. Bệnh dịch COVID-19 càng trở nên nguy hiểm khi lây sang những người bệnh cao tuổi, có nhiều bệnh kèm theo, đang điều trị tại khoa hồi sức tích cực, thận nhân tạo...

Để hạn chế tối đa các hậu quả của dịch bệnh và đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng, Bộ Y tế đã đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở y tế, khẩn trương thực hiện triệt để Công điện số 1158/CĐ-BCĐQG ngày 27.7.2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia và các quy định về các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh đã ban hành. Đồng thời, rà soát, chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh tại cơ sở y tế theo các kịch bản phòng chống dịch ở mức cao nhất.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho rằng các biện pháp dự phòng này bắt buộc các cơ sở y tế phải triển khai nghiêm túc, các cơ sở cùng vào cuộc để luôn luôn cảnh giác, giúp người bệnh đến cơ sở y tế an toàn, đảm bảo an toàn cho các thầy thuốc, cơ sở khám chữa bệnh. Trước mắt và về lâu dài, chúng ta phải bảo vệ được nguồn lực, bảo vệ thầy thuốc để họ luôn trong tư thế khỏe mạnh, hùng hậu, vững tâm và đủ điều kiện chiến đấu chống lại dịch bệnh… (Lao động, trang 1).

Cùng chủ đề Báo  Tiền phong, trang 4: “Bác sĩ ‘2 ba lô’ lao vào tâm dịch”.

 

Phòng, chống dịch Covid-19: Không chủ quan, lơ là

Ngay sau khi phát hiện dịch Covid-19 tái phát tại Đà Nẵng, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương kích hoạt lại toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch. Đáng chú ý, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu nhà hàng, quán ăn thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội; đóng cửa các quán bar, karaoke trên địa bàn; cấm tất cả hàng quán vỉa hè... Chỉ đạo kịp thời này đã nhận được sự đồng thuận của người dân bởi không thể chủ quan, lơ là trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Văn Khánh, đảng viên 51 năm tuổi Đảng, Chi bộ xóm 3, thôn Lương Châu, xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn): Cần chấp hành nghiêm quy định mới

Đặc thù của Hà Nội, nhất là ở các quận - nơi tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, bến xe, bệnh viện, trường học… nên có nhiều quán ăn, quán trà đá trên vỉa hè. Khách đến quán ăn, quán trà đá trên vỉa hè luôn chật kín, ngồi sát nhau… là nguy cơ dễ lây lan dịch bệnh.

Do vậy, tôi rất đồng tình với chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, tạm dừng hoạt động các quán hàng nước trên vỉa hè để phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả cao. Vấn đề còn lại là chính quyền từng địa bàn cơ sở phải quyết liệt vào cuộc để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch trong cộng đồng. Bên cạnh đó, từng người dân phải đồng hành cùng cơ quan chức năng, chính quyền sở tại, chấp hành nghiêm quy định của thành phố, để chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Chị Phạm Thị Trang, chủ cửa hàng Rơm Vàng ở ngõ 85 phố 8/3 Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng): Tuân thủ triệt để quy định về phòng, chống dịch

Đối với những người làm kinh doanh dịch vụ, đây là thời điểm vô cùng khó khăn: Nguồn nguyên liệu khan hiếm, hàng hóa đầu vào tăng cao, khách tới mua hàng trực tiếp giảm 50%-60% so với bình thường. Tuy nhiên, để bảo đảm phòng, chống dịch tốt nhất, chúng tôi đã quyết định chuyển sang hình thức bán hàng online (trực tuyến), tránh tụ tập đông và tiếp xúc nhiều người.

Bên cạnh đó, chúng tôi luôn tuân thủ triệt để và ủng hộ mọi chủ trương, biện pháp trong phòng, chống dịch mà Chính phủ và thành phố đề ra. Trong thời điểm hiện nay, chúng ta không thể chủ quan, lơ là mà hãy nghĩ tới rất nhiều người đang vất vả, khó khăn ngày đêm đối mặt nguy hiểm để ứng phó với dịch bệnh. Vì vậy, chúng ta cần chung tay và có trách nhiệm với xã hội.

Chị Vũ Bích Hồng, phường Hà Cầu (quận Hà Đông): Cách ly tại nhà là có trách nhiệm với cộng đồng

Chỉ trong mấy ngày liên tục, Hà Nội đã xét nghiệm nhanh vi rút SARS-CoV-2 cho hàng chục nghìn người dân trên địa bàn thành phố trở về từ Đà Nẵng trong tháng 7-2020. Điều này cho thấy sự quyết liệt của thành phố trong ứng phó với dịch Covid-19, bảo đảm an toàn cho nhân dân.

Theo thống kê của ngành Y tế, tỷ lệ người mắc Covid-19 không có triệu chứng chiếm khá cao, nên mặc dù hầu hết kết quả xét nghiệm nhanh là âm tính nhưng các bác sĩ vẫn khuyến cáo người dân về từ Đà Nẵng tự cách ly 14 ngày. Đây là thời điểm rất quan trọng, cần người dân nâng cao ý thức tự giác chống dịch bởi khi chưa nghi ngờ nhiễm vi rút SARS-CoV-2 thì chưa thể áp dụng biện pháp đưa đi cách ly tập trung hay khoanh vùng nơi ở. Nhưng nguy cơ vẫn hiển hiện vì họ đã trở về từ vùng dịch. Cách ly tại nhà, không chỉ bảo đảm sức khỏe của bản thân và gia đình mà còn là trách nhiệm với cộng đồng.

Ông Hoàng Văn Ban, thôn Tuân Lề, xã Tiên Dương (huyện Đông Anh):Tái kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch Covid-19 là vô cùng cần thiết

Có thể khẳng định, đến nay, vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn dịch Covid-19 và dịch đang có những diễn biến rất khó lường. Việc tái bùng phát dịch Covid-19 lần này ở nước ta đã cho thấy, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là trước đại dịch. Cho nên, việc chính quyền thành phố Hà Nội yêu cầu tất cả cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương tái kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch là kịp thời, vô cùng cần thiết. Qua đây, tăng trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành; tăng ý thức của mỗi người dân để góp phần cùng các cơ quan chức năng phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả cao nhất.

Dù vậy, qua quan sát thực tế và qua thông tin trên báo chí, tôi nhận thấy, ngay tại Hà Nội, nhiều quán trà đá trên vỉa hè vẫn lén lút hoạt động; nhiều hàng ăn, quán giải khát vẫn san sát người mà không bảo đảm khoảng cách an toàn là ít nhất 1m; nhiều người dân khi ra đường vẫn “quên” đeo khẩu trang… Đây là những việc không nên làm trong hoàn cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, việc cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương tái kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch càng phải thể hiện rõ hơn qua xử lý, tuyên truyền, nhắc nhở những người không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch. (Hà Nội mới, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang