Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 7/10/2015

  • |
T5g.org.vn - Đưa bệnh nhi khám, chữa vượt tuyến: Lợi bất cập hại; Vì những đứa trẻ phi thường; Nhiều thách thức với ngành dược…

Đưa bệnh nhi khám, chữa vượt tuyến: Lợi bất cập hại

Sốt xuất huyết, tay chân miệng, hô hấp là những bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ. Tất cả các cơ sở y tế ở địa phương đều có trách nhiệm khám và điều trị. Thế nhưng, các bậc phụ huynh lại chọn cách đưa con lên bệnh viện chuyên khoa nhi tuyến cuối ở TP Hồ Chí Minh chấp nhận nằm ghép, nằm vật vờ tại hành lang.

Đưa con vượt tuyến để... nằm hành lang

Mới sáu tháng tuổi, bé N.L.T bị bệnh viêm đường hô hấp và được bố mẹ đưa từ Vĩnh Long lên Bệnh viện Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh để chữa bệnh. Sau hai ngày nằm điều trị tại hành lang bệnh viện, bé T được chuyển vào phòng nhưng chị Ngô Thu Thảo, mẹ bé cho biết: "Thà ở hành lang còn có chỗ nằm, chứ vào trong phòng    2-3 cháu, có khi 5 cháu chung một giường". Tương tự anh Nguyễn Thành Trung ở Quận 9, TP Hồ Chí Minh cũng đem con trai bị tay chân miệng lên điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 mà không qua thăm khám điều trị tại bất cứ cơ  sở y tế nào tại Quận 9. Do nằm  ở hành lang, mỗi lần có y tá đến phòng chích, phát thuốc, anh Trung lại nhấp nhổm đứng ngồi không yên vì sợ con bị quên. Khi chúng tôi hỏi lý do vì sao không để trẻ nằm điều trị tại bệnh viện quận, anh Trung cho biết: "Hai vợ chồng mới có một con, điều trị tại đây cho an tâm".

Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 là hai bệnh viện chuyên khoa nhi tuyến cuối của khu vực miền Nam. Hai bệnh viện thực hiện chức năng chữa trị bệnh nhi nặng chuyển từ bệnh viện tuyến tỉnh, nhưng thực tế, 70% bệnh nhi nhập viện lại có bệnh lý bình thường, có thể điều trị được tại các cơ sở tuyến tỉnh, quận, huyện. Ông Ngô Ngọc Quang Minh, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, trong tuần từ ngày 29-9 đến ngày 4-10, bệnh viện tiếp nhận 400 trường hợp sốt xuất huyết nhập viện nhưng chỉ 120 trường hợp nặng. Bệnh tay chân miệng có 860 bệnh nhi nhập viện, nhưng chỉ 10 trường hợp bệnh nặng. Như vậy, đủ để biết số     phụ huynh "trốn" tuyến tỉnh, tuyến quận đưa con lên bệnh viện tuyến cuối cao thế nào. Vẫn theo ông Minh, hiện bệnh viện đang điều trị cho 2.099 bệnh nhân, trong khi chỉ có 1.400 giường.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, tình hình bớt căng thẳng hơn nhưng 1.700 giường bệnh nội trú đang phải "gánh" 2.000 bệnh nhân điều trị.

Khó khắc phục

BS Lê Thị Bích Liên - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 thừa nhận, để trẻ điều trị tại hành lang và nằm ghép, mức độ quá đông dẫn đến việc bệnh nhân đến điều trị một bệnh, nhưng mắc thêm một số bệnh khác do lây nhiễm chéo.

Hiện tại, Bệnh viện Nhi đồng 1 chỉ mới dám cam kết thí điểm ở một khoa không để bệnh nhân nằm ghép sau 48 giờ nhập viện. Nhưng đây là Khoa Bệnh thận - Nội tiết. Trong khi số bệnh nhân nhập viện ồ ạt do mắc 3 bệnh chính là tay chân miệng, hô hấp và sốt xuất huyết. Dự kiến đến năm 2017 thì mới dám cam kết có thêm một số khoa không để bệnh nhân nằm ghép. Theo Ban Giám đốc Bệnh viện dự đoán, số trẻ nhập viện sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Và như thế, tình trạng bệnh nhi phải nằm ghép, nằm vật vạ ở hành lang không thể khắc phục.

Theo BS Lê Thị Bích Liên cho biết: "Hiện nay, mỗi gia đình chỉ sinh 1 đến 2 con, nên khi trẻ mới nóng sốt họ cũng ẵm từ tuyến tỉnh lên bệnh viện chuyên khoa nhi của TP Hồ Chí Minh, chấp nhận điều trị trái tuyến. Không phải chúng tôi vô trách nhiệm để bệnh nhi nằm vất vưởng tại hành lang, nhưng bệnh viện đã quá tải... Chỉ mong các bậc phụ huynh nâng cao nhận thức về y tế, an tâm để trẻ điều trị tại tuyến y tế cơ sở".( Hà Nội mới trang 6)

Các tin, bài có cùng chủ đề với bài viết:

* Tuổi trẻ (trang 14) 7/10: Bệnh nhi tăng bất thường

* Tiền phong (trang 6) 7/10: TPHCM: Quá tải cả hành lang vì sốt xuất huyết

* Công an nhân dân (trang 1) 7/10: Hơn 43 nghìn người mắc và 28 người tử vong do sốt xuất huyết

* Gia đình & xã hội (trang 2) 7/10: TP Hồ Chí Minh: Một buổi sáng, 2.000 trẻ nhập viện

* Sức khỏe & đời sống (trang 3) 7/10: Phòng chống sốt xuất huyết: Nhiều hộ dân vẫn “ cửa đóng, then cài” – Vì sao?

Vì những đứa trẻ phi thường

Với mong muốn tăng cường sự phát triển toàn diện cho những trẻ em nghèo mắc bệnh bại não, tự kỉ, chậm phát triển… đang điều trị trong các bệnh viện tại Hà Nội, dự án phi lợi nhuận “The Marvelous Children – Những đứa trẻ phi thường” do một nhóm sinh viên tại Hà Nội khởi xướng đã đem đến cơ hội vui chơi và học tập cho hàng trăm trẻ em đang điều trị tại đây…( Hà Nội mới trang 8)

Nhiều thách thức với ngành dược

Dù được đánh giá có mức tăng trưởng cao trong khu vực Đông Nam Á với tỷ lệ tăng 16% mỗi năm, tổng tiêu thụ thuốc khoảng 3,3 tỷ USD, thị trường dược phẩm Việt Nam vẫn đứng trước những thách thức khi Hiệp định TPP được ký kết.

Những đàm phán và thực thi TPP vẫn giữ bí mật về các điều khoản trong bảo hộ dược phẩm, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp (DN) dược trong nước đón nhận thông tin với những lo lắng, hồi hộp.

Người dân được lợi       

Trao đổi với Tiền Phong, ông Huỳnh Tấn Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng giám đốc Pymepharco cho rằng, để vào sân chơi mới, không chỉ các công ty dược trong nước phải thay đổi mà cả ngành công nghiệp dược Việt Nam cần chủ động chuyển mình. Thay đổi ở đây, theo ông Nam là đầu tư vào công nghệ, nhân lực, phát triển vùng dược liệu lợi thế. “Chúng ta không thể đá ở sân chỉ dành cho nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO mà cần phải mở rộng để xây dựng nhà máy đạt chuẩn EU và GMP-FDA mới đủ sức cạnh tranh với các nước”, ông Nam nói, đồng thời đề nghị Nhà nước cần hỗ trợ DN bằng những chính sách cụ thể để có thể đá chung một sân với thế giới.

Về cơ hội, ông Nam cho rằng, Hiệp định TPP giảm thời gian bảo hộ thuốc phát minh xuống còn 7 năm sẽ là cơ hội cho người dân, ngành dược trong nước tiếp cận với thuốc hết bảo hộ sáng chế để sản xuất thuốc phiên bản. “Điều này rất phù hợp với chủ trương của Bộ Y tế khi đang yêu cầu các công ty dược trong nước tập trung sản xuất các thuốc generic để giảm chi phí cho ngân sách và giúp người bệnh tiếp cận thuốc có chất lượng nhưng giá hợp lý hơn”- ông Nam phân tích.

Tuy nhiên, ông Nam cũng nhìn nhận hiện DN dược trong nước vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, chưa đầu tư các nhà máy hóa dược và các vùng nguyên liệu tập trung. Do vậy chúng ta vẫn nhập khẩu 60% lượng thuốc.

Trong khi đó, ông Phan Thanh Bình - Phó tổng giám đốc Tập đoàn dược phẩm Merap cho biết, các DN dược trong nước sẽ được liên kết đầu tư nhiều hơn với DN nước ngoài, các nước không tham gia TPP cũng sẽ liên kết với Việt Nam trong các vấn đề về nhập nguyên liệu và đầu tư gia công...

PGS Lê Văn Truyền - chuyên gia cao cấp ngành dược nói “khá lo lắng” vì các hãng dược sẽ kéo dài thời hạn sở hữu trí tuệ bằng nhiều thủ thuật, làm cho các phát minh sáng chế “tiếp tục sống mãi”, như thay đổi một vài chi tiết trong sáng chế độc quyền và sẽ làm mất đi cơ hội cho các nước tiếp cận sản xuất thuốc generic. Ông Truyền đánh giá cao tầm quan trọng của thuốc generic ở Việt Nam khi giá trị sử dụng loại thuốc này tăng từ 19% cách đây 5 năm lên 86% hiện nay.

Khi đầu tư sản xuất thuốc hết bảo hộ sẽ giúp ích rất nhiều cho người bệnh, dù TPP chưa được áp dụng nhưng thực tế cho thấy khi có thuốc generic trên thị trường thì thuốc phát minh sẽ giảm còn 80% giá trị. Và khi có 5 loại thuốc generic tung ra thị trường thì giá thuốc phát minh sẽ giảm xuống còn 20%. Đơn cử như thuốc bản quyền trong điều trị HIV hiện có giá chi phí gần 2 nghìn USD/người/năm, nhưng với thuốc generic chi phí sẽ giảm còn khoảng 100 USD/người/năm.

Không dễ cho DN nội

Một số chuyên gia ở TPHCM cho rằng, nếu không chuyển mình, các DN dược trong nước sẽ gặp khó khăn. Ví dụ về đấu thầu thuốc khi Việt Nam tham gia vào TPP. Việc đấu thầu sẽ công khai, các hãng dược trên thế giới tham gia bình đẳng với các DN trong nước nên sẽ có cạnh tranh khốc liệt và phần thua chắc chắn sẽ rơi vào DN nội khi công nghiệp dược của chúng ta còn yếu, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu”, một chuyên gia nói.

Ông Phan Thanh Bình nhận định, nếu mở cửa đón TPP cũng đồng nghĩa mở cửa cho thuốc ngoại khi các DN FDI sản xuất, nhập khẩu sẽ ngày càng áp đảo hơn ở Việt Nam. “Đây là thách thức không nhỏ cho các DN trong nước vốn lâu nay vẫn chưa quan tâm đầu tư công nghệ, nghiên cứu và lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài”, ông Bình nói.

Theo các chuyên gia, thời gian thuốc sáng chế độc quyền hết bảo hộ từ 5-10 năm nên giai đoạn tiếp cận sản xuất thuốc phiên bản này với giá rẻ phải chờ đợi sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh thuốc của các công ty trong nước, nhất là phải chờ có giấy phép để sản xuất thuốc phiên bản. Trong khi đó, các sản phẩm thuốc chất lượng của các hãng dược nước ngoài sẽ tràn vào Việt Nam, gây ra một cuộc cạnh tranh rất mạnh mẽ.

Thị trường thuốc Việt Nam được đánh giá là tiềm năng nhưng theo ông Nguyễn Văn Thuận - một chuyên gia trong lĩnh vực dược thì thị phần không do các công ty trong nước nắm giữ. Theo thống kê số công ty sản xuất dược trong nước đang chiếm trên 85% trong  tổng số công ty dược hoạt động ở Việt Nam, song thuốc nhập khẩu lại chiếm 60-70% thị trường. “Sản phẩm của các công ty trong nước đa phần là các loại thuốc phiên bản trong khi người dân vẫn dành sự tin tưởng cho thuốc ngoại, đặc biệt là thuốc đặc trị”- ông Thuận cho biết.

Việt Nam đứng thứ 13 trong tổng số 175 quốc gia về tốc độ tăng chi tiêu thuốc, theo công ty tư vấn Business Monitor International công bố. Tăng trưởng của lĩnh vực thuốc chữa bệnh có thể lên đến hơn 20%/năm từ nay đến năm 2017 với chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người của Việt Nam là khoảng 200USD/năm.(  Tiền phong trang 4)

Khám miễn phí bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Ngày 6/10, Bệnh viện Bạch Mai cho biết sẽ tổ chức khám và tư vấn miễn phí bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cho người dân khu vực Hà Nội và một số tỉnh lân cận vào ngày 28/11. Đây là hoạt động trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản nhằm hưởng ứng ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu năm 2015 với chủ đề “Không bao giờ là quá muộn.”. Người dân khi tới khám sẽ được các bác sỹ của Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) khám nội khoa, đo lưu lượng đỉnh kế, đo chức năng hô hấp, phát thuốc miễn phí cho các đối tượng mới được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và đưa vào chương trình quản lý ngoại trú. Những đối tượng đến khám là người dân trên 40 tuổi và có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau: Hút thuốc lá, thuốc lào > 10 năm; Trực tiếp đun bếp (than, củi, rơm, rạ) trên 30 năm; Tiếp xúc khói, bụi, hóa chất nghề nghiệp; Khó thở nặng dần theo thời gian; Ho liên tục nhiều tháng, nhiều năm; Thường xuyên khạc đờm vào buổi sáng.

Thời gian khám: Bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 16 giờ 30 ngày thứ Bảy (28/11).

Địa điểm: Hội trường lớn, tầng 2, nhà Nhật, Bệnh viện Bạch Mai, Số 78 Giải Phóng - Đống Đa - Hà Nội.

Để đăng ký khám và có được lịch hẹn, người dân liên hệ: Văn phòng dự án phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản. Số điện thoại: (04) 3.629. 1207; di động: 0972.463.203; Email: duanbenhphoi@gmail.com./.( Tiền phong trang 6)

Sẽ có các tổ hợp công trình y tế tầm cỡ ở 5 cửa ngõ Thủ đô

Sở Y tế Hà Nội cho biết, với mục tiêu phát triển đồng bộ hệ thống y tế chuyên sâu và phổ cập trên địa bàn thành phố, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố sẽ đầu tư xây dựng các tổ hợp công trình y tế chất lượng cao tầm cỡ quốc gia ở 5 cửa ngõ Thủ đô, đồng thời củng cố và hoàn thiện y tế cơ sở.

Mạng lưới bệnh viện công lập của thành phố cũng sẽ được nâng lên 47 cơ sở, kết hợp với phát triển hệ thống khám chữa bệnh y học cổ truyền, hệ thống cấp cứu trước viện, mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh ngoài công lập với 29 bệnh viện. Cũng trong 5 năm tới, thành phố sẽ triển khai các dự án đầu tư bao gồm 6 dự án nâng cấp, mở rộng bệnh viện, 15 dự án xây mới bệnh viện, 6 đề án phát triển đào tạo y tế, 5 đề án phát triển lĩnh vực sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế và 11 đề án phát triển khối y tế dự phòng, y tế cơ sở.( An ninh thủ đô trang 3)

Đối mặt thần chết

Ở một bệnh viện cách TP.HCM khoảng 200 km, có hàng chục nhân viên y tế tuổi đời còn rất trẻ bị phơi nhiễm HIV khi ngày ngày chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân AIDS.

Đó là Bệnh viện Nhân Ái (thuộc Sở Y tế TP.HCM) đóng tại xã Phú Văn, H.Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Nơi đây đang điều trị miễn phí cho gần 300 bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối.

Rủi ro rình rập

Điều dưỡng Lê Anh Tuấn (34 tuổi, quê Hà Nam) là một trong số những người từng hai lần bị phơi nhiễm HIV ở Bệnh viện Nhân Ái. Lần mới nhất xảy ra vào đầu năm 2015, khi can ngăn bệnh nhân đánh nhau thì máu bệnh nhân dính vào vết thương cũ của anh. Lần trước đó, trong lúc đang truyền dịch và bị bệnh nhân vùng vẫy gạt ra, anh đã bị kim tiêm đâm trúng. Sau quá trình điều trị dự phòng lây nhiễm, anh Tuấn mừng rỡ trước các kết quả xét nghiệm âm tính với HIV.

Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi gặp điều dưỡng Lê Văn Thái (23 tuổi, quê Thanh Hóa) khi anh vừa mới giao ca sau buổi trực đêm ở khoa săn sóc đặc biệt. Gương mặt chàng trai này vẫn còn xanh xao. Thái cho biết anh bị sụt mất 2 kg sau đợt uống thuốc phòng chống lây nhiễm HIV. Tai nạn nghề nghiệp đến với anh cách đây hơn 1 tháng. Anh Thái kể: “Lúc đó tôi đang truyền dịch cho một bệnh nhân. Đồng nghiệp tôi thì đang thông tiểu cho bệnh nhân khác. Anh ấy kêu tôi phụ giúp giữ chân người bệnh để đặt ống thông tiểu. Tôi bị dịch âm đạo, nước tiểu bắn vào mắt”.

Giống như nhiều trường hợp phổ biến tại Bệnh viện Nhân Ái, chị Nguyễn Thị Thương (điều dưỡng, 29 tuổi, quê Hưng Yên) cũng bị kim tiêm có dính máu đâm vào tay trong khi đang truyền dịch cho bệnh nhân. Tuy nhiên, khác với nhiều đồng nghiệp, chị Thương có phần bình tĩnh hơn. Chị báo ngay với lãnh đạo để có hướng dẫn xử trí kịp thời. Chị Thương giải thích: “Khi vào đây làm, tôi đã xác định môi trường này rủi ro cao, có nhiều nguy cơ bị phơi nhiễm HIV nên giữ tinh thần tương đối ổn định”. Có điều, cho đến bây giờ chị Thương vẫn giấu gia đình về tai nạn nghề nghiệp nói trên vì sợ người thân lo lắng.

Gặp ác mộng, phải bỏ thai...

Anh Lê Văn Hảo (33 tuổi, hiện là điều dưỡng trưởng khoa nội tổng hợp) cũng từng bị phơi nhiễm HIV. Anh Hảo cho hay, lúc còn làm ở khoa lao, có lần anh rửa vết thương là ổ nhiễm trùng tái đi tái lại của bệnh nhân và bị dịch bắn vào mắt. “Lúc xảy ra sự việc, tôi rất hoang mang. Trưa hôm đó, tôi không ăn cơm nổi. Khi uống thuốc kháng vi rút HIV, tôi bị vật ghê lắm, trong người cứ bứt rứt, như đi trên mây vì bị ảo giác... May mà kết quả âm tính sau cả 3 lần xét nghiệm”, anh Hảo thở phào.

Trong khi đó, vào năm 2014, lúc đang lấy ống máu bệnh nhân AIDS ra khỏi máy xét nghiệm sinh hóa, chị Hồ Chúc Phương (kỹ thuật viên, 31 tuổi, quê Trà Vinh) đã bị huyết thanh bắn vào mắt.

“Trong thời kỳ phơi nhiễm, do tác dụng phụ của thuốc cộng với tâm lý nặng nề, tôi mất ăn mất ngủ và hay gặp ác mộng, trong đêm cứ bật dậy khóc - cười. Tôi giấu tất cả người thân của mình, ngoại trừ ông xã tôi. Đến khi có kết quả chắc chắn không bị nhiễm HIV, tôi mới báo cho gia đình biết”, chị Chúc Phương bộc bạch.

Có điều, việc đối diện và vượt qua cảm xúc hồi hộp, lo lắng tột độ trong những lần đi xét nghiệm HIV quả không hề đơn giản. Chị Chúc Phương thật thà nói: “Lần nào cầm giấy xét nghiệm tôi cũng rất run. Phải mất từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ sau tôi mới dám mở phong bì ra coi kết quả”. Được biết, vợ chồng chị Phương dự định có con trong năm rồi. Nhưng với sự cố trên, anh chị đành phải hoãn lại một thời gian.

Trở lại Bệnh viện Nhân Ái lần này, chúng tôi không còn gặp lại điều dưỡng Ngọc Sao (33 tuổi). Chị Nguyễn Thư Tình, tổ trưởng tổ công tác xã hội cho hay: Dù vẫn rất yêu nghề nhưng do hoàn cảnh gia đình, gần đây điều dưỡng Ngọc Sao đã phải nghỉ làm. Thế nhưng, chúng tôi vẫn còn ám ảnh câu chuyện đau lòng xảy ra với chị Sao. Đó là vào năm 2009, chị bị phơi nhiễm HIV trong lúc truyền dịch cho người bệnh. Trải qua giai đoạn điều trị dự phòng lây nhiễm, tuy kết quả xét nghiệm sau cùng âm tính với HIV, nhưng do sợ thuốc chống phơi nhiễm có ảnh hưởng tới thai nhi nên chị Sao đành đứt ruột bỏ bào thai đứa con đầu lòng của mình...

Đến hôm nay, chúng tôi vẫn còn nhớ những lời nói nhẹ nhàng, vị tha của điều dưỡng Ngọc Sao khi bị phơi nhiễm HIV: “Sau khi vùng vằng khiến cho tôi bị kim đâm, bệnh nhân cũng tỏ ra hối hận lắm. Tôi nghĩ họ không cố ý, chỉ vì bệnh tật nên bức bối thôi”.

Và đó cũng là suy nghĩ giản dị của những nhân viên hết lòng vì người bệnh ở chốn xa xôi hẻo lánh này. (Còn tiếp)

Đã có 25 nhân viên bị phơi nhiễm HIV

Bác sĩ Nguyễn Thành Long, Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái, cho biết: Từ năm 2008 đến nay, trong quá trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân, đã có 25 nhân viên của bệnh viện bị phơi nhiễm HIV. Trong đó có một số người bị phơi nhiễm HIV 2 lần.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Long, các nhân viên biết rõ họ đang điều trị cho bệnh nhân AIDS nên thường xuyên đeo găng tay, đeo khẩu trang, kính bảo hộ, áo choàng mổ... Tuy nhiên, cũng có những sơ sót nhất định trong quá trình điều trị. Chẳng hạn, có những trường hợp chủ quan khi chích thuốc cho những bệnh nhân AIDS vốn tiêm chích ma túy lâu ngày, nên việc lấy mạch máu của họ rất khó do nhiều ven đã bị chai. Khi ấy, bệnh nhân giãy giụa không hợp tác khiến kim đâm vào người...

Cũng theo bác sĩ Long, sau khi bị phơi nhiễm, các nhân viên nhanh chóng được sơ cứu, rửa vết thương, uống thuốc chống phơi nhiễm ngay trong những giờ đầu (càng sớm càng tốt) và duy trì uống thuốc trong 1 tháng. Sau đó sẽ tiến hành các xét nghiệm HIV sau 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng... Bên cạnh đó, bệnh viện cho các nhân viên bị phơi nhiễm được nghỉ làm trong 1 tháng và cử nhân viên tư vấn động viên tinh thần. Mỗi năm, bệnh viện tổ chức tập huấn ít nhất 2 lần về các biện pháp phòng chống lây nhiễm.

“Chưa có người nào trong bệnh viện này bị nhiễm HIV và chưa có người nào xin thôi việc vì liên quan đến lý do bị phơi nhiễm HIV”, bác sĩ Thành Long quả quyết.

(Thanh niên trang 9)

Nghiên cứu thử nghiệm vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết

Theo PGS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, hiện nay, vaccine sốt xuất huyết (SXH) vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu. Có ít nhất 4 công ty vaccine đang tham gia nghiên cứu sản xuất…( Gia đình & xã hội trang 7)

 

Cứu sống bé sơ sinh bị tim bẩm sinh phức tạp

Bệnh viện Nhi Trung ương vừa cứu sống một trẻ sơ sinh mắc bệnh lý tim mạch bẩm sinh phức tạp, đây cũng là trường hợp bệnh nhi nhỏ nhất bị loạn nhịp tim nhanh nguy hiểm được cứu sống bằng công nghệ cao ở Việt Nam.

Bệnh nhi là bé Vũ Chính D. (ở Ngô Quyền, Hải Phòng), được sinh ra đủ tháng với cân nặng 2,6kg và phải mổ đẻ vì suy thai. Bé bị suy hô hấp ngay sau sinh, được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương với chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh.

Tại đây, bé được chẩn đoán bệnh tim kết hợp, không những bị thông sàn nhĩ thất toàn bộ có tăng áp động mạch phổi nặng mà còn bị hội chứng Wolff-Parkinson-White (hội chứng rối loạn nhịp nhanh do tồn tại đường dẫn truyền xung điện bất thường bẩm sinh trong tim) có cơn nhịp nhanh nguy kịch, trái tim cấu trúc dị thường.

Trong thời gian điều trị, bé đã nhiều lần lên cơn nhịp nhanh (250 lần/phút), kháng các thuốc điều trị loạn nhịp thông thường, trong cơn nhịp nhanh bé suy thở và suy giảm huyết động nặng, đã phải cấp cứu cắt cơn nhịp nhanh nhiều lần.

Trước tình trạng nguy kịch của bé D. các bác sĩ quyết định chọn phương pháp đốt điện bằng năng lượng sóng cao tần điều trị cắt cơn nhịp tim nhanh, qua đó đã cứu sống được cháu bé. Được biết, trên thế giới có rất ít trung tâm có thể thực hiện kỹ thuật này ở trẻ nhỏ.(  An ninh thủ đô trang 3)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang