Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 8/9/2015

  • |
T5g.org.vn - Kỳ tích ca ghép tạng với hành trình vận chuyển quả tim và lá gan gần 2000 km; 2 bệnh nhân được ghép tạng đã bình phục

Kỳ tích ca ghép tạng với hành trình vận chuyển quả tim và lá gan gần 2000 km

Sau khi cả 2 bệnh nhân được các bác sĩ của Bệnh viện (BV) Việt Đức ghép tim và gan đồng thời vào sáng 5/9 đã hoàn toàn ổn định, ngày 7/9, BV Việt Đức mới chính thức có một cuộc họp báo về kỳ tích này.

Đây là trường hợp đặc biệt vì tạng được mang về từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, trải qua một chặng bay gần 2.000 km suốt nhiều giờ liền, với sự tháp tùng của gần 20 bác sĩ, chuyên gia phẫu thuật giỏi của BV Việt Đức và BV Chợ Rẫy. Đặc biệt, các tạng đã được mang về Hà Nội an toàn và ghép thành công, còn nhờ có sự hỗ trợ tối đa của Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức, chuyên gia ghép tạng hàng đầu ở Việt Nam: Sau khi được BV Chợ Rẫy báo có trường hợp hiến tạng, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (gọi tắt là Trung tâm ghép tạng) đã báo về BV Việt Đức. Đồng thời, PGS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV Việt Đức, Giám đốc Trung tâm ghép tạng cùng PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật tim và lồng ngực cùng ê kíp phẫu thuật của BV cấp tốc bay vào TP HCM để phẫu thuật, tiếp nhận tạng.

Khi ekip của BV Việt Đức đến nơi, các bác sĩ của BV Chợ Rẫy đã chuẩn bị sẵn sàng, nên việc lấy tạng diễn ra nhanh chóng. Tạng lấy xong, được đưa vào dung dịch bảo quản đặc biệt, đúng qui trình quốc tế về nhiệt độ, dung dịch, cách vận chuyển. 6 chuyên gia của BV Việt Đức cùng với 10 chuyên gia của BV Chợ Rẫy lập tức chạy lên xe ra sân bay Tân Sân Nhất, để kịp đưa tạng về Hà Nội trong thời gian cho phép. Lên xe, các bác sĩ mới kịp thay bộ đồ phòng mổ.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước chia sẻ: Trong khi lấy tạng, các bác sĩ của BV Chợ Rẫy đã tranh thủ làm thủ tục với các cơ quan chức năng để 2 bác sĩ được trực tiếp giữ 2 hộp dung dịch đựng quả tim và lá gan trong khu vực đặc biệt trên máy bay.

Suốt hành trình gần 2.000km, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước và PGS.TS Trịnh Hồng Sơn phải theo dõi sát sao các tạng, đồng thời, 4 lần bơm dung dịch hỗ trợ cho tạng mới tồn tại được. Căng thẳng cả ngày, đến tận 23h30 mới đưa được tạng về Hà Nội, anh lại lập tức trực tiếp ghép tạng suốt 6,5 tiếng liền sau đó.

Khi mổ lấy tạng, kiểm tra thấy chất lượng đảm bảo, hòa hợp về nhóm máu và các chỉ số PGS.TS Nguyễn Hữu Ước và PGS.TS Trịnh Hồng Sơn mới báo về Hà Nội chuẩn bị cho ghép. Các bác sĩ tại BV Việt Đức lại phải tính toán từng phút thật khớp để mổ lấy tạng hỏng của 2 bệnh nhân, khi tạng về là ghép ngay.

PGS.TS Trịnh Hồng Sơn cho biết thêm: Để đề phòng sự cố trên đường không thể mang tạng về ghép, trong khi bệnh nhân đã được mổ chờ sẵn ở BV Việt Đức, BV đã lên phương án dự phòng là đốt khối u cho bệnh nhân.

2 người được ghép đều đã ở tình trạng “thập tử nhất sinh”: Bệnh nhân 37 tuổi, suy tim giai đoạn cuối do giãn cơ tim, đã được điều trị nội khoa nhưng hiện, thời gian sống chỉ tính bằng tuần, vì thế đã được lên sanh sách ghép tim từ lâu. Còn bệnh nhân được  ghép gan bị xơ gan giai đoạn cuối đã được điều trị nhiều biện pháp, nhưng không hiệu quả. Nhưng sau khi ghép xong, ngay trong ngày 5/9, bệnh nhân đã được rút nội khí quản.

Kỳ tích này của ngành y tế Việt Nam đã cho thấy, trình độ ghép tạng của các chuyên gia không thua kém các nước. Các bác sĩ BV Việt Đức đã phát huy việc bảo quản tạng ở xa hàng nghìn km được đào tạo bài bản lâu nay. Đặc biệt, sự phối hợp nhịp nhàng giữa Trung tâm ghép tạng, giữa hơn 60 chuyên gia của BV Việt Đức cùng hơn 50 bác sĩ của BV Chợ Rẫy là yếu tố quan trọng cho thành công này. Các bác sĩ BV Chợ Rẫy đã hồi sức tốt cho bệnh nhân hiến tạng để các bác sĩ BV Việt Đức vào tiếp nhận thuận lợi nhất. Thành công này tiếp tục mở ra những cơ hội mới cho người bệnh, khi chi phí chừng 500-600 triệu/ca, trong khi ở nước ngoài phải mất chừng 5-6 tỷ. (Công an nhân dân (trang 1))

2 bệnh nhân được ghép tạng đã bình phục

Thông tin từ Bệnh viện Việt Đức cho biết, đến sáng qua (7-9), 2 bệnh nhân được ghép tạng (1 người được ghép tim, 1 người được ghép gan) từ nguồn tạng hiến lấy từ người cho chết não tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã có thể tự ăn uống và nói chuyện được. Các chỉ số sau ghép tạng đều ổn định. Nếu không có gì thay đổi, dự kiến khoảng 10 ngày nữa, 2 bệnh nhân sẽ được xuất viện.

Trước đó, ngày 4-9, ngay sau khi nhận được tin báo tại Bệnh viện Chợ Rẫy có người cho chết não hiến tạng, một kíp phẫu thuật của Bệnh viện Việt  Đức đã lên máy bay vào Bệnh viện Chợ Rẫy lấy tạng từ người cho rồi lên máy bay đưa về Hà Nội. Trong khi đó, một kíp khác tại Bệnh viện Việt Đức rà soát những bệnh nhân chờ ghép gan, tim có chỉ số phù hợp để khi có nguồn tạng đưa về sẽ lập tức tiến hành ca ghép… (An ninh thủ đô (trang 2))

Phát hiện 72 ca mắc viêm não mô cầu

Ngày 7.9, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trong tháng 8, cả nước đã ghi nhận 18 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu, tăng 10 trường hợp so với tháng trước đó (tháng 7).

Như vậy, từ đầu năm đến nay, đã có 72 trường hợp mắc viêm não mô cầu, 3 người tử vong. So với 8 tháng đầu năm 2014, số ca mắc tăng 75,6%.

Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh viêm não, màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn gây nên. Vi khuẩn não mô cầu gồm có 4 nhóm chính: A,B,C và D, não mô cầu nhóm A và B thường hay gặp nhất.

Ổ chứa vi khuẩn não mô cầu là ở người. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Mọi người đều có cảm nhiễm với vi khuẩn não mô cầu. Đặc biệt, nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi trẻ. (Nông thôn ngày nay (trang 2)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang