Điều chỉnh giá dịch vụ y tế, người tham gia BHYT hưởng lợi
Khoảng 1.800 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng giá từ 20 đến 30% khi Thông tư liên bộ quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc do Bộ Y tế - Bộ Tài chính đang xây dựng dự kiến có hiệu lực vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 tới. Tuy nhiên, việc tăng giá này sẽ giúp người tham gia BHYT, cũng như hàng chục triệu đối tượng chính sách, người nghèo được hưởng lợi khi đi KCB.
Minh bạch các yếu tố chi phí
Theo tính toán, giá dịch vụ y tế (DVYT) tính đúng, tính đủ phải bao gồm bảy yếu tố chi phí, gồm: Thuốc, vật tư trực tiếp (1); điện, nước, xử lý chất thải (2); duy tu, bảo dưỡng tài sản (3); tiền lương, phụ cấp (4); sửa chữa lớn tài sản cố định (5); khấu hao tài sản (6); chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học (7).
Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh, hiện nay, giá một số DVYT quy định tại Thông tư liên bộ số 03/2006/TTLT-BYT-BTC năm 2006 mới tính một phần các chi phí trực tiếp, giá một số dịch vụ theo Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC năm 2012 được tính 3/7 yếu tố trực tiếp (gồm các yếu tố 1,2,3). Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, sau ba năm điều chỉnh giá DVYT, mặc dù hầu hết các địa phương mới chỉ điều chỉnh ở mức 60-80% của ba yếu tố trên nhưng đã mang lại những hiệu quả nhất định, quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT được nâng lên. Các bệnh viện sử dụng 15% tiền khám bệnh, tiền ngày giường để mua thêm giường, ghế ngồi, cải tạo, sửa chữa phòng khám, buồng bệnh khang trang hơn, đã có sự thay đổi cơ bản phần nào đáp ứng nhu cầu của người bệnh…
Thứ trưởng Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Việc liên bộ ban hành thông tư điều chỉnh mức DVYT, kết cấu thêm chi phí trực tiếp và tiền lương là một đòi hỏi thực tế, theo đúng quy định của pháp luật. Các đơn vị cung ứng "dịch vụ công" phải được tính đúng, tính đủ giá để thực hiện tự chủ, đồng thời chuyển việc cấp ngân sách trực tiếp cho đơn vị cung ứng dịch vụ sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng để ngân sách được hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng, không bao cấp tràn lan.
Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, giá DVYT không đơn thuần là giá để người dân chi trả chi phí KCB cho bệnh viện, mà quan trọng hơn cả nó là cơ sở để cơ quan BHXH thay mặt người dân thanh toán cho bệnh viện, không như giá các hàng hóa, dịch vụ khác mà là quyền lợi của người dân được hưởng khi tham gia BHYT.
Việt Nam lâu nay vẫn bị các tổ chức y tế quốc tế đánh giá là đang tạo ra sự “bao cấp ngược” trong cung cấp DVYT. Tức là những người có điều kiện kinh tế sẵn sàng bỏ tiền túi ra để được sử dụng những DVYT chất lượng cao, lại vẫn đang được Nhà nước bao cấp về giá, do mới tính một phần chi phí giá DVYT. Việc điều chỉnh giá DVYT về bản chất là sự chuyển dịch của các khoản chi trước đây được Nhà nước bao cấp, chi trực tiếp cho các bệnh viện, thì nay được kết cấu vào giá DVYT. Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá sẽ từng bước xóa bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ nhằm tăng tính cạnh tranh và bảo đảm lợi ích của các đơn vị y tế, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.
Người tham gia BHYT hưởng lợi
Thông tư này trước mắt sẽ chỉ áp dụng đối với thanh toán chi phí KCB BHYT. Đối với người chưa có thẻ BHYT, sẽ tiếp tục áp dụng mức giá theo hiện hành. Khi thông tư có hiệu lực, theo tính toán, đối với 73% dân số đã có thẻ BHYT thì: Nhóm đối tượng được BHYT thanh toán 100% chi phí sẽ không bị ảnh hưởng mà quyền lợi được nâng lên. Nhóm được BHYT thanh toán 95%, phải đồng chi trả 5%, nhóm được BHYT thanh toán 80%, đồng chi trả 20% về cơ bản cũng không ảnh hưởng vì đã được BHYT thanh toán 80-95% phần tăng thêm. Mặt khác, từ ngày 01-01-2015, người tham gia BHYT từ năm năm liên tục trở lên đi KCB đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 06 tháng lương cơ sở.
Theo phân tích của Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Phạm Lương Sơn, việc điều chỉnh giá lần này sẽ có những tác động tích cực: Mức giá chi trả của dịch vụ kỹ thuật được thống nhất tại tất cả các cơ sở KCB cùng hạng trên cả nước là cơ sở để người bệnh được cung cấp DVYT công bằng, đồng đều ở tất cả các cơ sở KCB, không phân biệt vùng, miền. Đây sẽ là một trong những động lực khuyến khích các bệnh viện tuyến dưới các cơ sở vùng sâu, vùng xa khó khăn, có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn để cung cấp DVYT tốt hơn, tạo dựng tiền đề để bảo đảm sự công bằng giữa người dân miền núi và đồng bằng trong công tác KCB.
Đồng thời, việc chi trả từ tiền túi của người dân sẽ giảm đi và giảm rất mạnh. Vì toàn bộ chi phí thuốc, vật tư y tế, đặc biệt là những chi phí trực tiếp như khấu hao, duy tu bảo dưỡng… từng bước được kết cấu vào giá DVYT theo lộ trình và sẽ được Quỹ BHYT chi trả. Do đó, người bệnh sẽ không bị thu thêm những chi phí đã được tính vào giá DVYT. Việc điều chỉnh giá DVYT đang hướng tới mục tiêu sao cho chi phí y tế từ tiền túi người dân giảm ở ngưỡng dưới 40% vào năm 2018.
Việc giá DVYT được tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các bệnh viện triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, đồng thời có trách nhiệm nâng cao chất lượng KCB, cả chất lượng chuyên môn lẫn chất lượng phục vụ. Tạo điều kiện người có thẻ BHYT được thụ hưởng các dịch vụ KCB tiên tiến, hiện đại ngay trên địa bàn và được cơ quan BHXH thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT…
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, từ năm 2010, thông qua các biện pháp quản lý của ngành BHXH, nhằm tăng cường kiểm soát chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ, các cơ sở KCB tích cực cung cấp DVYT theo hướng chi phí hiệu quả, vì vậy mỗi năm tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng. Năm 2014, Quỹ BHYT có kết dư khoảng 5.200 tỷ đồng. Đến nay, Quỹ BHYT dự phòng đủ để bảo đảm đáp ứng việc điều chỉnh giá DVYT lần này. Ước tính, Quỹ BHYT có khả năng cân đối được đến hết năm 2017. Vì vậy, từ nay đến hết năm 2017, chưa đặt ra vấn đề điều chỉnh mức đóng phí BHYT. Đến năm 2018, khi giá DVYT được tính đầy đủ bảy cấu phần, mới cân nhắc việc có điều chỉnh mức đóng hay không. Theo Luật BHYT, mức trần thu phí BHYT được Quốc hội cho phép là 6%, hiện nay mức phí BHYT đang thu là 4,5% mức lương tối thiểu. Khi tính lương vào giá DVYT, dự kiến ngân sách sẽ dành được khoảng 10.000 tỷ đồng/năm để chuyển sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.
Theo Trưởng ban Phạm Lương Sơn, đối với khoảng 27% dân số chưa tham gia BHYT, trong năm 2015 sẽ chưa phải chịu tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB. Nhưng theo lộ trình, năm 2016 sẽ áp dụng giá tính đủ bảy yếu tố chi phí cho người không có thẻ BHYT. Vì vậy, vấn đề đẩy nhanh độ bao phủ BHYT càng trở nên cấp thiết, người dân cũng cần có ý thức tham gia BHYT, để không phải nặng gánh chi trả thêm khi đi KCB và để người không may mắc bệnh không bị rơi vào “bẫy nghèo”. (Nhân dân trang 4)
Cùng chủ để Báo Gia đình & Xã hội trang 7: “Điều chỉnh viện phí, người nghèo trực tiếp hưởng lợi”
Đào tạo gần hai nghìn bác sĩ nội trú
Sáng 8-11, Trường đại học Y Hà Nội tổ chức kỷ niệm 40 năm đào tạo bác sĩ nội trú (BSNT) bệnh viện. Tính đến nay, nhà trường đã đào tạo được 40 khóa với 1.983 học viên. Đào tạo BSNT là một trong những phương thức đào tạo chuyên gia giỏi, nhân tài trẻ của ngành y tế áp dụng cho các chuyên ngành lâm sàng, cận lâm sàng và y học dự phòng. Chương trình đào tạo BSNT kéo dài ba năm, phần lớn thời gian dành cho thực hành; học tập nghiên cứu với nhóm hướng dẫn, có sự kèm cặp của các giáo sư, chuyên gia giỏi… Qua đó, đào tạo những bác sĩ có trình độ kiến thức và tay nghề chuyên môn vững vàng, đủ năng lực hành nghề độc lập, là nòng cốt cho nhân lực chất lượng cao các bệnh viện tuyến trung ương, các trường đại học y.
Nhân dịp này, Trường đại học Y Hà Nội khánh thành và đưa vào sử dụng khu ký túc xá. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 223 tỷ đồng, đáp ứng chỗ ở cho 2.112 học viên, sinh viên. (Tuổi trẻ, Nhân dân trang 4)
Cứu sống cụ bà 71 tuổi người Campuchia bị gẫy cổ xương đùi
Ngày 8/11, thông tin từ các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh cho biết, nhờ sự phối hợp của các bác sĩ khoa Ngoại- Chấn thương Chỉnh hình bệnh viện Chợ Rẫy Việt Nam và bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh đã phẫu thuật thành công ca thay khớp háng nhân tạo cho một cụ bà 71 tuổi, người Campuchia.
Bác sĩ CK II Lê Văn Tuấn, Trưởng khoa Ngoại - Chấn thương Chỉnh hình bệnh viện Chợ Rẫy Việt Nam là người trực tiếp tham gia ca mổ cho biết, vào ngày 31/10, Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh đã tiếp nhận bệnh nhân trên (trú tại tỉnh Kampong Cham) trong tình trạng không đứng và không đi lại được.
Theo người nhà bệnh nhân, thì trước đó 7 ngày, bệnh nhân bị té từ nệm xuống đất, sau đó không đứng lại được, người nhà đã đưa bệnh nhân đến một bệnh viện ở tỉnh để điều trị nhưng bệnh không thuyên giảm và ngày càng đau nhiều hơn, do đó đã đưa tới nhập Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh để được kiểm tra và điều trị.
Theo BS Tuấn, bệnh nhân được chẩn đoán gãy cổ xương đùi phải. Các bác sĩ đã thực hiện tầm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch, hô hấp và các bệnh lý nội khoa cho bệnh nhân, đồng thời hội chẩn với các chuyên gia hàng đầu ngành chấn thương chỉnh hình, bệnh viện Chợ Rẫy Việt Nam. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật “thay khớp háng bán phần (Bipolar) không xi măng”.
Ca phẫu thuật tiến hành ngày 31/10, kéo dài 30 phút và hoàn toàn thuận lợi như dự kiến. Đây là trường hợp bệnh nhân được phẫu thuật thay khớp háng bán phần thực hiện đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh. Sau mổ bệnh nhân đã bớt đau, 3 ngày sau đã có thể tự ngồi và tập đi với khung tập. (Công an Nhân dân trang 2)
Tăng viện phí, chất lượng khám chữa bệnh sẽ tăng?
Dự kiến từ 15-11 tới đây, giá 1.800 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng. Bên cạnh những lo lắng từ phía người bệnh thì vấn đề được quan tâm khác là liệu chất lượng dịch vụ y tế có tăng? Tại buổi tọa đàm về điều chỉnh viện phí diễn ra cuối tuần qua, đại diện Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này.
Tránh viện phí tăng cao đột ngột
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế cho biết, thời gian gần đây, rất nhiều thông tin trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng khẳng định viện phí tới đây sẽ tăng vọt 2-7 lần, tuy nhiên đó là thông tin không hoàn toàn chính xác. Trên thực tế, viện phí nếu tính đầy đủ tiền lương vào cũng chỉ tăng 3-7%, chỉ có một số ít dịch vụ, phẫu thuật phức tạp, kéo dài thì mức tăng sẽ cao. Trong đó, ở lần điều chỉnh viện phí lần này, liên Bộ Y tế, Tài chính và BHXH đã tính toán rất thận trọng, chia làm 2 giai đoạn thực hiện để tránh việc viện phí tăng cao đột ngột.
Trong đó, trước mắt từ nay đến cuối năm 2015 giá của 1.800 dịch vụ y tế chỉ được tính cộng thêm phụ cấp đặc thù và tiền lương của cán bộ y tế, đến cuối quý I-2016 mới tính tiền lương của cán bộ y tế.
Theo ông Liên, khi tính thêm phụ cấp đặc thù thì mức tăng viện phí không nhiều, về cơ bản tiền khám bệnh không tăng. Đối với tiền giường bệnh/ngày tính phụ cấp trực 24/24h của nhân viên y tế vào thì với bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt tăng khoảng 19.000 đồng giường/ngày điều trị, đối với bệnh viện hạng II tăng khoảng 15.000 đồng và đối với bệnh viện hạng III tăng khoảng 11.000 đồng. Đối với các phẫu thuật thủ thuật đặc biệt, có nhiều bác sĩ tham gia như phẫu thuật tim, ghép tạng, thay khớp gối, khớp háng… thì mức tăng trên 1 triệu đến 1,4 triệu đồng là cao nhất. Còn các thủ thuật khác, có dịch vụ chỉ tăng vài nghìn đồng, có những dịch vụ không phải phẫu thuật, thủ thuật thì từ nay đến cuối năm chưa tăng.
Cần sự thay đổi từ con người
Khi được đặt vấn đề viện phí tăng liệu chất lượng dịch vụ y tế có tăng, ông Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho biết, tăng viện phí không phải luôn luôn đi kèm với tăng chất lượng khám chữa bệnh vì chất lượng dịch vụ y tế chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.
Chuyên gia này phân tích, để tăng chất lượng khám chữa bệnh thì cần có sự thay đổi từ con người, chất lượng nhân sự đến điều chỉnh về cấu trúc các loại hình cơ sở y tế, trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm… “Chúng ta đang trong giai đoạn quá độ từ nền y tế bao cấp sang y tế vận hành theo thị trường, hiện vẫn đang trong lộ trình tiến tới viện phí tính đúng, tính đủ, nên điều chỉnh tăng viện phí một chút mà đòi hỏi tăng chất lượng thì chỉ mang tính tương đối, cần phải chờ đợi và đánh giá thêm. Tôi cho rằng chờ đợi sự thay đổi rõ rệt chất lượng dịch vụ y tế thì vượt quá thực tế hiện nay, bởi nền y tế của chúng ta có rất nhiều vấn đề” - ông Trần Tuấn nói.
Về phía cơ quan chức năng, ông Nguyễn Nam Liên cũng thừa nhận, nếu đặt vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ y tế trước rồi mới tăng viện phí thì rất khó mà phải vừa điều chỉnh giá vừa nâng cao chất lượng. Trên cơ sở nâng cao chất lượng thì các cơ sở y tế sẽ thu hút được người bệnh đến và có nguồn lực để nâng cao chất lượng y tế. Dẫn chứng từ đợt điều chỉnh tăng giá viện phí theo Thông tư liên bộ 04 vào năm 2012, đến nay sau 3 năm thực hiện, bộ mặt khoa khám bệnh và buồng bệnh của hầu hết các bệnh viện trên cả nước đã thay đổi, chất lượng dịch vụ y tế đã được nâng lên một bước.
“Điều quan trọng nhất của đợt thay đổi giá dịch vụ y tế lần này là khi tính tiền lương vào giá dịch vụ y tế sẽ giúp thay đổi cơ bản nhận thức của cán bộ y tế và các bệnh viện, bởi khi lương của họ không phải do ngân sách Nhà nước chi trả nữa mà do cơ quan BHXH và người dân trực tiếp trả tiền thì bắt buộc họ phải làm tốt mới có bệnh nhân, mới có nguồn trả lương và tồn tại, phát triển được” - ông Nguyễn Nam Liên nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam khẳng định, điều chỉnh viện phí sẽ có tác động tích cực đối với người dân. Đặc biệt, người bệnh BHYT sẽ không phải bỏ tiền túi của mình để đóng góp cho các khoản chi phí mà trong thực tế đã được kết cấu vào giá dịch vụ y tế do Quỹ BHYT chi trả. (An ninh Thủ đô trang 6)
“Tiếp cận xử trí rối loạn phát triển giới tính”
Đây là tên gọi hội thảo do Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) kết hợp với Bệnh viện Nhi Monash (Úc) tổ chức trong hai ngày 8 và 9-11 tại TP.HCM.
Nhiều bác sĩ đầu ngành về lĩnh vực này của Singapore, Úc, Mỹ, New Zealand, Ấn Độ và Việt Nam cùng hàng trăm bác sĩ đã đến tham dự.
Hội nghị trao đổi về các vấn đề như: phân loại các rối loạn phát triển giới tính, vai trò đa chuyên khoa trong chẩn đoán và điều trị, các báo cáo về một số trường hợp lâm sàng tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, vấn đề nam hóa - nữ hóa, các nhầm lẫn và biến chứng trong phẫu thuật...
BS CKII Trịnh Hữu Tùng (phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2) cho biết: “Theo nghiên cứu mới nhất, rối loạn phát triển giới tính chiếm tỉ lệ 1/1.500 trẻ sơ sinh. Trẻ khi chào đời chưa thể khẳng định giới tính là nam hay nữ, hoặc trẻ có ngoại hình là nữ nhưng nội thể lại là nam hoặc ngược lại... Rối loạn phát triển giới tính do nhiều nguyên nhân: bất thường bẩm sinh về nhiễm sắc thể, tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh, bất thường về tuyến sinh dục...”.
Hiện Việt Nam có 4 bệnh viện được Bộ Y tế cho phép xác định lại giới tính, trong đó Bệnh viện Nhi Đồng 2 là bệnh viện duy nhất tại phía Nam được phép làm. Ba năm qua, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã trả lại đúng giới tính cho gần 30 bệnh nhân rối loạn phát triển giới tính. (Tuổi trẻ trang 14)
Bé gái thiểu năng 11 tuổi sinh con
Ngày 8.11, nguồn tin PV Thanh Niên cho biết Công an Q.5 (TP.HCM) đang điều tra vụ bé T.K.H (11 tuổi) bị xâm hại tình dục dẫn đến có thai và sinh được một bé gái đặt tên là T.K.H.H.
Theo nguồn tin, trước đó anh T.V (người thân của bé H.) đến Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Q.5 làm thủ tục nhập khẩu cho cháu gái tên H.H (1 tuổi).
Qua xác minh, công an phát hiện cháu H.H là con của bé gái H. Đáng chú ý, bé H. bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ. Hiện vụ việc tiếp tục được Công an Q.5 điều tra, làm rõ. (Thanh niên trang 2)
Hàng chục công nhân ngộ độc thực phẩm
Bác sĩ Võ Văn Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - tổng hợp Bệnh viên đa khoa Tiền Giang, cho biết tính đến chiều qua 8.11, có 28 ca ngộ độc đã được xuất viện, 2 trường hợp còn đang tiếp tục theo dõi, điều trị.
Trước đó, sau khi ăn trưa với các món rau muống xào, thịt kho với trứng và canh bí đỏ, chiều 7 và sáng 8.11 có 57 công nhân thuộc Công ty CP may Sông Tiền (Cụm công nghiệp Trung An, TP.Mỹ Tho) phải nhập viện do bị các triệu chứng nôn ói, chóng mặt, đau bụng và tiêu chảy. Trong đó, 30 ca điều trị tại Bệnh viện đa khoa Tiền Giang, số còn lại điều trị tại Bệnh viện Quân y 120 và cũng đã xuất viện.
Vụ ngộ độc tương tự xảy ra tại công ty TNHH Giày Vĩnh Nghĩa, phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, Bình Dương) vào chiều tối 21.10. Nhiều công nhân (CN) cho biết buổi trưa cùng ngày (21.10) mọi người ăn cơm ở bếp ăn tập thể của công ty gồm: thịt kho tép, canh chua, cải chua nấu trứng, cải xào…
Sau bữa ăn được khoảng một giờ đồng hồ, nhiều CN thấy chóng mặt, buồn nôn, nghi ngộ độc thực phẩm, nên được công ty tổ chức đưa đến nhiều bệnh viện trên địa bàn Bình Dương để cấp cứu.
Trao đổi với PV Thanh Niên Online, bác sĩ Văn Quang Tân, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bình Dương, cho biết có khoảng 130 công nhân đã được nhập viện tại bệnh viện này và đang được phân loại để điều trị.
Biểu hiện ban đầu của các CN là nôn ói, chóng mặt nên các bác sĩ đã cho uống thuốc chống nôn, theo dõi huyết áp. Những ca nặng được nhanh chóng truyền dịch. Đa số CN nhập viện là nữ, có cả phụ nữ đang mang thai.
Nhiều CN công ty Giày Vĩnh Nghĩa cho biết trước đó, từ ngày 19.10, họ đã đình công để đề nghị công ty nâng giá trị khẩu phần ăn lên, và được công ty đồng ý. Sau đó, CN đi làm trở lại, ăn trưa tại công ty thì xảy ra vụ việc trên. (Công an Nhân dân, Nông thôn Ngày nay, Thanh niên trang 3)
Đề xuất thay đổi chính sách đãi ngộ bác sĩ nội trú
Sáng 8/11, Trường ĐH Y Hà Nội tổ chức lễ lỷ niệm 40 năm đào tạo bác sĩ nội trú (BSNT) BV. Là học viên BSNT khóa 9 của trường ĐH Y Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế, đã không kìm được xúc động khi phát biểu tại buổi lễ cũng như trong chương trình Tọa đàm 40 năm đào tạo BSNT…
Phát biểu tại buổi lễ PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Y tế cho biết đào tạo BSNT là một trong những phương thức đào tạo những chuyên gia giỏi, nhân tài của ngành y tế áp dụng cho các chuyên ngành lâm sàng, cận lâm sàng và y học dự phòng. Chương trình đào tạo BSNT kéo dài ba năm, phần lớn thời gian dành cho thực hành; các học viên phải thường trú trong BV, học tập nghiên cứu với nhóm hướng dẫn, kèm cặp trực tiếp của các giáo sư, bác sĩ giỏi và có nhiều kinh nghiệm. Qua đó đào tạo ra những bác sĩ có trình độ kiến thức tốt, trình độ tay nghề chuyên môn vững vàng, đủ năng lực hành nghề độc lập, là nòng cốt cho nhân lực chất lượng cao của các bệnh viện tuyến trung ương, các trường đại học y.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay nhiều cơ chế, chính sách đối với BSNT còn bất bập cần được tháo gỡ. Bác sĩ thông thường phải học 6 năm và hệ BSNT phải học 9 đến 10 năm. BSNT là những sinh viên y khoa giỏi, phải qua kỳ xét tuyển khó khăn, đào tạo nghiêm ngặt, đỏi hỏi các BSNT luôn phải nỗ lực hết mình. Tuy nhiên, do các chính sách tuyển dụng, đãi ngộ còn nhiều bất cập, BSNT vẫn rất thiệt thòi về lương khởi điểm, chỉ được hưởng mức lương tương tự các ngành học có thời gian đào tạo 4 năm, số năm công tác cũng thiệt thòi hơn do thời gian nội trú tại bệnh viện không được tính là thời gian công tác…
Đáng chú ý, 13 năm nay BSNT không được Bộ GD&ĐT công nhận là thạc sĩ, mặc dù so với đào tạo cao học, thi tuyển đầu vào BSNT khó hơn, thời gian học lâu hơn, cho phí đào tạo tốn kém hơn… Khi học tiếp lên nghiên cứu sinh thì chỉ được tính đầu vào như bằng đại học. Do đó, thời gian tới Bộ Y tế sẽ đề xuất Chính phủ có những chính sách hợp lý hơn với nhóm các BSNT như thay đổi về cách tính lương khởi điểm, thâm niên, chế độ bảo hiểm…
Theo PGS,TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, khóa đào tạo BSNT đầu tiên của Trường ĐH Y Hà Nội được tổ chức năm 1974 gồm 15 học viên thuộc sáu chuyên ngành: ngoại khoa, nội khoa, nhãn khoa, tai mũi họng, thần kinh, truyền nhiễm. Tính đến nay đã có 40 khóa BSNT được đào tạo với tổng cộng 1.983 học viên thuộc 35 chuyên ngành lâm sàng, cận lâm sàng và y học dự phòng. Trong số này, hàng trăm BSNT có học hàm GS, PGS; giữ các vị trí chủ chốt của ngành y tế và các khoa, bộ môn thuộc các BV… và có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm đã diễn ra buổi giao lưu giữa thế hệ thầy, cô giáo, bác sĩ nội trú qua các thời kỳ như: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; GS.TS. Đặng Hành Đệ; GS.TS. Phạm Gia Khải; GS.TS. Nguyễn Lân Việt, nguyên Hiệu trưởng Trưởng ĐH Y Hà Nội với các học viên là BSNTđang được đạo tạo tại Trường. Tại Buổi giao lưu, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn, thách thức, đồng thời kiến nghị giải pháp nâng cao, phát triển mô hình đào tạo BSNT trong thời gian tới. Với hiệu quả của hệ đào tạo này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sẽ mở rộng đào tạo BSNT, tăng cường đào tạo về lâm sàng để bác sĩ ra trường có thể ngay lập tức làm việc độc lập.
Sáng cùng ngày, tại trường ĐH Y Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Đức Hinh và các quan khách đã cắt băng khánh thành và đưa vào sử dụng công trình tòa nh;à ký túc xá ĐH Y Hà Nội. Khu ký túc xá ĐH Y Hà Nội có diện tích sàn là 25.500m2, gồm 15 tầng và 1 tầng hầm, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho 2.112 học viên, sinh viên. Tại mỗi tầng có khu vực sinh hoạt chung phục vụ cho các hoạt động tập thể của sinh viên. Ký túc xá trường ĐH Y Hà Nội được xây dựng với tổng kinh phí đầu tư trên 223 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển ngân sách nhà nước cấp là 100 tỷ đồng. (Sức khỏe & Đời sống, Thanh niên trang 4)
KỲ 1: Ác mộng "tế bào gốc": Hy vọng thành ác mộng
Ngày 14 và 15.10 vừa qua, báo Lao Động đã đăng loạt bài điều tra “Phòng khám Đa khoa Bác Ái: Làm tiền trên nỗi đau của người bệnh”. Chúng tôi tiếp tục gửi đến bạn đọc những cơn ác mộng của 3 bệnh nhân trong cùng một gia đình, khi được Phòng khám Đa khoa (PKĐK) Bác Ái (Cty TNHH Trung tâm Y khoa quốc tế Bác Ái, số 601B Cách Mạng Tháng Tám, phường 15, quận 10, TPHCM) nhận chữa bệnh bằng phương pháp “cấy tế bào gốc”, với giá hàng trăm triệu đồng, mà bệnh vẫn không hết...
Ba bệnh nhân gồm Dương Minh Đức, Bạch Thế Dũng và Dương Thị Thanh Hương. Cùng nỗi đau bệnh tật hành hạ, giờ đây họ gánh thêm thương tổn tinh thần do “mắc quả lừa” tinh vi của những cá nhân tại PKĐK Bác Ái. Chúng tôi xin trích đăng gần như nguyên văn nhật ký của bệnh nhân Bạch Thế Dũng (65 tuổi), về hành trình từ Hà Nội vào TPHCM chữa bệnh, qua đó thấy được nỗi xót xa của bệnh nhân trót tin vào cách chữa bệnh “cấy tế bào gốc” của PKĐK Bác Ái.
Vì tin ông bác sĩ tây
Mở đầu những dòng nhật ký, ông Dũng viết: “Nghe tin cậu Đức (tức Dương Minh Đức - em vợ ông Dũng), bị tai biến mạch máu não, nay đã khỏe hơn, nhờ phương pháp “cấy tế bào gốc” tại PK Bác Ái, mình liên hệ với bác sĩ Kiều, chồng là Ciro (người Italia), biết chi phí là 120 triệu đồng. Kiểm tra sổ tiết kiệm, thấy đủ tiền, vậy là lên đường vào TPHCM… Bà xã (tức bà Dương Thị Thanh Hương, vợ ông Dũng, chị ruột anh Đức) đi theo để theo dõi, mình rủ chữa bệnh luôn. Thế là thêm 100 triệu đồng nữa…”. Vào TPHCM tá túc tại nhà một người bạn, sau đó một ngày, vợ chồng ông Dũng được 2 nhân viên của phòng khám đến tận nơi chở đi chữa bệnh. Ngay từ đầu, theo ông Dũng: “Mình thắc mắc tại sao chữa bệnh, đóng cả trăm triệu đồng mà Phòng khám Bác Ái không làm hợp đồng, không nói rõ chữa bệnh gì, trách nhiệm mỗi bên như thế nào…?”. Tuy nhiên, bà Nguyễn Cao Diễm Kiều - Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Trung tâm Y khoa quốc tế Bác Ái, đã giải thích rằng, ngay ở nước ngoài cũng không có hợp đồng, chỉ có hóa đơn chi tiêu thôi (?!). Ông Dũng viết: “Mình cố tin tưởng ông bác sĩ Ciro Gargiulo. Ngày đầu tiên ông ấy trị mụn ở lưng, ông ấy nặn bắn vọt cả mủ lên tường. Ông thở phì phò, luôn miệng hỏi đau không? Vợ thì trị chứng mất ngủ, bây giờ ngủ được, thậm chí đã ngủ trưa được rồi. Riêng mình, không thấy tiến triển gì cả, vẫn đau khớp, vẫn mất ngủ. Nhưng cứ phải hy vọng thôi…”.
Ngày 29.4: “Hôm nay bác sĩ bắt đầu lấy máu (độ 40cc) để làm tế bào gốc. Ông Ciro tiêm 4 mũi vào 2 khớp (chân trái và chân phải). Y tá tiêm 2 mũi vào 2 mông và 1 mũi vào bắp tay. Đau quá nhưng cũng phải chịu, mình đã từng nằm viện rồi nên cũng quen; đâm kim tiêm vào ven lấy máu là chuyện thường. Kỳ tới làm vào thứ bảy, lại tiêm gối, tiêm mông, tiêm tay, truyền dịch. Ông Ciro bảo kỳ sau còn đau hơn. Thôi thì cái chết còn chẳng sợ nữa là. Cố mà chịu đựng vậy, nghĩ đau khớp khổ quá, tập đi bộ cũng không xong. Bà xã, trình tự cũng tương tự, cũng 2 ngày đến truyền dịch và tiêm vitamin D, nhưng không phải tiêm bắp tay, còn được ưu tiên thở oxy nữa. Hôm nay mình cũng được thở oxy vì kêu mệt quá. Ông Ciro người Italia, nhưng nói tiếng Anh thành thạo, nên mình cũng trao đổi được chút ít… Từ thứ bảy trở đi, mình thường xuyên 2 ngày 1 lần lấy máu để chiết xuất tế bào gốc. Thế mới biết sức khỏe là quan trọng, lúc trẻ phải giữ gìn, tập tành thường xuyên, không thì về già khổ”.
Điệp khúc “truyền dịch, lấy máu…”
Ngày 2.5: “Lại truyền dung dịch bổ não, lấy máu để làm tế bào gốc. Xong, ông Ciro châm cứu chân, quanh đầu gối chừng 20 kim, quanh đầu chừng 10 kim, tay phải chừng 5 kim, ông ta châm xong, lại còn xoay xoay… Đau chết người. Hy vọng kết quả tốt”. Ngày 4.5: “Buổi sáng đến phòng khám, chỉ gặp bà Kiều; sau đó không thấy bà Kiều. Hỏi ông Ciro ở đâu, mới biết ông đi giảng dạy ở trường đại học. Các y tá chỉ truyền 2 chai bổ não, lấy máu để làm tế bào gốc và tiêm dưới da trên đầu để trị bệnh vẩy nến”.
Ngày 5.5: “Ông Ciro thay băng lưng, châm cứu tay, chân, đầu, tiêm vào 2 khớp gối. Nghe cô Quân nói là tiêm khớp tốt lắm, khỏi chừng 10 năm, mỗi lần tiêm mất mấy chục triệu đồng. Lại điệp khúc truyền dịch, lấy máu, đo huyết áp, nhịp tim… Được cái huyết áp mình liên tục đều tốt toàn 120/80, 110/70 và 100/60. Mình hỏi ông Ciro ngày mai nghỉ chứ? Ông ấy nói “tất nhiên rồi”. Ông ấy chạy đi trao đổi với bà Kiều. Khi về, bà Kiều còn cho ít chè thảo dược. Thế là thành công rồi, chữa bệnh phải có lộ trình, cách 1 ngày đi chữa 1 lần, không chữa làm sao được?”. Sau đó là các ngày 7, 9, 11 và 13.5: Nhật ký của ông Dũng ghi rất rõ: “Lại điệp khúc lấy máu, truyền dịch; kế đó, ông Ciro châm cứu, tiêm đầu gối, thoa gel giảm đau của Italia...”. Các y tá bắt đầu truyền máu tế bào gốc, sau khi truyền dịch v.v… Các y tá nói với ông Dũng: “Việc gì phải đi Singapore điều trị, tốn kém mà hiệu quả chưa chắc hơn PKĐK Bác Ái”.
Ngày 15.5: “Lại truyền dịch (nhưng giờ chỉ truyền nước muối thôi), lấy máu, châm cứu chân, tay, đầu, tiêm tế bào gốc. Hôm nay, Ciro tiêm gối đau quá, về nhà đau hơn, đi khập khiễng, thứ bảy định đi chợ Bến Thành, đành hoãn tuần sau đi vậy. Hằng ngày đi bơi gần nhà, mua vé tháng, mang tiếng là đi bơi nhưng thực tế là ôm phao khua khoắng một lúc cho khớp co dãn, gọi là tập thể dục độ khoảng 1 giờ. Nhiều lúc, nghĩ chán đời, tuổi già không mắc bệnh này thì mắc bệnh khác, bi quan quá, muốn chết quách cho xong. Song, nghĩ lại thấy tiếc cuộc sống lại cố sống lay lắt để chứng kiến con cháu trưởng thành, xã hội xoay vần đến đâu… Lại hết ngày dài đến đêm thâu. Thôi cố sống vậy, đời người chỉ có một lần, đã cống hiến cả đời rồi, bây giờ hưởng tí tuổi già cùng con cháu. Chỉ chán là bệnh tật khiến sống cũng không thoải mái”. Ngày 18.5: “Lại truyền dịch, lấy máu. Hôm nay, y tá Yến loay hoay lấy máu thế nào, máu trôi qua khuỷu tay ướt đầm cả đệm dưới tay, xót ruột quá. Ăn ít lại chảy máu nhiều, bao giờ mới lấy lại số máu? Ông Ciro lại châm cứu chân, tay, đầu. Kết thúc là tiêm tế bào vào khớp của 2 gối. Nghiến răng chịu đau. Y tá Hội đi lấy máu xử lý tế bào về muộn quá, mình nằm chờ, vô hết cả chai dịch truyền mà vẫn chưa về. Mình phải bảo y tá hãm truyền dịch, để chờ máu tế bào gốc. Mãi gần 4h30 mới về, ê ẩm cả người”.
Ngày 20.5: “Lại truyền dịch, lấy máu. Y tá Yến vội vã xin lỗi, vì hôm qua đã làm mất nhiều máu. Nghe nói ở đây có y tá giỏi là cô Cam, cô Lan, cô Yến. Hôm nay, thấy cô Cam lấy máu cho đã mừng. Cô loay hoay chọc ven cánh tay phải để truyền dịch, nhưng dịch không chảy, lại rút ra chọc cổ tay phải. Đúng là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa… Hôm nay, ông Ciro tiêm 1 mũi vào đầu gối; mình hỏi, ông ấy giải thích tiêm thuốc hỗ trợ tế bào gốc. Ông Ciro châm cứu tay, chân, đầu, tiêm tế bào gốc vào đầu gối, các cháu y tá tiêm tế bào gốc qua đường truyền dịch. Ông Ciro nói lần sau lại tiêm như thế này. Lúc đứng lên đi lại, mình thấy đau hơn mọi khi”.
Ngày 22.5: “Lại điệp khúc truyền dịch, lấy máu. Y tá Yến lại xin lỗi, vì hôm trước làm mất máu, “lần này cháu sẽ cẩn thận hơn”. Cô Ngà đến xem Ciro truyền tế bào gốc và đề nghị bác sĩ Ciro cho châm cứu anh chị Dũng - Hương. Ciro đồng ý ngay. Châm cứu chân, tay, đầu độ nửa giờ. Sau cùng, Ciro tiêm tế bào vào đầu gối, phạm vi rộng hơn, tiêm độ 6 mũi vào đầu gối trái, 4 mũi vào đầu gối phải. Lúc về đến nhà thì chân đau quá, xuống nhà phải cố gắng lắm mới được. Thế là sáng 23.5, không đi bơi được rồi. Đến ngày thứ hai (25.5), phải ra Ngân hàng Bắc Á để chuyển khoản 110 triệu đồng cho PK Bác Ái. Đang lo chuyển hết tiền rồi mà bệnh không khỏi thì giải quyết sao đây? Mà không chuyển cho họ cũng không xong, vì điều trị đang trong liệu trình… Đâm lao phải theo lao, vậy thôi!”. (Lao động trang 7)
Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo(Bộ Y tế) đón nhận Huân chươngLao động Hạng Nhì
Ngày 25/3/2014, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế tổ chức Lễ Kỷ niệm 15 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Tham dự buổi lễ có PGS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện các Bộ Công an, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; đại diện một số cục, vụ, viện thuộc Bộ Y tế; đại diện các Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm; đại diện các Sở Y tế; cán bộ, viên chức tiền nhiệm và đương nhiệm Cục An toàn thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm tiền thân là Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được thành lập theo Quyết định số 14/1999/QĐ-TTg ngày 04/2/1999 của Thủ tướng Chính phủ với chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Từ một đơn vị nhỏ bé lúc mới thành lập với hơn 30 cán bộ, Cục An toàn thực phẩm đã lớn mạnh và phát triển được mạng lưới quản lý an toàn thực phẩm ở 63 tỉnh, thành phố. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật luôn được chú trọng. Cục tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ về an toàn thực phẩm. Công tác thông tin giáo dục truyền thông được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đã góp phần nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm của toàn xã hội. Công tác thanh tra, kiểm tra được duy trì thường xuyên giúp ngăn chặn và xử lý nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm. Công tác kiểm nghiệm được đầu tư và nâng cấp giúp giám sát nguy cơ, phát hiện nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm hiệu quả hơn. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đã được tăng cường, tranh thủ được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như WHO, FAO…
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Nguyễn Viết Tiến thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế biểu dương những kết quả mà Cục An toàn thực phẩm đã đạt được trong 15 năm qua. Tuy mới được thành lập 15 năm nhưng Cục An toàn thực phẩm đã phát triển lớn mạnh, đóng góp tích cực vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Thứ trưởng chỉ đạo Cục An toàn thực phẩm trong thời gian tới cần chú trọng bồi dưỡng năng lực cán bộ làm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; truyền thông giáo dục phải đúng đối tượng với nhiều hình thức; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn để làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhân dịp này, Cục An toàn thực phẩm đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước trao tặng. (Sức khỏe & Đời sống trang 2)
Đầu tư 121 triệu USD đào tạo nhân lực y tế
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt dự án “Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” với tổng kinh phí thực hiện là 121 triệu USD với vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB).
Dự án nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực y tế, quản lý y tế và tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu và thực hiện các chiến lược chính sách quốc gia về phát triển hệ thống y tế đạt mục tiêu Thiên niên kỷ và xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, dự án sẽ tập trung vào việc cải thiện toàn diện chất lượng giáo dục nhân lực y tế thông qua đổi mới tiếp cận dạy và học dựa trên năng lực và cải thiện hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục.
Dự án cũng chú trọng đến việc nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực y tế, tăng cường, luân phiên cán bộ y tế có trình độ công tác ở vùng khó khăn.
Nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực y tế làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu góp phần vào việc đạt chuẩn quốc gia của các trạm y tế xã; đóng góp vào chương trình nông thôn mới các trạm y tế đạt chuẩn quốc gia và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Dự án gồm bốn hợp phần: Cải thiện hệ thống chất lượng giáo dục nhân lực y tế bậc đại học, cao đẳng thông qua đổi mới tiếp cận dạy và học dựa trên năng lực và cải thiện hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục (63 triệu USD); Nâng cao năng lực quản lý y tế và quản lý sử dụng nhân lực y tế (12 triệu USD); Nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe ban đầu thông qua đào tạo, bổ sung các điều kiện cần thiết cho đội ngũ cán bộ y tế huyện và xã (41 triệu USD); Quản lý dự án (5 triệu USD).
Thời gian thực hiện dự án được tiến hành từ năm 2014 đến 2019. (Nhân dân, Sức khỏe & Đời sống trang 2)