Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Đưa dược liệu “sạch” vào bệnh viện

  • |
(ND) - Hằng năm có khoảng 60 nghìn tấn dược liệu nhập khẩu được dùng để làm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, gia vị… Phần lớn trong số đó không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Một chiến dịch làm “sạch” thị trường dược liệu của Bộ Y tế đang bắt đầu khởi động với mục tiêu người sử dụng thuốc y học cổ truyền được dùng thuốc bảo đảm chất lượng, thúc đẩy phát triển dược liệu trong nước và trả lại uy tín cho ngành y học cổ truyền.
Kiểm tra của Bộ Y tế kiểm tra tại một đơn vị kinh doanh dược liệu

Mới chỉ “kiểm soát” phần ngọn

Năm 2012, dư luận quan tâm trước kết quả kiểm tra của Cục Quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế) khi có đến60% số mẫu trong số 400 mẫu dược liệu kiểm tra tại 70 cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nướckhông bảođảm chất lượng. Dược liệu bị làm giả, bị nhuộm mầu, dùng sai loài và trộn tạp chất. Cục Quản lý Y Dược cổ truyền đã ban hành công văn yêu cầu các bệnh viện sử dụng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền khẩn trương kiểm tra chất lượng dược liệu, nếu đạt mới cho sử dụng; đồng thời khuyến cáo khoảng 25 vị thuốc y học cổ truyền, trong đó tập trung nhất là năm vị thuốc dễ bị làm giả là Thăng ma, Ý dĩ, Hoàng kỳ, Hoài sơn, Thiên ma. Tưởng rằng việc ra quân kiểm tra sẽ chấn chỉnh được thực trạng nhưng dược liệu “rác” vẫn được ồ ạt nhập khẩu về sử dụng. Tại một cuộc hội thảo mới đây, lãnh đạo Cục Quản lý Y Dược cổ truyền thẳng thắn nêu thực trạng: Tình hình chất lượng dược liệu hiện nay rất nghiêm trọng, tiếp tục phát hiện thêm nhiều loại dược liệu kém chất lượng đang lưu hành trên thị trường. Qua kiểm tra thị trường dược liệu tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cho thấy, dược liệu trước khi nhập về đã bị rút hoạt chất đến khô ráp, xơ xác khá phổ biến. Lợi nhuận từ dược liệu giả tăng hàng chục lần, đồng nghĩa việc dược liệu không có tác dụng chữa bệnh, thậm chí, có thể gây hại tới sức khỏe của người bệnh. Sở dĩ nhiều năm nay không chặn được dược liệu kém chất lượng bởi cơ quan quản lý mới chỉ kiểm soát “phần ngọn” ở khâu sử dụng tại các đơn vị, mà chưa kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ và chất lượng ngay từ khâu nhập khẩu. Lỗ hổng về mặt pháp luật là Thông tư 38/2013/TT- BYT của Bộ Y tế không yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu phải xuất trình phiếu kiểm nghiệm tiêu chuẩn chất lượng khi làm thủ tục thông quan, cán bộ hải quan cũng không có chuyên môn để đánh giá chất lượng dược liệu. Dược liệu chỉ bị kiểm kê số lượng, chủng loại, trọng lượng cho nên dược liệu kém chất lượng được nhập khẩu về làm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, gia vị.

Trước thực trạng cấp bách nêu trên, ngày 24-7, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền đã ban hành Văn bản số 193 nâng cao chất lượng quản lý dược liệu, chặn dược liệu “rác” xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Theo đó, các đơn vị khi nhập khẩu, thông quan dược liệu phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp và phiếu kiểm nghiệm đối với từng lô dược liệu. Tại các bệnh viện khi kiểm nhập dược liệu vào kho cũng phải đủ ba loại giấy tờ nêu trên. Đây là bước siết chặt quản lý của Bộ Y tế đối với thị trường dược liệu vốn đã đến mức báo động. TS Trần Thị Hồng Phương, Phó Cục trưởng Quản lý Y Dược cổ truyền cho biết, việc tăng cường kiểm soát chất lượng dược liệu lần này là triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, về việc phải tìm mọi cách ngăn chặn dược liệu “rác”, tìm nguồn dược liệu “sạch” thay thế nguồn dược liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Việc thực hiện nghiêm các quy định về dược liệu nhập khẩu bảo đảm chất lượng và có nguồn gốc rõ ràng sẽ tạo thuận lợi, tiết kiệm cho chính doanh nghiệp và bệnh viện, khi không phải kiểm định dược liệu khi nhập về, chỉ các mẫu có nghi ngờ mới tiến hành kiểm định.

Cấm nhập dược liệu “rác”

Ngay sau khi quy định này được ban hành, một số đơn vị kinh doanh dược liệu đã hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện đưa nguồn dược liệu "sạch” vào Việt Nam. Đại diện Công ty cổ phần Dược Sơn Lâm, một trong những đơn vị đầu tiên cung ứng dược liệu bảo đảm chất lượng cho biết, các đơn vị buộc phải tìm nguồn dược liệu chuẩn. Tuy nhiên, việc này không khó do thị trường dược liệu Trung Quốc đã phân rõ hai loại: Loại không đủ tiêu chuẩn chất lượng làm thuốc (thường là nông sản hoặc dược liệu đã bị chiết một phần hoạt chất) và loại đạt tiêu chuẩn chất lượng làm thuốc. Các dược liệu đã được kiểm định chất lượng từ nước xuất khẩu và có xuất xứ, cho nên khi về Việt Nam, doanh nghiệp không phải mất chi phí kiểm định lại và yên tâm về chất lượng. Một số bệnh viện như Y học cổ truyền Bộ Công an, Y học cổ truyền Thái Nguyên, Y học cổ truyền Hà Đông, Y học cổ truyền quân đội đã tiên phong sử dụng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền bảo đảm chất lượng một vài tháng qua. Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông Vũ Văn Hoàng cho biết, thực hiện quy định của Bộ Y tế, bệnh viện đã sử dụng hơn 100 vị thuốc bảo đảm chất lượng. Nếu thầy thuốc giỏi mà không có thuốc tốt thì cũng không đem lại hiệu quả trong điều trị. Do đó, việc sử dụng dược liệu có nguồn gốc rõ ràng chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả chữa bệnh. Bệnh viện Y học cổ truyền quân đội cho biết, bệnh viện đã sử dụng hơn 50 vị thuốc có nguồn gốc và được kiểm định chất lượng. Khi năng lực kiểm định của bệnh viện có hạn và chủ yếu kiểm tra chất lượng dược liệu bằng cảm quan, thì nguồn dược liệu được quản lý tốt theo quy định mới khiến bệnh viện yên tâm khi sử dụng. Hiện tại, các bệnh viện trên cả nước bắt đầu đấu thầu dược liệu bảo đảm chất lượng theo quy định mới để sử dụng từ năm 2016. Bộ Y tế cũng thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện quy định mới. Cơ quan hải quan cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế thực hiện tốt việc kiểm soát chất lượng dược liệu từ cửa khẩu và ngay trong tháng 10 đã kiên quyết không cho thông quan những lô hàng chưa bảo đảm tiêu chuẩn. Theo Bộ Y tế, việc cấm nhập khẩu dược liệu “rác” sẽ chặn được tình trạng doanh nghiệp “lách luật” quay vòng một phiếu kiểm nghiệm cho nhiều lô dược liệu khi đưa vào bệnh viện. Tình trạng quay vòng phiếu kiểm nghiệm cộng với năng lực kiểm tra hạn chế của cán bộ dược tại các bệnh viện là nguyên nhân khiến dược liệu không bảo đảm chất lượng. Ngoài ra, dược liệu được kiểm nghiệm trước khi nhập về sẽ giảm áp lực cho các trung tâm kiểm nghiệm các tỉnh, thành phố, khi năng lực chỉ kiểm soát được khoảng 20 - 25% danh mục dược liệu sử dụng hiện nay.Với việc cấm nhập dược liệu “rác”, có thể tin tưởng rằng, từ năm 2016, người sử dụng thuốc y học cổ truyền có cơ hội dùng thuốc bảo đảm chất lượng thay vì dùng thuốc kém chất lượng như lâu nay. Đó là quyền lợi của người bệnh, nhất là những người có thẻ BHYT. Tuy nhiên, đi đôi với sự tăng cường quản lý, một số đơn vị kinh doanh và bệnh viện cho rằng, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần có sự điều chỉnh giá dược liệu thanh toán theo BHYT đối với dược liệu “sạch”, nhằm bảo đảm quyền lợi cho các đơn vị cung ứng, bảo đảm đủ nguồn hàng cho các bệnh viện. Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tránh việc trà trộn dược liệu “rác” vào dược liệu sạch.

Theo Nhân dân

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang