Trong lịch sử nhân loại, Nhân dân là lực lượng cơ bản của mọi cuộc các mạng xã hội. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, tư tưởng “Dân là gốc” - tư tưởng tiến bộ bậc nhất của Nho giáo đã được ông cha ta tiếp thu, sáng tạo phù hợp với bản sắc dân tộc. Trần Hưng Đạo phút lâm chung đã dặn dò Đức vua Trần Anh Tông những lời tâm huyết “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước” . Nguyễn Trãi, qua thực tiễn mười năm phò tá Lê Lợi kháng chiến chống giặc Minh, đã đúc kết một chân lý “Chở thuyền là dân; lật thuyền cũng là dân”, “Lật thuyền mới biết dân như nước” …
Trong thời đại Hồ Chí Minh, Bác Hồ đã diễn giải một cách giản dị, gần gũi về tầm quan trọng của tư tưởng “Dân là gốc” và về sức mạnh của Nhân dân: “Trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân, trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân” . Đặc biệt, bằng bài báo “Dân vận” với chỉ hơn 600 từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu, khẳng định tầm quan trọng của công tác dân đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, đồng thời phân tích rất cụ thể những vấn đề lớn của công tác dân vận, nội dung bài báo đã trở thành “Kim chỉ nam” cho cán bộ làm công tác dân vận.
Tư tưởng “Dân là gốc” đã được Đảng ta thấm nhuần và trở thành tư tưởng của Đảng trong suốt quá trình phát triển, từ khi thành lập tới nay. Đảng luôn coi công tác Dân vận có vai trò quan trọng đặc biệt, vừa là nội dung, nhiệm vụ, vừa là phương thức không thể thiếu đối với sự Lãnh đạo của Đảng. Điều này đã được khẳng định tại Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
Nghị quyết số 25-NQ/TW thể hiện tập trung, đầy đủ nhất các quan điểm của Đảng trong giai đoạn hiện nay, đó là: (1) Cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; Nhân dân là chủ, Nhân dân làm chủ; (2) Động lực thúc đẩy phong trào Nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của Nhân dân, kết hợp hài hòa các lợi ích, quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân, chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân, huy động sức dân phải đi đôi bồi dưỡng sức dân, những gì có lợi cho dân hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh; (3) Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu để Nhân dân tin tưởng noi theo; (4) Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể Nhân dân, cán bộ, chiến sỹ, lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt.
Vậy để huy động sự tham gia đông đảo của Nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của kẻ thù thì Đảng ta cần phải tuyên truyền cho dân, gương mẫu trước dân và quan tâm giải quyết lợi ích của dân (theo Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Thứ nhất là tuyên truyền cho dân, tức là làm cho dân biết, dân hiểu, dân tin, dân làm theo. Trong quan niệm của mình về dân vận, Hồ Chí Minh yêu cầu người làm dân vận phải giải thích cho quần chúng Nhân dân hiểu được việc Đảng, đoàn thể vận động họ làm là có lợi cho họ và là nhiệm vụ của họ, họ phải hăng say thực hiện. Mục đích của những người Cộng sản chân chính vận động Nhân dân làm Cách mạng là nhằm mang lại lợi ích cho Nhân dân. Xong, để Nhân dân có thể một lòng đi theo Đảng, khi mà những lợi ích đối với họ không những chưa có ngay trước mắt mà còn phải đương đầu với gian khổ, hy sinh thì cần phải tuyên truyền, giải thích để Nhân dân hiểu, thấy được lợi ích lâu dài của sự hy sinh, gian khổ khi làm cách mạng mà dấn thân làm theo. Hiểu và thấy được lợi ích chính đáng mà họ được hưởng thụ khi cách mạng thành công thì chắc chắn họ sẽ một lòng theo Đảng, xả thân vì sự nghiệp của họ, do họ và vì họ. Thực tế Cách mạng nước ta hơn 90 năm qua dưới ngọn cờ của Đảng đã minh chứng, một khi đường lối đúng, dân vận khéo, cán bộ tận tụy, trong sáng, vì dân, vì nước nêu gương thì Nhân dân một lòng một dạ theo Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai là gương mẫu trước dân. Theo Người “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”. Khi nói về Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là của giai cấp công nhân, vừa là của Nhân dân lao động và của cả dân tộc. Muốn vận động được Nhân dân, cả dân tộc, Đảng phải: vừa là đạo đức, vừa là văn minh; Đảng Cộng sản phải tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại; Đảng phải thực sự đoàn kết nhất trí; được Nhân dân thừa nhận. Muốn dân vận có kết quả tốt, bên cạnh nội dung và phương pháp tuyên truyền, vận động thì đòi hỏi đạo đức, năng lực của mỗi đảng viên, cán bộ. Cán bộ, đảng viên phải làm gương trong sáng, không vun vén riêng cho mình, coi lợi ích cho dân là lợi ích cho mình, sống được dân yêu thương, quý trọng; phải xứng đáng tiên phong trong mọi công việc, giải quyết tốt những vấn đề thuộc về trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên. Nếu Nhân dân trọng đức, nể tài của đảng viên, cán bộ thì đó sẽ là nguyên nhân căn bản làm nên thành công của công tác dân vận.
Thứ ba là quan tâm và giải quyết lợi ích của dân. Công tác dân vận phải gắn liền với việc quan tâm và giải quyết lợi ích của Nhân dân “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Trong quá trình quản lý, vận hành hệ thống chính trị, các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nói chung, thường xuyên tiếp xúc và giải quyết công việc của Nhân dân. Cách thức làm việc của cơ quan, tác phong, thái độ công tác, giao tiếp với công dân của cán bộ, đảng viên, công chức cơ quan nhà nước có ảnh hưởng quyết định đến niềm tin và thái độ của Nhân dân; do vậy khi thực thi nhiệm vụ được giao, các tổ chức và cá nhân cần quan tâm đến lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Với cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan trung ương, cần chú trọng việc tham mưu chủ trương, chính sách hợp lòng dân. Cán bộ, công chức, người lao động các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương thực hiện tác phong, thái độ chuẩn mực trong giao tiếp với Nhân dân, tận tình hướng dẫn và giải đáp các thắc mắc cũng như giải quyết thấu đáo các nhu cầu của Nhân dân khi người dân đến làm việc.
Làm được như vậy sẽ tạo lòng tin trong Nhân dân, tự Nhân dân sẽ tạo nên sức mạnh đoàn kết xung quanh Đảng để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và hết long bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ đất nước./.
Người dự thi: Bùi Thị Minh Thư