Ngành Y tế đã nghiên cứu thành công một số vắc xin mới, vắc xin thế hệ mới như: vắc xin rotavin, vắc xin rubella- sởi, vắc xin thương hàn vi cộng hợp. Đến nay, Việt Nam đã có 4 nhà máy sản xuất vắc xin đạt tiêu chuẩn quốc tế với trang thiết bị máy móc và công nghệ hiện đại sánh ngang với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cả 4 nhà máy đều có năng lực sản xuất vắc xin đủ để cung cấp cho Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia, với 11 loại vắc xin “made in Việt Nam” đạt chuẩn quốc tế được dùng tiêm chủng miễn phí cho phụ nữ và trẻ em. Việc phát triển cả về số lượng và chất lượng vắc xin nội đã cho thấy ngành Y tế nói chung và nền y học dự phòng Việt Nam nói riêng đã có những bước phát triển vượt bậc. Sản phẩm vắc xin phòng bệnh cho người và vật nuôi của Việt Nam đã được Bộ Khoa học và Công nghệ chọn làm 1 trong 6 sản phẩm chính thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 của Chính phủ. Với Chương trình này, vắc xin Việt Nam có cơ hội lớn để phát triển và vươn xa hơn nữa, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, phát triển thể chất người Việt, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Và hơn cả,vắc xin nước ta hoàn toàn có thể được xuất khẩu đến các nước khác trên thế giới.
Bên cạnh sản xuất vắc xin, Việt Nam đã làm chủ các công nghệ sinh học phát hiện nhanh, chính xác các tác nhân gây dịch như cúm A/H7N9, Ebola. Nhiều bệnh viện đã làm chủ công nghệ ghép đa tạng, bên cạnh các kỹ thuật thường quy về ghép tim, ghép gan, ghép thận, ghép tủy, ghép giác mạc… Năm 2015 thực hiện thành công ghép đa tạng (thận- tụy), 7 bệnh nhân được ghép gan, thận, khối tim- phổi, giác mạc từ một ca chết não hiến tạng. Các bác sỹ làm chủ và chuyển giao nhiều kỹ thuật nội soi can thiệp cho các nước như: nội soi can thiệp trong bệnh mạch não, bệnh tim mạch, bệnh gan mật, bệnh lý cột sống, nội tiết, nhi khoa…
Trong lĩnh vực dược liệu, các cán bộ y tế đã nghiên cứu phục vụ bảo tồn, khai thác bền vững nguồn gen dược liệu quý hiếm với gần 4.000 loại, khai thác lợi thế dược liệu, sản xuất thuốc từ dược liệu có hiệu quả điều trị cao thay thế thuốc nhập khẩu, bước đầu đạt giá trị cao với trên 300 loại dược liệu thường dùng để sản xuất thuốc, trong đó có 50 dược liệu được sử dụng nhiều và thường xuyên nhất. Nhiều dược liệu có thể tự túc trong nước như: Actiso (2.000 tấn/năm), Đinh Lăng (600- 900 tấn/năm), Hy thiêm, Ích mẫu, Trần bì, Húng chanh, Thảo quyết minh, Hương phụ, Nhân trần, Chè dây, Giảo cổ lam, Trinh nữ hoàng cung (trên 100 tấn/năm)… Doanh thu sản xuất thuốc từ dược liệu, ước tính năm 2015 đạt giá trị trên 6.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Viện Dược liệu- Bộ Y tế trong thời gian qua đã đẩy mạnh nghiên cứu khoa học làm sáng tỏ về thành phần hóa học, tác dụng của nhiều cây thuốc làm cơ sở nghiên cứu phát triển tạo sản phẩm. Nhiều quy trình công nghệ chiết suất, làm giàu hoạt chất, nâng cao hiệu quả chiết suất đã được nghiên cứu. Các quy trình công nghệ sản xuất một số sản phẩm tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp. Tiêu chuẩn hóa nguyên liệu, bán thành phẩm và thành phẩm được quan tâm để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đa dạng hóa các dạng bào chế sức sống cho sản phẩm và đáp ứng yêu cầu của thị trường. Nhiều sản phẩm, thực phẩm chức năng và dược liệu do Viện sản xuất đã được thị trường đón nhận, góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân như: viên ngậm sâm Việt Nam, thuốc nhỏ mũi Agherinin, thuốc chữa viêm gan Abivina, Angobin, Somanimm, Bidentin, Sotinin, Thập vị bổ, Cốm bổ trẻ em, Cốm trẻ Việt, Chà linh chi, trà mướp đắng, trà diệp hạ châu, trà hà thủ ô, trà lạc tâm an. Hiện tại 5 thuốc của Viện đã được đưa vào danh mục bảo hiểm y tế: Angobin Somanimm, Abivina, Agerhinin, Cốm trẻ Việt. Viện Dược liệu phấn đấu đến năm 2020 đáp ứng được 60% và đến năm 2030 là 80% tổng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước, cung ứng được 60% vào năm 2020 và đến năm 2030 là 80% giống dược liệu sạch bệnh, có năng suất, chất lượng cao.
Với việc chủ động đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng thành công các thành tựu, công nghệ mới, ngành Y tế nước ta đã và đang thực hiện tốt hơn sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bài, ảnh: Quang Nguyễn