Bệnh dại là nguyên nhân của khoảng 59.000 ca tử vong ở người mỗi năm ở hơn 100 quốc gia trên thế giới, chủ yếu ở khu vực có sự hạn chế tiếp cận dịch vụ y tế và thú y tại Châu Phi và Châu Á. Khoảng 99% các trường hợp bệnh dại ở người là do bị lây truyền bệnh từ chó nhà qua vết cắn hoặc vết trầy xước. Tại Việt Nam, bệnh Dại ở người đã giảm từ hơn 400 trường hợp vào năm 1992 xuống dưới 100 trường hợp kể từ năm 2016.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược loại trừ bệnh Dại khu vực ASEAN và các hoạt động phòng chống Dại cần ưu tiên của khu vực ASEAN và xây dựng lộ trình của khu vực phù hợp với mục tiêu loại trừ Dại trên toàn cầu trong thời gian tới cũng như xác định nhu cầu hỗ trợ của khu vực và từng quốc gia để đạt được mục tiêu đề ra.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có nguy cơ tử vong và 91% xảy ra tại Châu Á và Châu Phi. Tại Việt Nam, với sự phối hợp đa ngành cùng sự tham gia của chính quyền các cấp, ngành Y tế, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn chủ động trong việc xử lý vùng dịch, tiêm phòng vắc xin phòng dại đặc biệt cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, bệnh Dại vẫn là thách thức, trong đó khu vực ASEAN còn tỷ lệ bệnh Dại cao và những nước trong khu vực vẫn chưa giảm được tỷ lệ tử vong do bệnh Dại một cách ổn định. Tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó ở nhiều nơi, nhiều khu vực vẫn còn thấp, đặc biệt việc tiếp cận vắc xin phòng dại tại khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Để khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại ở người tại khu vực ASEAN vào năm 2020, cần có sự phối hợp chặt chẽ, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước để công tác phòng chống bệnh dại được triển khai một cách toàn diện, liên tục, bền vững. Thứ trưởng Trương Quốc Cường tin tưởng các mục tiêu phòng chống bệnh dại với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế sẽ sớm đạt được trong thời gian tới góp phần giảm tỷ lệ tử vong do bệnh Dại gây ra.
Theo TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Việt Nam là quốc gia tiên phong trong công tác phòng chống và kiểm soát bệnh dại, là đầu mối khu vực ASEAN trong việc xây dựng chiến lược loại trừ bệnh Dại trong khu vực và cũng là thành viên tích cực trong việc tăng cường cơ chế hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN thông qua các hội nghị quốc tế.
“Để các chương trình kiểm soát bệnh Dại thành công đòi hỏi một phương pháp tiếp cận và hợp tác đa ngành, Một sức khỏe. Cần có sự tham gia của cộng đồng, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng và tăng cường sự tiếp cận với các dịch vụ y tế và thú y, bao gồm tiêm chủng cho chó và tiêm chủng dự phòng sau phơi nhiễm ở người. Chúng tôi đánh giá cao sự cam kết mạnh mẽ của các nước thành viên ASEAN trong việc cùng nhau thực hiện hành động chống bệnh dại. Sáng kiến khu vực này, cùng các nỗ lực của từng quốc gia, phản ánh rằng chúng ta thực sự là “Liên minh phòng chống bệnh dại””, Tiến sỹ Albert Lieberg, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, Tiến sỹ Romello Abila, Đại diện OIE tiểu vùng Đông Nam Á và Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu.
Các đại biểu của Hội nghị sẽ xem xét và đưa ra lộ trình để theo dõi việc thực hiện Chiến lược Loại trừ bệnh dại của các quốc gia thành viên ASEAN, đồng thời xác định hành động chính trong khu vực và quốc gia cho các năm sau năm 2020, cũng như sự hỗ trợ cần thiết từ các đối tác.
Nam Nguyên