1. Vai trò của muối đối với sức khỏe con người
Natri và clo, thành phần chủ yếu của muối là 2 nguyên tố có vai trò hết sức quan trọng trong cân bằng thể dịch trong cơ thể, sự tồn tại và hoạt động bình thường của tất cả các tế bào, hoạt động chức năng của tất cả các cơ quan và bộ phận trong cơ thể. Nồng độ muối cũng như nhiều nguyên tố hóa học khác được giữ ở mức tương đối hằng định là nhờ hoạt động của hệ thần kinh, nội tiết, tiết niệu và tiêu hóa.
2. Tác hại khi dùng quá nhiều muối
Ăn mặn làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu, cơ thể sẽ có cảm giác khát, dẫn đến uống nước nhiều, giữ nước trong cơ thể gây tăng huyết áp. Cơ thể cũng tìm cách tăng đào thải natri qua nước tiểu, dẫn tới mất kali, canxi và nhiều khoáng chất khác. Ăn mặn sẽ làm tăng cường độ làm việc của hệ thống tim mạch, thận và tiết niệu nên sớm dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan này.
Ăn mặn gây tăng huyết áp, bệnh tim mạch, suy tim, suy thận, loãng xương... Ăn nhiều muối còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng và ung thư đường tiêu hóa. Đối với những người đã mắc bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận và suy gan, ăn nhiều muối sẽ làm bệnh tiến triển nhanh hơn. Thành phần Natri trong muối làm tăng huyết áp do các lý do sau:
√ Ở những người đã có sẵn yếu tố di truyền nếu ăn nhiều muối sẽ làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với Natri, ion Na sẽ được chuyển vận nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, co mạch, tăng sức cản ngoại vi và gây tăng huyết áp.
√ Ăn nhiều muối cộng thêm các yếu tố gây nhiều sang chấn tinh thần (stress) trong cuộc sống sẽ tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, tăng tái hấp thu natri ở ống thận. Ion Na+ vào nhiều trong tế bào cơ trơn gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và gây tăng huyết áp.
√ Ăn nhiều muối trong khi người bị tăng huyết áp có thể thiếu yếu tố nội tiết thải muối. Natri bị tích tụ lại trong cơ thể, ion Na được vận chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và gây tăng huyết áp.
Trong nhiều trường hợp, hạn chế hấp thu Protein và giảm ăn muối có thể giúp phòng tránh sỏi thận hoặc tỷ lệ tái phát bệnh này cũng như ngăn ngừa các bệnh về tim mạch. Người ăn quá mặn sẽ có nguy cơ mắc các chứng bệnh về dạ dày cao hơn người ăn uống bình thường. Còn với những ai đã từng bị loét dạ dày, nên ăn càng nhạt càng tốt, bởi vì hàm lượng muối cao sẽ làm tăng độc tính của vi khuẩn H.pylori gây loét dạ dày và tá tràng. Nguy cơ này càng cao nếu bạn có thói quen ăn mặn kết hợp với chua cay. Với người bị các chứng viêm, loét dạ dày, trong thực đơn hàng ngày nên dùng ít muối.
Một số trường hợp bệnh nhân bị loãng xương có liên quan đến muối. Lượng muối trong cơ thể ít là một nguyên nhân gây ra bệnh loãng xương do thiếu canxi. Tuy nhiên, thừa muối sẽ làm cho quá trình đào thải canxi tăng lên, khiến xương yếu đi và cũng gây ra bệnh loãng xương, nhất là đối với phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh.
Nên ăn ít muối để giảm nguy cơ bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận.
3. Thực trạng tiêu thụ muối:
Ở Việt Nam, theo điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015 cho thấy trung bình người dân Việt Nam trưởng thành tiêu thụ 9,4 gam muối trong một ngày, trong đó nam giới là 10,5 gam cao hơn đáng kể so với nữ là 8,3 gam. Lượng muối tiêu thụ hàng ngày tỷ lệ thuận với sự gia tăng tỷ lệ người bị bệnh tăng huyết áp.
4. Nhu cầu muối mỗi ngày : Mỗi ngày, một người chỉ nên dùng dưới 5g muối
Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới, mỗi người chỉ nên ăn không quá 5 gam muối mỗi ngày tương đương với 1 thìa cà phê đầy. Còn đối với người đã có bệnh, đặc biệt những bệnh liên quan đến muối, càng phải hạn chế và tốt nhất nên theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Người bị cao huyết áp không nên dùng quá 4g muối/ngày.
Lời khuyên chung để giảm lượng muối trong khẩu phần là ăn nhạt hơn so với khẩu vị, tăng cường các món luộc, hạn chế thực phẩm xào, rán, hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn hoặc chế biến ở ngoài hàng quán.
Hoàng Thị Hiền