PV: Bác sĩ có thể cho biết về bệnh lao và sự khác biệt giữa bệnh lao ở người lớn và trẻ em?
BS. Thái Đình Lâm: Lao là một bệnh lý do vi trùng gây ra. Nếu vi trùng lao thâm nhập vào một cơ quan nào đó trong cơ thể và sinh sôi, đồng thời, cơ thể không thể tự chống lại nó và có thể sẽ mắc bệnh lao. Bệnh lao phổi thường gặp nhất, nhưng con người có thể mắc bệnh lao ở nhiều nơi khác trên cơ thể như lao xương, lao hạch hoặc lao ở não. Trẻ em cũng có nhiều nguy cơ mắc lao. Bệnh lao ở trẻ em thường tiến triển nhanh hơn và cũng khó phát hiện hơn so với người lớn. Trẻ nhiễm lao nếu không được phát hiện, sang lọc sẽ là nguồn lây lan bệnh lao trong cộng đồng, đặc biệt là nhóm cũng lứa tuổi. Trẻ nhiễm lao sơ nhiễm có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển. Trẻ nhiễm lao có thể xuất hiện những triệu chứng như: cảm cúm hay nóng sốt, mệt mỏi, chán ăn.... Có trường hợp có biểu hiện ở niêm mạc và ngoài da như: hồng ban nốt nổi 2-3 đợt hay viêm kết giác mạc. Triệu chứng của lao sơ nhiễm rất mơ hồ, giống như biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp nên khó chẩn đoán, dễ bị bỏ sót. Bên cạnh đó, cũng có những loại lao như lao cấp tính, lao màng não có thể gây nguy hại đến tính mạng của trẻ nhỏ.
PV: Bác sĩ cho biết tình hình bệnh lao trẻ em và công tác phòng chống lao ở Nghệ An?
BS. Thái Đình Lâm: Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước với 21 huyện thành thị, trong đó có 6 huyện vùng núi cao, có đồng bào du canh du cư nên việc phát hiện, sàng lọc, điều trị và quản lý bệnh lao gặp nhiều khó khăn. Nghệ An được Chương trình Chống lao Quốc gia đánh giá là một trong những tỉnh có gánh nặng về bệnh lao. Hàng năm, chúng tôi phát hiện được gần 3 nghìn ca lao các thể khác nhau, nhưng theo tỷ lệ mắc lao chung toàn quốc thì với dân số của Tỉnh là gần 3 triệu người thì số người mắc lao ở Nghệ An gần 5 nghìn ca, đây là mối nguy cơ tiền ẩn làm lây lan phát tán mần bệnh ra môi trường bên ngoài. Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm và mắc bệnh lao. Theo thống kê hàng năm, Nghệ An ghi nhận gần 300 trường hợp, chiếm tỷ lệ hơn 10% tổng số bệnh nhân mắc lao và bị mắc tất cả các thể lao, thường gặp là 4 thể: lao sơ nhiễm; lao hạch, lao màng phổi; lao xương khớp, lao cột sống. Tuy nhiên, việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời cực kỳ khó khăn do đó bệnh nhân nhi thường đến với các cơ sở y tế đa khoa khám và điều trị một thời gian dài trước khi đến với cơ sở chống lao, nên thường là đã muộn. Bên cạnh đó, với đội ngũ cán bộ chống lao tại tuyến huyện có trình độ trung cấp và cơ sở trang thiết bị áp dụng cho chẩn đoán và điều trị chưa đồng bộ và chưa được đầu tư nhiều nên càng khó khăn hơn trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhi.
PV: Làm gì để có thể phòng chống bệnh lao cho trẻ?
BS. Thái Đình Lâm: Bệnh lao trẻ em hoàn toàn có thể chữa khỏi được nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng nguyên tắc. Để phòng bệnh, sau khi sinh, trẻ phải được tiêm vắc xin BCG phòng lao sớm trước 48 giờ sau sinh. Trẻ em được tiêm phòng lao bằng văc xin BCG có thể tránh được các thể lao nặng như lao kê, lao màng não, nhưng dù đã tiêm phòng lao, ở thời kỳ chưa có miễn dịch không nên để trẻ tiếp xúc với nguồn lây; tất cả những người có dấu hiệu nghi lao cần được phát hiện bệnh sớm bằng cách xét nghiệm và điều trị cho khỏi bệnh; cần ăn uống đủ chất, tập luyện thể dục thường xuyên để tăng sức chống đỡ của cơ thể với các loại bệnh, trong đó có bệnh lao. Điều trị khỏi một người bệnh lao là tránh cho 10 người khác không bị mắc bệnh lao.
PV: Vậy Nghệ An sẽ làm gì để giảm gánh nặng bệnh tật do lao gây nên?
BS. Thái Đình Lâm: Nghệ An được chọn làm địa phương thực nghiệm của Dự án “Hơi thở cuộc sống” do tổ chức PATH và công ty Johnson & Johnson hỗ trợ trong 02 năm tới. Đây là cơ hội tốt để cán bộ làm công tác chống lao tại tuyến tỉnh và 4 huyện triển khai Dự án củng cố và nâng cao năng lực chẩn đoán bệnh lao góp phần tích cực vào việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho bệnh nhân. Trong thời gian tời, công tác phòng chống lao sẽ tập chung thực hiện các công việc sau: tăng cường phát hiện và điều trị sớm cho trẻ em mắc lao ở mạng lưới chương trình chống lao và mạng lưới ngoài chương trình chống lao; tăng cường quản lý, sàng lọc và điều trị dự phòng INH cho trẻ tiếp xúc gần với các bệnh nhân lao phổi; tăng cường hệ thống ghi chép và báo cáo về lao trẻ em; đánh giá kết quả thí điểm và đề xuất để áp dụng tại các tỉnh khác; chú trọng nâng cao nhận thức phòng chống lao trẻ em trong cộng đồng và các cấp chính quyền. Năm 2014 - 2015, Dự án CDC đã hỗ trợ cho hoạt động quản lý, điều trị dự phòng lao trẻ em ở thành phố Vinh, kết quả đạt được khá ấn tượng như tỷ lệ trẻ em được điều trị dự phòng đạt 34,4%, nhận thức của người dân được nâng cao, năng lực quản lý bệnh lao của cán bộ được cải thiện rõ rệt.
PV: Cảm ơn ông!
Bài, ảnh: Như Hiển