Cùng với sự phát triển của xã hội; sự tiến bộ của khoa học – công nghệ; sự tác động của môi trường sống bị ô nhiễm; hậu quả của biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng; sự gia tăng của các nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; kết hợp với sự phát sinh của nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi;… thì nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng cao, trong đó có những thách thức đặt ra cho công tác quản lý xã hội đối với hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe của ngành Y tế nói chung và y tế Sóc Trăng nói riêng. Vì vậy, việc hoàn thiện về mặt quản lý xã hội trong hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe là rất cần thiết.
Qua thực tiễn công tác quản lý xã hội đối với hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe ở tỉnh Sóc Trăng 3 năm gần đây, có nhiều vấn đề đặt ra, đó là:
Một: nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội về truyền thông giáo dục sức khỏe trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân còn hạn chế nên chưa dành nhiều sự quan tâm và coi trọng công tác truyền thông giáo dục sức khỏe.
Hai: nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế khi tham gia quản lý truyền thông giáo dục sức khỏe, ví dụ như: không chủ động thực hiện hoặc chưa quan tâm thực hiện các biện pháp phòng bệnh; có thói quen trông chờ và ỷ lại ngành Y tế, vào chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội; không thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế;…. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế, hoàn cảnh sống, cách sinh hoạt, phong tục tập quán, yếu tố môi trường,… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc tham gia quản lý truyền thông giáo dục sức khỏe của người dân.
Ba: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực truyền thông giáo dục sức khỏe còn thiếu và chưa mang tính chuyên môn cao, trong khi đó, những văn bản mang tính chỉ đạo, lãnh đạo về truyền thông giáo dục sức khỏe còn chung chung, chưa rõ nét.
Bốn: mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe tại các cơ sở y tế còn thiếu bác sĩ; cán bộ chủ yếu kiêm nhiệm, thường xuyên bị thay đổi. Vì thế, khi triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe tại mỗi đơn vị y tế ở các tuyến đôi lúc còn gặp nhiều khó khăn.
Năm: hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe ở các tuyến ít nhiều còn mang tính tự phát, chưa thống nhất, chưa lồng ghép, chưa phối hợp, … nên hiệu quả và tác động xã hội của công tác truyền thông giáo dục sức khỏe chưa cao. Trong khi đó, các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe còn chồng chéo, đùn đẩy nên lãng phí thời gian, lãng phí nguồn lực và một số chỉ tiêu kế hoạch không đạt yêu cầu. Kiểm soát thông tin và quản lý nhà nước về thông tin gặp nhiều khó khăn,...
Sáu: cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe ở nhiều nơi đã xuống cấp, còn thiếu nhiều và thiếu ở nhiều cấp độ khác nhau từ tỉnh xuống cơ sở theo “Danh mục trang thiết bị và phương tiện làm việc của các Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe, Tổ Truyền thông giáo dục sức khỏe” của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Bảy: đầu tư về tài chính cho mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe từ tỉnh đến huyện, xã, ấp còn hạn chế.
Tám: sự tác động của môi trường sống bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng; kết hợp với sự phát sinh của nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi;… ít nhiều cũng ảnh hưởng đến công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của cộng đồng, trong đó, có hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe.
Để có những giải pháp thiết thực góp phần giải quyết các vấn đề đặt ra trong quản lý xã hội đối với hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, chúng ta nên xem xét những cơ hội đối với lĩnh vực này ở tỉnh Sóc Trăng:
Một là: Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ sáu khóa XII về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” ra đời. Để đạt mục tiêu tổng quát và những mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của công tác này, Nghị quyết đã đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp. Đặc biệt nhiệm vụ, giải pháp thứ nhất có đề cập: Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.
Hai là: Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Chương trình số 26-CTr/TU, ngày 12/3/2018 thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ sáu khóa XII về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. Trong đó, Tỉnh ủy Sóc Trăng nhấn mạnh: Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan trong thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe,…
Ba là: trong những năm qua, ngành Y tế Sóc Trăng đã đạt được những kết quả đáng kể trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh nhà, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của công tác truyền thông giáo dục sức khỏe. Cụ thể: Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Sóc Trăng, các Phòng Truyền thông Giáo dục sức khỏe huyện/thị xã/thành phố và xã/phường/thị trấn đã được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị nghe nhìn; công tác tổ chức trong hệ thống truyền thông từ tỉnh đến huyện, xã được đổi mới; công tác mạng lưới được củng cố và hoàn thiện dần; công tác đào tạo nâng cao nghiệp vụ được chú trọng và công tác truyền thông ngày càng được tăng cường, phát triển các loại hình phù hợp với xu thế của thời đại, nhu cầu phát triển của ngành, của xã hội và được phủ khắp ở các ấp trên địa bàn toàn tỉnh;… và có tầm ảnh hưởng rộng đến cộng đồng dân cư. Nhờ vậy, kiến thức, nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng được cải thiện đáng kể.
Bốn là: các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, trong đó có hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe ngày càng hướng về cộng đồng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa,...
Với nhiều cơ hội cho công tác quản lý xã hội trong hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe của ngành Y tế tỉnh Sóc Trăng hiện nay, kết hợp với 10 giải pháp sau sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý xã hội đối với hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe trong thời gian tới:
Thứ nhất: nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội về truyền thông giáo dục sức khỏe.
Thứ hai: tăng cường sự lãnh đạo, giám sát của Đảng trong công tác này.
Thứ ba: hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý xã hội ở lĩnh vực truyền thông giáo dục sức khỏe.
Thứ tư: xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và phát triển hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe trong thời gian tới.
Thứ năm: nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý từ tỉnh đến cơ sở ở lĩnh vực này.
Thứ sáu: làm tốt công tác quản lý, công tác phối hợp trong lĩnh vực truyền thông giáo dục sức khỏe.
Thứ bảy: thực hiện quản lý xã hội đối với thông tin, cung cấp thông tin trên hệ thống truyền thông đại chúng và qua kênh truyền thông trực tiếp.
Thứ tám: tham gia tích cực phong trào thi đua “Giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm tỉnh Sóc Trăng” giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh Sóc Trăng phát động.
Thứ chín: triển khai ứng dụng mạng xã hội và truyền thông xã hội trong lĩnh vực truyền thông giáo dục sức khỏe.
Thứ mười: đẩy mạnh, lồng ghép công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, xử phạt trong hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe.
Đây là những cơ sở nhằm giúp công tác quản lý xã hội đối với hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được nâng cao chất lượng và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin về y tế, đặc biệt là thông tin bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe ngày càng cao của người dân; góp phần cùng với các đơn vị y tế trong toàn tỉnh thực hiện ngày càng tốt hơn sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh nhà. Đây cũng là đáp án bước đầu giúp những nhà quản lý và những người làm công tác truyền thông giáo dục sức khỏe thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mà ngành Y tế tỉnh Sóc Trăng giao.
PHƯƠNG TÂM (Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh Sóc Trăng)