Gian khó, áp lực… không thể nào quên
Thời gian cao điểm phòng chống dịch, thành phố liên tiếp triển khai các chiến dịch xét nghiệm cộng đồng diện rộng, thành lập nhiều khu cách ly, bệnh viện dã chiến, chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội, cán bộ y tế từ tuyến thành phố đến quận/huyện, cơ sở đều tất bật trong guồng quay công việc: giám sát, truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, kiểm dịch y tế quốc tế, điều trị, tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, thống kê báo cáo... Vì tình hình dịch bệnh cấp bách, tính chất quan trọng của công việc, nên các cán bộ luôn nỗ lực quên mình, làm việc không có ngày nghỉ, bất kể ngày cũng như đêm. Nhìn lại khoảng thời gian đó, nhiều anh em cán bộ y tế chia sẻ đối với họ đó là những hình ảnh, kỷ niệm không thể nào quên: ròng rã suốt nhiều tháng ở trung tâm, bệnh viện làm việc “3 tại chỗ”, xa gia đình, người thân, bữa ăn vội vàng với cháo ăn liền, mì gói, nhiều lần đi công tác đột xuất cùng đội truy vết, lấy mẫu, cũng không kịp ăn uống. Là một trong những cán bộ Khoa Xét nghiệm tham gia xuyên suốt từ những ngày đầu của mùa dịch, Huỳnh Nguyễn Hàng Đông, nhân viên Khoa Xét nghiệm, CDC Cần Thơ chia sẻ: “Công việc của anh em xét nghiệm mặc dù vất vả, nguy cơ cao, nhưng theo nghề suốt bao năm nay, chúng tôi cũng quen rồi, trước tình hình dịch bệnh xảy ra, mình mong muốn đóng góp công sức cho công tác chống dịch, hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi”.
Công việc thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với F0, những đối tượng nguy cơ cao và mẫu bệnh phẩm, nên những rủi ro nghề nghiệp khó tránh khỏi. Chị Nguyễn Thị Nhạn, nhân viên Khoa Xét nghiệm, CDC Cần Thơ, mặc dù đã lớn tuổi nhưng cũng là người nhiệt huyết với công việc, cùng xuyên suốt tham gia trong đội lấy mẫu. Nhiều hôm trực khuya, về nhà gia đình đã ngủ hết, sáng hôm sau, chị lại đi sớm, vì công việc nhiều, nên chị rất ít thời gian để lo cho gia đình, chăm sóc con cái. Chị chia sẻ: “Mẹ con ở cùng nhà mà ít gặp nhau vì từ lúc tham gia chống dịch, cuốn theo công việc nên thường xuyên làm sớm, về trễ; ông xã chị cũng cảm thông, hiểu cho công việc vất vả của vợ nên rất san sẻ, có hôm sợ chị tan ca trễ chạy xe nguy hiểm, nên hôm nào trực ca đêm, anh cũng vào cơ quan đợi chị tan ca để đón về”. Giữa tháng 7/2021, chị Nhạn bị nhiễm SARS-CoV-2, cán bộ, nhân viên trong Khoa Xét nghiệm và những cán bộ các khoa/phòng có tiếp xúc gần cũng đều được lấy mẫu xét nghiệm, sau đó cách ly, làm việc tại trung tâm 14 ngày. Mặc dù cách ly tại Trung tâm nhưng cán bộ, nhân viên vẫn cả ngày lẫn đêm miệt mài với công việc… Sau khi điều trị khỏi bệnh, chị Nhạn cũng tiếp tục tham gia với công tác phòng chống dịch. Nhiều cán bộ y tế khác bị nhiễm SARS-CoV-2 trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, vẫn vừa ở trong khu cách ly, vừa tham gia báo cáo dịch tễ, khám, điều trị cho bệnh nhân COVID-19…
Cuộc chiến chống dịch COVID-19 kéo dài và nhiều cam go, áp lực, tuy vậy, nhiều y, bác sĩ, điều dưỡng, vẫn kiên cường sát cánh cùng người bệnh, người dân, quyết không lùi bước khi dịch COVID-19 chưa lui. BS.CKII Phan Thị Phụng, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU), Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, có quyết định nghỉ hưu vào cuối tháng 7/2021 nhưng vẫn xin ở lại để cùng đồng nghiệp chống dịch COVID-19, thời điểm mà chỉ vài ngày sau đó Bệnh viện Ða khoa TP Cần Thơ chuyển công năng, tập trung điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch của thành phố. Với trình độ chuyên môn, kinh nghiệm hơn 30 năm ở lĩnh vực hồi sức tích cực - chống độc, BS. Phụng góp sức rất lớn cùng tập thể Bệnh viện Ða khoa TP Cần Thơ cấp cứu, chữa trị khỏi bệnh cho hơn 1.000 bệnh nhân COVID-19 nặng.
Góp sức bao phủ vắc xin
Trong các chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 từ đầu mùa dịch đến nay, cán bộ ngành Y tế Cần Thơ từ thành phố đến cơ sở, hệ thống y tế công - tư cũng nỗ lực làm việc xuyên suốt với cường độ cao nhằm đẩy nhanh tỷ lệ tiêm vắc xin cho người dân toàn thành phố, tập trung góp sức "phủ sóng" vắc xin sớm đạt miễn dịch cộng đồng, cùng cả nước khống chế, đẩy lùi dịch COVID-19. Vào những thời gian cao điểm, có lúc điểm tiêm CDC tiếp nhận 5.000-6.000 người/ngày. Các bàn tiêm hoạt động tất bật từ sáng sớm đến tối muộn, dù mệt, khát nước, nhân viên tiêm chủng cũng không đủ thời gian uống nước. Vừa tiêm ở trung tâm, trạm y tế, vừa tiêm lưu động ở cộng đồng, cuối buổi tiêm, tay chân nhiều anh chị trong đội tiêm rã rời vì làm việc không ngơi nghỉ, có nhân viên ngất xỉu vì quá mệt. Thế nhưng, các cán bộ vẫn cần mẫn, cẩn thận, chu đáo, với cường độ làm việc căng thẳng, mỗi ngày tiêm lên đến hàng ngàn mũi vắc xin, đội ngũ cán bộ tiêm chủng luôn cố gắng phục vụ không để người dân phải chờ đợi lâu. Ngành duy trì liên tục các điểm tiêm trên địa bàn 9 quận, huyện trong thời gian nghỉ Tết nguyên đán, Lễ Quốc khánh để phục vụ người dân với 90 điểm tiêm; huy động hơn 1.300 nhân viên y tế tham gia công tác tiêm chủng và thực hiện tiêm hết lượng vắc xin được phân bổ trong năm 2022.
Tính đến ngày 31/12/2022, có 3.571.013 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm cho người dân trên địa bàn (đạt 104,3% số liều được phân bổ), cơ bản hoàn thành việc tiêm đủ 02 liều cơ bản cho dân số từ 12 tuổi trở lên và mũi 1 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Tỷ lệ tiêm mũi 3, 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên lần lượt đạt 74,9% và 82,9%. Tỷ lệ trẻ từ 12 đến 17 tuổi tiêm mũi 3 đạt 72,9%. Tỷ lệ trẻ từ 5 - 11 tuổi được tiêm mũi 2 là 99,3%.
Những “chiến sĩ áo trắng” trong điều kiện gian khổ nhưng vẫn bám trụ, chiến đấu với dịch bệnh, tất cả vì sức khỏe của người dân, cộng đồng, trong đó có cả sự hy sinh tính mạng. Gia đình và các đồng nghiệp luôn tự hào về người “chiến sĩ áo trắng” y sĩ Quách Thị Dung, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh, không quản ngại khó khăn, vất vả để phục vụ người dân. Chị đã đột ngột qua đời trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Đây là tấm gương tiêu biểu trong ngành Y tế, cống hiến, hy sinh đóng góp vào công tác phòng chống dịch COVID-19 nói riêng và sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung. Y sĩ Quách Thị Dung được truy tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND TP Cần Thơ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Nỗ lực không để dịch chồng dịch
Năm 2022, ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, nhiều dịch bệnh khác cũng diễn biến phức tạp như dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng…, mỗi thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế luôn xác định tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, đồng thời không chủ quan, lơ là với các biến chủng mới của SARS-CoV-2.
Nhằm ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát, CDC Cần Thơ liên tục cùng cán bộ y tế địa phương liên tục giám sát véc tơ, côn trùng sốt xuất huyết, hỗ trợ phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các xã/phường có ca mắc sốt xuất huyết cao trên địa bàn các quận/huyện: Ninh Kiều, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Ô Môn, Cái Răng. Số ca sốt xuất huyết tăng dần từ tháng 5, riêng trong tháng 6 ghi nhận với hơn 900 ca mắc. Toàn thành phố triển khai thực hiện chiến dịch diệt loăng quăng hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết 15/6. BS.CKII Phạm Trí Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận Thốt Nốt cho biết, cán bộ y tế được huy động phối hợp cùng ban ngành, đoàn thể, cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia vận động từng hộ gia đình phát tờ rơi, tuyên truyền tổng vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết tại cộng đồng. Phường Tân Lộc có số ca mắc nhiều nhất trong quận với 73 ca ghi nhận trong 6 tháng đầu năm; CDC Cần Thơ sau các đợt giám sát, ngày 22/6, đã hỗ trợ địa phương phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại 2 khu vực Đông Bình và Tân An.
Nỗ lực không để dịch chồng dịch, các đơn vị trong ngành tăng cường giám sát các ca bệnh, giám sát véc tơ, giám sát chặt chẽ các ổ dịch, tổ chức xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về phác đồ điều trị; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Ngoài giám sát định kỳ, các chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi liên tục được ngành Y tế triển khai thực hiện trong các tháng cao điểm từ tháng 9 đến tháng 12/2022 và chiến dịch phòng chống dịch chủ động đầu năm 2023.
Ngành Y tế cũng xác định y tế cơ sở là tuyến y tế gần dân nhất, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Ngoài việc vượt qua những khó khăn, thách thức về nhân lực, trang thiết bị, thì cán bộ tuyến y tế cơ sở đã và đang phát huy tốt vai trò nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh cho người dân và phòng, chống các loại dịch bệnh, đồng thời phối hợp cùng các trung tâm, chi cục, bệnh viện chuyên khoa tuyến trên thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế - dân số, trong đó có chương trình phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng…
Lựa chọn công việc với trách nhiệm nặng nề, nguy hiểm, sẵn sàng đến những điểm nóng của dịch bệnh, tận tâm, tận lực với nghề, can đảm, lăn xả ngày đêm trên “mặt trận” phòng chống dịch bệnh - sự hy sinh thầm lặng của lực lượng cán bộ y tế vì sức khỏe cộng đồng thật đáng trân trọng và khâm phục.
Hương Giang