Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Tiêm chủng mở rộng ưu tiên vẫn là số 1

  • |
T5g.org.vn - Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) bắt đầu được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981. Từ năm 1985 tới nay, toàn bộ trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn quốc đã có cơ hội được tiếp cận với Chương trình TCMR. Lợi ích của TCMR đã giúp giảm nguy cơ trẻ em mắc các bệnh bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib.
Các đại biểu Bộ Y tế tham dự Họp báo cung cấp thông tin y tế về tiêm chủng vắc xin

Hiện nay, Bộ Y tế chỉ đạo TCMR miễn phí gồm 12 loại vắc xin giúp phòng 12 loại bệnh, còn lại là tiêm chủng dịch vụ.

Tiêm chủng mở rộng ưu tiên vẫn là số 1

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, chỉ có vắc xin mới phòng và thanh toán được bệnh. Mỗi năm, có 4,5 triệu liều tiêm Quinvaxem (trong chương trình TCMR) được tiêm cho trẻ, trong khi chưa đến 10% là tiêm dịch vụ vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1. Sử dụng vắc xin Quinvaxem thường gây phản ứng sốt, đau tại chỗ nên gây quan ngại cho tâm lý các bà mẹ. Tuy nhiên, thực tế vắc xin Pentaxim, Quinvaxem đều có thể gây phản ứng nặng giống nhau. Hiện tại, tất cả các điểm tiêm chủng trên cả nước vẫn sẵn sàng tiêm vắc xin Quinvaxem theo Chương trình TCMR. Sự khan hiếm vắc xin Pentaxim và 6 trong 1 đã gây ra phản ứng hoang mang trong người dân. Nhưng theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, tất cả trẻ vẫn cần được tiêm chủng để phòng ngừa dịch bệnh và khẳng định TCMR vẫn là ưu tiên hàng đầu: Không thể chỉ vì vài trăm nghìn liều vắc xin dịch vụ mà khiến toàn dân quay lưng lại với Quinvaxem vì như thế chắc chắn dịch bùng phát.

Tại một số quốc gia, vắc xin vô bào (Pentaxim) được sử dụng nhưng vẫn có dịch bùng lên. Có những lô vắc xin dịch vụ khi được kiểm nghiệm cho thấy chỉ tiêu miễn dịch không đáp ứng, thậm chí vắc xin vô bào miễn dịch kém hơn vắc xin toàn tế bào. PGS.TS. Trần Đắc Phu khẳng định, vắc xin Quinvaxem là tốt vì có tính miễn dịch cao, nếu đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin dịch vụ, khi thiếu có thể tiêm thay thế đầy đủ, đúng lịch bằng vắc xin Quinvaxem và yêu cầu các điểm tiêm dịch vụ cần giải thích rõ để người dân hiểu được vấn đề; đồng thời, lo ngại nếu tỉ lệ sử dụng vắc xin dịch vụ tăng lên 60-70% thì miễn dịch cộng đồng sẽ kém và dẫn đến nguy cơ dịch bùng lên.

Tổ chức tốt khâu tiêm chủng

PGS. TS. Trần Đắc Phu chỉ đạo, các điểm tiêm phải nghĩ giải pháp để tổ chức tiêm chủng tốt và an toàn, tránh sự cố như ở Phòng tiêm chủng và dịch vụ Polyvac, Bệnh viện ĐH quốc gia Hà Nội (182 Lương Thế Vinh, Hà Nội) ngày 25/12 vừa qua. Các phương án cần đăng kí trong trật tự, hạn chế tình huống "thuê" người đi đăng kí; sẽ có công an hỗ trợ trật tự và tuyệt đối không bế trẻ con đi theo, nếu không, trẻ chưa kịp tiêm đã ốm vì mưa rét.

Theo TS. Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, các đơn vị thống nhất tiến hành phương án đăng kí qua website, địa chỉ email hay một hình thức điện tử nào đó, đảm bảo người dân không phải xếp hàng, chen lấn.

Việt Nam hiện có 161 điểm tiêm chủng có vắc xin dịch vụ trên toàn quốc đã được công khai. Đơn vị nào không có tên trong danh sách này mà làm là vi phạm. Riêng vắc xin dịch vụ có giá đúng 630.000đ/liều, nếu phát hiện nhà cung ứng nào bán ra hơn giá này sẽ rút giấy phép.

Số lượng vắc xin thế giới vẫn thiếu

Theo TS. Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục quản lý dược, Bộ Y tế, trên thế giới hiện nay có 3 nhà nhà sản xuất vắc xin vô bào, trong khi chỉ có 2 nhà sản xuất xuất khẩu vắc xin, nhưng một số lô không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu nên bị đình chỉ. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc khan hiếm vắc xin dịch vụ; điển hình như nước Pháp cũng không đủ vắc xin cho trẻ.

Các nhà sản xuất vắc xin của Hàn Quốc cung cấp vắc xin Quinvaxem cho 94/122 nước và kết quả ghi nhận là rất tốt nên người dân Việt Nam không nên từ bỏ vắc xin Quinvaxem.

Hiện tại, Bộ Y tế đang triển khai thử nghiệm tại Thái Bình vắc xin 6 trong 1 cho 354 trẻ. Đây là loại vắc xin đã được sử dụng tại nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên khi vào Việt Nam phải theo quy trình kiểm nghiệm lâm sàng. Nếu được chấp nhận có thể nghiệm thu cho phép lưu hành từ tháng 6/2016.

Nam Nguyên

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang