Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Bài học kinh nghiệm về truyền thông phòng chống bệnh tay - chân - miệng

  • |
T5g.org.vn - Từ tháng 4/2011, bệnh tay - chân - miệng (TCM) bắt đầu xuất hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, với chùm ca bệnh xuất hiện đầu tiên tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.

Từ tháng 4/2011, bệnh tay - chân - miệng (TCM) bắt đầu xuất hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, với chùm ca bệnh xuất hiện đầu tiên tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Số ca mắc mới bệnh TCM trong phạm vi toàn tỉnh đạt đỉnh vào tuần thứ 25 với 529 ca, sau đó bệnh có xu hướng giảm dần, đến tuần thứ 43 còn 85 ca mắc mới. Lũy tích đến ngày 31/10/2011, trên địa bàn tỉnh có 6.671 ca mắc, trong đó có 5 ca tử vong. Bệnh TCM được ghi nhận tại 14/14 huyện, thành phố, 171/184 xã, phường, thị trấn. Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là 3 tháng tuổi, nhiều nhất là 36 tuổi. 61,68% bệnh nhân là trẻ dưới 3 tuổi.

 

Để có thể nhanh chóng khống chế bệnh dịch, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có chỉ đạo kịp thời và quyết liệt, huy động sự tham gia tích cực của các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tích cực tham gia công tác phòng chống dịch bệnh, phê duyệt và hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng chống bệnh TCM. Tỉnh cũng xác định rõ, diễn biến của bệnh TCM khá phức tạp, bệnh chưa có vắcxin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, đối tượng mắc chủ yếu là trẻ nhỏ, nên việc truyền thông giáo dục sức khỏe chủ yếu phải tập trung vào cha mẹ, thầy cô giáo và người chăm sóc trẻ. Bên cạnh đó, để tạo được cho người dân có thói quen giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch đòi hỏi phải có thời gian, không thể là một sớm một chiều, nên việc truyền thông phải tiến hành lâu dài, cũng như cần phải phát triển các thông điệp, tài liệu truyền thông phù hợp.

 

Từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên đến nay, nhiều hoạt động truyền thông đã được triển khai khá hiệu quả thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Ngãi, Báo Quảng Ngãi, Đài truyền thanh phát lại truyền hình của các huyện, thành phố, cũng như các Đài phát thanh của xã, phường, thị trấn... Chuyên mục truyền hình phòng chống bệnh TCM trên đài phát thanh - truyền hình dài 15 phút được phát cả bằng tiếng Kinh và tiếng H’Re. Các địa phương cũng đã tổ chức gần 200 lượt truyền thông trên xe loa. Qua kênh này, ngành Y tế tỉnh liên tục cập nhật thông tin, phản ánh tình hình bệnh TCM trên địa bàn, tuyên truyền cho người dân nhận biết đường lây nhiễm và biện pháp phòng chống bệnh tại cộng đồng.

 

Chiến dịch vệ sinh môi trường phòng chống bệnh TCM do Ủy ban nhân dân tỉnh phát động đã được sự hưởng ứng của 100% huyện, thành phố và hơn 80% số xã đã tổ chức ra quân thực hiện chiến dịch định kỳ hàng tuần vào thứ bảy và chủ nhật.

 

Việc truyền thông trực tiếp đến từng trường tiểu học, mẫu giáo, nhà trẻ và đến tận hộ gia đình đã được tổ chức thông qua các cuộc họp tổ dân phố/khu dân cư. Các cán bộ Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cũng tích cực hỗ trợ truyền thông phòng chống bệnh TCM trực tiếp tại các hộ gia đình có con dưới 5 tuổi. Nhờ triển khai mạnh mẽ và khá đồng bộ tất cả các phương thức truyền thông, nên người dân đã nâng cao nhận thức, có ý thức hơn trong việc phòng chống bệnh TCM tại gia đình và cộng đồng.

 

Đến hết tháng 10/2011, tại tỉnh Quảng Ngãi đã có 2 huyện (Sơn Tây và Lý Sơn) sau hơn 5 tuần không ghi nhận ca mắc mới, 86 xã không có thêm ca mắc mới nào trong hơn 2 tuần, kể từ ca tử vong thứ 5 vào ngày 25/6/2011 đến nay không có thêm ca tử vong nào. Đạt được điều này là nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt và triệt để của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc huy động nguồn lực từ các ban ngành, đoàn thể và cộng đồng để phối hợp cùng ngành Y tế phòng chống bệnh TCM, đặc biệt công tác truyền thông là một yếu tố quyết định tác động đến hiệu quả không chế sự lây lan của bệnh TCM. Biện pháp có hiệu quả nhất trong truyền thông phòng chống bệnh TCM là truyền thông trực tiếp đến từng hộ gia đình, trường học về những dấu hiệu nhận biết sớm bệnh TCM, cũng như những biện pháp phòng chống bệnh. Bên cạnh đó, việc đưa tin về tình hình dịch bệnh của các địa phương thông qua phương tiện thông tin đại chúng là cần thiết, song nên chú trọng đến việc ổn định tâm lý người dân khi có dịch bệnh xảy ra. Ngành Y tế tỉnh chủ động, tích cực triển khai công tác theo dõi, giám sát phát hiện ca bệnh sớm, xử lý môi trường tại cộng đồng cũng góp phần quan trọng để ngăn chặn nguồn lây, khống chế bệnh kịp thời; thu dung, cách ly điều trị kịp thời đúng phân tuyến, nâng cao hiệu quả điều trị giúp hạn chế số ca bệnh nặng và tử vong... Tất cả những điều này đã từng bước tạo niềm tin, tránh gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

 

Mặc dù bước đầu đã khống chế được bệnh TCM tại địa phương, nhưng ngành Y tế Quảng Ngãi vẫn không chủ quan, tiếp tục phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể của tỉnh thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh TCM, cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, đem lại cuộc sống mạnh khỏe, yên vui cho người dân.
 
 

Phương Liên

 

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang