Tiền thân Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Trải qua hơn 30 năm xây dựng, trưởng thành, tập thể Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, xứng đáng là đầu ngành về Huyết học - Truyền máu với các kỹ thuật, mũi nhọn ngang tầm với các nước trong khu vực và quốc tế.
GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, với việc luôn “đi tắt đón đầu” và chủ động cập nhật, ứng dụng các kỹ thuật, xét nghiệm chuyên sâu và những tiến bộ của y học thế giới về lĩnh vực Huyết học, Viện đã làm chủ được một số kỹ thuật cao về ghép tế bào gốc để điều trị cho các bệnh lý máu ác tính, hiểm nghèo.
Tại Việt Nam, tính đến tháng 8/2015, tổng số ca ghép tế bào gốc trong cả nước là 445 ca, trong đó ghép tế bào gốc đồng loài là 185 ca, ghép tế bào gốc tự thân là 260 ca. Hai cơ sở thực hiện số lượng ca ghép lớn nhất trong cả nước hiện nay là Bệnh viện Truyền máu và Huyết học thành phố Hồ Chí Minh và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Bên cạnh 2 cơ sở này, hiện nay cũng có một số cơ sở y tế khác đã thực hiện thành công ghép tế bào gốc như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bộ Công an 198...
Tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên đã được thực hiện vào năm 2006. Đến năm 2008, Viện tiến hành thực hiện ca ghép tế bào gốc đồng loại đầu tiên điều trị cho bệnh nhân Lơxêmi cấp dòng tuỷ. Tính đến tháng 8/2015, Viện đã thực hiện được 165 ca ghép tế bào gốc tạo máu, trong đó có 92 ghép tế bào gốc tự thân và 73 ghép tế bào gốc đồng loại từ người cho cùng huyết thống. “Hiện Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã trở thành một Trung tâm có tốc độ ghép tế bào gốc tạo máu nhanh và chất lượng nhất ở Việt Nam, với tỷ lệ thành công rất cao trên 75%”, GS.TS. Nguyễn Anh Trí chia sẻ.
Từ ý tưởng xây dựng một "mô hình chưa từng có ở Việt Nam”, năm 2013, GS.TS. Nguyễn Anh Trí, đã dẫn đầu đoàn công tác của Viện sang Nhật Bản để tham quan và trao đổi kinh nghiệm với những chuyên gia hàng đầu về tế bào gốc. Ngay sau khi từ Nhật Bản trở về, GS.TS. Nguyễn Anh Trí đã chỉ đạo Viện và Trung tâm Tế bào gốc quyết tâm xây dựng "Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng”. Tháng 5/2014, với sự phối hợp, giúp đỡ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, "Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng” đầu tiên ở Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động tại Trung tâm Tế bào gốc, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Đến nay, sau gần 1 năm triển khai hoạt động, “Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng” đã lưu trữ được gần 1.400 mẫu tế bào gốc và có trên 900 mẫu đã làm được xét nghiệm HLA độ phân giải cao. Viện đã tiến hành đọ chéo HLA của 45 bệnh nhân có nhu cầu tìm nguồn tế bào gốc để ghép và có tới 44/45 người tìm được mẫu tế bào gốc phù hợp, như vậy khả năng tìm kiếm thành công đạt tới 97,8%. Trước đây, tế bào gốc từ máu dây rốn chủ yếu chỉ đủ để ghép cho bệnh nhân nhi nhưng hiện nay với việc áp dụng các kỹ thuật cao nên các mẫu tế bào gốc được lưu trữ trong Ngân hàng của Viện có đủ lượng để ghép cho người trưởng thành cân nặng khoảng 70 kg. Hiện Viện đã sử dụng tế bào gốc mẫu dây rốn cộng đồng ghép cho 5 bệnh nhân, trong đó có 4 bệnh nhân người lớn và 1 bệnh nhân nhi. Điển hình ngày 30/12/2014, Viện đã tiến hành ghép tế bào gốc từ máu dây rốn đầu tiên cho bệnh nhân Hoàng Thị Thùy Linh, 28 tuổi, Quảng Bình. Sau hơn 90 ngày chờ đợi, ngày 3/4/2015, bệnh nhân đã khỏe mạnh và được ra viện trong niềm vỡ òa của người thân cũng như tập thể cán bộ thầy thuốc nơi đây. Không dừng ở đó, từ những ngày đầu tháng 8, Viện đã thực hiện ghép tế bào gốc máu dây rốn cho bệnh nhân nhi đầu tiên, 3 tuổi, mắc bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh), quê ở Hà Nam. Ca ghép được thực hiện khá thuận lợi. Sau ghép hiện sức khỏe bệnh nhân khá ổn định và đang được theo dõi nghiêm ngặt trong phòng chăm sóc đặc biệt tại Viện.
Bên cạnh việc ứng dụng khoa học tiên tiến trong khám, chữa bệnh, Trung tâm tế bào gốc của Viện đã có những bước tiến dài trong công tác điều trị. Viện là đơn vị đầu tiên trong cả nước tổ chức thành công quy trình chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) và máu khó đông (Hemophilia). Viện đang quản lý hơn 1.500 bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh đến từ 20 tỉnh, thành khu vực phía Bắc; hàng năm đón tiếp và tư vấn cho hơn 5.000 lượt người từ khắp nơi trên cả nước. Về bệnh máu khó đông, Viện đang quản lý và điều trị khoảng 1.200 bệnh nhân. Trung bình, mỗi ngày có từ 80-100 người tới điều trị nội và ngoại trú. Đặc biệt, nhờ áp dụng các biện pháp chuyên môn sâu nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị; phát hiện sớm, phát hiện mới bệnh nhân Hemophilia cũng như các bệnh rối loạn đông cầm máu bẩm sinh, di truyền hiếm gặp khác... nên nhiều bệnh nhân Hemophilia đã có cuộc sống tốt hơn, họ đã có thể học tập, làm việc, sinh hoạt tương đối bình thường. Điều đó không chỉ giảm đau đớn cho người bệnh, mà còn làm giảm gánh nặng cho gia đình họ và cho toàn xã hội.
Ngoài ra, về lĩnh vực Truyền máu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã khởi xướng và tổ chức nhiều sự kiện hiến máu lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo người dân tham gia như chương trình: “Mỗi giọt máu - Một tấm lòng”, “Cuộc đi bộ vì phong trào hiến máu tình nguyện”, “Hành trình trái tim Việt Nam” hay các chương trình “Giọt máu nghĩa tình”. “Giọt máu yêu thương”, “Ngày chủ nhật đỏ”, “Thế giới tôn vinh người hiến máu 14/6”… trong đó nổi bật, để lại dấu ấn đậm nét là "Lễ hội Xuân hồng” với 8 kỳ được tổ chức liên tiếp và Chương trình "Hành trình Đỏ” đi qua nhiều tỉnh, thành phố đã tiếp nhận được hàng vạn đơn vị máu, giải quyết kịp thời tình trạng thiếu máu mùa hè hàng năm. Với việc đẩy mạnh các phong trào hiến máu tình nguyện nên số lượng đơn vị máu tiếp nhận năm sau luôn cao hơn so với năm trước. Viện đã đảm bảo cung cấp máu cho 122 Bệnh viện trong 16 tỉnh thành phía Bắc; đồng thời không để xảy ra tai biến nào trong việc truyền máu. Ngoài ra, Viện còn thực hiện rất tốt các chương trình, dự án, công tác đối ngoại, đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức các hội nghị, hội thảo toàn quốc và quốc tế…
Bên cạnh không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn trong khám, chữa bệnh, Viện đã chủ động nghiên cứu thành công và đề xuất được mô hình “Xây dựng lực lượng Hiến máu dự bị thực chất, hiệu quả và bền vững”, góp phần đảm bảo máu an toàn phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Tổ chức được Câu lạc bộ những người có nhóm máu hiếm để phục vụ người bệnh khi cần thiết… Để hướng tới sự hài lòng cho người bệnh, Viện đã phát động nhiều phong trào như: “Mỗi người làm những việc tốt vì người bệnh”, “Nói lời cảm ơn thân thiện với người bệnh và người hiến máu”, “Mỗi tháng rèn một việc”, “Viện không khói thuốc lá”…, nhờ đó đã tạo nên không khí làm việc lành mạnh, thân thiện giữa cán bộ, nhân viên Viện với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Viện tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện vì người nghèo, hoạt động đền ơn, đáp nghĩa.
Với những thành quả đó, tập thể Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã được Đảng và Nhà nước, Bộ Y tế tặng nhiều phần thưởng cao quí như: Huân Chương Lao động hạng Nhất (2013) và nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam. Tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Y tế lần thứ VI mới được tổ chức ngày 17/9/2015 tại Hà Nội, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã vinh dự là 1 trong 5 đơn vị điển hình tham gia báo cáo tham luận tại Đại hội. Cá nhân GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới năm 2012; đồng thời, ông cũng là 1 trong 3 cá nhân tiên tiến điển hình được tôn vinh tại Đại hội lần này.
Bài, ảnh: Hoàng Hiền