Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Y tế Việt Nam cần làm gì sau tuyên bố của WHO ngày 5/5/2023 “COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu”?

  • |
T5g.org.vn - Ngày 5/5/2023, Ngài Tedros Adhanom, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. Để làm rõ nội dung thông báo quan trọng này và khuyến cáo những việc cần làm của ngành Y tế với công tác phòng chống COVID-19 trong thời gian tới, nhằm mục tiêu giữ vững thành quả phòng chống dịch, ngày 11/5/2023 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Cục Y tế dự phòng và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có Thông cáo báo chí với những nội dung cụ thể sau:
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (năm 2021)

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá rất cao các biện pháp ứng phó của Việt Nam đối với đại dịch COVID-19, đặc biệt là ngay từ khi đại dịch vừa mới bùng phát. Ngay từ thời điểm đó, Việt Nam đã có sự điều chỉnh hết sức hợp lý trong cả các biện pháp y tế công cộng cũng như các biện pháp xã hội khác để đảm bảo phòng, chống COVID-19 hiệu quả, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc giữ cho số lượng ca mắc và tỉ lệ tử vong tương đối thấp trong giai đoạn đầu của đại dịch cho đến khi có vắc xin. Và khi có vắc xin, Việt Nam đã xuất sắc thực hiện triển khai tiêm chủng vắc xin. Tốc độ và quy mô của việc triển khai tiêm chủng là vô cùng ấn tượng, đặc biệt là nỗ lực đảm bảo rằng vắc xin đến được với tất cả mọi người ở mọi miền trên đất nước. Đây chính là một trong những câu chuyện thành công về ứng phó với COVID-19 của Việt Nam mà WHO thường nêu bật và lan tỏa.

Lý do nào dẫn tới WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu?

Về vấn đề này, Tiến sĩ Angela Pratt cho biết:

Thứ nhất, dựa trên tình hình dịch tễ học về xu hướng giảm trên toàn cầu trong thời gian gần đây về số ca tử vong, số ca nhập viện, đặc biệt là giảm số ca phải chăm sóc tích cực (ICU).

Thứ hai, đã đến lúc cần phải thay đổi những công cụ để ứng phó và phòng, chống COVID-19. COVID-19 không còn là sự kiện chưa từng có tiền lệ nữa, vi rút đã và đang tồn tại. Chính vì vậy, thay vì quản lý theo tình trạng khẩn cấp, chúng ta cần chuyển hướng sang quản lý dài hạn và bền vững cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.

Về câu hỏi: “Có nên coi COVID-19 như bệnh cúm mùa?” Tiến sĩ Angela Pratt cho rằng có những điểm tương đồng giữa cúm mùa với bệnh COVID-19, đó là cả hai bệnh này đều do tác nhân gây bệnh đường hô hấp. Tuy nhiên, COVID-19 không theo mùa, trong khi cúm mùa thường xuất hiện vào mùa đông. Ngoài ra, COVID-19 vẫn là một căn bệnh còn rất mới, khó có thể dự đoán được cách thức hoạt động, biến đổi của COVID-19 trong tương lai. Chính vì vậy, việc công bố kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch không có nghĩa là COVID-19 đã kết thúc. Đây chỉ là một tín hiệu rằng chúng ta cần chuyển hướng sang quản lý bền vững COVID-19.

Khuyến nghị của WHO sau Tuyên bố ngày 5/5/2023

Tiến sĩ Angela Pratt  cũng cho biết, để thực hiện tốt quá trình chuyển đổi sang quản lý dài hạn hơn đối với COVID-19, WHO đã đưa ra 7 khuyến nghị cho các quốc gia.

- Một là, phải duy trì những thành tựu đã đạt được, rút ra những bài học trong ba năm rưỡi qua và áp dụng những điều đó vào cách ứng phó với COVID trong tương lai, cũng như để chuẩn bị cho mối đe dọa đến từ các bệnh truyền nhiễm mới nổi khác.

- Hai là, về tiêm chủng - đã đến lúc phải tích hợp tiêm phòng COVID vào các chương trình tiêm chủng thường quy, bởi vì COVID sẽ còn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta trong tương lai gần.

- Ba là, về công tác giám sát, phải tích hợp giám sát COVID với giám sát các mầm bệnh đường hô hấp khác, và tiếp tục báo cáo dữ liệu đó cho WHO.

- Bốn là, đảm bảo nguồn cung cấp vắc xin tốt, chẩn đoán và điều trị tốt. Tất cả những công cụ này đều được cung cấp ở Việt Nam và các quốc gia khác trong trường hợp khẩn cấp.

- Năm là, tiếp tục làm tốt công tác truyền thông tới cộng đồng. Một trong những đặc điểm chính giúp Việt Nam ứng phó thành công đó chính là cách cộng đồng có thể tham gia và sẵn sàng hỗ trợ các biện pháp y tế cộng đồng và xã hội khác nhau.

- Sáu là, cần tiếp tục rà soát và cập nhật kế hoạch đáp ứng quốc gia và sẵn sàng, linh hoạt, và nếu cần thiết có thể tái thiết lập các biện pháp y tế công cộng và xã hội, dựa trên tình hình dịch và đánh giá nguy cơ.

- Bảy là, tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu về hiệu quả và hiệu suất của vắc xin, cũng như tình trạng hậu COVID.

Trên thực tế, Việt Nam đã bắt đầu quá trình chuyển đổi sang “quản lý bền vững” vi rút cách đây 18 tháng. Việt Nam nên nghĩ về cách quản lý vi rút dài hạn, thay vì ứng phó khẩn cấp, và bây giờ không phải là lúc để nới lỏng bất kỳ biện pháp chống dịch nào, đặc biệt là khi chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng số ca mắc bệnh, số ca nhập viện, số ca phải chăm sóc đặc biệt (ICU), mặc dù số ca tử vong cho đến nay không tăng đột biến. Đó là kết quả của việc đạt được tỉ lệ miễn dịch cộng đồng rất cao, cũng như những nỗ lực đáng kinh ngạc của các nhân viên y tế.

Trong bối cảnh tình hình các ca nhiễm đang có xu hướng gia tăng ở Việt Nam, cần tiếp tục theo dõi sát sao, đồng thời điều chỉnh các biện pháp ứng phó và theo dõi chặt chẽ các cơ sở khám chữa bệnh, giám sát chặt chẽ năng lực các cơ sở và chăm sóc đặc biệt (ICU) để đảm bảo rằng các cơ sở và nhân viên y tế không bị quá tải.

WHO cam kết sẽ luôn luôn đồng hành cùng Việt Nam, cụ thể Bộ Y tế trong công cuộc phòng, chống, kiểm soát và quản lý lâu dài dịch bệnh COVID-19.

Hoạt động phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào sau tuyên bố của WHO?

Theo GS.TS.Phan Trọng Lân – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế nhấn mạnh lại rằng công bố của WHO về việc COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu, tuy nhiên Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh việc tuyên bố không có nghĩa là COVID-19 không còn là mối đe dọa hay COVID-19 ít nguy hiểm hơn.

WHO đánh giá rủi ro nguy cơ về COVID-19 vẫn ở mức cao trên toàn cầu, dù số mắc và số ca tử vong giảm trên toàn cầu nhưng từng khu vực vẫn có sự gia tăng. Bản thân virus SARS-CoV-2 vẫn có biến đổi, thay đổi. Nếu như đầu tháng 4, WHO công bố có khoảng 400-500 biến thể phụ của Omicron nhưng đến đầu tháng 5, con số này đã là 900. WHO luôn nhắc các nước không được chủ quan, cảnh giác với các biến thể mới xuất hiện. 

Việt Nam cần tiếp tục chủ động phòng chống COVID-19 trong tình hình mới

Việt Nam đã đưa ra các đáp ứng phù hợp với tình hình dịch tễ trong bối cảnh từng thời kỳ. Các hoạt động phòng chống dịch tại nước ta có sự chỉ đạo xuyên suốt trong thời gian qua, đặc biệt từ tháng 10/2021, Việt Nam đã chuyển hướng sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Ngày 17/3/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, với quan điểm, mục tiêu nhất quán trong phòng, chống dịch COVID-19 lâu dài, bền vững như hiện nay. 

Bộ Y tế đang tiếp tục xây dựng kế hoạch ứng phó bền vững với đại dịch COVID-19 trong tình hình mới, trong đó có tính đến bối cảnh có biến thể mới nguy hiểm xuất hiện, dịch lan rộng…; Tăng cường giám sát lồng ghép COVID-19 và các bệnh viêm đường hô hấp khác.

Việt Nam có thể công bố hết dịch COVID-19? 

GS.TS. Phan Trọng Lân cho biết miễn dịch COVID-19 sẽ giảm theo thời gian và dịch vẫn có thể xuất hiện làn sóng mới từ khu vực này đến khu vực khác. Chính vì thế dịch bệnh COVID-19 khó dự báo, khó lường và có sự gia tăng ở từng khu vực. Hiện mỗi ngày Việt Nam ghi nhận khoảng 2.000 ca bệnh COVID-19, trong đó có ca bệnh nhập viện, có bệnh nhân tử vong, 1/10 trong số này có liên quan hậu COVID-19. Vì vậy, COVID-19 vẫn gây gánh nặng cho hệ thống y tế. 

Liên quan đến công bố dịch, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định việc công bố dịch gồm 5 nội dung: Thứ nhất trên dịch bệnh; Thứ hai là thời gian, địa điểm, phạm vi, quy mô; Thứ ba là nguyên nhân, đường lây truyền và tính chất nguy hiểm của dịch; Thứ tư là các biện pháp phòng chống và thứ năm là các cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận điều trị.

Với 5 nội dung này, vẫn cần tiếp tục công bố số liệu về dịch để các cơ quan liên quan và người dân nắm được. Mỗi số liệu đưa ra đều mang ý nghĩa giúp cho người dân và cơ quan liên quan biết thời gian, địa điểm, quy mô dịch và các biện pháp phòng chống để thực hiện một cách xuyên suốt thống nhất, giúp cho nhanh chóng khống chế dịch.

Các hoạt động phòng chống dịch hiện nay sẽ dựa trên tình hình dịch tễ, biện pháp phòng chống, nguồn lực… đặc biệt trong bối cảnh dịch chưa ổn định, vẫn có biến chủng, ca mắc mới hằng ngày. Các biện pháp này nhằm đảm bảo khi có tình huống phải áp dụng để kiểm soát dịch nhanh chóng.

GS.TS. Phan Trọng Lân nhấn mạnh trong thời gian tới vẫn cần duy trì thực hiện 2K, vaccine, thuốc điều trị, công nghệ và ý thức người dân trong việc phòng, chống COVID-19 lâu dài.

Bộ Y tế sẽ có những thay đổi như thế nào trong điều trị BN COVID-19, quy định cách ly với người mắc COVID-19?

TS. Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết từ khi Việt Nam chuyển hướng sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn điều chỉnh nhiều nội dung, trong đó có vấn đề liên quan đến kiểm soát, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, cách ly đối với người mắc COVID-19.

Hiện nay, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đang xem xét điều chỉnh các hướng dẫn này, tập trung chủ yếu vào điều chỉnh liên quan đến sử dụng thuốc kháng virus, một số thuốc kháng thể đối với COVID-19 theo các khuyến cáo và các bằng chứng mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới và các báo cáo khoa học trên thế giới.

Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông phòng chống COVID-19

Về các ca tử vong do COVID-19 gần đây, sau khi xem xét, phân tích các ca bệnh tử vong này, các chuyên gia nhận thấy rằng tất cả các ca bệnh tử vong đều là những người bệnh có nguy cơ cao, bệnh nền, cao tuổi hoặc là có rất nhiều bệnh kèm theo, và bản thân bệnh nhân cũng đã có tình trạng nặng từ trước. Không phát hiện một trường hợp nào mà tử vong ở trên người bệnh mà không có bệnh nền hay là người trẻ tuổi không có bệnh nền.

Tỷ lệ tử vong hiện nay ước tính dao động khoảng 0,47% trong số bệnh nhân nằm viện. Cần nhấn mạnh rằng những bệnh nhân COVID-19 phải nằm viện có nghĩa là những bệnh nhân có bệnh nền, có triệu chứng nặng thì mới nhập viện; những trường hợp nhẹ, hoặc triệu chứng chưa đến mức phải can thiệp y tế nhiều thì hầu hết là điều trị tại nhà hoặc là được theo dõi tại các cơ sở y tế mà không phải bệnh viện.

Theo ghi nhận của Bộ Y tế, tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở Việt Nam từ trước đến nay ở mức 0,37%, thấp hơn nhiều tỷ lệ chung của thế giới là 0,99%, nghĩa là chỉ bằng khoảng một phần ba so với tỉ lệ chung của thế giới. Đây là một số liệu thể hiện nỗ lực cao của hệ thống y tế trong công tác điều trị bệnh COVID-19 suốt 3 năm qua, với việc chuyển đổi rất kịp thời các hình thức từ cách ly tuyệt đối, điều trị 100% tại bệnh viện cho đến triển khai các cơ sở điều trị theo mô hình tháp ba tầng, và sau đó là triển khai điều trị, theo dõi, giám sát tại nhà.

Công tác tiêm vắc xin COVID-19 sẽ triển khai như thế nào trong thời gian tới?

PGS.TS. Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Việt Nam đã tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo hình thức chiến dịch qui mô lớn cho các nhóm đối tượng bao gồm: người lớn từ 18 tuổi trở lên, trẻ em từ 12 đến 17 tuổi và trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tổng số số mũi tiêm đã thực hiện là hơn 266 triệu mũi tiêm, Việt Nam là quốc gia đạt độ bao phủ vắc xin COVID-19 cao cho các lứa tuổi bao gồm các liều cơ bản và các liều tiêm nhắc lại. Nỗ lực triển khai tiêm vắc xin phòng COVID -19 đã đóng góp quan trọng vào thành công chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam.

Theo khuyến cáo cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới: Các nhóm cần ưu tiên tiêm nhắc vắc xin phòng COVId-19 gồm: người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng, những người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính cần được tiêm đủ liều cơ bản và tiêm nhắc lại, các mũi tiêm nhắc sau liều cuối cùng từ 6 đến 12 tháng.

Trong tình hình dịch COVID-19 có xu hướng gia tăng số mắc những ngày gần đây,  người dân hãy thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cần tiêm đủ liều cơ bản và nhắc lại theo hướng dẫn hiện tại của Bộ Y tế: người từ 18 tuổi trở lên cần tiêm đủ liều cơ bản và nhắc lại, trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm đủ liều cơ bản và tiêm nhắc, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cần tiêm đủ liều cơ bản. Đặc biệt những người nguy cơ cao mắc COVID 19 như người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ mũi 3, mũi 4 theo lịch và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe Trung ương

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang