Bệnh nhân Ngô Đình T. (trú tại xã Thượng Quan huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn) nhập viện ngày 21 tháng 9 năm 2015 do bị ong đốt 25 nốt, vào viện trong tình trạng suy giảm chức năng gan, thận: đái máu toàn bãi, sau đó vô niệu hoàn toàn, da và củng mạc mắt vàng đậm, đe dọa phù phổi cấp, hôn mê gan....Bệnh nhân nhanh chóng được lọc máu cấp cứu. Sau nhiều lần lọc máu chức năng thận của bệnh nhân dần ổn định hoạt động trở lại, hết đái máu....Đến ngày 23 tháng 9, bệnh nhận được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai để truyền các chế phẩm của máu; Ngày 30/9/2015, bệnh nhân được chuyển về điều trị tại khoa Hồi sức Tích cực -Chống độc (BVĐK Tỉnh Bắc Kạn). Dự kiến bệnh nhân phải điều trị trong vòng một tháng để chức năng gan hồi phục ổn định.
Theo lời kể của bệnh nhân, ngày 20/9/2015, bệnh nhân cùng vợ đi làm nương, trong lúc phát cỏ cả hai đều bị ong vò vẽ đốt, rất may người vợ bị đốt ít nốt hơn nên không phải điều trị lâu dài.
Theo BsCKI. Đinh Thị Đầm (Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, chống độc - Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn): Có nhiều loài ong gây chết người, thường gặp nhất là ong vò vẽ, gồm 2 loại:
Loại ong nhỏ có thân màu đen, vàng xen kẽ, ở bụng có một khoanh màu vàng rộng; làm tổ trên cao, thích sống gần hơi ấm con người và gia súc. Độc tính của nọc ong này khá cao, người lớn nếu bị đốt 40-50 nốt rất dễ dẫn đến tử vong nếu không được cứu chữa tích cực, đúng cách và triệt để.
Loại ong to thường làm tổ trên mặt đất hoặc hố đất, rất độc, chỉ 1-2 con đốt đã có thể gây sốt. Chúng thường làm tổ ở các gò, đồi, mô đất cao hơi yên tĩnh, thường xa nhà và nơi thả gia súc.
Nọc độc của ong vò vẽ gồm các chất histamin (gây dị ứng rất mạnh và rất nhanh, khoảng 20-30 phút sau khi bị đốt) các enzym, peptid độc, serotonin và kinin. Ngoài ra, ngòi chích của loài ong này không có gai, nên khi chích vào da người, ngòi không bị rứt khỏi cơ thể ong, vì vậy một con ong vò vẽ có thể chích nhiều lần, không như ong mật chỉ chích được một lần, vì ngòi bị rứt ra khỏi cơ thể, và ong sẽ chết sau đó.
Ngòi ong vò vẽ chứa nọc độc và chất Alarm Pheromones. Chất này khi thoát ra khỏi ngòi chích, hoạt động như một tín hiệu để báo cho đồng loại nguy cơ tổ bị xâm nhập, do đó các ong thợ trong tổ sẽ kéo đến tấn công kẻ xâm nhập. Vì bị kích thích bởi chất Pheromone, nên ong trở nên rất hung hăng, và tấn công liên tiếp.
Cũng vì lý do này mà khi một con ong bị đập chết, chất Alarm Pheromone thoát ra, báo hiệu cho những con ong thợ trong tổ ở gần đó kéo đến tấn công. Các chất này gây sốc phản vệ nhanh, đau buốt, sưng nề tại chỗ và lan tỏa, dẫn đến tổn thương gan và suy gan, tổn thương thận và suy thận, tiêu cơ vân, tan máu.
Tùy số nốt đốt và phản ứng của từng cá thể, bệnh nhân có thể bị phù mặt, thanh khí phế quản và thanh môn, khó thở, nói khàn; có thể liệt thần kinh (mặt, ngoại biên, mắt), thậm chí bị tổn thương thần kinh lan tỏa rất nặng nề. Độc chất của nọc ong vò vẽ còn có thể gây nhược cơ trầm trọng.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, vào mùa này có rất nhiều người tham gia tìm các tổ ong nhằm "thu hoạch" nhộng ong bán cho các nhà hàng hoặc để chế biến các món liên quan tới nhộng ong vò vẽ. Đôi khi trẻ em hiếu động khi thấy tổ ong có thể chọc hoặc ném vào tổ ong rất có thể bị ong đốt gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng, những người bị ong đốt nhiều nốt chữa trị rất tốn kém.
Theo các thầy thuốc khuyến cáo: Khi không may bị ong đốt ít hay nhiều cũng nên đến ngay cơ sở y tế để khám, tư vấn và điều trị vì nọc ong rất độc, bị ong đốt có thể gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong ngay và gây đau, sưng tấy...nặng hơn có thể gây tiêu cơ vân, tan máu, suy gan, suy thận cấp.....
Các nạn nhân bị ong đốt cần được phát hiện và sơ cứu càng sớm càng tốt (trong vòng 10-15 phút), đặc biệt là bị đốt bởi các loại ong mà nọc có độc tố cao như ong vò vẽ. Các động tác sơ cứu bao gồm: rửa xà phòng (hoặc chất kiềm nhẹ) ở vết cắn rồi chườm lạnh; sau đó chuyển ngay bệnh nhân lên tuyến y tế có điều kiện để cấp cứu hồi sức.
Bài: Đàm Trung, Phó Giám đốc T4g Bắc Kạn