Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 05/10/2015

  • |
T5g.org.vn - Suýt mất mạng vì tự ý mua kháng sinh điều trị; Ôm bệnh do tin ‘bác sĩ’… Google; Kỹ thuật cao: Hiểu đúng để tránh lạm dụng; Hỗ trợ cho người chỉ có con gái: Hạn chế hay sẽ khoét sâu mất cân bằng giới tính?; Nghệ An: Hàng ngàn sinh viên tham gia ngày hội hiến máu “Sắc đỏ dòng Lam”...

Suýt mất mạng vì tự ý mua kháng sinh điều trị

Khi thấy con có biểu hiện ho, sốt, mệt mỏi, không ít phụ huynh thay vì đưa con đi khám đã tự ý ra quầy thuốc mua kháng sinh về cho con uống. Hậu quả là con bị nặng hơn, thậm chí có trường hợp nguy kịch vì lạm dụng kháng sinh.

Sốc nhiễm trùng vì kháng sinh

Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai vừa cấp cứu bệnh nhi N.V.V bị sốc nhiễm trùng nặng, có nguy cơ tử vong cao do lạm dụng kháng sinh. Theo đó, trước khi nhập viện, cha mẹ bệnh nhi đã tự ý cho dùng kháng sinh. Khi vào viện, triệu chứng của cháu V. rất giống với bệnh viêm phổi.

Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị, bệnh nhi không những không có dấu hiệu phục hồi mà còn diễn biến nặng hơn, với triệu chứng sốc nhiễm trùng, nguy cơ tử vong cao. Bệnh tình của cháu V. chỉ được phát hiện chính xác, điều trị kịp thời khi bác sĩ quyết định chọc não tủy và phát hiện cháu bị viêm màng não mủ.

Một trường hợp khác là bé H.T.U, 7 tuổi trú tại Đồng Nai, bé U. bị bỏng nước sôi ở tay. Vì nghĩ vết bỏng nhỏ, đơn giản nên ba mẹ bé đã ra hiệu thuốc mua kháng sinh dạng bột về pha với nước đun sôi để nguội rồi thoa lên vết bỏng.

Chỉ sau vài phút bôi thuốc, bé U. có biểu hiện nôn ói nhiều lần, sau đó ngưng thở. Hốt hoảng, người nhà vội đưa bé U. vào bệnh viện địa phương sơ cứu, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại thời điểm chuyển lên tuyến trên, bé U đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, suy gan, suy thận nặng. Sau gần 1 tháng điều trị tích cực, bé U mới dần hồi phục và xuất viện.

"Mua kháng sinh dễ hơn mua rau"

Đó là nhận định của các chuyên gia y tế khi nói về tình trạng lạm dụng kháng sinh của người dân cũng như việc “mua-bán” kháng sinh quá dễ dãi dẫn đến việc hễ có bệnh là uống kháng sinh.

Nhận định tình trạng lạm dụng kháng sinh, ông Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, hiện tình trạng lạm dụng kháng sinh đang diễn ra phổ biến ở nhiều vùng trên cả nước, khiến tình trạng kháng thuốc càng trầm trọng.

Điều này đã được chứng minh qua kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp đặc biệt ở vùng nông thôn.

Cụ thể, trong tổng số 2.953 nhà thuốc được điều tra, phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn của bác sỹ, chiếm 88% (thành thị) và 91% (nông thôn). Ba loại kháng sinh được bán nhiều nhất là ampicillin/amoxicillin (29,1%), cephalexin (12,2%) và azithromycin (7,3%).

Không chỉ nhân viên bán thuốc bán khi không có đơn mà ngay cả người dân khi đến hiệu thuốc cũng thường yêu cầu được bán kháng sinh mà không có đơn, với tỷ lệ khoảng 49,7% (thành thị) và 28,2% (nông thôn).

Trước những kết quả khảo sát trên, phóng viên đã trực tiếp đến các vùng quê để ghi nhận tình hình. Tại huyện Hạ Hòa – tỉnh Phú Thọ, việc mua bán kháng sinh nói riêng và hoạt động mua bán thuốc chữa bệnh nói chung diễn ra khá dễ dàng và thiếu sự quản lý của các cơ quan chức năng.

Theo đó, tại các xã như Hiền Lương, Xuân Áng, Vô Tranh hay Đan Thượng …tại mỗi buổi chợ phiên, có nhiều quầy thuốc được bày bán ngay tại chợ với đầy đủ các loại thuốc từ thuốc bổ tới thuốc bệnh.

Trong vai một người mua thuốc, khi chúng tôi tìm đến một hiệu thuốc có “trụ sở” tại góc chợ Hiền Lương, chỉ cần kể triệu chứng là những “dược sĩ” ở đây có thể bắt ra hàng loạt bệnh và “kê đơn bằng mồm” cho một loạt thuốc điều trị và trong đó không thể thiếu các loại kháng sinh như: ampicillin, amoxicillin…

Không chỉ có ở các chợ, với những bàn thuốc không biển hiệu, không được cấp phép mà ngay cả ở những quầy thuốc được treo biển và ghi rõ giấy cấp phép ở địa phương này, tình trạng “mua – bán” kháng sinh diễn ra rất nhộn nhịp.

Điều đáng nói là, chính những người mua thuốc cũng không hề biết tác dụng thật sự và tác dụng phụ khi dùng những loại thuốc này. Bởi những người dân ở đây đều cho rằng: “Bác sĩ bảo thế thì về uống theo hướng dẫn”, và họ đều có một niềm tin với “đặc biệt” đó là: “Cô ấy ở ngay làng tôi, làm sao mà dám làm láo được” (?!).

http://khampha.vn/suc-khoe/suyt-mat-mang-vi-tu-y-mua-khang-sinh-dieu-tri-c11a360850.html

Ôm bệnh do tin ‘bác sĩ’… Google

Bài thuốc “dân gian”, “gia truyền” trên mạng đều không có chứng cứ khoa học là trị được bệnh.

“Những thông tin hướng dẫn điều trị bệnh theo phương pháp dân gian được đăng tải trên các trang mạng không chính thống đều không có chứng cứ khoa học. Nếu tin và làm theo lời “phán” của những “bác sĩ” (BS) trên mạng thì nguy cơ bệnh tình thêm nặng” - BS Trần Văn Năm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, khuyến cáo.

Tự trị bệnh theo trang web

Cách đây ba tháng, ông NVH (ở TP.HCM) phát hiện bị tiểu đường type 2 trong lần khám sức khỏe định kỳ. Đang lúc ông H. lo lắng thì có một bà gần nhà rỉ tai: “Trên mạng có giới thiệu bài thuốc trị bệnh tiểu đường type 2 bằng hạt bưởi hay lắm. Người nhà tui sau khi uống nước hạt bưởi một tháng là bệnh giảm hẳn”.

Thế là ông H. quyết định lên mạng tìm hiểu. Sau khi vô Google gõ cụm từ “trị bệnh tiểu đường type 2 bằng hạt bưởi”, ông H. thấy hơn 16.000 kết quả hiện ra. Click vào địa chỉ một trang web, ông H. nhận được thông tin: “Chất nhầy quanh vỏ hạt bưởi có nhiều công dụng quý gồm trị tiểu đường type 2, giảm béo, cầm máu, chống táo bón, kháng khuẩn…”.

Trang web cũng hướng dẫn kỹ cách pha chế: “Cho hạt bưởi vào ly (tối đa 1/3 ly), rót nước đun sôi đã để nguội bớt (khoảng 60-70 độ C), mực nước khoảng 2/3 ly. Ngâm 15 phút, dùng nĩa nhiều răng đánh liên tục khoảng 5- 6 phút rồi gạn lấy nước nhầy cho vào một ly khác. Làm tiếp rồi kiểm tra nếu hạt bưởi hết chất nhầy thì thôi. Uống 50 ml nước nhầy trước bữa ăn 10 phút, ngày ba lần. Dùng liên tục đến khi xét nghiệm đường huyết trở về bình thường thì thôi”.

“Tôi làm đúng theo hướng dẫn nói trên độ hai tháng. Đến tháng thứ ba tôi luôn cảm thấy mệt mỏi, giảm cân nhanh, vết đứt ở tay lâu lành, hay khát nước và đi tiểu nhiều, thường lo âu và cáu gắt vô cớ… Khi có hiện tượng mắt mờ, phù mắt cá chân…, tôi đến bệnh viện và thực sự hoảng hồn khi BS cho biết bệnh tiểu đường của tôi đã chuyển qua biến chứng nặng” - ông H. thở dài.

Chữa “yếu” thành… “liệt”

Do quan hệ làm ăn nên ông TMP (ở Long An) thường thuốc lá, bia bọt với các đối tác. Cách đây vài tháng, ông P. cảm thấy “bản lĩnh đàn ông” giảm hẳn. Nên khi nghe bạn bè trong lúc “trà dư tửu hậu” kháo nhau có bài thuốc chữa yếu sinh lý bằng gừng tươi và mật ong rất hiệu nghiệm, ông P. vô Google tìm hiểu.

Sau khi gõ cụm từ “chữa yếu sinh lý bằng gừng tươi và mật ong”, ông P. tiếp tục click vào một trang web thì có thông tin sau: “Các hợp chất trong gừng như gingerol, shogaol và zingiberene có tác dụng kích thích mạch máu, tăng cường sự tuần hoàn máu… Do đó gừng được sử dụng như một thực phẩm kích thích tình dục, chữa bệnh yếu sinh lý cho nam giới”.

Trang web hướng dẫn “dùng gừng tươi rửa sạch, cạo vỏ, ép lấy chừng hai muỗng canh nước cốt. Sau đó trộn với lượng mật ong vừa đủ để tạo thành hỗn hợp nước gừng mật ong. Nam giới mắc chứng yếu sinh lý, bất lực nên uống mỗi ngày ba lần. Dùng thường xuyên sẽ có hiệu quả cao”.

“Đều đặn mỗi ngày ba lần, vợ tôi “bào chế” gừng tươi mật ong cho tôi uống. Cả hai vợ chồng thầm mong “bài thuốc” sẽ mang lại tác dụng. Dè đâu tôi luôn rơi vào tình trạng “thằng lớn bảo “thằng nhỏ” không nghe”. Đến bệnh viện, BS cho biết bệnh của tôi đã quá nặng, đáng lý phải đến điều trị sớm hơn thì còn hy vọng…” - ông P. tâm sự.

Chữa đột quỵ bằng… kim may

Mới đây, trao đổi với chúng tôi, bà LTKX (Đồng Nai) cho biết hiện nhiều hộ gia đình chung quanh nơi bà ở truyền nhau một phương thức điều trị đột quỵ bằng kim may. Phương pháp này còn được đăng tải trên mạng để nhiều người cùng biết. Để kiểm chứng, chúng tôi vào Google và gõ cụm từ “chữa đột quỵ bằng kim may”. Quả thật có 560.000 kết quả hiện ra.

Một trang web hướng dẫn như sau: “Khi có người bị đột quỵ không được di chuyển. Hãy giúp bệnh nhân ngồi tại chỗ rồi chích cho máu chảy ra. Nếu có sẵn kim tiêm thì tốt, còn không có thể dùng kim may. Thực hiện các bước sau đây: Hơ kim trên lửa để khử trùng rồi dùng nó để chích 10 đầu ngón tay. Nếu máu không chảy ra được, hãy dùng ngón tay của bạn để nặn ra. Khi tất cả 10 đầu ngón tay đều đã có máu chảy ra, hãy chờ vài phút, nạn nhân sẽ hồi tỉnh. Nếu nạn nhân bị méo miệng, hãy kéo hai tai cho đến khi đỏ lên. Chờ cho đến khi nạn nhân trở lại trạng thái bình thường thì mới chở nạn nhân vào bệnh viện”.

Không có chứng cứ khoa học

Trao đổi với BS Trần Văn Năm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, ông khẳng định tất cả bài thuốc kể trên đều không có chứng cứ khoa học trị được bệnh.

Đối với “bài thuốc” chữa bệnh tiểu đường type 2 bằng hạt bưởi, BS Năm giải thích: “Bệnh tiểu đường cần phải gặp BS chuyên khoa điều trị sớm để tránh biến chứng. Liên tục uống nước nhầy hạt bưởi kết quả chẳng biết ra sao nhưng kéo dài thời gian khiến bệnh dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng”.

Riêng “bài thuốc” trị yếu sinh lý, BS Năm cho biết căn bệnh này có nhiều nguyên nhân gây ra như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh mạn tính gây suy nhược và suy mòn cơ thể… “Tùy từng nguyên nhân gây bệnh mà có cách điều trị yếu sinh lý khác nhau. Không thể dùng chung một bài thuốc. Trong khi gừng chỉ có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, giảm đau, kích thích tiêu hóa… Mật ong có tác dụng cung cấp bổ dưỡng, kháng viêm… Khoa học chưa chứng minh gừng tươi trộn mật ong điều trị được yếu sinh lý. Bệnh nhân quá tin vào “bài thuốc” này sẽ khiến việc điều trị về sau của các BS chuyên khoa gặp khó khăn” - BS Năm khuyến cáo.

Nói tới phương pháp chích ngón tay để chữa đột quỵ, BS Năm lưu ý: “Phương pháp nói trên kéo dài thời gian để bệnh nhân ở nhà, gây nguy hiểm tính mạng. Trong điều trị đột quỵ, thời gian tính bằng phút, bằng giây. Do vậy đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm thì khả năng cứu sống bệnh nhân càng cao, ít để lại biến chứng”.

http://phapluattp.vn/suc-khoe/om-benh-do-tin-bac-si-google-582704.html

Y tế trên đảo Phú Quý

Huyện đảo Phú Quý cách đất liền hơn 100km, đi lại giữa đảo này và đất liền vô cùng khó khăn phức tạp. Công tác khám chữa bệnh, đặc biệt là việc vận chuyển bệnh nhân cấp cứu từ đảo vào đất liền gặp vô vàn thách thức. Tuy nhiên, vượt qua vô vàn khó khăn, thách thức đó, hàng ngàn ca cấp cứu, phẫu thuật... đã được đội ngũ những người làm y trên đảo thực hiện thành công.

Tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VI của Bộ Y tế, câu chuyện của ThS-BS Bùi Đình Lĩnh - Giám đốc Trung tâm Y tế Quân dân y huyện Phú Quý (Bình Thuận) nói về những khó khăn, thách thức mà đội ngũ y, bác sĩ đã phải trải qua trong quá trình khám chữa bệnh cho người dân trên đảo đã dành được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tham dự. Câu chuyện đã thể hiện tinh thần quyết tâm, nỗ lực vượt mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao của đội ngũ y bác sĩ ở đây.

Cách đây 29 năm, ThS-BS Bùi Đình Lĩnh và một số cán bộ y tế khác được Sở Y tế Thuận Hải (năm 1991, tỉnh Thuận Hải được chia thành 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận - PV) điều động ra đảo Phú Quý. Nhiệm vụ của các anh khi đó là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang đóng chân trên đảo.

Nói về thời điểm này, ThS-BS Bùi Đình Lĩnh cho hay: Đây là thời kỳ bao cấp, đời sống của bà con nhân dân trên đảo và cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, đất liền khó một thì nơi đầu sóng ngọn gió như Phú Quý khó khăn, thiếu thốn nhân lên gấp bội. Phú Quý những năm ấy cái gì cũng thiếu, đường sá thậm chí còn chưa hình thành, 4 bề mênh mông cát trắng. Bệnh viện Phú Quý khi đó cũng chẳng hơn gì một trạm y tế xã. Khu điều trị bệnh nhân là một dãy nhà cấp 4 rộng 360m2, máy móc trang thiết bị y tế không có gì ngoài những thứ rất cơ bản như ống nghe, máy đo huyết áp, nhiệt kế...

“Chuyện khám chữa bệnh vì thế chủ yếu dựa vào khám lâm sàng chứ không hề có xét nghiệm, siêu âm hay X-quang hiện đại. Và cũng vì khám chữa bệnh dựa vào “kinh nghiệm” nên đòi hỏi người bác sĩ phải rất kiên trì, chịu khó khám đi khám lại nhiều lần, ghi chép so sánh giữa lần khám sau và lần khám trước sau đó mới đi đến kết luận cuối cùng. Mặc dù phải làm công tác khám chữa bệnh trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn như vậy nhưng nhờ tinh thần quyết tâm khắc phục khó khăn, nên tôi và các đồng nghiệp đã giải quyết thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo trên đảo, đem lại sự sống cho hàng nghìn người bệnh đang cận kề cái chết. Trong điểu kiện khó khăn không có ánh sáng điện, không có các thiết bị, dụng cụ phẫu thuật, đội ngũ những người làm y trên đảo đã sử dụng những gì mình có như đèn dầu, bếp dầu, bàn sanh, máy hút đạp chân để tiến hành phẫu thuật cứu sống rất nhiều người bệnh một cách không tưởng”.

Nói về những lần như thế, ThS-BS Bùi Đình Lĩnh bảo: Trong gần 30 năm khám chữa bệnh trên đảo, với hàng ngàn ca bệnh hiểm nghèo mà chúng tôi cứu sống, trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Mọi (xã Long Hải) là tôi nhớ nhất. Nó luôn nhắc nhở chúng tôi phải biết thương yêu người bệnh, coi người bệnh như chính người thân ruột thịt của mình. Đồng thời, nó cũng là minh chứng cho nỗ lực, quyết tâm khắc phục khó khăn đã và đang gặp phải để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, nhân dân và chiến sĩ trên đảo.

Rồi anh kể, bệnh nhân Nguyễn Mọi bị viêm ruột thừa khi đang đánh bắt hải sản xa bờ, khi về tới đảo đã chuyển thành bệnh viêm phúc mạc toàn thể sau 20 ngày ủ bệnh trên biển. Để thực hiện ca mổ, chúng tôi đã phải hấp dụng cụ bằng bếp dầu, hút dịch bằng máy hút đạp chân, ánh sáng mổ lấy từ máy phát điện mượn của một người dân địa phương. Dụng cụ thiết bị thiếu và thô sơ là vậy nhưng khi mở ổ bụng bệnh nhân ra thì khó khăn lại tăng lên gấp bội. Ổ bụng đầy mủ đặc quánh màu socola, do vậy sau khi hút sạch mủ ổ bụng thấy một số quai ruột và ruột thừa đã hoại tử tím đen. Nhưng với tấm lòng thương yêu người bệnh và ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, tôi cùng các đồng nghiệp đã quyết định bổ sung dụng cụ để cắt đoạn ruột hoại tử.

“Để có được ca mổ thành công, tôi và hai kỹ thuật viên gây mê hồi sức đã phải thay nhau ăn ngủ bên giường bệnh nhân suốt 10 ngày đêm liên tục để chăm sóc, hút dịch cho ruột được thông. Niềm hạnh phúc khi tiếp tục được sống và tiếp tục được đi biển đánh bắt cá suốt 28 năm qua của bệnh nhân Nguyễn Mọi vì đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần, cũng là niềm hạnh phúc vô bờ của tôi và các đồng nghiệp từ đó đến nay. Bởi vì niềm hạnh phúc ấy là kết quả của tinh thần thương yêu người bệnh khắc phục khó khăn để đem lại sự sống cho người bệnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - ThS-BS Bùi Đình Lĩnh nói.

Với tinh thần thương yêu người bệnh, ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn, ThS-BS Bùi Đình Lĩnh và các đồng nghiệp đã giải quyết tại chỗ nhiều bệnh nhân cấp cứu một cách thành công. Và rất nhiều bệnh nhân trong số này đáng lẽ ra phải chuyển lên tuyến trên theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đã được quy định. Nhưng như đã nói ở trên, vì khoảng cách giữa đảo với đất liền rất lớn, lên tới 100km nên không biết trong quá trình di chuyển tính mạng người bệnh sẽ như thế nào.

Theo ThS-BS Bùi Đình Lĩnh, hàng trăm ca mổ trên đảo không thể thành công và các thầy thuốc không thể hoàn thành nhiệm vụ nếu bà con nhân dân địa phương không mang máy phát điện cho mượn để thắp sáng khi tiến hành phẫu thuật. Càng trong hoàn cảnh khó khăn lại càng thấy được tầm quan trọng của sức dân, sự cần thiết phải có tinh thần hưởng ứng và ủng hộ của nhân dân nói chung, của thân nhân người bệnh nói riêng. Vì vậy muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ người cán bộ y tế cần phải đổi mới phong cách, thái độ phục vụ để hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

 http://petrotimes.vn/y-te-tren-dao-phu-quy-331221.html

Kỹ thuật cao: Hiểu đúng để tránh lạm dụng

Bệnh nhân hoặc thân nhân có quyền yêu cầu giải thích rõ những ưu, nhược điểm và chi phí của phương pháp chẩn đoán và điều trị

Có thể nói lợi ích mà kỹ thuật cao trong y tế mang lại cho người bệnh, gia đình và xã hội là không thể chối cãi được. Nó giúp chẩn đoán nhanh và chính xác, từ đó điều trị thành công rất nhiều loại bệnh mà trước đây y học khó có thể can thiệp; giúp rút ngắn thời gian nằm viện; giảm các biến chứng trong điều trị; đạt được yếu tố thẩm mỹ... Tuy nhiên, vấn đề chính của việc áp dụng kỹ thuật cao là chi phí cho chẩn đoán và điều trị quá cao. Đây là gánh nặng cho bệnh nhân.

Chạy đua kỹ thuật

Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại như CT scan, MRI, nội soi chẩn đoán, các phương pháp siêu âm ba chiều... có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, giá chẩn đoán và điều trị còn quá cao là do:

- Các máy móc trong ngành y tế đòi hỏi độ chính xác cao, thời gian nghiên cứu và thực nghiệm cho đến khi được áp dụng trên con người rất dài, có khi đến hơn 10 năm. Giá bản quyền của phát minh cao.

- Trong việc mua sắm máy móc và trang thiết bị, do chúng ta còn nghèo, kinh phí ít nên đều mua qua phương thức trả chậm, chịu lãi suất ngân hàng và có trường hợp giá máy đội lên gấp đôi so với thực tế vì phết phẩy, trung gian.

- Chi phí đào tạo những thầy thuốc chuyên sử dụng các phương tiện này cũng khá cao.

Hiện nay, đang hình thành một khuynh hướng “chạy đua kỹ thuật” giữa các cơ sở y tế với nhau. Rất nhiều bệnh viện coi kỹ thuật cao là bộ mặt  của mình trong quan hệ giao tiếp. Mặt khác, áp lực phải chẩn đoán đúng, điều trị đúng và dư luận đè nặng lên vai của người thầy thuốc cũng là động lực chạy đua. Ở những nước tiên tiến, tại các phòng cấp cứu có tỉ lệ chẩn đoán đúng bệnh ngay từ những lần khám đầu tiên là 25% và tại các phòng khám ngoại chẩn là 30%. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh là một quá trình cần có thời gian để theo dõi sát và nắm các diễn tiến của bệnh. Ở nước ta, rất nhiều người đã cố tình bỏ qua quy luật này.

Có thể nói sự hiểu biết về các phương tiện chẩn đoán và điều trị mới của bệnh nhân chưa thật đầy đủ. Không phải ai cũng biết mỗi loại bệnh, mỗi giai đoạn của bệnh có một phương pháp chẩn đoán và điều trị khác nhau. Do đó, người bệnh và thân nhân thường có áp lực về tâm lý và truyền áp lực đó sang cả thầy thuốc. Trong vấn đề này, cần đề cao vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc làm cho người dân hiểu rõ hơn nữa giá trị, chỉ định và kết quả của từng phương pháp điều trị mới; cần có những cố vấn chuyên môn về lĩnh vực y học khi xét đăng tải những tin, bài viết về chuyên môn...

 Phương thuốc nào để chữa?

Hiện trạng ngành y tế nói chung ở nước ta là nếu nhìn riêng rẽ từng cơ sở y tế thì rất đẹp, rất hoành tráng, chủ nhân của nó đã cố gắng hết sức mình bằng mọi nguồn lực kể cả vay mượn, trả chậm... để biến cơ sở do mình phụ trách thành những trung tâm, những mũi nhọn. Nhưng nếu nhìn chung thì thấy thiếu sự cân xứng và có nhiều điều bất hợp lý. Đơn cử, có những bệnh viện trình độ của đội ngũ thầy thuốc chưa đủ để thông tim, nong mạch vành nhưng cũng cố “chạy” cho ra một cái máy DSA rồi trùm mền để đó, thỉnh thoảng có đoàn khách nước ngoài đến lại mang ra “biểu diễn” trên vài bệnh nhân, suốt năm chỉ có vài lần như vậy!

Cần phát huy vai trò của các hội chuyên khoa. Các hội này nên có ý kiến mạnh mẽ về một số trường hợp thổi phồng thông tin, dẫn đến hiểu sai tác dụng, chỉ định của một phương pháp chẩn đoán và điều trị, nhất là với các kỹ thuật cao; cần đề nghị công nhận kết quả xét nghiệm, kết quả điều trị của nhau trên cơ sở các quy chuẩn, từ đó tránh tình trạng bệnh nhân phải làm nhiều lần các loại xét nghiệm đắt tiền.

Đối với thầy thuốc: Cần mạnh dạn từ chối những yêu cầu không chính đáng của bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân, thậm chí của những nhà quản lý về việc áp dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị. Chỉ thực hiện những kỹ thuật này khi xác định đúng chỉ định và tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế - xã hội của từng người bệnh. Người thầy thuốc giỏi là người chỉ định đúng, không lạm dụng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Với bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân: Nên trang bị cho mình những kiến thức y học tối thiểu, nhất là khi bị mắc những bệnh mạn tính. Việc này có thể thông qua sách, báo, truyền hình hay những buổi nói chuyện của các câu lạc bộ y học. Không nên tạo áp lực tâm lý cho thầy thuốc khi khám chữa bệnh. Khi thầy thuốc đề nghị một phương pháp chẩn đoán và điều trị, bệnh nhân hoặc thân nhân có quyền yêu cầu giải thích rõ những ưu, nhược điểm và giá của phương pháp đó, thậm chí đề nghị thầy thuốc trình bày nhiều phương pháp điều trị để mình chọn lựa.

 Theo tiêu chuẩn của thế giới, một phương pháp chẩn đoán và điều trị được xem là có hiệu quả khi đạt các yêu cầu: Phải đại chúng, nghĩa là áp dụng được cho nhiều người, nhiều đối tượng; không xâm lấn hoặc xâm lấn tối thiểu; giá rẻ.

 http://nld.com.vn/suc-khoe/ky-thuat-cao-hieu-dung-de-tranh-lam-dung-20151004210213147.htm

Hiệu quả lớn từ công tác dự phòng

Với hành trình 70 năm, cùng sự hợp tác rộng rãi với hơn 40 quốc gia và các tổ chức trên thế giới, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (VSDTTW) đã không ngừng đổi mới trang thiết bị, đội ngũ cán bộ chuyên sâu, cập nhật các kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực y tế dự phòng. Đặc biệt, với những đóng góp của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng về lĩnh vực này trên thế giới.

GS, TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện VSDTTW tâm sự, kể từ khi thành lập đến nay, nhiệm vụ trọng tâm của viện là công tác phòng, chống dịch bệnh, trước hết là những bệnh truyền nhiễm gây dịch. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, điều kiện đời sống còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Gần 30 năm triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã làm thay đổi rõ rệt mô hình bệnh tật ở Việt Nam. Nhờ tiêm chủng, hàng trăm triệu liều vắc-xin đã được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn... Tỷ lệ tiêm chủng cao đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở phụ nữ và trẻ em, giúp giảm chi phí chăm sóc y tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ít ai hiểu được đằng sau kết quả tỷ lệ tiêm chủng tích cực ấy là sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của ngành y tế, đặc biệt là đối với những người làm trong công tác dự phòng. Để đạt được tỷ lệ tiêm chủng hiệu quả cao như ngày hôm nay là kết quả sự tận tụy của từng cán bộ y tế các cấp, của các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng những ngày đến tận nhà người dân, tuyên truyền cho nhân dân hiểu tầm quan trọng của công tác tiêm chủng, bảo vệ sức khỏe gia đình.

Với phương châm chủ đạo của nền y tế cách mạng “phòng bệnh là chính”, từ năm 1945 đến nay, viện luôn có vai trò chỉ đạo chuyên môn hệ thống y tế dự phòng cả nước, xây dựng và duy trì hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm là một trong những thành công nổi bật của viện. Bước đầu, viện thực hiện giám sát đối với 24 bệnh, sau đó tăng lên 28 bệnh và hiện nay thực hiện giám sát số trường hợp mắc và tử vong đối với 35 bệnh trong tổng số 57 bệnh truyền nhiễm được quy định trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Viện đã phối hợp với các đơn vị y tế dự phòng khác tiến hành nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục tới mọi tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức, hiểu biết về gánh nặng và đặc điểm bệnh tật cũng như biện pháp phòng, chống bệnh tật.

Viện còn trực tiếp chỉ đạo tổ chức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình phòng, chống bệnh tiêu chảy; Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia; Chương trình phòng, chống bệnh dại; Chương trình phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; Chương trình xét nghiệm và giám sát HIV… 70 năm qua, hơn 1.700 đề tài nghiên cứu, trong đó có nhiều đề tài trọng điểm cấp Nhà nước đã được hoàn thành. Nhiều công trình đã ứng dụng vào thực tế phòng, chống, thanh toán, loại trừ bệnh dịch, được đăng tải trên các tạp chí khoa học và công nghệ có uy tín trong và ngoài nước, giành được những giải thưởng cao về khoa học và kỹ thuật. Các thành tựu và kết quả trong nghiên cứu khoa học được đưa vào hoạch định chính sách y tế, xã hội của Đảng và Nhà nước ta trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân. Với những thành tích đã đạt được trong 70 năm qua, viện đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng nhiều danh hiệu cao quý. Trong năm 2015, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập viện, Chủ tịch nước đã ra quyết định phong tặng tập thể viện Huân chương Lao động hạng nhất, ghi nhận những đóng góp của những cán bộ y tế dự phòng trong việc phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/kinh-te-xa-hoi/hieu-qua-lon-tu-cong-tac-du-phong/381215.html

Nhiều địa phương lơ là công tác phòng, chống dịch

Nghị quyết 18 khóa XII của Quốc hội có quy định trong phân bổ ngân sách cho ngành y tế phải dành ít nhất 30% cho y tế dự phòng.

 Tuy nhiên, qua giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội thì chỉ có một vài địa phương đạt, còn lại không đạt, thậm chí có một số nơi phân bổ dưới 20%”. Bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chỉ ra một trong những nguyên nhân như trên khiến dịch bệnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh ở một số địa phương thời gian vừa qua.

Bà Khá cho rằng nhiều nơi chưa tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh mà chủ yếu đầu tư cho chữa bệnh. Theo bà, nếu không phòng bệnh tốt, không tập trung nguồn lực thì công tác phòng, chống dịch sẽ không hiệu quả.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết hiện dịch sốt xuất huyết đã xảy ra ở 53/63 tỉnh, thành, chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Đến nay đã ghi nhận hơn 43.000 người mắc sốt xuất huyết, trong đó có 25 trường hợp tử vong...

http://phapluattp.vn/suc-khoe/nhieu-dia-phuong-lo-la-cong-tac-phong-chong-dich-582703.html

Nhiều điểm kinh doanh cá kiểng hết bán lăng quăng

Sáng 4-10, khảo sát của PV cho thấy nhiều điểm kinh doanh cá kiểng trên địa bàn TP.HCM không còn bày bán lăng quăng như trước đây.

 Tại điểm kinh doanh cá kiểng trên đường Nguyễn Thông (quận 3) mà Pháp Luật TP.HCM đã đề cập, người bán lắc đầu khi nghe hỏi mua lăng quăng. “Trước đây không biết nên tôi còn bán lăng quăng. Vừa qua đọc báo mới biết bán lăng quăng là vi phạm quy định phòng, chống sốt xuất huyết nên tôi không bán nữa” - người này nói.

Tương tự, các điểm kinh doanh cá kiểng trên đường Lưu Xuân Tín (quận 5) và đường Trường Chinh (quận Tân Bình) cũng lắc đầu khi có người hỏi mua lăng quăng.

Trước đó, trong bài “Để lăng quăng sinh sôi, bị phạt” (số ra ngày 1-10), Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh nhiều người dân bị phạt tiền đến 1,5 triệu đồng do không làm sạch vệ sinh môi trường nơi ở gây nguy cơ lây lan dịch bệnh sốt xuất huyết.

http://phapluattp.vn/suc-khoe/nhieu-diem-kinh-doanh-ca-kieng-het-ban-lang-quang-582702.html

Khánh Hòa lo ngại sốt xuất huyết diễn biến phức tạp vào những tháng cuối năm

Theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, tính đến cuối tháng 9/2015, địa phương này đã ghi nhận hơn 2.700 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) Dengue, tăng hơn 322% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, hiện tỉnh này đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do SXH. Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa thừa nhận SXH Dengue trên địa bàn hiện đang diễn biến phức tạp.

Tại công văn về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh SXH vào những tháng cuối năm 2015, Sở Y tế Khánh Hòa yêu cầu Trung tâm Y tế Dự phòng tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh SXH Dengue trên địa bàn để có biện pháp phòng chống hiệu quả, đặc biệt là tại các địa phương có số ca mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch…

Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu các bệnh viện, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ thuốc men, dịch truyền, máu, vật tư y tế… đồng thời tổ chức tốt việc thu dung, cách ly điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.

Các bác sỹ cho biết, bệnh SXH Dengue thường có biểu hiện rất cấp tính như sốt cao đột ngột, kéo dài 2 đến 7 ngày, đi cùng với các triệu chứng đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp và có biểu hiện xuất huyết ở các mức độ khác nhau: da đỏ xung huyết, ban xuất huyết, đốm xuất huyết, chảy máu chân răng, chảy máu mũi…

Theo các chuyên gia y tế, những trường hợp nặng, bệnh tiến triển dẫn tới tình trạng sốc: vật vã, li bì, mạch nhanh, huyết áp tụt, hôn mê và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/khanh-hoa-lo-ngai-sot-xuat-huyet-dien-bien-phuc-tap-vao-nhung-thang-cuoi-nam-2015100415502874.htm

Quy định chặt chẽ để bảo đảm sức khỏe lái xe

Bộ Giao thông vận tải và Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT, có hiệu lực từ ngày 10-10-2015, quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe. Từ khi còn là dự thảo, thông tư này đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan quản lý nhà nước, nhà chuyên môn cũng như đông đảo người dân. Theo khẳng định của Bộ Y tế, những quy định trong thông tư nhằm bảo đảm sức khỏe cho lái xe để họ đủ điều kiện tham gia giao thông an toàn.

Gặp chị Nguyễn Thị Mai (Thanh Xuân, Hà Nội), chị níu lấy tôi, hỏi: “Chị mới biết thông tin, theo quy định mới về tiêu chuẩn sức khỏe tài xế, nhiều người cận thị sẽ bị cấm lái xe. Chị bị cận thị như thế này thì không được lái xe à? Thế này chị đi làm bằng gì? Đưa đón con đi học sao được?”. Tôi phải giải thích cho chị, không phải cứ bị cận thị là không được lái xe. Căn cứ vào quy định của Thông tư 24, những người có dùng kính điều chỉnh nhưng thị lực vẫn dưới 4/10 sẽ không được lái xe gắn máy. Những người có dùng kính nhưng đo thị lực vẫn dưới 5/10 không được lái xe ô tô hạng B1.

Thông tư quy định cụ thể tình trạng bệnh, tật không đủ điều kiện để lái xe theo các hạng xe tương ứng. Thông tư cũng bỏ quy định về cân nặng, thể lực, chiều cao, vòng ngực của người lái xe. Thay vào đó là quy định những người bị gù, vẹo hoặc quá ưỡn cột sống; cứng, dính cột sống bất kỳ nguyên nhân nào ảnh hưởng tới chức năng vận động sẽ không được lái xe hạng A2 và B2 trở lên. Với người lái xe hạng B1, không được điều khiển xe khi có một trong các dị tật: Rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 6 tháng; rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi; chóng mặt do các nguyên nhân bệnh lý; cụt, mất chức năng một bàn tay hoặc một bàn chân và một trong các chân, tay còn lại không toàn vẹn. Với những người lái xe các hạng A2, A3, A4, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE, không được điều khiển xe nếu có một trong các dị tật sau: Rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 24 tháng; rối loạn tâm thần mạn tính… Bên cạnh đó, thông tư quy định việc khám sức khỏe đối với người lái xe, khám sức khỏe định kỳ đối với lái xe ô tô và cơ sở y tế thực hiện khám sức khỏe.

Theo Bộ Y tế, người lái xe phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, tật của bản thân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp. Đồng thời, tuân thủ các hướng dẫn, chỉ định của nhân viên y tế trong quá trình thực hiện khám sức khỏe; chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh hoặc khi bị tai nạn gây ảnh hưởng đến việc lái xe.

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/kinh-te-xa-hoi/quy-dinh-chat-che-de-bao-dam-suc-khoe-lai-xe/381214.html

Giải pháp nào chống tiêu cực trong đấu thầu thuốc?

Ngày 27-9, trên trang facebook của Bộ trưởng Bộ Y tế xuất hiện một status có title in đậm: Bộ Y tế vào cuộc về tình trạng tiêu cực trong đấu thầu thuốc bệnh viện.

Tại Hội thảo xã hội hóa và kết hợp công - tư trong khám chữa bệnh do Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 16-9, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Vừa qua cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam có văn bản thông báo tạm thời dừng thanh toán 23 loại thuốc có hàm lượng không thông dụng, trúng thầu giá cao sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế (BHYT). So với thuốc có hàm lượng, công thức thông thường, giá các loại thuốc không thông dụng này đều cao hơn tới 50%. Mặc dù sản phẩm khác biệt về giá, nhưng có khi lại cùng nhà sản xuất, nước sản xuất, thậm chí sản phẩm này còn có giá cao hơn hẳn so với thuốc xuất xứ từ châu Âu - nơi có trình độ bào chế dược phẩm cao.

 Tại Gia Lai, phiên tòa xử vụ án tham nhũng nghiêm trọng của các lãnh đạo Sở Y tế sắp xét xử lại từ thủ tục sơ thẩm. Cáo trạng đã chỉ ra rằng qua đấu thầu thuốc bệnh viện, các nghi can đã tham nhũng và gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 8,2 tỷ đồng. Đấu thầu thuốc chữa bệnh cho các cơ sở y tế quả đang có vấn đề. Từ những sự việc trên nói lên điều gì?

Giá thuốc, nuốt tức vào bụng

Lạ nhất, giá cả mọi hàng hóa, như lương thực, thực phẩm, kể cả những hàng hóa cao cấp như thịt bò thịt gà, rau quả đặc sản, giá cả lúc tăng lúc giảm và ít lâu nay, hướng giảm là chính thì thuốc chữa bệnh, cùng với giá điện, giá nước sinh hoạt vẫn tăng giá ù ù, chỉ lên. Những loại thuốc không tăng giá chỉ có loại gần như đã hết hiệu lực chữa bệnh, hoặc thuốc rẻ tiền. Theo Bộ Y tế, chỉ riêng trong tháng 8-2015, giá một số thuốc nhập khẩu như: Scilin M30 (điều trị tiểu đường), Imacep 100mg (kháng sinh), Dicloberl 50mg (kháng viêm, giảm đau), Exomuc 200mg (long đờm)... có mức tăng từ 5% đến 9%.

Cùng với đó, một số loại vaccine nhập khẩu tiêm chủng dịch vụ như: vaccine “5 trong 1” Pentaxim của Pháp hay vaccine “6 trong 1” Infanrix Hexe của Bỉ và một số loại vaccine khác của ngoại cũng đang tăng giá thêm từ vài chục cho tới vài trăm nghìn đồng/liều. Theo bảng giá thuốc kê khai do Cục Quản lý dược, Bộ Y tế công bố, trong số các mặt hàng dược phẩm tăng giá hiện có khoảng 51 lượt thuốc nhập khẩu tăng giá, trong khi đó thuốc sản xuất trong nước là 606 lượt chiếm khoảng 2,5% trong tổng số 25.000 mặt hàng thuốc lưu hành trên thị trường. Còn qua thống kê của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) cho thấy, trong năm 2014, Việt Nam có tới 656 mặt hàng thuốc tăng giá, trong đó có 84 loại thuốc nhập khẩu và 572 thuốc sản xuất trong nước.

Theo quan điểm của Bộ Y tế, đấu thầu thuốc là nhằm đưa giá thuốc về mức hợp lý. Tuy nhiên, việc đấu thầu giá thuốc thời gian gần đây đã để lại không ít điều tiếng, khiến dư luận chưa thật sự tin tưởng vào tính ưu việt của công tác này. Rất nhiều loại thuốc chữa bệnh, đấu giá xong thì giá lại cao hơn giá thị trường gấp nhiều lần. Đơn cử, cùng một loại thuốc, nhưng mỗi bệnh viện đấu thầu mỗi kiểu khiến thị trường thuốc rối tung rối mù, giá thành thuốc bị đẩy lên cao. Dễ thấy là tình trạng chênh lệch  lớn về giá trúng thầu giữa các bệnh viện, dù cùng loại thuốc, cùng hoạt chất, cùng nhà sản xuất và cùng nhà cung cấp. Chưa kể, tỷ lệ thuốc kém chất lượng trên thị trường năm 2014 ở mức 3%, thuốc sản xuất trong nước kém chất lượng vẫn còn 2,3%, thuốc giả còn 0,4%. Chắc chắn số lượng không nhỏ những thuốc kém chất lượng này qua cửa đấu thầu lọt vào được bệnh viện.

Cũng xin lưu ý, chi phí y tế của Việt Nam năm 2015 theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới chiếm 8% GDP, trong đó, chi phí cho thuốc chữa bệnh chiếm khoảng 60% tổng chi cho khám chữa bệnh. Mỗi năm, trung bình mỗi dân Việt phải chi 20 USD tiền thuốc chữa bệnh. Đó là con số khổng lồ.

Còn nhiều bất cập

Hiện nay, đấu thầu thuốc chữa bệnh theo quy định pháp luật được điều chỉnh theo Luật Dược, Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19-1-2012 của liên Bộ Y tế - Tài chính, Thông tư 37/2013/TT-BYT ngày 11-11-2013 của Bộ Y tế hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế. Phân tích kỹ các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật này, các chuyên gia kinh tế đã vạch ra những kẽ hở để lợi ích nhóm, thuốc kém hiệu quả chữa bệnh lợi dụng để đưa thuốc vào bệnh viện với giá cao.

Đầu tiên, đấu thầu thuốc rất dễ nảy sinh cơ chế xin - cho. Thông thường, việc đấu thầu giá thuốc được thực hiện qua các bước: Bệnh viện lập danh mục thuốc đấu thầu trình lên hội đồng đấu thầu của sở y tế xem xét, phê duyệt. Đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu. Đánh giá về tiêu chuẩn kỹ thuật theo hồ sơ mời thầu bao gồm các tiêu chí kỹ thuật liên quan đến chất lượng thuốc và việc đảm bảo chất lượng thuốc trong quá trình cung ứng thuốc. Đánh giá về giá để lựa chọn thuốc trúng thầu là bước được thực hiện cuối cùng. Tuy nhiên, quy trình này đã bộc lộ không ít kẽ hở, để những kẻ vụ lợi đục khoét. Chỉ cần một chút thiếu khách quan của hội đồng đấu thầu, không chỉ người bệnh, mà cả xã hội sẽ phải gánh chịu hậu quả. Thị trường thuốc ở Việt Nam với trên 22.000 loại thuốc đang lưu hành, giá thuốc vẫn có sự chênh lệch trên cùng một địa bàn và giữa các tỉnh thành phố. Có quá nhiều lý do để các nhóm lợi ích lợi dụng để nâng giá thuốc, đưa thuốc kém phẩm chất vào các cơ sở khám chữa bệnh.

Bất cập nữa, các cuộc đấu thầu thuốc chữa bệnh hiện nay chủ yếu chỉ cạnh tranh về giá. Quy định tại Thông tư 37/2013/TT-BYT ngày 11-11-2013 của Bộ Y tế hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu có mức điểm đánh giá chất lượng thuốc chưa tạo ưu thế về chất lượng cho các sản phẩm cùng tham gia đấu thầu. Hậu quả của nó là “tiền nào của đó”. Đa số thuốc trúng thầu là được sản xuất trong nước, nhưng nguyên liệu phải nhập khẩu. Và để có giá rẻ, 90% doanh nghiệp phải tìm nguyên liệu rẻ, từ những nguồn cung cấp rẻ. Dĩ nhiên cũng là “tiền nào của đó”. Và vấn đề chất lượng lại được đặt ra. Mặc dù đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho rằng: Về chất lượng thuốc, thuốc tham dự thầu phải được lưu hành hợp pháp. Được lưu hành là đảm bảo chất lượng? Cũng chính Cục Quản ký dược đã thông báo: tỷ lệ thuốc kém chất lượng trên thị trường năm 2014 ở mức 3%, thuốc sản xuất trong nước kém chất lượng vẫn còn 2,3%. Và những loại thuốc này vẫn được lưu hành cho đến lúc phát hiện ra. Còn bao lâu phát hiện được và nó đã vào bao nhiêu bệnh viện thì không ai thông báo cả.

Một bất cập nữa là các bệnh viện và cơ sở y tế khó có thể kiểm soát được năng lực cung ứng. Các thầy thuốc, không có chuyên môn kinh tế kỹ thuật, khó thẩm định được năng lực của nhà thầu, không thể biết doanh nghiệp trúng thầu có khả năng cung ứng số lượng sản phẩm lớn như thế hay không. Chính vì vậy, có những doanh nghiệp rất nhỏ nhưng lại trúng thầu hàng trăm tỷ đồng trong khi các doanh nghiệp lớn lại chỉ trúng thầu vài tỷ đồng. Không thể kiểm tra cũng là cớ cho tham nhũng, là lý do để các doanh nghiệp dược “chạy” trước các dịp đấu thầu.

Giải pháp nào?

Khắc phục những bất cập của đấu thầu thuốc chữa bệnh là nhiệm vụ cấp bách của ngành y tế. Theo nội dung trên trang face book của Bộ trưởng Bộ Y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh sẽ thành một chương riêng trong Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, có quy định cụ thể việc đấu thầu qua mạng. Ngoài ra, Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính chuẩn bị thành lập hội đồng đấu thầu tập trung. Bộ Y tế sẽ ban hành danh mục thuốc đấu thầu, thuốc mua tập trung và các thuốc áp dụng hình thức đàm phán giá; đồng thời xây dựng lộ trình và hướng dẫn mua thuốc tập trung ở cấp quốc gia, cấp địa phương, bảo đảm từ năm 2016 thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, đã đến lúc cần phải có một cái nhìn khác đối với đấu thầu thuốc chữa bệnh.

Theo Điều 1 Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC, quy định  thực các đơn vị có sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, nguồn quỹ bảo hiểm y tế và các nguồn thu hợp pháp khác phải thực hiện đấu thầu mua thuốc chữa bệnh.

Hiện nay, Quỹ BHYT quy định thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế gồm: 845 hoạt chất, 1064 thuốc tân dược; 57 thuốc phóng xạ và hợp chất đánh dấu. Tại sao BHYT không xây dựng khung giá cho các loại thuốc, hoạt chất, hợp chất cho cả nước, sau đó các tỉnh xây dựng đơn giá cụ thể cho các địa phương và trả quyền mua thuốc cho các cơ sở khám chữa bệnh, BHYT chỉ quyết toán theo đơn giá ban hành? Nếu thực hiện được việc này, các bệnh viện sẽ chủ động mua thuốc và sử dụng thuốc phù hợp cho người bệnh, khắc phục được nhiều bất cập, tiết kiệm chi phí đấu thầu, tiết kiệm được việc mua thuốc không dùng đến, quá hạn sử dụng phải bỏ đi.

Quy định đơn giá này cũng có tác động tới thị trường thuốc chữa bệnh như một ngưỡng giá. Khi đã có khung giá, các doanh nghiệp sẽ chủ động dự trữ, nhập thuốc, tiếp thị đưa thuốc đến tận giường bệnh cho bệnh nhân có nhu cầu. Các quy luật thị trường sẽ tác động để người bệnh cũng như cơ sở khám chữa bệnh sẽ có thuốc giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn. Tất nhiên cùng với biện pháp này, cần thêm sự quản lý chặt chẽ hơn của Cục Quản lý dược cũng như những chính sách thị trường thích hợp.

http://anninhthudo.vn/xa-hoi/giai-phap-nao-chong-tieu-cuc-trong-dau-thau-thuoc/636677.antd

Hỗ trợ cho người chỉ có con gái: Hạn chế hay sẽ khoét sâu mất cân bằng giới tính?

Cặp vợ chồng có 1-2 con toàn gái, không có bất kỳ chế độ bảo hiểm xã hội nào thì khi về già (60 tuổi) sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Đây là một vấn đề được đưa ra trong Dự thảo Luật Dân số lần 3, đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến. Vấn đề này đang nhận được sự quan tâm và tranh luận của nhiều chuyên gia cũng như người dân.

Hạn chế lựa chọn giới tính thai nhi

Theo Dự thảo được đưa ra thì “Ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội”. Cụ thể là những người ngoài 60 tuổi không có lương hưu mà sinh 1-2 con chỉ có con gái sẽ được hỗ trợ một khoản tiền từ ngân sách Nhà nước. Quy định này dù đã từng nhận được nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cơ quan soạn thảo Luật vẫn kiên trì đưa vào Dự thảo Luật Dân số lần 3 để lấy ý kiến rộng rãi.

Bởi theo quan điểm của cơ quan này thì việc hỗ trợ về kinh tế là hết sức quan trọng, có tác dụng tuyên truyền, lan tỏa rất lớn đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các gia đình sinh con một bề là con gái. Từ đó giúp thay đổi quan điểm của người dân, hạn chế tâm lý sính con trai góp phần đảm bảo cân bằng giới tính.

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, trong cơ cấu dân số nước ta hiện nay có 2 vấn đề rất quan trọng nổi lên: Thứ nhất là cơ cấu dân số về độ tuổi. Tốc độ già hóa dân số nhanh dẫn đến tỷ lệ người già ngày càng cao. Trong khi đó tại Việt Nam, người cao tuổi hiện nay có điều kiện được chăm sóc đầy đủ, người có chế độ an sinh xã hội cũng như có lương hưu chiếm tỷ lệ rất thấp. Trên 70% dân số người cao tuổi hiện nay vẫn đang còn sống dựa vào con cái, không có chế độ gì. Vấn đề thứ hai trong cơ cấu dân số là mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo số liệu từ cuộc Tổng điều tra dân số gần đây nhất (2009) thì tỷ lệ bé trai/bé gái là 110,6/100. Cuộc điều tra giữa kỳ được tiến hành vào năm ngoái con số này đã tăng lên 112/100. Nếu vấn đề này không được giải quyết thì khoảng vài chục năm tới, chúng ta sẽ phải đối mặt với những vấn đề rất phức tạp về an sinh xã hội.

Hai vấn đề đó xuất phát từ nguyên nhân rất sâu xa, đó là người dân có nhu cầu sinh con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, chăm sóc và bảo hiểm cho tuổi già. Chính vì vậy, người dân vẫn có tâm lý thích sinh con trai và sinh nhiều con. Quy định này sẽ góp phần giải quyết tâm lý trên, thông qua việc hỗ trợ người cao tuổi có con một bề là con gái, đồng thời giảm bớt tâm lý sính con trai của các cặp vợ chồng.

Theo đại diện cơ quan soạn thảo Luật thì quy định này được hình thành dựa trên sự học hỏi từ một số quốc gia có nền văn hóa tương đồng Việt Nam, chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trọng nam khinh nữ. Cụ thể như Hàn Quốc và Trung Quốc đều có chế độ ưu tiên cho trẻ em gái hoặc trợ cấp cho người già có con một bề là gái.

Liệu có khoét sâu thêm sự mất cân bằng giới?

Dù quy định trên mang ý nghĩa xã hội và nhân văn rất lớn nhưng nhiều người vẫn còn băn khoăn về hiệu quả cũng như tính khả thi. GS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em không đồng tình với quy định này, vì theo ông nó có thể càng khoét sâu thêm sự mất cân bằng giới. Về khía cạnh an sinh xã hội cho người già, GS Cử cho rằng thực tế không chỉ con trai mới báo hiếu được cha mẹ mà các con gái cũng hoàn toàn làm tốt việc này. “Khi gia đình họ được hỗ trợ chi phí phụng dưỡng có thể lại làm khơi sâu thêm về mất bình đẳng giới, họ cảm thấy bị coi thường, không đủ khả năng phụng dưỡng cha mẹ. Mà thực tế, chưa chắc cha mẹ có con trai được phụng dưỡng tốt hơn gia đình sinh toàn con gái”.

Còn về khía cạnh hạn chế lựa chọn giới tính thai nhi, GS Cử cũng cho rằng giải pháp này sẽ không mang lại nhiều hiệu quả. Bởi theo ông, những đối tượng lựa chọn giới tính cho thai nhi thường không phải là đối tượng khó khăn. Cuộc điều tra dân số gần đây nhất cho thấy càng những gia đình giàu thì càng lựa chọn giới tính thai nhi, cụ thể 20% dân số ở nhóm nghèo nhất tỷ lệ sinh hoàn toàn bình thường trong khi tỷ lệ này tăng lên tỷ lệ thuận ở những gia đình trung bình - giàu - giàu nhất (lên tới 115/100). Thêm nữa là người mẹ càng có dân trí cao thì càng lựa chọn giới tính nhiều hơn, nhóm có trình độ cao đẳng, đại học tỷ lệ giới tính khi sinh lên tới 114/100.

Như vậy chính sách này có hiệu lực thì sẽ không tác động nhiều đến những nhóm đối tượng có xu hướng lựa chọn giới tính thai nhi, vì những người giàu và có trình độ thì khuyến khích về vật chất không mấy tác động. Ngoài ra GS Cử cũng nghi ngờ tính khả thi của quy định vì nếu hỗ trợ, nguồn ngân sách khó mà đảm bảo khi mỗi năm phải chi thêm hàng nghìn tỷ đồng cho việc này.

Nhiều ý kiến còn cho rằng bản thân quy định hỗ trợ cho gia đình sinh toàn con gái đã mâu thuẫn với Luật Bình đẳng giới. Vì trong Luật này đã quy định nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, không bị phân biệt đối xử về giới tính, đảm bảo bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Nếu quy định hỗ trợ cho gia đình sinh con gái, vô hình trung đã khoét sâu thêm sự bất bình đẳng.

http://anninhthudo.vn/xa-hoi/ho-tro-cho-nguoi-chi-co-con-gai-han-che-hay-se-khoet-sau-mat-can-bang-gioi-tinh/636676.antd

Thái Nguyên đình chỉ tạm cơ sở giẫm lên người chữa bệnh 1 tháng

Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên đã có công văn gửi Bộ Y tế để xem việc day, ấn, vê, đạp lên người có nằm trong y văn để chữa bệnh hay không và tìm biện pháp quản lý.

Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông liên tiếp đưa tin về trường hợp bà Phạm Thị Phú, ở thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên dùng chân "giẫm đạp" lên người bệnh. Hầu hết báo chí đều cho rằng, việc chữa bệnh của bà Phú là thiếu cơ sở khoa học và đề nghị ngành Y tế sớm đưa ra kết luận.

Về phần mình, ông Nguyễn Vy Hồng - Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên cho biết Sở Y tế Thái Nguyên đã có công văn gửi Bộ Y tế về sự việc.

Ông Hồng cho biết qua sự việc này báo chí đưa rất nhiều về việc bà Phú ở Sông Công có hoạt động tẩm quất, ngành y tế qua kiểm tra đã nắm bắt được thông tin. Ông Hồng cho biết "bà Phú không có chuyên môn về y tế, qua các phương diện của bà Phú không thuộc quản lý của y tế. Tuy nhiên, từ trước đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được một ý kiến, đơn thư nào phản ánh từ phía người dân về hoạt động tẩm quất, xâm hại đến quyền lợi của họ".

Ông Hồng khẳng định thông tin chủ yếu từ dư luận của báo chí, để xác định các hoạt động đấy có vi phạm hay không vi phạm cũng cần xác định, khẳng định lại từ phía các cơ quan có chuyên môn. Theo ông Hồng, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên đã đã có văn bản gửi UBND thành phố Sông Công làm rõ hoạt động của bà Phú và báo cáo với Sở Y tế về vấn đề này. Cho đến lúc này, UBND thành phố Sông Công đã có quyết định tạm đình chỉ cơ sở này trong vòng 1 tháng.

Hiện tại, ông Hồng cho biết, Sở cũng đã báo cáo với Bộ Y tế qua Vụ Y học cổ truyền, trong đó, Sở Y tế Thái Nguyên đang cần làm rõ nội dung: Hoạt động về day, ấn, dẫm, vê có trong y văn không. Nếu trong y văn có công nhận thì nó thuộc quản lý của y tế. Còn nếu trong y văn không thừa nhận thì đó chỉ là các hoạt động dân gian và sẽ thuộc chính quyền địa phương quản lý, kiểm soát hoạt động kinh doanh có đúng như trong mục đích trong giấy phép kinh doanh được cấp không.

"Cho đến lúc này, chưa có thiệt hại cho người dân, có chăng chúng tôi chỉ đề nghị dù hoạt động tẩm quất, không phải khám bệnh, hoặc khám bệnh thì phải hiện đại, tổ chức tẩm quất phải có phòng vì để như thế không đảm bảo mỹ quan" - Ông Hồng tâm sự. Trước sức ép từ dư luận, đoàn của Sở Y tế đã kiểm tra cơ sở của bà Phú và cơ sở của bà có giấy phép hoạt động kinh doanh.

Một lần nữa, ông Hồng khẳng định: Nếu nằm trong y văn, chúng tôi sẽ quy định hành nghề nếu hoạt động ngoài phạm vi sẽ xử lý vi phạm đúng quy trình. Khi hành nghề phải được cấp phép, được hoạt động trong phạm vi được hành nghề, đúng quy định của luật khám chữa bệnh. Khi vi phạm có thể thu hồi giấy phép, xử lý vi phạm về kinh tế.

http://infonet.vn/thai-nguyen-dinh-chi-tam-co-so-giam-len-nguoi-chua-benh-1-thang-post177722.info

Nhiều mẫu rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật quá mức

120 mẫu các loại rau lá: muống, ngót, mồng tơi đã được Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế lấy mẫu kiểm nghiệm nhanh để xác định hàm lượng tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV).

Các mẫu rau này được lấy tại 150 quầy kinh doanh ở 6 chợ đầu mối tại Hà Nội bao gồm: La Khê, Long Biên, Đền Lừ, chợ đêm HTX Văn Quán, chợ Dịch Vọng Hậu, chợ Minh Khai.

Thời gian lấy mẫu khảo sát được thực hiện từ tháng 8 - 12.2014. Kết quả cho thấy: 13/120 mẫu xét nghiệm định lượng xác định có tồn dư hóa chất Carbofuran vượt giới hạn cho phép (chiếm 10,83%); 12/120 mẫu (10%) có tồn dư hóa chất Cypermethrin. Có 9/120 mẫu rau tồn dư cùng lúc cả hai loại hóa chất trên (chiếm 7,5%).

Ngoài ra, trong số 40 mẫu có tồn dư thuốc BVTV, có 38 mẫu là rau sản xuất tại Hà Nội, 2 mẫu là rau sản xuất tại tỉnh khác. Trong đó, 14/40 là rau muống; 21/40 là rau ngót và 5/40 mẫu rau mồng tơi có tồn dư thuốc BVTV. Kết quả nghiên cứu này được công bố tại Hội thảo khoa học về y tế dự phòng tổ chức tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cuối tuần qua tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, cho biết nếu hàm lượng tồn dư ở ngưỡng cho phép, rau đó vẫn đảm bảo để chế biến, sử dụng cho bữa ăn gia đình. Để kiểm soát tốt hơn nguồn thực phẩm tươi sống, một số địa phương cũng đã xây dựng mô hình chợ an toàn kiểm soát nguồn gốc rau quả, thực phẩm từ đầu nguồn và dự kiến sẽ trang bị dụng cụ test nhanh để phát hiện, hóa chất tồn dư trong thực phẩm, rau quả. Tuy nhiên với các test nhanh thì chỉ cho phép nhận diện, sàng lọc một số hóa chất, giúp định tính “có” hay “không” hóa chất đó, chứ không xác định được ngưỡng an toàn trong thực phẩm, rau. Muốn định lượng chất tồn dư đó có gây nguy hại hay không phải được thực hiện trong phòng xét nghiệm. Do đó, để đảm bảo chất lượng rau an toàn thì cốt lõi vẫn phải kiểm soát là từ nguồn trồng, chăm bón, thu hoạch theo quy trình.

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, thuốc BVTV nếu có lượng tồn dư quá cao trong rau quả là tác nhân thường gặp trong các vụ ngộ độc, có thể gây rối loạn thần kinh T.Ư, nhức đầu, nôn mửa, mất ngủ, giảm trí nhớ, ở mức độ nặng hơn có thể tổn thương thần kinh ngoại biên dẫn tới liệt, trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong. Để an toàn, người tiêu dùng nên mua các loại rau ăn củ, thân lá, hoa, quả có chất lượng, hình thức đúng như đặc tính giống của nó; nên sử dụng rau phù hợp mùa, hạn chế ăn rau, củ trái mùa. Chọn rau tươi không dập nát, không có mùi lạ, và nên mua tại các cửa hàng rau an toàn, các cơ sở cung cấp rau theo hợp đồng hoặc các nơi bán rau cố định có cam kết bảo đảm an toàn; tại cửa hàng đã có kiểm tra của các cơ quan chức năng cấp chứng nhận rau sạch an toàn.

Theo khuyến cáo của Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP, khi chế biến tại gia đình, tất cả các loại rau cần được rửa sạch trực tiếp dưới vòi nước chảy hoặc rửa trong chậu nhưng phải thay nước nhiều lần tới khi sạch trước khi chế biến. Nếu phát hiện rau có màu sắc, mùi vị lạ thì tuyệt đối không được dùng làm thức ăn cho người hoặc gia súc.

http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/nhieu-mau-rau-ton-du-thuoc-bao-ve-thuc-vat-qua-muc-616121.html

Cần Thơ: Phẫu thuật thành công ca ruột thừa và thận trái nằm trong lồng ngực

Bác sĩ La Văn Phú, Trưởng khoa ngoại Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết, các bác sĩ của khoa này vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị thoát vị hoành phức tạp, ruột thừa và thận trái nằm trong lồng ngực.

 Ngày 22/9/2015, bệnh nhân Nguyễn Hồng Nga sinh năm 1961, ngụ ở phường Trường Thành, Thới Lai, Cần Thơ nhập viện trong tình trạng đau tức ngực, ăn chậm tiêu. Tại đây, được các bác sĩ khoa ngoại tổng hợp khám lâm sàng, chụp XQ và chụp cắt lớp ngực bụng, chẩn đoán thoát vị hoành trái phức tạp và chỉ định phẫu thuật.

Ca mổ kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ, trong quá trình phẫu thuật các bác sĩ ghi nhận cơ hoàng trái có 1 lỗ thoát vị kích thước khoảng 10x12cm. Toàn bộ ruột non, manh tràng, đại tràng lên, đại tràng ngang, mạc nối lớn và thận trái chui qua lỗ thoát vị nằm trong khoang màng phổi trái, chèn ép làm xẹp phổi trái và đẩy tim lệch sang bên phải. Các bác sĩ đã tiến hành gỡ dính, đưa các tảng thoát vị xuống ổ bụng, tạo hình cơ hoành trái, dẫn lưu khoang màng phổi trái.

Bác sĩ Phú cho biết, đây là một trường hợp thoát vị hoành phức tạp ít gặp với nhiều tạng thoát vị chui vào khoang màng phổi gây chèn ép phổi và trung thất; đặc biệt ruột thừa nằm trong lồng ngực nếu bị viêm sẽ rất khó chẩn đoán và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/phau-thuat-thanh-cong-ca-ruot-thua-va-than-trai-nam-trong-long-nguc-20151004230145572.htm

Nghệ An: Hàng ngàn sinh viên tham gia ngày hội hiến máu “Sắc đỏ dòng Lam”

Hàng ngàn bạn trẻ TP.Vinh, tỉnh Nghệ An sôi nổi tham gia ngày hội hiến máu tình nguyện mang tên “Sắc đỏ dòng Lam” hưởng ứng khẩu hiệu “Hiến máu cứu người - một nghĩa cử cao đẹp”.

 Ngày 4/10/2015, tại TP Vinh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An cùng CLB Ngân hàng máu sống Thành Vinh phối hợp tổ chức chương trình ngày hội hiến máu tình nguyện “Sắc đỏ dòng Lam”, với khẩu hiệu “Hiến máu cứu người - một nghĩa cử cao đẹp”. Ngày hội hiến máu tình nguyện thu hút hàng ngàn học sinh, sinh viên các trường ĐH, CĐ và người dân trên địa bàn TP. Vinh tham gia.

Mục tiêu đề ra trong ngày hội “Sắc đỏ dòng Lam” sẽ thu được hơn 500 đơn vị máu của các tình nguyện viên.

Sau hai năm thành lập, CLB ngân hàng máu sống Thành Vinh đã tổ chức 8 chương trình hiến máu lớn, tiếp nhận 3.400 đơn vị máu, đồng thời các thành viên trong câu lạc bộ đã hỗ trợ 550 đơn vị máu trực tiếp cho 500 bệnh nhân gặp tình huống khẩn cấp tại các bệnh viện trên địa bàn toàn tỉnh.

Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 6 CLB hiến máu tình nguyện với gần 1.000 thành viên. Trong năm 2014, qua các ngày hội hiến máu tình nguyện đã ban tổ chức đã tiếp nhận khoảng 20.000 đơn vị máu bổ sung vào ngân hàng máu cho các bệnh viện, giúp giảm bớt các khó khăn, áp lực của ngành y tế đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung ứng máu.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/hang-ngan-sinh-vien-tham-gia-ngay-hoi-hien-mau-sac-do-dong-lam-20151004225505067.htm

http://daidoanket.vn/suc-khoe/nghe-an-hon-1000-ban-tre-hien-mau-tinh-nguyen/68919

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang