Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 11/11/2015

  • |
T5g.org.vn - Tổ chức Y tế Thế giới lên tiếng về chất lượng vắc-xin Quinvaxem; Bảo đảm quyền lợi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu cho người tham gia BHYT…

Tổ chức Y tế Thế giới lên tiếng về chất lượng vắc-xin Quinvaxem

TS.Kohei Toda - chuyên gia tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Vắc-xin Quinvaxem là vắc-xin an toàn, hiệu quả...

Trước thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội (facebook) cho rằng vắc-xin Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất đang trong giai đoạn thử nghiệm và trẻ em Việt Nam tiêm vắc-xin này là nằm trong kế hoạch thử nghiệm, ngày 10/11, TS. Kohei Toda - chuyên gia tiêm chủng của WHO về sử dụng vắc-xin Quinvaxem chính thức lên tiếng bác bỏ thông tin này. Dưới đây là nội dung trao đổi giữa ông Kohei Toda và phóng viên (PV) báo SK&ĐS:

PV: Thưa ông, hiện nay trên thế giới có bao nhiêu nước sử dụng vắc-xin Quinvaxem hoặc vắc-xin có thành phần ho gà tương tự như vắc-xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng?

TS.Kohei Toda: Hiện nay, vắc-xin Quinvaxem đã được sử dụng tại 94 nước trên toàn thế giới với số lượng khoảng 449 triệu liều. Tại khu vực Đông Nam Á, vắc-xin này được sử dụng cho các nước Thái Lan, Philipines, Campuchia, Lào và Việt Nam. Ngoài Quinvaxem, các vắc-xin có chứa thành phần ho gà toàn tế bào cũng được sử dụng rộng rãi tại 131 nước trên thế giới.

PV: Xin ông cho biết đánh giá của WHO về chất lượng của vắc-xin Quinvaxem?

TS.Kohei Toda: Vắc-xin Quinvaxem đã được WHO tiền thẩm định về chất lượng vào năm 2006. Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã sử dụng khoảng 24,9 triệu liều. Trong quá trình sử dụng đã ghi nhận một số trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng. Tất cả các trường hợp tai biến nặng nêu trên đều được tiến hành điều tra, báo cáo kịp thời. Các Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế cấp tỉnh đã xem xét từng trường hợp và quy trình tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế. Công tác điều tra, đánh giá, kết luận nguyên nhân các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng đã được thực hiện minh bạch. Việc đánh giá tai biến nặng sau tiêm chủng đã được cải thiện với độ nhạy tăng, kèm theo nhiều trường hợp được báo cáo hơn trong những năm gần đây. Tỷ lệ tai biến nặng liên quan đến vắc-xin Bạch hầu - Ho gà (toàn tế bào) - Uốn ván đến nay là 4,5/1 triệu liều vắc-xin sử dụng trong khi tỉ lệ theo thống kê của WHO là 1- 20/1 triệu liều).

Tỷ lệ trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem không tăng so với các năm trước. Các trường hợp tử vong này chủ yếu do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý khác.

PV: WHO khuyến cáo như thế nào đối với việc sử dụng vắc-xin Quinvaxem tại Việt Nam?

TS. Kohei Toda: Như chúng ta đã biết, thời gian gần đây đã ghi nhận một số ca mắc bệnh ho gà ở Việt Nam và xảy ra ổ dịch bạch hầu ở một số nước láng giềng. Quinvaxem là vắc-xin cần thiết để phòng chống các bệnh trong tiêm chủng mở rộng ở trẻ em. WHO vẫn khuyến cáo sử dụng vắc-xin có thành phần ho gà toàn tế bào để tạo miễn dịch phòng bệnh tốt hơn. Vắc-xin Quinvaxem là vắc-xin an toàn hiệu quả có chất lượng tốt và chi phí hợp lý theo kết quả tiền thẩm định của WHO.

Tất cả các bà mẹ cần lưu ý thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế và tiếp tục đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, không chậm trễ. WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để đảm bảo việc sử dụng vắc-xin an toàn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Sẽ xử lý nghiêm những cá nhân tung tin đồn thất thiệt về vắc-xin

Trong thời gian gần đây tại một số tài khoản facebook xuất hiện thông tin cho rằng vắc-xin Quinvaxem đang trong giai đoạn thử nghiệm và trẻ tiêm vắc-xin này là nằm trong kế hoạch thử nghiệm, trong khi Việt Nam lại cho trẻ em tiêm chủng, trước thông tin này, Bộ Y tế cho biết đang phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ thông tin đồn thổi này và sẽ xử lý nghiêm cá nhân cố tình tung tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận.

Trước đó, thời điểm dịch Ebola đang diễn biến phức tạp tại các nước châu Phi, một tài khoản facebook tung tin đồn Việt Nam đã xuất hiện ca nhiễm Ebola đầu tiên cũng đã khiến cơ quan điều tra phải vào cuộc, xác định thông tin đồn thổi và xử phạt hành chính với người tung tin.

iệc thay thế vắc-xin phải dựa trên bằng chứng khoa học

Liên quan đến việc tại sao Bộ Y tế chưa thay thế vắc-xin Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng bằng các vắc-xin khác, PGS.TS.Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh: Có những ý kiến cho rằng vắc-xin Quinvaxem tiêm trong Chương trình TCMR là không an toàn và vắc-xin có chứa thành phần ho gà vô bào Infanrix Hexa (6 trong 1) hoặc Pentaxim (5 trong 1) sử dụng dưới hình thức tiêm dịch vụ là tuyệt đối an toàn, tuy nhiên không có loại vắc-xin nào là an toàn 100% cả.

“Quan điểm Bộ Y tế là luôn mong muốn trẻ em Việt Nam ngày càng được tiêm nhiều loại vắc-xin thế hệ mới, an toàn và hiệu quả. Tuy vậy việc thay thế vắc-xin cần phải dựa trên các bằng chứng khoa học không thể cứ xảy ra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng là thay thế ngay loại vắc-xin đang sử dụng mà phải tìm hiểu rõ vấn đề an toàn tiêm chủng, tính sinh miễn dịch của loại vắc-xin dự kiến thay thế. Tiếp đó là nguồn cung ứng vắc-xin, nguồn tài chính bảo đảm”- ông Phu thông tin.

Theo Bộ Y tế, hiện nay nguồn cung ứng các vắc-xin này (Infanrix Hexa, Pentaxim) trên thế giới và tại Việt Nam rất khó khăn, không có để sử dụng ngay cả trong tiêm dịch vụ. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà sản xuất không có khả năng cung ứng đầy đủ vì thay đổi quy trình công nghệ, địa điểm và kế hoạch sản xuất,... do vậy cần nhiều thời gian hơn trước mới có thể đưa được sản phẩm ra thị trường kể từ lúc được đặt hàng khiến các nhà sản xuất không ưu tiên cung ứng cho các nước chưa đưa vắc-xin này vào tiêm chủng mở rộng mà chỉ cung cấp cho các nước đã đặt hàng với số lượng lớn từ mấy năm trước.

Ông Phu khẳng định, từ nay đến cuối năm, thậm chí hết năm 2016, sẽ vẫn khan hiếm 2 loại vắc-xin trên. Nếu tiếp tục chờ đợi, trẻ có thể sẽ bị mắc bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B... Bộ Y tế cũng nghiêm cấm tất cả việc lợi dụng việc khan hiếm vắc-xin để trục lợi, đồng thời khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn hàng trôi nổi (nếu có) sẽ không bảo đảm chất lượng, giá thành cao. (Sức khỏe & Đời sống (trang 1), Nhân dân (trang 8)

Bảo đảm quyền lợi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu cho người tham gia BHYT

Nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn để người tham gia BHYT biết và lựa chọn nơi đăng ký KCB ban đầu, BHXH Việt Nam vừa gửi Công văn số 4239/BHXH-CSYT về việc tổ chức thực hiện đăng ký KCB ban đầu cho người tham gia BHYT tại các cơ sở KCB, yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH Bộ Quốc phòng chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế để đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT theo đúng quy định của chính sách, pháp luật về BHYT... Theo đó, các đơn vị trên cần tổ chức khảo sát, xác định khả năng cung cấp dịch vụ y tế và đáp ứng các điều kiện là nơi đăng ký KCB ban đầu của người tham gia BHYT theo đúng quy định tại Điều 5, Thông tư số 37/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 của Bộ Y tế hướng dẫn đăng ký KCB ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT. Đồng thời, đăng tải đầy đủ, kịp thời và rõ ràng trên trang/cổng thông tin điện tử của Sở Y tế và của BHXH tỉnh hoặc thông báo bằng các hình thức khác về các nội dung: danh sách, phạm vi và khả năng chuyên môn của các cơ sở KCB đủ điều kiện là nơi đăng ký KCB ban đầu; quyền được lựa chọn nơi đăng ký KCB ban đầu, thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu của người tham gia BHYT theo các quy định hiện hành để người dân được biết và lựa chọn nơi đăng ký KCB ban đầu phù hợp, thuận tiện gần nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người tham gia BHYT.

BHXH Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị này xác định số lượng thẻ BHYT, cơ cấu các nhóm đối tượng tham gia BHYT mà các cơ sở KCB trên địa bàn có khả năng tiếp nhận đăng ký KCB ban đầu.

Theo BHXH Việt Nam, việc đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở y tế đối với người có thẻ BHYT phải được thực hiện công khai, minh bạch; không phân biệt cơ sở y tế Nhà nước và tư nhân, cơ sở y tế thuộc các bộ, ngành quản lý đóng trên địa bàn; phù hợp với đặc điểm tổ chức hệ thống y tế của địa phương; khả năng cung cấp, chất lượng dịch vụ y tế của mỗi cơ sở KCB; góp phần hạn chế tình trạng quá tải ở tuyến trên. Do đó, đối với các trạm y tế xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã), phòng khám đa khoa khu vực, hướng dẫn người bệnh thực hiện đăng ký KCB ban đầu đối với số người tham gia BHYT sinh sống tại xã đó, hoặc đăng ký tại phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn.

Đối với các bệnh viện tuyến huyện, việc đăng ký KCB ban đầu dựa trên nhu cầu của người tham gia BHYT và khả năng cung cấp dịch vụ y tế của bệnh viện.

Đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương: Căn cứ nơi cư trú, công tác của các nhóm đối tượng được đăng ký KCB ban đầu tại tuyến tỉnh, tuyến Trung ương theo quy định tại Thông tư số 37 để xác định số lượng và hướng dẫn người tham gia BHYT đăng ký vào các cơ sở này. Đối với một số bệnh viện tuyến Trung ương có đặc thù riêng như: Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Y học cổ truyền quân đội, Bệnh viện Thống nhất, ngoài đối tượng đã quy định, nếu cơ sở còn khả năng tiếp nhận và người tham gia BHYT có nguyện vọng được đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở y tế này, BHXH tỉnh thống nhất với Sở Y tế về tiêu chí, số lượng, cơ cấu đối tượng để hướng dẫn và tổ chức đăng ký KCB ban đầu cho người tham gia.

Đối với các bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân, BHXH Việt Nam nhấn mạnh, các bệnh viện tư nhân đã được xác định tương đương hạng II trở lên, thực hiện như đối với bệnh viện tuyến tỉnh. Các bệnh viện tư nhân khác, phòng khám đa khoa tư nhân, người có thẻ BHYT được lựa chọn để đăng ký KCB ban đầu tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân như đối với các cơ sở KCB công lập tuyến huyện.

BHXH Việt Nam cũng yêu cầu các tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu theo các nguyên tắc nêu trên. Đồng thời, báo cáo danh sách các cơ sở y tế đủ điều kiện là nơi đăng ký KCB ban đầu về BHXH Việt Nam trước ngày 31/10 hàng năm, cập nhật thông tin về tăng, giảm số cơ sở KCB ban đầu mỗi khi có sự thay đổi.  (Sức khỏe & Đời sống (trang 7).

Tấm lòng của người mẹ hiến tạng con mình

Cuộc nói chuyện có những phút ngắt quãng bởi nhiều lần người mẹ nghẹn ngào nhớ về con trai đã mất. Nhưng trong giọng nói chậm buồn, ánh mắt lặng lẽ của bà vẫn có chút gì ánh lên niềm tự hào về con mình, người đã hiến đa tạng để hồi sinh sự sống cho 6 người khác. Với bà, cho đi không phải để mong được đền đáp mà chỉ đơn giản: “Để còn được thấy con mình còn đâu đó quanh đây”.

Cho đi không mong nhận lại

Cách đây không lâu, câu chuyện về cuộc hành trình xuyên Việt vận chuyển quả tim và lá gan vượt 2.000km từ Bệnh viện Chợ Rẫy ra Bệnh viện Việt Đức được giới truyền thông nhắc đến như một dấu ấn của y học Việt Nam. Đằng sau dấu ấn này là sự hy sinh lặng lẽ đáng được trân trọng của bà Vũ Thị Mừng, người mẹ nén nỗi đau mất con đã mở lòng nhân ái, đồng ý hiến đa tạng con trai để hồi sinh sự sống cho 6 người khác.

Cuộc đời bà Mừng là một chuỗi dài vất vả. Bà vốn gốc là người Nam Định, năm 1978, khi 21 tuổi, bà vào quân ngũ và làm y tá quân đội. Năm 1987, bà được phân công làm y tá tại Xí nghiệp chè Lâm Đồng. Cuộc sống vất vả, bà phải xoay xở làm nhiều việc thêm để nuôi 4 con ăn học và tới giờ cũng đã nghỉ hưu. Nỗi đau liên tiếp ập tới với bà. Trước khi con trai mất 7 tháng, chồng bà cũng đột ngột ra đi.

Vẫn đôi mắt ướt đẫm, bà kể về anh Trần Vũ Minh Quang, chủ nhân của trái tim và lá gan đã vượt cuộc hành trình lịch sử dài 2.000km. Anh Quang là con trai đầu của bà, sinh năm 1984 và chưa lập gia đình. “Quang là đứa có nhiều khát vọng và mơ ước. Suốt 3 năm học phổ thông, Quang đi học xa nhà, phải trọ học rồi mỗi cuối tuần lại lóc cóc đạp xe 15km về nhà. Ao ước được ngồi giảng đường đại học, Quang đăng ký thi vào chuyên ngành công nghệ thông tin. Năm đầu chưa thi đậu, muốn được tiếp tục ôn thi tiếp nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, còn 3 em ăn học, bố mẹ đồng lương thấp, Quang phải chuyển hướng đi học nghề. 3 năm học cơ khí, ở nhờ một nhà người em tại Bình Dương rồi ra đi làm, Quang cũng đỡ được gánh nặng kinh tế cho gia đình. Đâu ngờ, tai nạn ập tới khi một ngày đang lao động, Quang ngã từ tầng 3 của tòa nhà xuống đất...”.

Bà Mừng sẽ chẳng bao giờ quên giờ khắc định mệnh ấy. Lúc 2 giờ sáng, nhận được cuộc điện thoại báo con trai hiện đang nằm tại Bệnh viện đa khoa Bình Dương, bà vội vượt mấy trăm cây số trong đêm tới 6 giờ sáng thì đến nơi.

Nhìn con, bà quặn thắt từng khúc ruột. Cầm tay anh Quang nghẹn ngào: “Mẹ và các em đã tới với con rồi đây”, anh Quang dù đã bất động, không nói được gì nhưng bà Mừng nhận thấy ở nơi khóe mắt của con có hai dòng nước mắt.

Chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy, suốt 5 ngày điều trị để giành giật sự sống cho con là 5 ngày dài khủng khiếp trong cuộc đời bà. Ngay trong ngày đầu tiên sau khi chuyển viện, anh Quang được mổ phổi và mổ lá lách. Nhưng sau khi mổ lá lách, anh Quang hôn mê sâu. Và tới ngày thứ 5, bác sĩ thông báo, con mình đã chết não.

Với bà Mừng, tất cả quá đột ngột. Nỗi đau mất con đã dâng ngập tâm trí người mẹ nên khi nhận được lời vận động hiến tạng từ các thầy thuốc, thực lòng phút đầu, bà đã phản đối. Trước giờ, khái niệm hiến tạng hoàn toàn lạ lẫm với bà và gia đình. Suốt cuộc nói chuyện cùng vị bác sĩ, bà Mừng nhớ mãi câu hỏi: Nếu trong gia đình mình có người bị suy thận, không được ghép thận, người đó sẽ nhanh chóng từ giã cõi đời thì gia đình có đồng ý hiến tạng của anh Quang để ghép cho người trong gia đình này không? Câu hỏi khiến bà suy nghĩ nhiều bởi chính bà Mừng cũng chỉ còn một quả thận. Một quả thận đã bị hỏng cách đây vài năm.

Vị bác sĩ còn nói với bà, anh Quang đã chết não nhưng vẫn còn có thể cứu được 5, 6 người khác... Cuộc nói chuyện kết thúc và người bác sĩ đưa cho bà một lá đơn tình nguyện hiến tạng. Hơn 1 ngày suy nghĩ cùng với việc chứng kiến nhiều bệnh nhận tại Bệnh viện Chợ Rẫy đang chết mòn bởi suy thận, suy tim, suy gan. Biết rằng, sau khi chôn cất, lá gan, đôi mắt, trái tim của con mình rồi cũng sẽ sớm phân hủy, tan vào đất, bà Mừng và gia đình đã quyết định trao lại những thứ thiêng liêng nhất để hồi sinh sự sống cho những con người không hề quen biết.

Đôi giác mạc, trái tim, lá gan, hai quả thận của anh Quang giờ đã được sống trong cơ thể của 6 con người nhưng cho tới thời điểm hiện tại, bà Mừng vẫn chưa một lần được gặp mặt những người nhận tạng từ con trai mình bởi điều đó là một sự trao tặng vô giá xuất phát từ lòng nhân hậu. Cho đi không cần nhận lại.

Ngày Bệnh viện Việt Đức làm lễ ra viện cho hai bệnh nhân được ghép tim, gan từ con trai mình, bà Mừng cũng được các bác sĩ thông báo qua điện thoại và lặng lẽ theo dõi hình ảnh những người được mang trong mình một phần cơ thể của con trai. Với bà, đó là một điều an ủi.

“Mẹ Việt Nam anh hùng” giữa thời bình

Liên lạc với bà Mừng, bà cho biết, sức khỏe của bà hiện không tốt. Bệnh bướu cổ từ lâu cộng với bệnh đau dạ dày, một quả thận đã hỏng và một quả còn lại hiện cũng đang có nguy cơ bị sỏi. Nếu sỏi tiến triển, rất có thể bà phải chạy thận nhân tạo. Trong khi đó, luật chỉ quy định trao thẻ bảo hiểm y tế cho người đã hiến tạng sống, còn đối với người chết não hiến đa tạng, gia đình người hiến chỉ được nhận duy nhất tấm kỷ niệm chương.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối  tạng Quốc gia, đó là một lỗ hổng hiện nay của pháp luật về quy định chế độ đãi ngộ đối với gia đình người hiến đa tạng chết não. Đành rằng, dù lòng tốt được cho đi không phải để mong đền đáp nhưng cũng vẫn cần có sự tri ân đúng mực. Những bà mẹ như bà Mừng chính là “bà mẹ Việt Nam anh hùng thời bình”. Bởi nếu không có sự đồng lòng tự nguyện của bà và gia đình thì nguồn tạng đó sẽ không được hiến tặng cho bất cứ ai và đồng nghĩa với việc 6 người khác sẽ không được hồi sinh.

Một tấm thẻ bảo hiểm y tế cho bà Mừng để bà chăm sóc sức khỏe đau ốm chắc sẽ không phải là sự đòi hỏi quá lớn. Hơn nữa, nếu đối với những người hiến đa tạng sau khi chết não mà vẫn có con nhỏ, cần một chế độ đãi ngộ hỗ trợ nuôi con người đó tới tuổi trưởng thành như chế độ đãi ngộ với các thương binh, liệt sĩ là điều cần làm. Thực hiện được những điều này sẽ khiến cho những nghĩa cử cao đẹp được tròn vẹn hơn, là nguồn động viên, trân trọng đúng mực đối với những người hiến tạng.

Cho đi những thứ quý giá nhưng tấm lòng của mẹ Mừng không e ngại trước những rào cản xã hội. Hầu như tất cả những gia đình hiến đa tạng do chết não từ trước tới nay đều không muốn công bố việc thiện họ đã làm. Nhưng sự xuất hiện của bà mẹ Mừng trong đêm vinh danh những người hiến tạng “Sẻ chia sự sống” do Bộ Y tế tổ chức như một sự khẳng định niềm tự hào về nghĩa cử cao đẹp - hiến tạng. Bà và gia đình tin chắc rằng, ở một nơi nào đó, anh Quang sẽ vui và hạnh phúc với những gì gia đình đã làm.

Kết thúc cuộc nói chuyện, bà Mừng khiến tôi xúc động bởi, bà nói một câu: Nếu cho suy nghĩ lại một lần nữa, tôi và gia đình vẫn sẽ làm như vậy và tôi cũng đã ký vào tờ đơn đăng ký hiến tạng nếu chẳng may chết não.

Hiến tạng luôn là việc thiện

Hiến tạng còn là điều mới mẻ với nhiều người. Tại Việt Nam, quan niệm về cái chết toàn thây vẫn còn là một rào cản rất lớn đối với không ít người. Tuy nhiên, theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Trưởng ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hiến tạng chính là kêu gọi con người làm “nội thí” như Bồ Tát đã dạy. Trong quan niệm Đại thừa của phật giáo, người tu hành theo Bồ Tát lấy việc bố thí làm đầu. Bố thí chia làm 2 phần: nội thí và ngoại thí. Nội thí tức là đem cho những cái người ta cần trong cơ thể mình. Còn ngoại thí là đem cho những cái người ta cần ngoài cơ thể mình. Hiện nay, y học kêu gọi hiến xác, hiến nội tạng, hiến máu chính là kêu gọi con người hãy làm phần nội thí và điều này hoàn toàn nên làm.

Nhiều người vẫn quan niệm về chết toàn thây, nhưng theo Bồ Tát, khi con người mất đi sẽ không còn toàn thây. Chỉ trong vòng 24 giờ, xác thịt sẽ phân hủy, tiêu tan. Và Bồ Tát cũng dạy rằng, kể cả chết rồi, còn làm gì giúp cho con người hay con vật thì vẫn nên làm. Huống chi đây là việc sẽ hồi sinh cho cả một con người.

Còn theo quan niệm của Công giáo, Linh mục Anton Hoàng Minh Hải, Chính xứ Hoàng Mai, Tam Điệp (Ninh Bình) cho rằng: Hiến tặng bất kể 1 phần cơ thể nào sau khi đã mất là việc làm nhân đạo, bác ái cần làm. Theo quan điểm KiTo giáo, chúa Giê Su là người đã chết trên cây thập giá để cứu loài người. Quan niệm của Chúa là sống cho người khác và chết cho người khác. Đó là điều cốt lõi của tình yêu, của đạo Công giáo. Vậy nên, tất cả những người là môn đệ của chúa Giê Su đều hướng và đi theo con đường của người.

Linh mục Hải cho biết, trong thời gian ở Kim Sơn (Ninh Bình) ông đã cộng tác với Viện Mắt Trung ương tuyên truyền hiến giác mạc sau khi chết. Ông quan niệm đó là nghĩa cử cao đẹp cũng như là một sứ mệnh cần làm.

Hiện nay, bà con ở giáo sứ Kim Sơn đã có 100 người tình nguyện hiến giác mạc sau khi mất. Mỗi một người hiến giác mạc sẽ mang lại ánh sáng cho hai người mù mắt. “Được gặp những con người đã sáng mắt sau khi nhận giác mạc từ người hiến, tôi cảm thấy niềm hạnh phúc và sự sống như đang nảy mầm trong ánh mắt họ. Vậy tại sao chúng ta không làm những điều có ý nghĩa khiến cuộc đời đẹp hơn?” - Linh mục Hải chia sẻ.  (Sức khỏe & Đời sống (trang 7):

Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết vào mùa mưa

Theo báo cáo của BYT, tình hình dịch sxh năm nay diễn biến khá phức tạp. Nguy cơ bùng phát thành dịch bệnh vào đầu mùa mưa và có khả năng kéo dài đến cuối năm (Chi tiết xem báo). Tuổi trẻ (trang 10).

Bệnh viện Việt Đức lên hạng đặc biệt

Ngày 10-11, Bệnh viện Việt Đức chính thức công bố trở thành bệnh viện hạng đặc biệt thứ 5 (trước đó là các bệnh viện: Bạch Mai, T.Ư Quân đội 108, Chợ Rẫy và T.Ư Huế).

Đây là bệnh viện chuyên khoa đầu tiên được công nhận bệnh viện 
hạng đặc biệt ở VN

Bệnh viện Việt Đức đi vào hoạt động năm 1906, là cái nôi của ngành ngoại khoa VN với các tên tuổi lớn như GS Tôn Thất Tùng, GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Bách...

Hiện mỗi năm Bệnh viện Việt Đức thực hiện 42.000 ca mổ, đi đầu trong các lĩnh vực như mổ nội soi và nội soi can thiệp, ghép tạng, phẫu thuật chấn thương và cột sống, phẫu thuật tim mạch... (Tuổi trẻ (trang 10), Sức khỏe & Đời sống (trang 2), Công an nhân dân (trang 3), Nhân dân (trang 1).

Cần cơ quan độc lập giám sát giá dịch vụ y tế

Cuối tháng 11, giá 1.800 dịch vụ y tế sẽ tăng. Người dân băn khoăn liệu cách tính giá này có sát với thực tế, có thực sự nâng cao chất lượng khám chữa bệnh như Bộ Y tế nhìn nhận không. PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Theo ông giá dịch vụ y tế đã sát với thực tế chưa?

Hiện nay đang trong tiến trình xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản để bảo hiểm y tế (BHYT) có khả năng chi trả. Chúng ta căn cứ theo giá định ra từ hồi bao cấp và điều chỉnh theo khả năng thị trường có thể chấp nhận được đến đâu thì điều chỉnh đến đó chứ chưa phải là “khoa học dẫn đường”. “Khoa học dẫn đường” là tính chi phí đầu vào đầy đủ cho một loại hình dịch vụ y tế và chất lượng nó phải được định ra. Khi nào đưa ra được chất lượng định cung cấp và tính được chi phí đầu vào thì lúc đó chúng ta sẽ tính ra được giá, tất nhiên là có sự dao động theo thị trường. Cái này chúng ta chưa làm được.

Bộ Y tế giao các bệnh viện trung ương xây dựng giá vì làm sao Bộ trực tiếp làm được việc đó. Sau đó lập hội đồng họp gồm các bệnh viện, có sự tham gia của bảo hiểm xã hội và tài chính. Quan trọng là cần những người có chuyên môn y tế, quan tâm đến vấn đề về giá nhưng họ phải đứng độc lập, ở vị trí phi lợi nhuận. Trong thực tế, có những bệnh viện công vận hành không hiệu quả nên giá tăng cao. Vì thế để cho bệnh viện công xây dựng giá hiện nay tôi lo ngại là sẽ cao hơn thực tế. Và cách họ xẻ ra từng dịch vụ, tưởng chừng là thấp nhưng thực tế không phải. Ví dụ: Nếu khám 1 bệnh nhân đúng quy trình thì 20.000 đồng không cao nhưng xem thực tế họ khám như thế nào và ai đánh giá chất lượng đó. Nếu 20.000 đồng như thế mà một buổi sáng 1 bác sỹ khám 80-100 bệnh nhân thì giá 20.000 lại là quá cao.

Điểm quan trọng ở đây chúng ta cần là cung ứng dịch vụ theo chất lượng đảm bảo và không bị lợi nhuận kéo vào. Chúng ta có thể làm được đối với y tế vì trong xã hội luôn luôn có 1 nhóm làm việc vì cái tâm, đó là nhóm các tổ chức phi lợi nhuận. Mình hiện nay thì không công nhận cái đó, trong Luật Khám chữa bệnh cũng chỉ có công và tư. Trong khi công thực ra là công-tư lẫn lộn. Ở đây tôi có thể chỉ ra rằng rất nhiều giá cao hơn thực tế. Tôi nghĩ rằng muốn thay đổi những cái này cần có sự thay đổi quyết liệt từ phía trên, phải có người dám chịu trách nhiệm còn phương án giải quyết không phải không có.

Vậy theo ông, có cần thiết một cơ quan độc lập để phân tích, giám sát giá dịch vụ không?

Theo tôi, càng đi vào kinh tế thị trường thì chúng ta càng cần đến một sự giám sát đánh giá độc lập. Trong trường hợp giá dịch vụ y tế chúng ta biết nó có quá nhiều yếu tố cấu thành giá được điều hành bởi thị trường. Và rất nhiều yếu tố đó bản thân chúng ta cũng không thể kiểm soát nổi cho nên cần phải có một hệ thống nghiên cứu theo dõi, giám sát giá một cách độc lập và đưa thông tin đó đến cho các cơ quan khi thảo luận về giá.

Ông từng cho rằng, người dân đừng quá mong chờ vào sự thay đổi chất lượng dịch vụ vì nó chỉ là sự dịch chuyển chi trả tiền lương. Vậy khi nào chất lượng y tế mới nâng cao được?

Đây là câu hỏi mà người dân rất quan tâm. Khi làm rõ được gói dịch vụ y tế cơ bản, người dân sẽ biết khi mua BHYT sẽ nhận được những gói dịch vụ cơ bản như thế nào và Bộ Y tế phải chỉ ra được chất lượng các gói đó ra sao. Khi có chất lượng như thế mới điều chỉnh giá tính đúng tính đủ. Trên cơ sở đó thì chất lượng dịch vụ y tế mới tăng. Còn hiện tại Bộ Y tế vẫn đang xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản và năm 2018 mới xong.

Giá dịch vụ y tế, tôi dám chắc chỉ có tăng, còn chất lượng y tế thì hiện nay chưa đánh giá được. Chất lượng y tế giờ không phải một cá nhân quyết định như ngày xưa, mà phải làm việc theo nhóm. Tôi nói ví dụ đẻ thường, từ khâu bác sĩ theo dõi, điều dưỡng ra sao, người chuẩn bị dụng cụ, người theo dõi hậu phẫu thế nào... Thực ra là cả 1 đội ngũ làm việc có kỷ luật và theo một quy trình. Chúng ta mới dựa vào 1 cá nhân bác sĩ, ông này mổ giỏi, ông này đỡ giỏi để tính giá dịch vụ nhưng hôm nay ông mổ giỏi còn các thành viên khác hỗ trợ ông ấy như thế nào?

Cảm ơn ông.

“Chưa thấy nước nào phân giá  tới 1.800 dịch vụ cả”

GS Nguyễn Nguyên Khôi, nguyên Giám đốc trung tâm Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, người từng tham gia xây dựng giá chuyên ngành thận nhân tạo cho biết: “Hiện nay tăng là tăng, chứ không có cơ sở, nguyên tắc nào cả. Đáng ra phải lấy giá của Ấn Độ, Trung Quốc hay Pháp làm cơ sở, để có căn cứ đối chiếu. Với mỗi chuyên ngành sẽ có những hạng mục kỹ thuật khác nhau, như thận nhân tạo chỉ có vài chục kỹ thuật nhưng ngoại khoa đến vài trăm kỹ thuật, chỉ cần giá mỗi cái nhích lên 1 xíu thì tổng đã lên rất nhiều mà không ai kiểm duyệt được. Tôi cũng chưa thấy nước nào phân giá tới 1.800 dịch vụ cả, ngay ở Ấn Độ hay Trung Quốc cũng chỉ có 500-600 nhóm giá. Tôi thấy của ta phân chi tiết cả nhổ răng khó, nhổ răng dễ, vậy người dân làm sao biết cái nào dễ, cái nào khó? Đó là chưa kể các loại chi phí đầu vào, mỗi bệnh viện đấu thầu 1 giá khác nhau, rồi chuyên ngành nào biết chuyên ngành đó, không thể đánh giá chéo nhau được, nên dịch giá cái này, cái khác lên cũng không thể biết được vì không có chuyên môn”.

Tăng giá 1.800 dịch vụ y tế: Quỹ BHYT cân đối được đến hết năm 2017

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết: Với mức tăng 1.800 dịch vụ y tế, Quỹ BHYT có thể cân đối được hết năm 2017. Từ nay đến năm 2017 chưa đặt ra vấn đề điều chỉnh mức đóng phí BHYT. Đến năm 2018, khi đã tính đủ 7 cấu phần vào giá dịch vụ y tế thì mới cân nhắc đến việc có điều chỉnh mức đóng hay không.

Theo quy định hiện hành, trần thu phí bảo hiểm được Quốc hội cho phép là 6%, đến nay đang thu 4,5%. Cũng theo ông Sơn: “Tất cả cơ quan phải quản lý chặt chẽ, một mình cơ quan BHXH dù có tăng cường quản lý đến đâu, tiền có đến vài chục nghìn tỷ thì cũng tiêu hết ngay. Chúng ta phải phối hợp chặt chẽ để căn cơ chi phí dự phòng này cho đến hết năm 2017. Đến năm 2018, khi kết cấu thêm phần khấu hao tài sản cố định và chi phí đào tạo thì điều chỉnh mức đóng”.

Được biết, với thay đổi này, Quỹ BHYT sẽ chi trả nhiều hơn, phần chi trả của người dân sẽ giảm đi vì thuốc, vật tư y tế, chi phí khấu hao máy móc, duy tu bảo dưỡng thiết bị đã được tính vào giá dịch vụ và được Quỹ BHYT chi trả, người bệnh sẽ không phải trả chi phí đã được tính vào giá dịch vụ y tế. Và hướng đến năm 2018 phần chi từ tiền túi người dân sẽ ở mức dưới 40% giá dịch vụ, giảm hơn rất nhiều so với hiện nay là xấp xỉ 50%.

Việt Nam chưa thể như các quốc gia khác!”

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: “Theo thông tư 25 của Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ, hai bộ Y tế và Tài chính cùng nhau tính toán giá dịch vụ y tế từ định mức rồi tính ra giá. Trong quá trình làm, Bộ Y tế và Bộ Tài chính là 2 cơ quan phối hợp quy định giá còn cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thay mặt người dân thanh toán chi phí dịch vụ y tế cho người bệnh nên họ thay mặt người bệnh giám sát. Việt Nam chưa thể như các quốc gia khác giao cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp làm được, nếu có tổ chức nào thì bọn tôi sẵn sàng mời tham gia ngay”. (Tiền phong (trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang