Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 03/2/2020

  • |
T5g.org.vn - Học sinh Hà Nội nghỉ học từ 3-2 đến 9-2-2020 tránh lây lan virus corona; Hành động đẹp chung tay phòng chống dịch bệnh do virus corona; Thủ tướng bổ nhiệm GS.TS Nguyễn Thanh Long giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế…

 

Kiểm soát chặt nguồn lây nhiễm nCoV

Sau khi TPHCM xác nhận bệnh nhân thứ 3 nhiễm virus Corona (nCoV) là Việt kiều Mỹ tên T.H.K. (SN 1947, lưu trú tại một khách sạn ở quận 3, đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM), ngành y tế TP cho biết đã kiểm soát chặt nguồn lây nhiễm, điều tra dịch tễ quá trình lưu trú, cách ly những đối tượng đã tiếp xúc nhằm hạn chế tối đa sự lây lan ra cộng đồng.

Khử khuẩn, khử trùng xung quanh khách sạn

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, bệnh nhân T.H.K. khởi phát bệnh ngày 26-1, vào viện ngày 31-1. Bệnh nhân có tiền sử phì đại tiền liệt tuyến, diễn tiến bệnh: không sốt, không đau cơ, ho khan, đôi khi khó thở. Ngày 31-1, bệnh nhân được phết dịch hầu họng và cho kết quả dương tính với nCoV.

Trước khi nhập viện, bệnh nhân có những dấu hiệu sốt nhẹ, ho, khó thở và được Viện Pasteur TPHCM chẩn đoán xác định nhiễm nCoV. Hiện bệnh nhân đang được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.

Khai thác tiền sử bệnh nhân cho biết, ngày 14-1, bệnh nhân bay từ Mỹ về Việt Nam trên chuyến bay ký hiệu 660 của Hãng hàng không China Southern. Ngày 15-1, bệnh nhân quá cảnh tại sân bay của Vũ Hán (Trung Quốc) trong vòng 2 giờ. Ngày 16-1, bệnh nhân tới sân bay Tân Sơn Nhất và di chuyển đến khách sạn Triều Hân (quận 3) để lưu trú.

Ngay sau khi nhận được thông tin, đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết, hệ thống phòng dịch của TP đã lập tức tiến hành điều tra dịch tễ quá trình lưu trú và tiếp xúc của bệnh nhân.

Hiện đã lập danh sách 15 người từng tiếp xúc với bệnh nhân, gồm 7 nhân viên và 8 khách đang lưu trú trong khách sạn để theo dõi tình trạng sức khỏe đến hết ngày 15-2. Những người này hiện chưa có biểu hiện bất thường về sức khỏe và được hướng dẫn tự cách ly.

Hệ thống phòng dịch đang tiến hành điều tra các địa điểm bệnh nhân lui tới và 26 khách đã lưu trú tại khách sạn trong thời gian bệnh nhân lưu trú nay đã trả phòng.

Bà Phạm Thị Thúy Hằng, Chánh Văn phòng UBND quận 3, cho biết, khi nhận được thông tin có khách lưu trú tại khách sạn nhiễm nCoV, lãnh đạo UBND quận 3 đã tổ chức họp khẩn chỉ đạo công tác phòng chống dịch.

Cụ thể, đối với khách sạn có người mắc nCoV, lãnh đạo quận chỉ đạo UBND phường 5 làm việc với chủ khách sạn, yêu cầu chủ khách sạn, nhân viên khách sạn và du khách lưu trú tại khách sạn tạm thời cách ly, không cho ra ngoài cho đến ngày 15-2 để kiểm soát dịch.

“Hiện đã khử khuẩn toàn bộ khách sạn, đặc biệt là hệ thống máy lạnh, hành lang, khu vực tiếp tân, các vật dụng cầm tay của người bệnh. Tiếp tục tăng cường công tác giám sát tại khách sạn và các khu vực có liên quan. Ngoài ra, quận đã chỉ đạo các đội phản ứng nhanh về phòng chống dịch để khử trùng, khử khuẩn khu vực dân cư xung quanh khách sạn, bao gồm 2 trường học gần khách sạn này (Trường Tiểu học Phan Văn Hân và Trường Mầm non 5)”, bà Phạm Thị Thúy Hằng thông tin.

Giám sát chặt các ca nghi nhiễm

Như vậy, đến nay Việt Nam đã phát hiện 7 ca mắc nCoV. Trước đó đã phát hiện 2 cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi) đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy; 3 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc; 1 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc nhiễm bệnh. Hiện các địa phương đang thực hiện giám sát chặt các ca nghi nhiễm.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa hiện đang cách ly 7 trường hợp người Việt để giám sát, trong đó có nữ lễ tân dương tính với nCoV (từng tiếp xúc với 2 khách Trung Quốc nhiễm nCoV được phát hiện tại TPHCM). Hiện sức khỏe nữ lễ tân này rất ổn định, không ho, không sốt. Hiện Sở Y tế Khánh Hòa cũng đang giám sát 30 người có liên quan, tiếp xúc với nữ lễ tân nhiễm nCoV. Qua theo dõi thì những người này hiện nay chưa có dấu hiệu gì bất thường.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An vừa gửi 6 mẫu bệnh phẩm ra Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm nCoV. 6 mẫu bệnh phẩm này được lấy từ 6 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An và Bệnh viện Tây Bắc Nghệ An. Các bệnh nhân được đưa đến bệnh viện với các triệu chứng ho, sốt…

Cả 6 trường hợp này đều là lao động từ Trung Quốc và Đài Loan về quê ăn tết. Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn cũng đang điều trị, theo dõi, cách ly một phụ nữ ở xã Bắc Lý có biểu hiện sốt, ho… Người phụ nữ này cũng từ Trung Quốc về quê ăn tết.

Bệnh viện Trung ương Huế vừa diễn tập phòng chống dịch nCoV với tình huống giả định, có 2 bệnh nhân được phát hiện nhiễm nCoV nhập viện. Bệnh nhân đầu tiên có triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi 2 ngày. Bệnh nhân này có tiền sử đi công tác tại vùng dịch trở về Việt Nam cách lúc nhập viện 10 ngày. Bệnh nhân thứ 2 do tình trạng bệnh trở nặng nên được chuyển vào phòng cách ly hồi sức đặc biệt. Cả 2 bệnh nhân sau đó được hội chẩn và thống nhất phác đồ điều trị của Bộ Y tế. 

Đoàn cán bộ y tế tỉnh Gia Lai đã có buổi làm việc với chị N.T.H.T. (34 tuổi, ở xã Ia Nhin, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) vừa trở về từ TP Vũ Hán. Trên đường về Gia Lai vào ngày 22-1, chị T, có quá cảnh ở Hà Nội. Đáng chú ý, chị T. có biểu hiện mệt mỏi kèm theo các triệu chứng ho, rát họng, sổ mũi… Sở Y tế Gia Lai đã cử cán bộ đến lấy mẫu bệnh phẩm, gửi đến TPHCM để làm xét nghiệm và tiến hành cách ly chị T. để tiếp tục theo dõi, điều trị…

Học sinh TPHCM nghỉ thêm 1 tuần

Chiều 2-2, Thường trực UBND TPHCM đã đồng ý đề xuất của Sở GD-ĐT cho học sinh tất cả các cấp học từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các đơn vị trực thuộc ngành giáo dục và đào tạo trên địa bàn TP được nghỉ học 1 tuần để phòng tránh sự lây nhiễm của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra.

Như vậy, học sinh tất cả cấp học sẽ quay lại trường vào ngày 10-2-2020. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính tới 20 giờ ngày 2-2, đã có 21 tỉnh, thành phố quyết định cho học sinh nghỉ học.

Lập 4 đoàn kiểm tra việc sản xuất trang thiết bị y tế

Ngày 2-2, ông Nguyễn Mạnh Cường, Chánh Thanh tra Bộ Y tế, cho biết cơ quan thanh tra đã lập 4 đoàn thanh tra đến làm việc với sở y tế, thanh tra sở y tế, các công ty sản xuất kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế tại các tỉnh, thành: Hà Nội, TPHCM, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa nhằm kiểm tra, xử lý các vi phạm trong sản xuất kinh doanh các loại thuốc, hóa chất, khẩu trang… phục vụ công tác phòng chống dịch thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành y tế. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Phụ nữ Việt Nam, trang 1: “Dịch Corona diễn biến phức tạp: Cần chủ động các biện pháp phòng tránh”; Khoa học & Đời sống, trang 1: “Chống dịch corona như chống giặc”.

 

Hành động đẹp chung tay phòng chống dịch bệnh do virus corona

Trong khi không ít cửa hàng, cơ sở bán vật tư y tế lợi dụng giữa mùa dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới gây ra để thổi giá, “ghim hàng”, bán khẩu trang, dung dịch khử trùng tăng gấp 3-4 lần so với ngày bình thường, thì ngay tại TP Đà Nẵng lại có đến hơn 20 điểm trước cổng trường học, nhà hàng, khách sạn cùng nhiều nhà thuốc tư nhân khác lại có những hành động đẹp và ý nghĩa là chia sẻ khẩu trang Y tế miễn phí cho hàng nghìn người dân và du khách…

Trực tiếp phát miễn phí hơn 2000 chiếc khẩu trang y tế cho các em học sinh, người dân và du khách chị Đặng Thị Kim Phương chủ quán trà sữa số 32 đường Hoàng Hoa Thám (gần cơ sở 3  trường Tiểu học Trần Cao Vân và Ga Đà Nẵng) đã chia sẻ:  Từ chiều ngày 31-1, chị và các nhân viên của quán đã đứng phát miễn phí khẩu trang y tế cho rất nhiều em học sinh và người dân tại khu vực.

Chị Phương cho rằng: "Việc chị tự mua rồi phát hơn 2000 khẩu trang Y tế cho các em học sinh và người dân vì nhìn nhận khi thấy dịch bệnh diễn ra phức tạp, kéo theo giá khẩu trang tăng gấp nhiều lần. Trong khi đó, nhiều em học sinh không có tiền mua, nhiều hành khách đi tàu xuống ga Đà Nẵng, nhiều bác tài xế xe ôm, công nhân lao động đã không kịp chuẩn bị cho mình những chiếc khẩu trang... Chính vì vậy chị Phương muốn phát miễn phí để bảo vệ sức khỏe họ cũng như bảo vệ cộng đồng và chính mình”…

Một hành động đẹp khác, hiện được nhận được nhiều sự chia sẻ, khen ngợi của cộng đồng mạng xã hội đó là hình ảnh lên Facebook của một cá nhân tại Đà Nẵng với dòng chữ: “Vui lòng lấy 1 cái nếu cần, không bán khẩu trang”. Dòng chữ được ghi cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh và chi ều nay (ngày1-2) còn được bổ sung thêm chữ tiếng Trung được để cẩn thận trong hộp nhựa, phía dưới có nhiều khẩu trang y tế.

Chị H. cho biết, khu vực của nhà thuốc thuộc khu phố du lịch, nơi có rất đông đoàn du khách nước ngoài đến tham quan, mua sắm và thuê khách sạn nghỉ dưỡng…Và hoàn toàn không có chuyện các nhà thuốc ở khu vực đông du khách du lịch ở Đà Nẵng lợi dụng thông tin về dịch bệnh do virus Corona để “tăng giá” để kiếm lợi nhuận...

"Chúng tôi sẵng sàng sẻ chia, phát miễn phí khẩu trang y tế cho tất cả  người dân và nhất là không “phân biệt đối xử” với du khách nước ngoài. Trong chiều tối 31 và cả ngày hôm nay (1-2) đã có rất nhiều du khách nước ngoài tìm đến tiệm thuốc của chúng tôi để mua khẩu trang y tế và họ đã rất cảm kích, vui vẻ cảm ơn khi được tặng miễn phí... Ai cũng cần được phòng tránh và bảo vệ,  bảo vệ chính họ là đã bảo vệ cộng đồng, nhà thuốc chúng tôi mong muốn góp một phần nhỏ vào công tác tuyên truyền phòng ngừa dịch", chị H nói.

Theo ghi nhận của PV, tại TP Đà Nẵng hiện đã có hàng loạt cửa hàng phát khẩu trang miễn phí như: ở 238 Tú Mỡ; số 18 Mỹ An 4 (quận Ngũ Hành Sơn); 48 Võ Văn Kiệt… hay các nhà thuốc Thiện Tâm số 55 Phạm Như Xương (quận Liên Chiểu); 22 Nguyễn Thị Minh Khai; 395 Núi Thành…

Tính đến sáng 1-2, đã có trên 25 điểm chia sẻ khẩu trang Y tế miễn phí được thiết lập trên toàn địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đây là hành động đẹp, ý nghĩa trong bối cảnh khẩu trang khan hiếm và đắt đỏ giữa mùa dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới gây ra.

Cũng trong chiều ngày 1-2, lãnh đạo taxi Mai Linh Đà Nẵng cũng cho biết: Từ sáng 31-1, taxi Mai Linh đã phát khẩu trang miễn phí cho toàn bộ lái xe và khách hàng không có khẩu trang đi taxi Mai Linh, chương trình phát khẩu trang Y tế cho hành khách chỉ chấm dứt khi có thông báo chính thức của WHO đã khống chế và chấm dứt dịch bênh do virus Corona gây ra.

Chiều ngày 1-2, thông tin từ Sở Y tế TP Đà Nẵng: Thanh tra Sở Y tế đã công bố đường dây nóng 0914146752 tiếp nhận phản ánh về việc nâng giá bán khẩu trang y tế trên địa thành phố.

Trong trường hợp nhân dân và du khách phát hiện cơ sở kinh doanh lợi dụng thời điểm dịch bệnh đang diễn ra để đầu cơ, tăng giá thuốc, vật tư y tế (đặc biệt là khẩu trang y tế và nước rửa tay có chứa cồn). 

Sở Y tế TP Đà Nẵng cũng đã thông báo các điểm bán bình ổn giá khẩu trang y tế tại thành phố đến toàn thể người dân và du khách được biết. Qua đó, tại 11 điểm bán bình ổn khẩu trang y tế sẽ được niêm yết: Giá 2.200 đồng/1 cái như tại các điểm: 297 Ngô Quyền (quận Sơn Trà); 124 – 123 Le Văn Hiến (quận Ngũ Hành Sơn); Chợ Túy Loan (huyện Hòa Vang); 226 Nguyễn Văn Thoại (quận Sơn Trà); 141 Quang Trung (quận Hải Châu); 864 Tôn Đức Thắng (quận Liên Chiểu)… (Công an Nhân dân, trang 5).

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 12: “Nhiều nơi phát khẩu trang miễn phí”; An ninh Thủ đô, trang 1: “Phát khẩu trang miễn phí: chia sẽ và  lan tỏa y thức phòng chống virus corona”.

 

Thủ tướng quyết định công bố dịch Corona

Hôm nay (1/2/2020), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.

Quyết định nêu rõ: Công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam.

1. Tên dịch bệnh: Viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.

2. Thời gian xảy ra dịch: Từ ngày 23 tháng 01 năm 2020 (thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh viêm đường hô cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra).

3. Địa điểm và quy mô xảy ra dịch: Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa (đã có 6 trường hợp mắc bệnh).

4. Nguyên nhân: Do chủng mới của vi rút Corona gây ra.

5. Tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch: Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu.

6. Đường lây: Lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.

7. Các biện pháp phòng, chống dịch: Thực hiện theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, gồm:

a) Thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch.

b) Khai báo, báo cáo dịch.

c) Tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh.

d) Tổ chức cách ly y tế.

đ) Vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch.

e) Các biện pháp bảo vệ cá nhân.

g) Kiểm soát ra, vào vùng có dịch.

h) Huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch.

i) Hợp tác quốc tế trong hoạt động chống dịch.

k) Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch.

8. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, cách ly, theo dõi, điều trị người mắc bệnh:

a) Bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, bệnh viện trong ngành Công an, Quân đội và các bệnh viện khác có điều kiện.

b) Bệnh viện dã chiến (khi được huy động).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở y tế, tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 79-CV/TW ngày 30 tháng 01 năm 2020; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2020, số 06/CT-TTg ngày 31 tháng 01 năm 2020 và Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2020; các chỉ đạo của Bộ Y tế và các quy định của pháp luật có liên quan. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 9: “Thủ tướng chỉ đạo tăng cường phòng chống dịch nCoV”; Hà Nội mới, trang 1: “Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh  viêm đường hô hấp cấp do nCoV”.

 

Thủ tướng bổ nhiệm GS.TS Nguyễn Thanh Long giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 171/QĐ-TTg điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Thanh Long sinh ngày 3/9/1966 tại xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Ông là Giáo sư, Tiến sĩ y học.

Từ năm 1995 đến năm 2003, ông là chuyên viên Vụ Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Từ tháng 12/2003 đến tháng 5/2005 là Trưởng phòng Kiểm soát và phòng chống HIV/AIDS, Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.

Từ tháng 6/2005 đến tháng 3/2008, ông là Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế. Từ tháng 3/2008 đến tháng 11/2011 là Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS. Từ tháng 12/2011 đến tháng 10/2018, ông là ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Ông có 7 năm đảm nhiệm cương vị Thứ trưởng Bộ Y tế trước khi được Ban Bí thư điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Muốn thắng đại dịch: Quyết liệt, chủ động nhưng phải bình tĩnh

Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng thực hiện có trách nhiệm, với các biện pháp cụ thể, quyết liệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc từ các cấp cơ sở để khống chế dịch bệnh, không để nCoV lây lan trong cộng đồng.

Ngày 1/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra nhấn mạnh điều này khi chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam vẫn được kiểm soát tốt

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Với tinh thần vào cuộc quyết liệt, chủ động, trách nhiệm của các cấp các ngành từ Trung ương tới địa phương, đến thời điểm hiện tại chúng ta vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra.

Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Chúng ta cũng công khai, minh bạch toàn bộ thông tin liên quan đến diễn biến dịch bệnh và triển khai các giải pháp ứng phó. Do vậy, vấn đề quan trọng nhất bây giờ là các địa phương và người dân phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan có thẩm quyền. Tránh tình trạng một số địa phương, cấp ủy Đảng chưa nhận thức được nguy cơ nên còn chủ quan, lơ là. Người dân chưa hiểu rõ vấn đề dẫn tới tâm lý hoang mang, có cách ứng xử chưa đúng.

Nhấn mạnh quan điểm phải đặt sức khỏe của người dân lên trên hết dù phải hy sinh lợi ích kinh tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tất cả phải vào cuộc quyết liệt nhưng cũng phải bình tĩnh.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Thông tin khái quát về tình hình dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương phải thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, trong đó tập trung vào một số vấn đề sau.

Trước hết, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập ngay Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố làm Trưởng Ban. Đồng thời chỉ đạo các địa phương trực thuộc thành lập Ban Chỉ đạo do người đứng đầu UBND cùng cấp làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch. Trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo.

Đồng thời, UBND các tỉnh cũng phải rà soát lại các kế hoạch phòng chống dịch để bổ sung các nội dung mới, phù hợp với thực tế diễn biến dịch bệnh. Kế hoạch phải huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; thể hiện rõ trách nhiệm của từng ngành; bảo đảm được các điều kiện về tài chính, nhân lực, trang thiết bị,… phục vụ cho công tác phòng chống dịch.

Điều quan trọng là các địa phương cần làm tốt công tác truyền thông phòng chống dịch lây lan từ người bệnh sang người lành để người dân nắm được những vấn đề cơ bản, nắm được những khuyến cáo của Bộ Y tế, không hoang mang và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống…

Đại diện Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo, khuyến cáo như: Thực hiện việc cấm các tour du lịch và cấm nhập cảnh đối với người đến từ vùng có dịch; tăng cường quản lý người ra, vào cửa khẩu; quản lý chặt các đường mòn, lối mở; kịp thời cách li các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; khuyến cáo người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng, hạn chế tập trung ở những nơi đông người; các địa phương hạn chế quy mô và rút ngắn thời gian tổ chức các lễ hội; không tiếp xúc, buôn bán động vật hoang dã; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, trục lợi; xử lý nghiêm việc tung tin, đưa tin không đúng về tình hình dịch bệnh;….

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho lãnh đạo địa phương bổ trí đủ kinh phí, điều kiện phòng chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ; tiến hành phun thuốc khử trùng, vệ sinh dịch tễ các trường học, cơ quan, đơn vị,… Mỗi bệnh viện tuyến tỉnh thành lập từ 1 đến 3 đội phản ứng nhanh để sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến dưới; mỗi tỉnh phải có 1 số máy đường dây nóng; quản lý tốt các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh; thực hiện nghiêm việc phân tuyến điều trị, khoanh vùng dập dịch ngay từ đầu, hạn chế tối đa việc vận chuyển người bệnh, nếu buộc phải vận chuyển bệnh nhân thì phải thực hiện theo đúng quy trình,…

Tất cả vì sức khỏe của người dân

Đánh giá chung về tình hình dịch bệnh, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường. Lần này chúng ta công bố dịch cũng là chưa có tiền lệ. Vừa qua chúng ta cũng đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó, thậm chí các biện pháp chúng ta thực hiện nằm ở mức cao hơn so với những nước khác và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)…

Chính nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, khuyến cáo của cơ quan chuyên môn,… nên đến thời điểm hiện tại chúng ta vẫn kiểm soát tốt tình hình.

Nhấn mạnh, đây là một trong những nhân tố quyết định thành công của công tác phòng chống dịch bệnh, GS.TS Nguyễn Thanh Long đề nghị báo chí, người dân phải bình tĩnh, thực hiện nghiêm chỉ đạo, khuyến cáo của cơ quan chức năng với tâm thế “muốn thắng đại dịch phải bình tĩnh”; các địa phương phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương với tinh thần tất cả vì sức khỏe của người dân…

Cũng tại hội nghị, đại diện các Bộ: Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, LĐTB&XH, NN&PTNT, Giao thông vận tải,… đã giải đáp, khuyến nghị, chỉ đạo một số nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh được địa phương quan tâm như: Kiểm soát cửa khẩu, đường mòn, lối mở, người xuất nhập cảnh; quản lý lao động di cư; quản lý thị trường; xuất khẩu nông sản; bảo đảm tài chính cho công tác phòng chống dịch bệnh,…

Quyết liệt, trách nhiệm nhưng phải bình tĩnh

Kết lại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cả hệ thống chính trị luôn luôn quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh với tinh thần phải chủ động, phải quyết liệt. Chúng ta xác định đây là nhiệm vụ hàng đầu của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu. Với tinh thần “luôn luôn đặt mức sẵn sàng cao hơn mức bình thường”.

Ông lý giải, chúng ta sẵn sàng đặt cao hơn mức bình thường là cao hơn và sớm hơn so với các dịch bệnh trước đây như dịch H1N1, SARS… cũng như cao hơn so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, các cơ quan y tế quốc tế cũng như một số nước khác. Tinh thần của chúng ta là luôn luôn tính đến tình huống xấu hơn, thậm chí tình huống xấu nhất để nhằm "không để xảy ra tình huống xấu hơn và chúng ta không phải đối phó với tình huống xấu nhất".

Về công tác tuyên truyền, Phó Thủ tướng nhấn mạnh bên cạnh việc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng cũng cần tiến hành tuyên truyền vận động nhân dân qua hệ thống chính trị để người dân yên tâm tin tưởng, không hoảng loạn. Chúng ta sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế vì chống dịch, khi cần hy sinh thì phải hy sinh vì sức khỏe của nhân dân là trên hết.

Đến nay, dịch nCoV chưa có thuốc đặc trị, do đó biện pháp căn bản nhất trong công tác phòng chống hiện nay là tập trung nhận biết, cách ly, điều trị cần phải được thực hiện nghiêm theo quy định của ngành y tế…

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ (có sự giám sát của quốc tế), tinh thần của ngành y tế là minh bạch, công khai tất cả các trường hợp để người dân nhận thức rõ tình trạng, từ đó có các giải pháp cùng tham gia phòng chống dịch, mà trước hết là tham gia giữ gìn cho riêng mình.

Bên cạnh việc tập trung phòng chống dịch nCoV nhưng chúng ta cũng không quên nhiệm vụ phòng chống các dịch bệnh khác. Ví như việc cơ quan y tế chỉ đạo địa phương thực hiện phun thuốc phòng chống dịch nCoV. Theo ý kiến của các nhà chuyên môn hiện chưa có loại thuốc phun nào có thể diệt được con virus này nhưng nó có tác dụng kiềm chế sự phát triển của virus, đặc biệt không phát sinh tình trạng dịch chồng dịch; qua đó, hình thành thói quen tốt trong thực hành chống dịch; dần dần củng cố thói quen, phương thức của người dân, ngành y tế, các cơ quan khi phòng, chống các loại dịch bệnh.

Nhấn mạnh các chỉ đạo đã rất rõ rồi, các thắc mắc cũng đã được giải đáp, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải thực hiện thật nghiêm và cho biết: Tôi đã nhận được ý kiến của nhiều chuyên gia trong nước, ngoài nước và các cán bộ quản lý, từng quản lý. Họ đều nói rằng biện pháp chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và của ngành đều đã rất cụ thể và rất tốt. Vấn đề là có tổ chức thực hiện đến tận cơ sở được hay không. Đây là trách nhiệm của tất cả chúng ta.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị “tất cả chúng ta tổ chức thực hiện phòng chống dịch chủ động, quyết liệt, trách nhiệm, luôn luôn đặt cao hơn, đi trước một bước” để phòng chống thành công dịch bệnh này. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Cùng chủ đề Báo Lao động, trang 4: “Nam Trung Bộ: Công tác phòng chống về cơ bản đang kiểm soát tốt”; Lao động, trang 4: “Các địa phương chủ động phòng ngừa dịch do virus corona”; Tuổi trẻ, trang 5: “Kiểm soát nghiêm ngặt việc đi lại tại cửa khẩu”; Sài Gòn giải phóng, trang 9: “Kiểm soát chặt nguồn lây nhiễm nCoV”; Nhân dân, trang 8: “Không để dịch bệnh do nCoV xâm nhập và đi sâu vào trong nước”.

 

Thành lập tạm thời bệnh viện cách ly đặc biệt tại Tp. Móng Cái, Quảng Ninh

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đã chỉ đạo thành lập tạm thời bệnh viện cách ly đặc biệt, phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra.

heo đó, bệnh viện cách ly đặc biệt tạm thời này sẽ được thành lập trên cơ sở công trình khu nhà khám và điều trị bệnh của Trung tâm Y tế Tp. Móng Cái mới được đầu tư xây dựng và đã đi vào giai đoạn hoàn thiện. Khu nhà này biệt lập hoàn toàn với các khu vực khác, có đường ra vào riêng và đã hoàn thiện toàn bộ phần xây dựng cơ bản và hệ thống điện, nước.  Chậm nhất ngày 3/2 phải hoàn thiện lắp đặt thiết bị để đưa vào vận hành, phục vụ hoạt động diễn tập xử lý các tình huống phát sinh.

Bệnh  viện có quy mô 500 giường, với các trang thiết bị tốt nhất, đảm bảo hiệu quả tối đa trong hoạt động tiếp nhận, khám, điều trị.

Sau khi dịch hoàn toàn được dập tắt, Bệnh viện cách ly đặc biệt trên sẽ trở về thực hiện nhiệm vụ như ban đầu của Trung tâm Y tế TP Móng Cái. Đối với các khu nhà khác của Trung tâm Y tế TP Móng Cái hiện nay vẫn hoạt động bình thường, phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Được biết, đến chiều ngày 1/2, TP Móng Cái đã huy động lực lượng hoàn thành việc lắp đặt hơn 100 giường bệnh, 37 giường cấp cứu và đang tiếp tục lắp đặt trang thiết bị, vật tư y tế tại Bệnh viện cách ly đặc biệt. TP Móng Cái cũng đã trang bị thêm 5 máy phun hóa chất, 75.000 khẩu trang y tế, 100 bộ bảo hộ chống dịch, 17 bình oxy, 500 kg hóa chất tiêu độc khử trùng và 17 nhiệt kế điện tử; đảm bảo nhân lực ngành y tế gồm 290 người, trong đó có 77 bác sĩ (188 cán bộ, y, bác sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ tại khu bệnh viện cách ly đặc biệt); tiếp nhận 2 máy đo thân nhiệt từ xa, 2 xe cứu thương do Sở Y tế cấp và 6 nhân viên kiểm dịch y tế tăng cường hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.

Trước đó, tại cuộc họp với TP. Móng Cái về phòng, chống dịch bệnh do nCoV, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư tỉnh quỷ Quảng Ninh nhấn mạnh"  Mục tiêu cao nhất của TP Móng Cái là không để dịch bệnh xuất hiện, lây lan và bùng phát; thể hiện trách nhiệm cao nhất với tuyến trong. Đồn trưởng các Đồn Biên phòng và Chỉ huy trưởng Biên phòng phải chịu trách nhiệm về việc siết chặt quản lý xuất nhập cảnh.

Tuyệt đối không để cư dân biên giới và người dân khu vực biên giới xuất cảnh dưới bất kỳ hình thức, lý do gì. Không để lao động Việt Nam xuất cảnh sang vùng có dịch. Lập các chốt chặn của Biên phòng và chốt chặn của lực lượng Công an và dân phòng của các địa phương biên giới để kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, không để xảy ra tình trạng vượt biên trái phép.

Được biết, từ 16h, ngày 1/2/2020, 100% người Việt Nam nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình cách ly ngay từ khu vực cửa khẩu để quản lý và theo dõi, giám sát sức khỏe trong 14 ngày. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 4: “Kiểm soát chặt biên giới và trong cộng đồng để corona không lan rộng”; Công an Nhân dân, trang 4: “Ngăn chặn virus corona trên trời, dưới đất, dưới biển”.

 

Dịch do nCoV dưới góc nhìn của “người hùng” chống dịch SARS

Dù đã nghỉ hưu nhưng những chuyên gia về bệnh truyền nhiễm như ThS. BSCKII. Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam trong những ngày này vẫn vô cùng bận rộn.

Tôi gặp ông ngay sau khi ông rời khỏi cuộc họp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV tổ chức tại Bộ Y tế.

Áp dụng kinh nghiệm chống lây nhiễm thời chống SARS

Trong cuộc trò chuyện, BS Hà cho biết, những bài học rút ra từ các đợt chống dịch bệnh truyền nhiễm do cúm A/H1N1, H5N1, MERS-CoV và đặc biệt là SARS đã giúp cho Việt Nam bình tĩnh chủ động đưa ra những phương án ứng phó thích hợp với dịch do nCoV lần này. Theo ông: “Đến nay người ta đã biết căn nguyên gây ra viêm đường hô hấp cấp tại Vũ Hán là do Corona virus. NovelCoV-2019 cùng chủng với virus corona gây ra dịch SARS trước đây. Nhưng khác với virus corona gây bệnh SARS, nCoV dễ lây lan ở ngoài cộng đồng hơn, còn SARS-CoV thì chủ yếu lấy nhiễm trong không gian hẹp trong bệnh viện. Chúng ta thấy mỗi ngày tại tâm dịch là thành phố Vũ Hán( Trung Quốc) số ca mắc tăng thêm hàng nghìn người, tức là lây lan ngoài cộng đồng rất mạnh. Dịch SARS rất kinh khủng nhưng lại khó lây nhiễm. Hồi ấy khi áp dụng mở cửa thông khí bệnh phòng làm giảm mật độ virus trong không khí mặc dù lúc đầu nhân viên y tế chưa có đủ các phương tiện phòng hộ hữu hiệu nhưng theo dõi sau 2 tuần, không có một nhân viên y tế nào bị nhiễm dù vẫn tiếp xúc và chăm sóc người bệnh thường xuyên. Tuy nhiên, bây giờ để phòng lây nhiễm trong bệnh viện cho nhân viên y tế, chúng ta đã có nhiều đồ bảo hộ, chứ trước đây đúng là tay không bắt SARS, đến khẩu trang còn thiếu chứ đừng nói tới bộ đồ bảo hộ kín mít như bây giờ.”

Liên quan tới kinh nghiệm chống lây nhiễm bằng biện pháp thông khí phòng bệnh, làm giảm nồng độ virus xuống dưới ngưỡng có thể gây bệnh, BS Hà nhận định: “ Với nguyên tắc này, bây giờ một số bệnh viện của chúng ta có loại phòng áp lực âm để cách ly bệnh nhân. Đây là phòng cách ly lý tưởng nhất, nhưng không có mấy phòng loại này, kể cả ở bệnh viện lớn cũng chỉ có 1-2 phòng. Dễ hơn một chút là dùng phòng cách ly có buồng đệm. Nhưng ngay cả điều kiện này cũng không phải cơ sở y tế nào cũng có. Nếu trong trường hợp dịch lan rộng tại nhiều địa phương, nhiều ca nhiễm cùng lúc thì phải chọn phương án dùng phòng bệnh ở tầng cao để tăng thông khí tự nhiên. Hoặc là dùng máy khử khuẩn không khí liên tục trong phòng bệnh có bệnh nhân như máy khử khuẩn Airocide, máy tạo Ozone. Hiện nay trong nước đã sản xuất các máy tạo ozone có tác dụng tiêu diệt virus trong không khí, có thể ứng dụng vào phòng lây nhiễm trong cơ sở y tế”.

Về kiểm soát nhiễm khuẩn, ông cho biết, nhiều năm nay ngành y tế đã xây dựng và đưa vào các hệ thống, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở y tế, trong đó có kiểm soát nhiễm khuẩn hô hấp. Bình thường đã phải tuân thủ, trong giai đoạn này lại càng phải tuân thủ nghiêm ngặt. Làm được như thế, chúng ta sẽ giảm thiểu lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.

Nếu nhận thức của cộng đồng không tốt tình hình sẽ rất phức tạp

Nhận định rằng chính giai đoạn này là giai đoạn khó khăn của hệ thống phòng chống dịch, BS Hà lý giải: “ Giai đoạn này chúng ta mới có những ca bệnh ngoại lai hay nói cách khác là lây ở nước ngoài đem vào Việt Nam. Nếu chúng ta không quyết liệt với các biện pháp nhằm ngăn chặn những nguồn bệnh bên ngoài vào, kiểm soát chặt các ca nhiễm như kiểm soát đường đi của người nhiễm, theo dõi và kiểm soát các trường hợp nghi phơi nhiễm, cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở y tế các trường hợp nguy cơ như người đi về từ vùng dịch thì khả năng lây lan ra cộng đồng rất lớn khiến dịch bùng phát không khác gì nước láng giềng. Chính trong giai đoạn này đòi hỏi truyền thông, giáo dục nhận thức cho cộng đồng phải mạnh, đúng và tới nơi tới chốn vì người dân có thể chủ quan, coi thường bệnh dịch, các địa phương, ban ngành cần vào cuộc quyết liệt. Ông khuyên người dân không nên dấu diếm mà nên khai báo với chính quyền địa phương, cơ quan y tế nếu đi từ vùng dịch về hoặc có tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về, nếu có triệu chứng sốt, ho , khó thở... thì nên đi khám để được phân loại kịp thời; có ý thức phòng bệnh cho bản thân và cho cộng động bằng các biện pháp đơn giản như dùng khẩu trang, rửa tay đúng cách, không ho khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng, nếu ho nên ho vào khăn tay, khăn giấy, che tay vào miệng,… bỏ giấy vào thùng rác có nắp đậy và rửa tay ngay.

Vị chuyên gia từng chiến thắng trong dịch SARS năm xưa ví von: “Giống như một đám cháy, khi lửa chỉ mới là đốm nhỏ mà dập ngay thì không thiệt hại, nhưng nếu không cẩn thận để lửa bùng to, lan rộng thì khó dập lắm, thiệt hại khó lường”. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).

 

WHO công bố tình trạng khẩn cấp và kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng chống dịch

Việc công bố tình trạng y tế khẩn cấp phải dựa trên các tiêu chí như: Số lượng người mắc, số lượng bệnh nhân tử vong, mức độ lan tràn của dịch bệnh, đã áp dụng các biện pháp nhưng chưa ngăn chặn được dịch bệnh. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đã và đang triển khai các giải pháp phòng chống dịch còn mạnh hơn cả khuyến cáo của WHO.

WHO đánh giá cao việc tăng cường giám sát, chẩn đoán các ca bệnh của nước ta

Về việc ngày 31/1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố dịch nCoV là tình trạng y tế KHẨN CẤP TOÀN CẦU, song hiện tại Việt Nam vẫn chưa công bố, chia sẻ thông tin với các nhà báo tại cuộc báo cung cấp thông tin về dịch bệnh này do Bộ Y tế tổ chức cuối giờ chiều ngày 31/1, bà Satoko Otsu, Trưởng nhóm đáp ứng sự kiện khẩn cấp của WHO tại Việt Nam cho biết, trong Điều 1 Điều lệ y tế quốc tế quy định 3 tiêu chí để quyết định một sự kiến y tế có trở thành tình trạng y tế toàn cầu hay không. Đại diện WHO tại Việt Nam cũng đánh giá cao việc tăng cường giám sát, chẩn đoán các ca bệnh do nCoV của Việt Nam. Thứ nhất, sự kiện gây quan ngại toàn cầu, có đặc biệt bất thường; thứ hai, có nguy cơ lây lan quốc tế; thứ ba, đòi hỏi mức độ đáp ứng toàn cầu. Tại đây, bà Satoko Otsu cũng giải thích: Việc công bố không có nghĩa là nâng cấp độ nguy cơ hay dịch bệnh đang đe doạ toàn cầu. Theo bà Otsu, việc ban bố tình trạng y tế khẩn cấp do dịch cần có sự phối hợp toàn cầu để làm việc cùng nhau, hỗ trợ nhau để đáp ứng dịch.

Đại diện WHO tại Việt Nam cũng đánh giá cao việc tăng cường giám sát, chẩn đoán các ca bệnh và thấy rõ sự cam kết của Chính phủ Việt Nam, sự đoàn kết của các ban ngành song hành cùng Bộ Y tế để đối phó với dịch.

Việt Nam chưa lần nào công bố tình trạng y tế khẩn cấp

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đây là lần thứ 6, WHO công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, tuy nhiên Việt Nam chưa từng công bố tình trạng khẩn cấp. 5 lần trước WHO từng công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu gồm: Đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009, bệnh bại liệt năm 2014, đại dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014, dịch do virus Zika năm 2016, đại dịch Ebola ở Cộng hòa dân chủ Congo năm 2019.

Việt Nam chưa lần nào công bố tình trạng khẩn cấp, kể cả năm 2009 số lượng người mắc virus H1N1 ở Việt Nam lên tới gần 10.000 người, 22 ca tử vong, thời điểm đó chúng ta cũng không công bố tình trạng khẩn cấp.

Theo Điều 42 của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch được thực hiện theo nguyên tắc sau đây: Khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp; việc ban bố tình trạng khẩn cấp phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

Việc công bố tình trạng y tế khẩn cấp phải dựa trên các tiêu chí như: Số lượng người mắc, số lượng bệnh nhân tử vong, mức độ lan tràn của dịch bệnh, đã áp dụng các biện pháp nhưng chưa ngăn chặn được dịch bệnh,…

Tại Việt Nam, tùy tình hình dịch, Bộ Y tế và các ban ngành liên quan sẽ có tham mưu với Chính phủ để có đáp ứng phù hợp

Kinh nghiệm từ phòng chống dịch của Việt Nam

Chia sẻ về kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng chống các dịch bệnh mà WHO đã thông báo tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu, PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay, việc mở thông thoáng các cửa để không khí lưu thông chính là một trong những nguyên nhân quan trọng để virus gây bệnh SARS không lưu cữu lâu trong không khí buồng bệnh, không lây lan ra nhân viên y tế và người bệnh cùng điều trị trong bệnh viện.

 “Những ngày này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương lại thành điểm cách ly, điều trị cho bệnh nhân mắc và nghi mắc nCoV, họ đã vượt qua vụ dịch SARS, dịch cúm gia cầm, cúm H1N1 đại dịch... Họ là những người chữa các bệnh dịch nguy hiểm chuyên nghiệp”- PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Còn ThS. BS Nguyễn Hồng Hà- nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, ở thời điểm xảy ra dịch SARS 2003- là người phụ trách điều trị cho bệnh nhân cho rằng, chính những bài học rút ra từ các đợt chống dịch bệnh truyền nhiễm do cúm A/H1N1, H5N1, MERS-CoV và đặc biệt là SARS đã giúp cho Việt Nam bình tĩnh chủ động đưa ra những phương án ứng phó thích hợp với dịch nCoV lần này.

"Bí quyết thì không hẳn, chúng tôi không có bí quyết gì, chỉ điều trị triệu chứng, rồi mở rộng cửa sổ, cửa đi của buồng bệnh cho thông thoáng. Toàn bộ 34 bệnh nhân SARS chuyển sang Bệnh viện chúng tôi ngày đó đều được điều trị khỏi, người cuối cùng được ra viện vào tháng 5/2003. Nhưng từ 18/4/2003, sau 20 ngày không có thêm bệnh nhân mới, Việt Nam đã công bố khống chế dịch SARS và trở thành nước đầu tiên trên thế giới công bố khống chế được dịch" – ThS.BS Hồng Hà chia sẻ. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 1: “Tập chung cao độ triển khai các biện pháp phòng chống dịch do nCoV’.

 

Để không gây hiểu lầm về virus corona trên MXH

Liên quan đến công tác tuyên truyền phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, trong Chỉ thị 06 mới ban hành, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu Bộ TTTT chỉ đạo tăng cường thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đề nghị các cơ quan truyền thông đăng tải các bản tin về tình hình dịch bệnh chính xác, kịp thời và các biện pháp để người dân chủ động phòng, chống dịch, không hoang mang, lo lắng và phối hợp với các cơ quan chức năng phòng chống dịch hiệu quả.

Hàng loạt người bị xử phạt vì tung tin sai về dịch nCoV

Trên thực tế, những ngày vừa qua, trên các mạng xã hội như YouTube, Facebook đã xuất hiện nhiều thông tin giả mạo, thông tin không có kiểm chứng về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Những thông tin này phần nào đã khiến người dân bị hoang mang, lo lắng.

Những ngày vừa qua, trên các mạng xã hội như YouTube, Facebook đã xuất hiện nhiều thông tin giả mạo, thông tin không có kiểm chứng về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.

Điển hình, tại Thái Nguyên, Nguyễn Thị Hồng Minh và Ngô Thị Trang (cùng 30 tuổi, trú thành phố Sông Công) bị Công an tỉnh Thái Nguyên xử phạt mỗi người 12,5 triệu đồng theo Điều 64 Nghị định 174/2013 về hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Theo xác minh, ngày 31/1, Nguyễn Thị Hồng Minh đăng trên nhóm Zalo thông báo: "Hiện nay Bệnh viện C có 3 bệnh nhân bị nhiễm cúm corona đến từ Vũ Hán, Trung Quốc. Mong các phụ huynh theo dõi trẻ tại nhà, nếu có biểu hiện sốt, sổ mũi... thì cho trẻ đến khám ngay tại các trung tâm y tế gần nhất, tránh đến những nơi đông người".

Khi đọc được thông tin trên, Ngô Thị Trang đã sao chép và đăng tải lên trang Facebook cá nhân đồng thời kêu gọi mọi người "mạnh tay chia sẻ". Cả hai sau đó đã xóa nội dung sai sự thật.

Hay như trường hợp xảy ra tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sau khi xác minh thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc 2 du khách Trung Quốc nghi bị nhiễm virus corona nhập viện tại Bệnh viện Lê Lợi, TP.Vũng Tàu, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xử phạt hành chính đối tượng Trần Văn Tùng (sinh năm 1998, trú tại phường Thắng Nhất, thành phố Vũng Tàu) với số tiền 30 triệu đồng vì đã có hành vi đăng thông tin sai sự thật.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 30/1, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Sở TT&TT mời chủ tài khoản Facebook Nhàn Lê đến làm việc về việc tung tin sai sự thật trên mạng xã hội liên quan đến dịch do virus corona gây ra. Cơ quan Công an đã lập biên bản vi phạm hành chính và đề xuất mức xử phạt vi phạm hành chính với chủ tài khoản Facebook Nhàn Lê bằng hình thức phạt tiền, số tiền 12,5 triệu đồng theo quy định..

Ngăn chặn những thông tin gây hoang mang

Bộ TTTT vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí, Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tuyên truyền phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra.

Công văn nêu rõ, dịch bệnh do virus corona gây ra đang diễn biến rất phức tạp, rất nghiêm trọng. Ngày 31/1/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh, Bộ TTTT yêu cầu các cơ quan báo chí và Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh.

Cụ thể, Bộ TTTT yêu cầu các cơ quan báo chí bám sát sự chỉ đạo của Ban Bí thư tại công văn 79 ngày 29/1/2020; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 05 ngày 28/1/2020; thông tin do Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra; phản ánh nỗ lực và quyết tâm của các ngành, các cấp và địa phương trong phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với đó, các cơ quan báo chí cần tăng thời lượng, số lượng tin, bài khuyến cáo, hướng dẫn người dân nhận thức đầy đủ nguy cơ và cách thức phòng ngừa dịch bệnh, nâng cao ý thức người dân tuân thủ các khuyến cáo, biện pháp của cơ quan chức năng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Không lơ là, chủ quan nhưng không được gây hoang mang, lo lắng trong xã hội; không để ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại với các nước.

Đồng thời, báo chí cần cập nhật thường xuyên, liên tục, chính xác, đầy đủ trên tất cả loại hình báo chí về diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống, ngăn chặn lây lan dịch bệnh từ nguồn chính thức của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus conora gây ra, của Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền.

Đặc biệt, Bộ TTT lưu ý, các cơ quan báo chí “không sử dụng “tít” và nội dung bài nghi vấn, suy đoán, gán ghép, liên hệ thiếu căn cứ, không đúng bản chất sự việc, thận trọng và phải kiểm chứng thông tin từ các cơ quan chức năng khi khai thác thông tin từ báo chí nước ngoài".

Với hệ thống thông tin cơ sở, Bộ TTTT đề nghị tập trung thời lượng, tần suất tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã những thông tin khuyến cáo người dân và cộng đồng để phòng ngừa, hạn chế dịch bệnh theo tài liệu của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus conora gây ra.

Theo đó, tập trung thông tin khuyến cáo người dân cần hạn chế các hoạt động có nguy cơ gây bệnh và dấu hiệu nhận biết khi nhiễm bệnh để chủ động đi khám, thông báo ngay cho cơ sở y tế khi có các triệu chứng kể trên.

Các Sở TTTT được yêu cầu phải tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở của địa phương; theo dõi thông tin liên tục trên mạng xã hội để phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền chủ động đấu tranh ngăn chặn những thông tin sai sự thật gây hoang mang trong dư luận xã hội về tình hình dịch bệnh và xử lý nghiêm các vi phạm về thông tin phòng, chống dịch bệnh. (Nông thôn Ngày nay, trang 3).

 

Cách ly nghiêm ngặt bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán

Sau khi Việt Nam công bố dịch viêm phổi do chủng mới virus Corona (viêm phổi Vũ Hán)các địa phương tập trung cao độ công tác giám sát, chuẩn bị lực lượng, thuốc men... phòng chống dịch bệnh.

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) được phát hiện lần đầu tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12.2019. Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, tính đến 18 giờ ngày 2.2.2020, tổng số ca nhiễm nCoV (viêm phổi Vũ Hán) trên thế giới là 14.642, trong đó tại Trung Quốc là 14.462 ca; tổng số ca tử vong là 305 (tại Trung Quốc 304 ca, tại Philippines 1 ca); tổng số trường hợp mắc bên ngoài Trung Quốc là 180 trường hợp tại 26 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tại Việt Nam, tính đến 16 giờ chiều qua đã ghi nhận 7 người mắc nCoV, gồm: 2 cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi); 3 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, 1 công dân Việt Nam là lễ tân ở Nha Trang (Khánh Hòa) có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc và bệnh nhân mới nhất là 1 công dân Mỹ gốc Việt trên đường về Việt Nam có quá cảnh tại Vũ Hán.

Sáng 2.2, Bộ Y tế đã công bố ca nhiễm nCoV thứ 7 điều trị tại Việt Nam. Theo đó, ngày 14.1, ông T.K.H (73 tuổi, người Mỹ gốc Việt) bay từ Mỹ về Việt Nam trên chuyến bay ký hiệu 660 của Hãng hàng không China Southern. Ngày 15.1, ông H. quá cảnh tại sân bay của Vũ Hán trong 2 giờ. Ngày 16.1, ông H. về tới sân bay Tân Sơn Nhất và di chuyển đến một khách sạn tại P.5, Q.3 để lưu trú.

Từ ngày 26.1, ông H. có biểu hiện ho nhiều, không sốt. Đến chiều 31.1, ông H. được đưa vào Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới (TP.HCM). Tại đây, ông được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm ngày 1.2 tại BV Bệnh nhiệt đới và Viện Pasteur TP.HCM khẳng định ông H. nhiễm nCoV.

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, cho biết bệnh nhân H. hiện được điều trị cách ly nghiêm ngặt trong phòng áp lực âm. Phòng này không cho không khí tự thoát ra ngoài mà phải thông qua bộ lọc hepafilter trước khi thoát ra, nhằm ngăn sự lây lan virus ra môi trường xung quanh. Còn nhân viên y tế khi vào chăm sóc bệnh nhân phải được trang bị bảo hộ nghiêm ngặt.

“Sáng nay (2.2) bệnh nhân khỏe, ăn được. Bệnh nhân không sốt, nhịp tim thở điều nhưng vẫn phải thở ô xy qua mask, dùng thuốc kháng sinh, kháng virus. Cũng trong ngày 2.2, bệnh nhân được xét nghiệm và chụp X-quang lại phổi”, TS-BS Châu thông tin.

Ngày 1.2, hệ thống phòng dịch của thành phố đã lập tức tiến hành điều tra dịch tễ quá trình lưu trú và tiếp xúc của bệnh nhân H. nói trên. Hiện Trung tâm kiểm soát bệnh tật của TP.HCM đã lập danh sách 15 người từng tiếp xúc với bệnh nhân H., gồm 7 nhân viên và 8 khách đang lưu trú trong khách sạn để theo dõi tình trạng sức khỏe đến hết ngày 15.2.

“Những người này hiện chưa có biểu hiện bất thường về sức khỏe và được hướng dẫn tự cách ly. Hệ thống phòng dịch đang tiến hành điều tra các địa điểm bệnh nhân lui tới và 26 khách đã lưu trú tại khách sạn trong thời gian bệnh nhân lưu trú mà đã trả phòng. Đối với phòng bệnh nhân đã lưu trú khách sạn đã thực hiện khử khuẩn; Đồng thời khử khuẩn toàn bộ khách sạn, đặc biệt là hệ thống máy lạnh, hành lang, khu vực tiếp tân, các vật dụng cầm tay của người bệnh”, lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật của TP.HCM nói và cho biết thêm, trung tâm tiếp tục tăng cường công tác giám sát tại khách sạn và các khu vực có liên quan.

Nhiều BV lập khu cách ly tách biệt

Trong chiều 2.2, Sở Y tế TP.HCM đã họp với các đơn vị liên quan để bàn kế hoạch phòng chống dịch. PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chỉ đạo tất cả cơ sở y tế trực thuộc khẩn trương và sẵn sàng triển khai khám sàng lọc và tiếp nhận điều trị người bệnh nghi ngờ nhiễm nCoV; tổ chức diễn tập quy trình cho nhân viên y tế có tham gia khám, theo dõi, điều trị và quản lý người nghi ngờ mắc bệnh để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống dịch bệnh xảy ra tại đơn vị.

Các BV, đơn vị y tế khi cần thực hiện xét nghiệm chẩn đoán ca nghi nhiễm nCoV thì lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Pasteur TP.HCM và BV Bệnh nhiệt đới TP (giúp gợi ý chẩn đoán khi chưa có kết quả của Viện Pasteur); hạn chế vận chuyển người bệnh khi chưa cần thiết. Khi người nghi nhiễm có diễn biến nặng hoặc xác định dương tính với nCoV thì chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới. Trường hợp BV Bệnh nhiệt đới sử dụng hết giường dự phòng, người bệnh được chuyển đến BV Chợ Rẫy hoặc 3 BV nhi của TP.HCM (Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP). Trung tâm cấp cứu 115 và các trạm cấp cứu vệ tinh của TP.HCM chịu trách nhiệm khám sàng lọc và vận chuyển bệnh nhân cấp cứu ngoài BV về BV Bệnh nhiệt đới...

BV Bệnh nhiệt đới và BV Nhi đồng thành lập 2 đội cơ động phản ứng nhanh tại mỗi BV. BV Nhi đồng 2 thành lập 1 đội cơ động. Các đội cơ động phản ứng nhanh được trang bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, thuốc cấp cứu theo đúng quy định và chịu trách nhiệm hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị trên địa bàn TP và khu vực phía nam khi có yêu cầu và điều động của Bộ Y tế. BV Bệnh nhiệt đới chịu trách nhiệm tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do nCoV mới ban hành của Bộ Y tế cho các BV trên địa bàn TP và các phòng khám đa khoa.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, cho biết dù BV đang sửa chữa nhưng cũng đã chuẩn bị sẵn sàng 7 giường bệnh cách ly, có đầy đủ ô xy, thuốc men, thiết bị. Bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi đồng 2, cũng cho biết BV đã sẵn sàng 30 giường bệnh cách ly tại khoa nhiễm, trong đó có 10 giường dành cho bệnh nhân nặng. Sức chứa tối đa của Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 là 200 giường, khi cần thiết có thể trưng dụng cách ly vì khoa này nằm riêng biệt, không ảnh hưởng đến khoa khác.

Với vai trò một “đầu mối” điều trị, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết tại BV khu cách ly được chia 2 khu vực, nhiều phòng. “Người nghi ngờ sẽ nằm khu riêng với bệnh nhân đã xác định dương tính. Muốn vào phòng bệnh phải qua 2 - 3 lớp cửa, có buồng đệm để thay đồ tránh lây nhiễm”, TS-BS Châu nói và cho biết BV Bệnh nhiệt đới đã thực hiện nghiêm ngặt quy trình tiếp nhận, cách ly, lấy mẫu xét nhiệm các bệnh nhân nghi nhiễm nCoV. Các bệnh nhân nghi nhiễm sẽ được đưa vào Khoa Nhiễm D (50 giường) để cách ly, theo dõi và điều trị. Nếu số bệnh tăng vượt khả năng tiếp nhận, sẽ bố trí phù hợp tại các khoa khác. Hiện tại, BV bảo đảm đủ thuốc, dịch truyền, trang thiết bị y tế phục vụ điều trị bệnh và trang bị bảo hộ cho nhân viên y tế. BV cũng đang được Bộ Y tế, UBND TP, Sở Y tế hỗ trợ khẩn cấp để có thể ứng phó hiệu quả nếu số lượng bệnh tăng lên.

“Do đã nhiều lần tiếp nhận bệnh nhân mắc hoặc nghi ngờ mắc các bệnh dịch nguy hiểm (H5N1, Ebola, MerCoV...) và được phòng hộ lây lan tốt nên tâm lý các nhân viên y tế tại BV vẫn ổn định và sẵn sàng chiến đấu chống dịch với quyết tâm cao nhất”, TS-BS Châu khẳng định.

Hàng ngàn cuộc gọi đến đường dây nóng

Từ 7 giờ sáng 2.2, Bộ Y tế thêm 1 tổng đài đường dây nóng tư vấn miễn phí về phòng, chống dịch bệnh nCoV đi vào hoạt động là 1900 9095. Đường dây nóng mới này hoạt động song song với tổng đài 1900 3228 được công bố trước đó, hoạt động 24/7. Trong ngày 2.2 có 21 người trực online, đến 15 giờ cùng ngày, đã tiếp nhận 5.511 cuộc gọi đến, thời điểm cao nhất là 1.209 cuộc gọi/giờ; kết nối thành công ước đạt 95,1%. Có đến 80% cuộc gọi tập trung vào các nội dung sau: dấu hiệu triệu chứng của bệnh và cách phòng chống; phát hiện về người nghi nhiễm bệnh và khai báo y tế; thủ tục nhập cảnh trong thời gian có dịch; thông tin phát hiện nơi bán khẩu trang giá cao và tình hình khẩu trang khan hiếm trên thị trường; các địa chỉ xét nghiệm viêm phổi Vũ Hán...(L.Châu). (Thanh niên, trang 1).

 

Khánh Hòa đề nghị có phương án đưa hơn 5.000 người Trung Quốc về nước

Hầu hết những người Trung Quốc này là du khách theo tour của các công ty lữ hành quốc tế hoặc du khách tự do; số còn lại là nhà đầu tư, lao động được cấp phép làm việc tại tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 2.2, ông Nguyễn Đắc Tài, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch đối phó diễn biến dịch bệnh nCoV với 3 cấp độ khác nhau: cấp độ 1 khi chưa ghi nhận ca bệnh tại tỉnh; cấp độ 2 là có ca nhiễm; cấp độ 3 là dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Mỗi cấp độ đều đề ra kịch bản và kế hoạch rất cụ thể về công tác chỉ đạo điều hành, giám sát theo dõi và điều trị, truyền thông, hậu cần, trang thiết bị… đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch.

Sau khi Bộ Y tế công bố dịch bệnh nCoV tại Khánh Hòa, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương chuyển sang thực hiện công tác ứng phó với dịch bệnh nCoV ở cấp độ 2. Tỉnh giao Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa, BV Da liễu, BV Lao - Phổi là 3 cơ sở tiếp nhận cách ly, điều trị và theo dõi những ca nghi nhiễm.

UBND tỉnh cũng tăng cường khuyến cáo phụ huynh, học sinh các biện pháp phòng bệnh. Các ngành liên quan tổ chức kiểm tra các cơ sở, cá nhân lợi dụng tình hình hiện nay để găm hàng, đầu cơ, tăng giá, đặc biệt là khẩu trang y tế và hóa chất khử trùng, khử khuẩn; khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm. Các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền để người dân biết cách phòng chống bệnh, nhưng cũng không làm hoảng loạn.

Trong ngày 2.2, ông Nguyễn Đắc Tài đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại 3 BV nói trên; đánh giá cao sự chủ động của 3 BV trong việc đối phó với dịch bệnh nCoV, đồng thời lưu ý dịch đang diễn biến khó lường, các BV phải luôn ứng trực sẵn sàng khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

Trong một diễn biến liên quan, chiều 2.2, ông Nguyễn Đắc Tài cho biết UBND tỉnh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét, chỉ đạo Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan có phương án để đưa hơn 5.000 người Trung Quốc đang “kẹt” tại Khánh Hòa về nước. Hầu hết trong số người Trung Quốc này là du khách theo tour của các công ty lữ hành quốc tế hoặc du khách tự do; số còn lại là nhà đầu tư, lao động người Trung Quốc được cấp phép làm việc tại tỉnh Khánh Hòa có nhu cầu về nước. Hiện các chuyến bay đi và đến Trung Quốc đang tạm dừng nên số người trên còn bị “kẹt” lại. (Thanh niên, trang 3).

 

Học sinh Hà Nội nghỉ học từ 3-2 đến 9-2-2020 tránh lây lan virus corona

Tối 2/2, thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, 2 triệu học sinh Hà Nội sẽ chính thức nghỉ học từ ngày mai 3/2 tới 9/2 để tránh lây nhiễm virus Corona.

Theo đó, để phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới, Sở GDĐT thông báo cho các trường THPT, THCS, tiểu học, mầm non và Trung tâm GDNN-GDTX được nghỉ học từ ngày 03/02/2020 đến hết ngày 09/02/2020. Sở đề nghị các Phòng GDĐT, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục thông báo kịp thời cho toàn thể học sinh và cha mẹ học sinh được biết. Để phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút Corona mới, Sở GDĐT thông báo cho các trường THPT, THCS, TH, MN và Trung tâm GDNN được nghỉ học từ ngày 03/02/2020 đến hết ngày 09/02/2020.  Đề nghị các Phòng GDĐT, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục thông báo kịp thời cho toàn thể HS và CMHS được biết

Được biết, ngày 2/2 Văn phòng Chính phủ đã chính thức có công văn đồng ý với đề nghị của Bộ GD-ĐT ngày 1/2 về việc xin ý kiến chỉ đạo cho phép học sinh, sinh viên nghỉ học phòng chống dịch nCoV.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn các địa phương về việc cho trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mầm non và học sinh phổ thổng tạm nghỉ học, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Trước đó, ngày 1/2, nhiều trường tư thục ở Hà Nội cũng đã thông báo cho học sinh nghỉ học 1 tuần như THCS FPT, THCS Alpha, Vinschool...

Trong khi đó, nhiều trường ĐH cũng đã thông báo điều chỉnh theo hướng kéo dài đợt nghỉ Tết của sinh viên thêm 1 tuần. Thông tin mới nhất từ Bộ GD-ĐT, nhiều trường ĐH đã điều chỉnh lịch học muộn hơn so với Kế hoạch. Cụ thể, trong 191 trường đã báo cáo có 70 trường điều chỉnh lịch học từ 3/2 lên đến 10/2; có trường đến 17/2. 67 trường không điều chỉnh lịch học do kế hoạch trước đó đã cho học sinh nghỉ đến hết 10/2; có trường đến hết ngày 7-17/2;

54 trường không điều chỉnh lịch, giữ lịch học từ 31/1 đến 4/2; trong đó chủ yếu là các trường quân đội hoặc có lịch học ANQP, đổi sang lịch học lâm sàng tại bệnh viện… hoặc đang cân nhắc tình hình địa phương.

Thông tin mới nhất từ Bộ GD-ĐT, tính đến 20h30 ngày 2/2, 19 tỉnh/thành phố đã báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về việc quyết định cho học sinh nghỉ học để phòng dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.

Trong số 19 tỉnh/thành phố cho học sinh nghỉ học đến thời điểm này có 15 tỉnh cho học sinh nghỉ một tuần (từ 3-9/2) gồm: Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hà Nội, Long An, Kiên Giang, Bình Thuận, Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Hà Giang, Đồng Nai (riêng thành phố Biên Hòa nghỉ 2 ngày 3, 4/2); 2 tỉnh cho  học sinh nghỉ 2 ngày (3, 4/2) gồm: Hậu Giang, Cao Bằng; 1 tỉnh cho học sinh nghỉ 3 ngày (3, 4, 5/2) là Tiền Giang; 1 tỉnh cho học sinh nghỉ học từ ngày 3/2 đến khi có thông báo mới là Khánh Hòa. (An ninh Thủ đô, trang 8).

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 1: “Phòng chống dịch do virus corona: Nhiều học sinh được nghỉ học”.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang