Ngày 15/1/2016, tại Hà Nội, Ngành Y tế tổ chức Hội nghị “Tổng kết công tác y tế năm 2015, kế hoạch năm 2016 và nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2016-2020”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến dự Hội nghị.
Năm 2015, ngành Y tế đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, với những chính sách quyết liệt, có hiệu quả, mang tính đột phá trong việc thực hiện các chương trình, đề án, chính sách, các nhiệm vụ chủ yếu trong Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân 5 năm và hàng năm, 7 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế nhiệm kỳ 2011-2016. Tình trạng sức khỏe của người dân được cải thiện đáng kể thể hiện qua các chỉ số sức khỏe cơ bản như: tuổi thọ trung bình tăng từ 72,9 tuổi năm 2010 lên 73,3 tuổi năm 2015; tỉ số tử vong mẹ giảm từ 68/100.000 trẻ sinh sống năm 2010 xuống khoảng 58,3/100.000 trẻ sinh sống năm 2015; tỉ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 15,8‰ năm 2010 xuống còn 14,73‰ năm 2015; tỉ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 23,8‰ năm 2010 xuống còn 22,12‰ năm 2015; tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 17,5% năm 2010 xuống khoảng 14,1% năm 2015. Hầu hết các chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch 5 năm 2011-2015 và các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ liên quan đến y tế đã đạt và vượt mức kế hoạch.
Công tác xây dựng luật, văn bản dưới luật, chiến lược, chính sách quan trọng đã được xây dựng và ban hành tạo tiền đề cho việc triển khai các hoạt động; bộ máy tổ chức từ Trung ương đến địa phương tiếp tục được củng cố và kiện toàn; chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế ngày càng tăng cao. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, đã triển khai việc xử lý văn bản điện tử tới tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, công bố 20 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 10 dịch vụ công mức độ 4 thuộc các lĩnh vực an toàn thực phẩm, quản lý trang thiết bị y tế, quản lý dược, quản lý môi trường y tế.
Về công tác y tế dự phòng, ngành Y tế đã phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương nỗ lực ngăn chặn kịp thời nhiều dịch bệnh dịch trong nước bùng phát, kiểm soát không để các dịch bệnh mới nổi như Ebola, H7N9, MERS-CoV... xâm nhập vào Việt Nam. Bước đầu dự phòng và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm có hiệu quả. Công tác an toàn thực phẩm được củng cố, công tác phối hợp liên ngành phòng chống mất an toàn, vệ sinh thực phẩm diễn ra thường xuyên, liên tục.
Công tác khám chữa bệnh cũng có những chuyển biến rõ rệt, được người dân đánh giá cao. Các chỉ tiêu tổng hợp như số lần khám bệnh, số người bệnh điều trị nội trú, ngoại trú; số ngày điều trị nội, ngoại trú, số phẫu thuật, thủ thuật năm sau tăng hơn so với năm trước, đạt bình quân 2,34 lượt khám/người/năm. Số giường bệnh trên vạn dân tăng từ 21,5 giường năm 2011 lên 24 giường năm 2015 (nếu tính số giường bệnh thực kê thì tăng từ 24,7 lên 31,4 giường bệnh trên vạn dân). Quy trình khám bệnh đã giảm từ 12-14 bước xuống còn 4-8 bước tùy theo loại hình khám bệnh, so với năm 2012 thời gian khám bệnh giảm trung bình 48,5 phút trên một lượt khám bệnh. Hoạt động hiệu quả của mô hình bệnh viện vệ tinh giúp giảm tỷ lệ chuyển tuyến đạt từ 65 đến 100% số ca chuyển tuyến ở những chuyên khoa thực hiện chuyển giao kỹ thuật ở các bệnh viện vệ tinh.
Ngành Y tế cũng chú trọng củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; đóng góp kiện toàn hệ thống chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, tiếp tục thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Ngoài ra, các lĩnh vực khác của ngành Y tế cũng được đẩy mạnh góp phần vào những thành tựu chung như công tác y tế cơ sở, thanh kiểm tra, truyền thông giáo dục sức khỏe, hợp tác quốc tế, y học cổ truyền, dân số-kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe bà mẹ trẻ em, tài chính y tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao kết quả đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực công tác của của ngành Y tế trong thời gian qua. Mặc dù, phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nhưng toàn thể cán bộ, nhân viên ngành Y tế đã nỗ lực vươn lên, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Thủ tướng yêu cầu toàn ngành Y tế phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa, vươn lên nhằm rút ngắn khoảng cách so với các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Để làm được điều này, Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế cần làm tốt công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân; thực hiện tốt công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục tập trung nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác khám chữa bệnh cho người dân ở các tuyến gắn với việc giảm tải các bệnh viện; chăm lo đào tạo đội ngũ thầy thuốc có năng lực chuyên môn cao, đồng thời có đạo đức tốt; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục công tác cải cách hành chính theo hướng mang đến nhiều tiện, ích nhất cho người dân; tiếp tục triển khai xây dựng các bệnh viện vệ tinh, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Giai đoạn 2016-2020, ngành Y tế xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quả tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; kiện toàn củng cố tổ chức, nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát triển đội ngũ bác sĩ gia đình, lồng ghép mô hình bác sĩ gia đình vào y tế cơ sở; đẩy mạnh hoạt động y tế dự phòng, kiểm soát các yếu tố có hại cho sức khỏe; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới công tác đào tạo hướng đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế; tiếp tục đổi mới toàn diện thái độ, phong cách ứng xử hướng đến sự hài lòng của người bệnh; hoàn thiện đổi mới cơ chế tài chính, hỗ trợ trực tiếp cho người dân để khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế gắp với lộ trình tính đúng, tính đủ; phát triển công nghiệp dược, quản lý an toàn, có hiệu quả trong các lĩnh vực an toàn thực phẩm, dược, vắc xin, sinh phẩm và trang thiết bị y tế; đổi mới, củng cố hoàn thiện hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương theo quy hoạch phát triển hệ thống y tế Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo hướng giảm đầu mối, phù hợp và hội nhập quốc tế nhăm sử dụng hiệu qua nguồn nhân lực các tuyến; nâng cao hiệu quả, tính chủ động của công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, xây dựng cơ chế phối hợp và xác định trách nhiệm cụ thể trong công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe giữa các đơn vị chức năng, qua đó, nâng cao kiến về chăm sóc sức khỏe để người dân chủ động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Bài, ảnh: Như Hiển