Những quan niệm sai lầm trong dân gian về bệnh:
Viêm gan virus B là một bệnh do virus viêm gan B gây ra, có thể bệnh cấp tính hoặc mạn tính. Virus này có 8 genotype khác nhau từ A, B, C, D, E, F, G, H. Trên thế giới có khoảng 1/3 dân số tức là trên 2 tỉ người bị nhiễm virus viêm gan B và khoảng 350 triệu người trong số họ trở thành mang virus mạn tính [1]. Châu Á là vùng có tỉ lệ viêm gan virus B mạn tính cao với trên 8% dân số. Còn vùng bắc Âu và Mỹ tỉ lệ bị viêm gan virus B mạn tính thấp dưới 0,5%. Vùng đông Âu , Nga Và nhật Bản có tỉ lệ mắc viêm gan virus mạn tính ở mức độ trung bình, từ 2-7 %. Việt Nam có tỉ lệ mắc viêm gan virus B mạn tính khoảng 12 % dân số [2], vùng có tỉ lệ thấp như Thái Nguyên khoảng 8,8% [3], Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 10-14 % [4],[5] và cao nhất là 19% như ở Thái Bình [6]. Ở người lớn bị mắc viêm gan virus B cấp tính có khả năng khỏi bệnh cao hơn rất nhiều so với trẻ em. Nếu ở người lớn bị mắc viêm gan virus B cấp tính thì trên 95% số trường hợp sẽ khỏi hoàn toàn, còn lại chỉ dưới 5% trở thành viêm gan virus B mạn tính. Nếu trẻ nhũ nhi nhiễm virus viêm gan B chỉ còn dưới 30% khỏi hoàn toàn, nếu trẻ nhiễm do lây truyền từ mẹ sang, thì chỉ còn dưới 5% khỏi hoàn toàn [7], còn lại trên 95% những trẻ em lây truyền từ mẹ sẽ mang virus viêm gan B suốt đời và 40% trong số này có nguy cơ sẽ chết vì bệnh xơ gan và ung thư gan [8]. Nếu trẻ em bị nhiễm virus viêm gan B sau khi sinh trong độ tuổi từ sau 1 tuổi đến 6 thì 70% số trẻ này sẽ khỏi hoàn toàn[9].
Đường lây truyền của viêm gan virus B:
Lây truyền qua đường máu: dễ lây truyền gấp 50-100 lần so với HIV [10], hay gặp do truyền máu và chế phấm của máu có nhiễm virus viêm gan B, dùng kim tiêm chung mà chưa được khử trùng theo đúng tiêu chuẩn.
Lây truyền qua quan hệ tình dục có thể gặp[10].
Truyền từ mẹ sang con: Virus được truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh đẻ, trong thời kỳ mang thai và trong khi sinh. Nếu trong cơ thể mẹ có virus viêm gan B thì khả năng lây truyền từ mẹ sang con là 50 - 90% (nếu không được điều trị dự phòng cho con) tùy theo nồng độ virus trong huyết thanh của mẹ cao hay thấp và người mẹ có HBeAg dương tính hay âm tính. Đây là con đường lây truyền nguy hiểm cần phải phòng tránh.
Con sinh ra từ người mẹ có viêm gan virus B hoàn toàn toàn có thể bú mẹ bình thường nếu được tiêm dự phòng đầy đủ sau sinh[11].
Lây bệnh giữa các thành viên trong gia đình ít gặp, chủ yếu là do tiếp xúc trực tiếp của vùng da, niêm mạc vị tổn thương với chất dịch bài tiết hoặc nước bọt của người bị viêm gan virus B[12].
Khoảng 30% người lớn bị nhiễm virus viêm gan mà không xác định rõ nguồn lây[13].
Diễn biến của nhiễm viêm gan virus B
Sau khi nhiễm virus viêm gan B, điển hình thì người bệnh có biểu hiện cấp tính của bệnh, đó là: mệt mỏi, chán ăn, sợ mùi thức ăn đặc biệt là thức ăn có nhiều chất béo và nhiều chất đạm đạm (trứng, thịt, cá), đau mỏi toàn thân, đi tiểu nước tiểu sẫm màu như nước trà đặc hoặc nước vối tiếp sau đó da và củng mạc mắt vàng tăng dần. Sau 1-2 tháng diễn biến bệnh nhân dần hồi phục.Tuy nhiên, trong giai đoạn viêm gan cấp có một tỉ lệ rất ít bệnh nhân có thể viêm gan nặng và suy gan dẫn tới tử vong. Cũng có bệnh nhân nhiễm viêm gan virus B mà không hề có biểu hiện triệu chứng rõ ràng, nên bệnh nhân không được chẩn đoán và điều trị. Nhiễm virus viêm gan B cũng có thể gây viêm cầu thận màng, tổn thương cầu thận thường gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn[15],[16].
Khoảng 5% số người lớn sau khi bị viêm gan virus B cấp tính sau 6 tháng vẫn chưa sạch virus mà chuyển sang giai đoạn mạn tính. Trong trường hợp điển hình viêm gan virus B mạn tính bệnh nhân có từng đợt: mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu, đau vùng gan, có thể có vàng da, khi đi khám bệnh thường được phát hiện có gan to chắc. Thật không may mắn cho người bệnh, ở giai đoạn mạn tính hầu như không có biểu hiện các triệu chứng mặc dù bệnh vẫn tiến triển âm thầm dẫn tới xơ gan và ung thư gan.
Phần lớn trẻ em bị lây truyền virus viêm gan B từ mẹ đều không có triệu chứng, khi phát hiện được đã là viêm gan mạn hoặc xơ gan.
Cách xác định có bị nhiễm virus viêm gan B hay không?
Muốn biết mình có nhiễm virus viêm gan B chỉ cần xét nghiệm HBsAg trong máu. Nếu kết quả cho thấy có dương tính với HBsAg tức là mình đã bị nhiễm virus viêm gan B. Nếu xét nghiệm cho kết quả âm tính với HBsAg mà có dương tính với Anti-HBs có nghĩa là mình đã có nhiễm virus viêm gan B nhưng đã khỏi và hiện tại đã có miễn dịch với virus viêm gan B. Nếu xét nghiệm cho kết quả âm tính với HBsAg mà đồng thời có âm tính với Anti-HBs thì trường hợp này cần phải đi tiêm phòng vì cơ thể chưa bị nhiễm virus viêm gan B và cũng chưa có khả năng miễn dịch với bệnh.
Sau khi có viêm gan virus B cấp tính nếu sau 6 tháng mà xét nghiệm HBsAg vẫn dương tính tức là người đó đã chuyển sang giai đoạn mạn tính.
Điều trị viêm gan virus B
Phần lớn viêm gan virus B cấp tính không cần dùng thuốc đặc hiệu để điều trị virus, vì 95% số trường hợp mắc bệnh ở người lớn hoặc trẻ em lớn bệnh sẽ khỏi hoàn toàn. Trong giai đoạn cấp tính người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi, đảm bảo dinh dưỡng tốt bệnh sẽ dần hồi phục. Theo khuyến cáo của hội gan mật Hoa kỳ (American association for the study of liver diease –AASLD) viêm gan virus B mạn tính chỉ điều trị khi men gan ALT (Alanine aminotranferase) tăng cao trên 2 lần trở lên so với bình thường [17]. Trên thế giới ngày ALT đối với người khỏe mạnh bình thường < 30 IU/ml đối với nam giới và <19 IU/ml đối với nữ giới. Trong trường hợp ALT cao ít hơn hoặc không cao mà khi sinh thiết gan cho thấy có viêm hoại tử nhiều hoặc xơ nhiều thì cũng có chỉ định điều trị.
Các thuốc điều trị viêm gan: có hai nhóm thuốc đó là các thuốc uống có nguồn gốc nucleoside và thuốc tiêm là các interferon. Các thuốc nucleoside bao gồm: Lamivudine, Adefovir, Telbuvidine, Entecavir, Tenofovir. Những thuốc này dễ sử dụng nhưng phải dùng thuốc kéo dài. Các thuốc interferon gồm có Interferon-α và Peg-interferon α. Những thuốc tiêm này ít có hiệu quả đối với người Việt Nam bị viêm gan virus B mạn tính bởi vì nhóm thuốc này có tác dụng tốt với viêm gan virus B mạn tính do genotype A mà người Việt Nam chủ yếu là genotype B và C gây ra.
Phòng ngừa bệnh và biến chứng
Đối với người chưa có miễn dịch với virus viêm gan B có nghĩa là xét nghiệm cả HBsAg và Anti- HBs đều âm tính, cần tiêm phòng.
Đối với trẻ em sinh ra từ mẹ mà xét nghiệm có HBsAg dương tính cần được dùng globulin miễn dịch và tiêm phòng vaccine trong vòng 24 giờ ngay sau khi sinh sẽ giúp giảm 86- 99% số trường hợp lây truyền từ mẹ sang con[18].
Khi người mẹ mang thai mà có nông độ virus viêm gan B trong huyết thanh cao thì khả năng truyền từ mẹ sang con trong khi sinh là rất lớn [19]. Những người mẹ có nồng độ HBV DNA > 10 6 copies/ml, ALT tăng hoặc mẹ có HBeAg dương tính cũng làm tăng khả năng lây từ mẹ sang con, vì vậy cần phải điều trị để ức chế virus. Các thuốc telbuvidine và tenofovir được phân loại là thuốc an toàn nhóm B đối với thai nhi (không gây dị dạng tới thai nhi ở người). Theo hướng dẫn của hội gan mật Hoa Kỳ lamivudine, telbuvidine và tenofovir có thể dùng được trong 3 tháng cuối của thai kỳ, tuy nhiên, nhóm lamivudine có tỉ lệ kháng thuốc cao không nên dùng.
Đối với những người viêm gan virus B mạn tính mà chưa có chỉ định điều trị cần theo dõi thường xuyên cứ 3-6 tháng một lần bằng xét nghiệm ALT trong máu, αFP và siêu âm gan.
Không dùng dao cạo râu và bàn chải đánh răng chung với người có nhiễm virus viêm gan B.
Trước khi kết hôn cần xét nghiệm HBsAg và Anti- HBs nếu vợ hoặc chồng có nhiễm virus viêm gan B mà người kia chưa có miễn dịch (Anti- HBs âm tính) cần tiêm phòng trước khi kết hôn.
Những quan niệm sai lầm trong dân gian
Bệnh viêm gan B là bệnh di truyền vì thế thường thấy nhiều người trong gia đình cùng bị bệnh
Quan điểm khoa học: Đây là bệnh truyền nhiễm không phải bệnh di truyền, tuy nhiên nếu mẹ bị nhiễm bệnh sẽ có nguy cơ cao lây truyền sang con trong quá trình sinh đẻ, nhưng có thể hạn chế tới 99% nguy cơ này nếu dự phòng đúng cách.
Ăn uống chung hoặc tiếp xúc với người bị viêm gan B sẽ bị lây
Quan điểm khoa học: viêm gan B không lây theo đường ăn uống giống viêm gan virus A, E nên khi ăn chung không bị lây truyền. Vì bệnh chỉ lây theo đường máu nên trong gia đình không được dùng dao cạo râu và bàn chải đánh răng chung với người có nhiễm virus viêm gan B.
Các loại thảo dược như: thuốc bắc, thuốc nam có thể điều trị khỏi hoàn toàn viêm gan virus B
Quan điểm khoa học: Cho tới nay chưa có công trình khoa học đáng tin cậy nào cho thấy thuốc nam hoặc thuốc bắc có thể chữa khỏi hoàn toàn viêm gan virus B. Viêm gan virus B cấp tính không cần điều trị gì đặc hiệu sau 3-6 tháng 90% số người mắc bệnh sẽ khỏi hoàn toàn. Ở những người viêm gan virus B mạn tính khi dùng thuốc nam hoặc thuốc bắc có thể cải thiện tình trạng chung như: ăn ngon, ngủ tốt hơn nhưng ngày nay khi các phương tiện xét nghiệm hiện đại cho phép đo được nồng độ virus viêm gan B trong máu cho thấy thực chất virus vẫn nhân lên trong cơ thể và gây tổn thương gan.
Cục quản lý dược và thực phẩm của Hoa Kỳ (FDA) cho thấy có nhiều thuốc có nguồn gốc thảo dược có thể gây viêm gan do đó đã cấm sử dụng một số thảo dược như: Ma Huang, Kava, Ephedrine, Germander, Jin Bu Huan, Sassafra, v.v. Vì vậy không sử dụng thảo dược để điều trị viêm gan virus B. Ngày nay có rất nhiều thuốc điều trị đặc hiệu cho viêm gan virus B bằng đường uống, đã được y học chứng minh có kết quả tốt.
Tất cả người viêm gan B đều sẽ chết vì xơ gan và ung thư gan
Quan điểm khoa học: Ở người lớn viêm gan virus B cấp tính thì trên 95% số trường hợp sẽ khỏi hoàn toàn còn lại chỉ 10% trở thành viêm gan virus B mạn tính, mà chỉ có viêm gan virus mạn tính không được theo dõi và điều trị mới gây ra xơ gan và ung thư gan.
Người bị viêm gan virus mạn tính phải có biểu hiện: đau vùng gan, không ăn được, sụt cân, vàng da
Quan điểm khoa học: Hầu hết bệnh nhân bị viêm gan virus B mạn tính không có biểu hiện ra ngoài mặc dù bệnh vẫn tiến triển âm thầm dẫn tới xơ gan và ung thư gan.
Cứ tiêm phòng virus viêm gan B là không bị viêm gan virus B
Quan điểm khoa học: Tiêm vaccine phòng bệnh chỉ có tác dụng khi người đó chưa có nhiễm virus viêm gan B và sau tiêm phải tạo ra được nồng độ kháng thể Anti-HBs > 10 IU/l mới có tác dụng phòng mắc bệnh vì vậy trước khi tiêm phòng cần xét nghiệm HBsAg và Anti-HBs. Nếu một người xét nghiệm cho kết quả âm tính với HBsAg, chưa tiêm phòng trước đó, mà đồng thời có âm tính với Anti-HBs hoặc nồng độ Anti-HBs thấp < 10 IU/l thì cần phải đi tiêm phòng vì cơ thể chưa bị nhiễm virus viêm gan B và cũng chưa có khả năng miễn dịch với bệnh. Tuy nhiên, gần đây nhiều nhà khoa học cho rằng chỉ cần tiêm đủ liều vaccine đều có tác dụng phòng ngừa nhiễm virus viêm gan B ngay cả khi không tạo được nồng độ kháng thể cần thiết (Anti-HBs), thậm chí kể cả trường hợp không tạo được kháng thể. Nếu có HBsAg dương tính việc tiêm phòng không có tác dụng dự phòng.
Khi xét nghiệm mà có HBsAg dương tính phải kiêng ăn các thức ăn có nhiều đạm và chất béo như thịt cá, trứng, sữa…
Quan điểm khoa học: Đối với những người không bị béo không phải kiêng thức ăn gì đặc biêt họ có thể ăn uống bình thường và không dùng đồ uống có cồn như: bia, rượu.
Tài liệu tham khảo
1."Hepatitis B Fact sheet N°204". who.int. July 2014. Retrieved 4 November 2014
2.WHITE LETTER Liver Diseases in Viet Nam: Screening, Surveillance, Management and Education. A Five-Year Plan and Call to Action. Hue-Viet Nam, 23 March 2010
3.Duong TH, Nguyen PH, Henley K et al. Risk factors for hepatitis B infection in rural Vietnam. Asian Pacific J Cancer Prev. 2009;10:97-102.
4Tran HT, Ushijima H, Quang VX et al. Prevalence of hepatitis virus types B through E and genotypic distribution of HBV and HCV in Ho Chi Minh City, Vietnam. Hepatol Res. 2003;26:275-280.
5.Nakata S, Song P, Duc DD et al. Hepatitis C and B virus infections in populations at low or high risk in Ho Chi Minh and Hanoi, Vietnam. J Gastroenterol Hepatol. 1994;9:416-419.
6.Nguyen VT, McLaws ML, Dore GJ. Highly endemic hepatitis B infection in rural Vietnam. J Gastroenterol Hepatol. 2007;22:2093-2100.
7.Bell SJ, Nguyen T (2009). "The management of hepatitis B" (PDF). Aust Prescr 23 2009 (4): 99–104
8Dienstag JL (2008). "Hepatitis B Virus Infection". New England Journal of Medicine 359 (14): 1486–1500.
9.Kerkar N (2005). "Hepatitis B in children: complexities in management". Pediatric transplantation 9 (5): 685–69.
10.Hepatitis B FAQs for the Public". Centers for Disease Control and Prevention. Retrieved 2015-08-24
11. Shi Z, Yang Y, Wang H, Ma L, Schreiber A, Li X, Sun W, Zhao X, Yang X, Zhang L, Lu W, Teng J, An Y (2011). "Breastfeeding of Newborns by Mothers Carrying Hepatitis B Virus: A Meta-analysis and Systematic Review". Archives of Pediatrics and Adolescent Medicine 165 (9): 837–846.
12.Hepatitis B – the facts: IDEAS –Victorian Government Health Information, Australia". State of Victoria. 2009-07-28.
13 Shapiro CN (May 1993). "Epidemiology of hepatitis B". Pediatr. Infect. Dis. J. 12 (5): 433–437.
14.Terrault N, Roche B, Samuel D (July 2005). "Management of the hepatitis B virus in the liver transplantation setting: a European and an American perspective". Liver Transpl. 11 (7): 716–32
15.Lai KN, Li PK, Lui SF, Au TC, Tam JS, Tong KL, Lai FM (May 1991). "Membranous nephropathy related to hepatitis B virus in adults". The New England Journal of Medicine 324 (21): 1457–63.
16.Takekoshi Y, Tanaka M, Shida N, Satake Y, Saheki Y, Matsumoto S (November 1978). "Strong association between membranous nephropathy and hepatitis-B surface antigenaemia in Japanese children". Lancet 2 (8099): 1065–8.
17.Anna S. F. Lok and Brian J. McMahon. AASLD Practice Guidelines: Chronic Hepatitis B: Update 2009. Hepatology, September 2009.
18.Wong, F; Pai, R; Van Schalkwyk, J; Yoshida, EM (2014). "Hepatitis B in pregnancy: a concise review of neonatal vertical transmission and antiviral prophylaxis.". Annals of hepatology 13 (2): 187–95
19.Hepatitis B in pregnancy: a concise review of neonatal vertical transmission and antiviral prophylaxis.
BS.TS. Vũ Trường Khanh
Phó trưởng khoa Tiêu Hóa, Bệnh viện Bạch Mai